Ngày Thứ Năm Tuần Thánh năm vừa qua (02-04-2015), Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã đến nhà tù Rebbibia ở Rô-ma để cử hành Thánh Lễ Tiệc Ly và rửa chân cho các tù nhân. Trước khi bước vào nhà nguyện của nhà tù, Đức Thánh Cha đã dừng lại khá lâu để chào hỏi các nhân viên nhà tù và các tù nhân. Nhiều người đã xúc động ôm lấy Đức Thánh Cha. Trong thánh lễ hôm ấy, theo thông lệ, ngài đã rửa chân cho 12 tù nhân gồm cả nam lẫn nữ và thuộc nhiều quốc tịch khác nhau. Khi được Vị Chủ Chăn của Giáo Hội hoàn vũ quỳ xuống rửa chân và hôn chân, nhiều tù nhân đã rơi lệ vì họ quá đỗi bất ngờ và cảm động trước cử chỉ yêu thương mà ngài dành cho họ.
Cử chỉ yêu thương và phục vụ của vị Giáo Hoàng đơn sơ, khiêm hạ này đã phần nào họa lại gương mặt yêu thương phục vụ và hy sinh đến tận cùng của Đức Giê-su khi xưa. Trong trích đoạn Tin Mừng hôm nay, thánh Gio-an đã tường thuật cho chúng ta những sự kiện đã diễn ra vào buổi chiều Tiệc Ly, lúc mà Đức Giê-su đã thi hành công việc phục vụ của người đầy tớ mà ngôn sứ I-sai-a đã loan báo trước, bằng cử chỉ cúi xuống rửa chân cho các môn đệ. Để qua cử chỉ ấy, Người dạy cho chúng ta bài học về sự phục vụ trong yêu thương, phục vụ như chính Người đã phục vụ đến hiến cả mạng sống của mình.
Thánh sử Gio-an, là một người có mặt tại căn phòng bé nhỏ khi ấy, đã kể lại rằng: “Trong bữa ăn, Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. Rồi Đức Giê-su đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho từng môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau”. Trong văn hóa Do Thái, rửa chân là một phần không thể thiếu của lòng hiếu khách. Vì đường sá đi lại khá bụi bặm, nên khi đến nhà ai đó để thăm viếng hay dự tiệc, vị khách sẽ được rửa chân cho sạch trước khi bước vào nhà. Thông thường, công việc rửa chân này dành cho đầy tớ hay nô lệ, nhưng ở đây, trong bối cảnh bài Tin Mừng này, Đức Giê-su đã đảo lộn và bẻ gãy tục lệ đã được duy trì bao đời trong xã hội Do Thái. Đó là điểm đặc biệt gây ngạc nhiên cho những người có mặt, đến nỗi Phê-rô đã phải thốt lên: “Thầy mà rửa chân cho con, không đời nào con chịu đâu!”.
Trước sự ngỡ ngàng của các môn đệ, Đức Giê-su đã giải thích cho các ông, nhưng đúng hơn là dạy cho các ông bài học về sự phục vụ này: “Anh em gọi Thầy là ‘Thầy’, là ‘Chúa’, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau”. Mệnh lệnh của Đức Giê-su đã để lại cho các môn đệ và được truyền lại cho chúng ta ngày nay, đó là chúng ta phải thi hành sứ vụ “rửa chân cho nhau” như chính Người đã nêu gương.
Bối cảnh diễn ra sự phục vụ ấy là quanh bàn tiệc mà cũng tại nơi ấy, Đức Giê-su đã thiết lập Bí Tích Thánh Thể. Điều này gợi cho chúng ta một ý tưởng rằng, thánh lễ mỗi ngày là nơi bữa tiệc Mình và Máu Thánh Chúa. Nơi ấy, chúng ta phải yêu thương phục vụ lẫn nhau, không được đem thù hận và chia rẽ vào nơi mà chỉ có tình yêu là ngự trị. Bởi có lần chính Đức Giê-su đã dạy rằng: “Nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó, trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình” (Mt 5,23-24).
Trong đời sống mỗi Huynh Đoàn, việc phục vụ cộng đoàn được dành cho một số người được tín nhiệm, với tên gọi đúng với bản chất là ‘Ban Phục Vụ’. Nhưng thực tế, dường như chẳng mấy ai muốn được làm người phục vụ như Đức Giê-su đã truyền lệnh, mà chỉ muốn là người được phục vụ, nên việc tìm ra những người dám hy sinh, noi gương Đức Giê-su khi xưa phục vụ anh chị em của mình trong vai trò đoàn trưởng, đoàn phó, huấn đức, thư ký,… quả thật là không dễ dàng. Chúng ta có đang bắt chước Đức Giê-su phục vụ, hay chỉ là người quan sát bên lề của cộng đoàn?
Học viện Đa Minh