PHÚC ÂM NHẤT LÃM (SYNOPTIC GOSPELS)
Ba cuốn phúc âm đầu tiên, Matthêu, Máccô, và Luca, luôn được gọi là synoptic gospels (phúc âm nhất lãm). Chữ synoptic có gốc từ hai chữ Hylạp có nghiã là nhìn chung với nhau (nhất lãm); và những phúc âm này được gọi là phúc âm nhất lãm bởi vì chúng có thể được xếp thành những cột song song với nhau và những sự kiện chung của chúng cùng giống nhau. Có thể nói rằng trong ba cuốn thì phúc âm của Máccô là quan trọng nhất.
Thực ra có thể nói mà không sợ sai lầm rằng nó là cuốn sách quan trọng nhất trên thế giới vì hầu như tất cả mọi người đều đồng ý rằng nó là cuốn sách sớm nhất trong tất cả các phúc âm như thế nó là cuốn sách về cuộc đời của Chúa Giêsu đến với chúng ta sớm nhất. Không nghi ngờ gì đã có những cố gắng ghi chép lại cuộc đời Chúa Giêsu sớm hơn nữa, nhưng phúc âm Máccô chắc chắn là cuốn viết về cuộc đời Chúa Giêsu sớm nhất mà đã
được lưu giữ lại.
NGUỒN GỐC CỦA CÁC PHÚC ÂM
Khi chúng ta xét xem các phúc âm được viết ra thế nào, chúng ta phải cố gắng đặt mình vào thời chưa có những cái gọi là sách in trên toàn thế giới. Các phúc âm được viết ra rất lâu trước khi máy in được phát minh, khi đó mỗi cuốn sách phải cẩn thận và vất vả viết bằng tay. Rõ ràng là trong trường hợp đó chỉ có một số rất ít ấn bản của bất cứ cuốn sách nào có thể hiện hữu.
Làm sao chúng ta biết, hay làm thế nào chúng ta dám qủa quyết rằng Máccô là cuốn sách đầu tiên của tất cả các phúc âm? Khi chúng ta đọc phúc âm nhất lãm ngay cả trong Tiếng Việt chúng ta thấy chúng rất giống nhau. Chúng chứa đựng cùng những biến cố mà thường dùng cùng những chữ giống nhau; và chúng chứa đựng những lời giảng dạy của Chúa Giêsu mà những lời này thường là giống nhau như đúc. Sự tương đồng gần đến nỗi buộc chúng ta đi tới một trong hai kết luận. Hoặc là tất cả dùng chung một nguồn tài liệu, hoặc hai trong ba tác giả dựa trên cuốn thứ ba.
Khi chúng ta tìm hiểu cẩn thận chúng ta tìm thấy rằng Máccô có thể chia ra làm 105 phần. Trong những phần này 93 phần xuất hiện trong Matthêu và 81 phần trong Luca. Chỉ có bốn phần không có trong Matthêu hoặc trong Luca. Thú vị hơn nữa là Máccô có 661 câu; Matthêu có 1,068 câu, Luca có 1,149 câu. Từ 661 câu của Maccô Matthêu tái chế lại không ít hơn 606 câu. Thỉnh thoảng Matthêu dùng chữ hơi khác nhưng vẫn tái chế lại khoảng 51 phần trăm của những chữ dùng trong Máccô. Từ 661 câu của Máccô, Luca chế biến lại 320 câu, và Luca dùng lại khoảng 53 phần trăm chữ của Máccô. Trong 55 câu Matthêu không dùng của Máccô thì 31 câu được thấy trong Luca. Kết qủa là chỉ có 24 câu trong Máccô là không được tái chế lại đâu đó trong Matthêu hay Luca. Điều này cho thấy rằng giả thiết là Matthêu và Luca dùng Máccô làm nền tảng cho sách phúc âm của họ là hợp lý.
Một việc chắc chắn khác là cả Matthêu và Luca xếp đặt thự tự các biến cố hầu hết giống Máccô. Thỉnh thoảng Matthêu đổi thứ tự của Máccô thỉnh thoảng Luca cũng làm vậy. Nhưng khi có sự thay đổi trong thứ tự Matthêu và Luca không bao giờ có thay đổi giống nhau. Luôn luôn một trong hai giữ lại thứ tự các biến cố của Máccô.
Quan sát kỹ ba phúc âm rõ ràng là Matthêu và Luca có Máccô trước mặt khi họ viết; và họ dùng Máccô như là khung sườn để trên đó họ gắn những tài liệu mà họ muốn cho thêm vào.
Thật thích thú để nhớ rằng khi chúng ta đọc phúc âm Máccô chúng ta đọc lần đầu tiên cuộc đời của Chúa Giêsu mà trên đó tất cả những cuộc đời tiếp theo cần dựa vào đó.
MÁCCÔ, TÁC GIẢ PHÚC ÂM
Máccô người viết phúc âm này là ai? Tân Ước nói với chúng ta khá nhiều về ông. Ông tên là Gioan và là con của một mệnh phụ giàu có ở Giêrusalem tên là Maria, và nhà của bà là chỗ gặp gỡ và hội họp của giáo hội sơ khai (Cvtđ 12:12). Từ khởi đầu Máccô đã được nuôi dưỡng trong chính trung tâm của hội ái hữu Kitô giáo.
Máccô cũng là cháu của Banaba, và khi Phaolô và Banaba khởi hành chuyến hành trình truyền giáo đầu tiên họ mang ông đi theo để làm thư ký và giúp việc (Cvtđ 12:25). Chuyến đi này là chuyến đi xui xẻo nhất của Máccô. Khi họ tới Pécghê, Phaolô đề nghị vào sâu trong đất liền lên tới giữa vùng cao nguyên; không hiểu lý do nào đó Máccô bỏ về nhà (Cvtđ 13:13).
Có thể ông bỏ về vì ông sợ phải đối diện với một trong những con đường khó khăn và nguy hiểm nhất trên thế giới, đường rất khó đi và thường xuyên bị cướp. Ông có thể quay về nhà bởi vì càng ngày càng rõ ràng là Phaolô dần dần dành quyền lãnh đạo cuộc thám hiểm và ông cảm thấy không bằng lòng với việc cậu (chú?) ông bị đẩy ra rìa. Ông có thể về nhà bởi vì ông không công nhận công việc Phaolô đang làm.
Phaolô và Banaba hoàn thành chuyến hành trình truyền giáo đầu tiên và dự tính làm chuyến thứ hai.
Banaba mong muốn mang Máccô theo nữa nhưng Phaolô không muốn dính líu với người “đã từng bỏ hai ông từ khi ở miền Pamphylia” (Cvtđ 15:37-40). Bất đồng ý kiến qúa trầm trọng đến nỗi họ đành chia tay nhau ai đi đường nấy, và không bao giờ làm việc chung với nhau nữa.
Có một thời gian Máccô biến khỏi lịch sử. Truyền thống cho rằng ông đi xuống Aicập và thiết lập Giáo Hội Alexandria ở đó. Chúng ta không biết có đúng như vậy không, nhưng chúng ta biết rằng Máccô tái xuất giang hồ rất bất ngờ. Thật ngạc nhiên khi khám phá ra rằng khi Phaolô viết thư cho tín hữu Côlôxê từ nhà tù ở Roma Máccô ở đó với ông (Cl 4:10). Trong thư khác gởi cho Philêmon, Phaolô gom Máccô vào số những
người cùng làm việc với ông (C.24). Và, khi Phaolô đang chờ chết và gần cuối đời, ông viết cho Timôthê, cánh tay phải của ông, nói rằng “Anh hãy đem anh Máccô đi với anh, vì anh ấy rất hữu ích cho công việc phục vụ của tôi” (Tm 4:11). Khác hẳn lúc trước đây khi Phaolô loại bỏ Máccô vì coi ông là kẻ bỏ cuộc. Vượt qua những chuyện đã xảy ra trong qúa khứ Máccô đã biết tự chuộc lỗi. Ông trở thành người Phaolô cần đến lúc cuối đời.
NGUỒN THÔNG TIN CỦA MÁCCÔ
Giá trị của câu chuyện của bất cứ ai đều tuỳ thuộc vào nguồn thông tin mà người ấy có. Ở đâu, mà Máccô có những thông tin về cuộc đời và công việc của Chúa Giêsu? Chúng ta thấy rằng nhà ông từ khởi đầu đã là trung tâm Kitô giáo của Giêrusalem. Rất nhiều lần ông phải được nghe người ta kể về những kỷ niệm riêng của họ với Chúa Giêsu. Nhưng có thể chắc rằng ông có nguồn thông tin mà không có ai giám sát.
Khoảng cuối thế kỷ thứ hai một người tên là Papias là người thích sở hữu và lưu truyền những thông tin như vậy khi ông thu thập tài liệu về những ngày đầu của Giáo hội. Ông kể rằng phúc âm Máccô không là gì khác hơn một sách ghi chép của những lời giảng của Phêrô, vị tông đồ vĩ đại nhất. Chắc chắn rằng Máccô rất gần gũi và kề cận trái tim của ông đến độ Phêrô gọi ông là “Máccô, con ta” (1Phêrô 5:13). Đây là điều Papias nói: “Máccô, người thông dịch viên của Phêrô, viết xuống chính xác, dù không thứ tự, tất cả những gì ông nhớ được về những điều Đức Kitô đã nói hay đã làm. Mà vì ông không phải là thính giả của Chúa hay là môn đệ của Người, lại nữa ông theo Phêrô, như tôi đã nói, rất trễ sau này, và Phêrô đã thích nghi lời giáo huấn của mình cho nhu cầu mà thực tế đòi hỏi, chứ không có ý truyền lại những lời dạy của Chúa một cách có hệ thống mạch lạc.
Vì lẽ đó Máccô đã không sai trong việc viết xuống những điều như ông nhớ được, bởi quan tâm duy nhất của ông là không thêm bớt bất cứ điều gì vào những lời mà ông đã nghe được”.
Như thế chúng ta có thể kết luận rằng trong phúc âm Máccô chúng ta có những gì mà ông đã nhớ được từ lời giảng dạy của chính Phêrô.
Vậy, chúng ta có hai lý do để cho rằng tại sao Máccô là cuốn sách tối quan trọng. Trước tiên, nó là cuốn viết sớm nhất trong tất cả các phúc âm, nếu nó được viết ngay sau khi Phêrô chết thì năm sinh của nó là khoảng năm 65 A.D. Thứ đến, nó chứa đựng ghi chép về những gì Phêrô giảng và dạy về Chúa Giêsu; chúng ta có thể nói như thế này – Máccô là sự tiếp cận gần nhất từ trước đến giờ mà chúng ta có được đối với một tài liệu của nhân chứng mắt thấy tai nghe về cuộc đời của Chúa Giêsu.
ĐOẠN KẾT BỊ MẤT
Có một điều rất thú vị về phúc âm Máccô. Trong nguyên bản nó dừng ở câu 16:8. Chúng ta biết điều đó vì hai lý do. Thứ nhất, những câu tiếp theo sau (16:9-20) không thuộc về những bản văn cổ giá trị mà chúng chỉ là những bản viết muộn hơn và phẩm chất kém hơn. Thứ đến, văn phong Hy ngữ qúa khác chứng tỏ rằng chúng không phải từ cùng một người viết những phần trước của phúc âm.
Nhưng phúc âm không thể kết ở Máccô 16:8. Vậy chuyện gì đã xảy ra? Có thể Máccô chết tử vì đạo trước khi có thể hoàn tất phúc âm của mình. Hữu lý hơn thì có thể đoán là có lúc chỉ có một bản duy nhất của phúc âm còn lại, và phần cuối của bản này bị xé mất. Có một thời gian Giáo hội không xử dụng Máccô nhiều, mà thích dùng Matthêu và Luca hơn. Có thể vì thế mà phúc âm Máccô bị bỏ quên đến nỗi tất cả các bản văn khác đều bị mất trừ ra bản bị đứt mất phần kết. Nếu vậy chúng ta đã ở trong nỗi đau đánh mất cuốn phúc âm trong mọi phương diện là cuốn quan trọng nhất.
NHỮNG ĐẶC TÍNH CỦA PHÚC ÂM MÁCCÔ
Chúng ta cùng nhìn vào những đặc tính của phúc âm Máccô để chúng ta để ý đến chúng khi đọc và học
nó.
1/ Nó là cái gần nhất chưa bao giờ chúng ta có đối với một tường thuật về cuộc đời Chúa Giêsu. Mục
đích của Máccô là cho một chân dung Chúa Giêsu như Ngài là. Vì thế đặc tính lớn nhất của nó là chủ nghiã hiện thực.
Nếu chúng ta muốn có bất cứ tiếp cận nào về tiểu sử của Chúa Giêsu, thì nó phải dựa trên Máccô, vì ông rất vui thích để nói những sự kiện về cuộc đời của Chúa Giêsu trong một cách đơn giản và kịch tính nhất.
2/ Máccô không bao giờ quên phương diện thần linh của Chúa Giêsu. Ông bắt đầu phúc âm của ông bằng lời tuyên xưng đức tin, “Khởi đầu Tin Mừng Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa”. Ông không để chúng ta phải nghi ngờ về điều mà ông tin Chúa Giêsu là ai. Ông lập đi lập lại về tác động Chúa Giêsu đã tạo ra trên tâm trí và trái tim của những người nghe Ngài nói. Sự sững sờ và kinh ngạc mà Chúa đem lại luôn ở trong đầu của Máccô. “Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người” (1:22). “Mọi người đều kinh ngạc” (1:27). Những câu như vậy được lập đi lập lại. Sự sửng sốt không chỉ có trong đầu của đám đông nghe Chúa Giêsu, mà nó cũng còn ở trong trí của bên trong vòng thân hữu của các môn đệ nữa. “Các ông hoảng sợ và nói với nhau: Vậy người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?” (4:41). “Các ông cảm thấy bàng hòang sửng sốt” (6:51). “Nghe Người nói thế các môn đệ sững sờ”. (10:24) “Các ông lại càng sửng sốt hơn nữa” (10:26)
Đối với Máccô, Chúa Giêsu không đơn giản là một người như bao người; Ngài là Thiên Chúa ở giữa con người, Đấng mãi đánh động họ đến ngạc nhiên sững sờ bởi những lời nói và việc làm của Ngài.
3/ Đồng thời không một phúc âm nào cho chúng ta bức chân dung rất người của Chúa Giêsu. Thỉnh thoảng bức chân dung này qúa người đến nỗi các tác giả sau này thay đổi đi chút ít vì họ sợ phải nói giống như Máccô đã nói. Đối với Máccô Chúa Giêsu đơn giản là “người thợ mộc” (6:3). Sau này Matthêu đổi thành “Con của bác thợ mộc” (Matthêu 13:55), như thể gọi Chúa Giêsu là một người chủ tiệm mộc có vẻ hơi xúc phạm. Khi Maccô kể về các cơn cám dỗ của Chúa Giêsu ông viết “ Thần Khí liền đẩy Người vào hoang điạ” (1:12).
Matthêu và Luca không thích dùng chữ đẩy này cho Chúa Giêsu nên làm nhẹ nó đi và nói “ Đức Giêsu được Thần Khí dẫn vào hoang điạ” (Mt 4:1; Luca 4:1). Không ai nói với chúng ta về cảm xúc của Chúa Giêsu qúa nhiều như Máccô. Chúa Giêsu thở dài não nuột (7:34; 8:12). Ngài chạnh lòng thương (6:34). Ngài lấy làm lạ vì họ không tin (6:6). Ngài giận dữ, khiển trách, bực mình (3:5; 8:33; 10:14). Chỉ Máccô nói cho chúng ta rằng khi Chúa Giêsu nhìn người thanh niên giàu có biết tuân giữ lề luật và đem lòng yêu mến anh ta (10:21). Chúa Giêsu cảm thấy đói (11:12). Ngài cảm thấy mệt mỏi và muốn nghỉ ngơi (6:31).
Chính trong phúc âm Máccô, trên tất cả, mà chúng ta có một bức tranh của Chúa Giêsu có những tình cảm mãnh liệt giống như chúng ta. Nhân tính hoàn toàn của Chúa Giêsu trong bức tranh của Máccô mang Ngài đến thật gần chúng ta.
4/ Một trong những đặc tính lớn của Máccô là luôn luôn ông đặt những chi tiết sống động trong câu chuyện kể mang dấu ấn của một nhân chứng tai nghe mắt thấy. Cả Matthêu và Máccô đều kể về chuyện Chúa Giêsu mang một đứa trẻ và đặt nó vào giữa các môn đệ. Matthêu (18:2) nói, “Đức Giêsu liền gọi một em nhỏ đến, đặt vào giữa các ông”. Máccô thêm vào một chi tiết làm cho bức tranh sáng hẳn lên (9:36). “Người mang một em nhỏ đặt vào giữa các ông, rồi ôm lấy nó và nói…”. Trong bức tranh dễ thương của Chúa Giêsu và các trẻ nhỏ, khi Chúa Giêsu trách các môn đệ không cho các em đến với Ngài, chỉ Máccô kết thúc như sau: “Rồi Người ôm lấy các em và đặt tay chúc lành cho chúng”. (Mc 10:13-16; so sánh Mt 19:13-15; Lc 18:15-17). Tất cả sự nhân hậu của Chúa Giêsu là ở trong những chi tiết nhỏ nhặt sống động được thêm vào này. Khi Máccô kể về việc nuôi năm ngàn người chỉ có ông mới kể về việc họ ngồi theo từng nhóm một trăm và năm chục, trông giống nhưng các luống rau trong vườn (6:40) và ngay tức khắc toàn quang cảnh nổi lên trước mắt chúng ta. Khi Chúa Giêsu và các môn đệ trên cuộc hành trình cuối cùng đến Giêrusalem, chỉ Máccô kể rằng “Người dẫn đầu các ông” (10:32; xem Mt 20:17; Lc 18:31); và trong một câu thật ngắn và sống động ấy tất cả sự cô đơn của Chúa Giêsu nổi bật lên. Khi Máccô kể về chuyện Chúa dẹp yên sóng gió ông có một câu ngắn mà không một tác giả tin mừng nào viết “Trong khi đó Chúa Giêsu đang ở đàng lái, dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ”. (4:38). Và chỉ một chi tiết ấy thôi đã làm cho bức tranh thật sống động trước mắt chúng ta.
Không thể nghi ngờ gì hết là tất cả các chi tiết đó nói lên rằng Phêrô là một nhân chứng tai nghe mắt thấy và nhìn lại những sự kiện ấy với con mắt ký ức.
5/Chủ nghiã hiện thực và sự đơn giản của ông nằm trong văn phong Hy ngữ của ông.
- Văn phong của ông không mài dũa cẩn thận và không trau chuốt. Ông kể chuyện như đứa trẻ vẫn làm. Ông thêm đoạn này tới đoạn kia rồi nối chúng lại thật đơn giản với chữ „và‟. Trong chương thứ ba, bằng tiếng Hylạp, có 34 mệnh đề hay câu tiếp theo nhau được dẫn nhập bởi „và‟ sau động từ chủ. Đây là cách mà một đứa trẻ đang huyên thuyên kể chuyện sẽ nói.
- Ông rất thích những chữ “ngay lúc đó” “ngay tức khắc”. Chúng xuất hiện trong phúc âm 30 lần.
Thỉnh thoảng người ta hay nói về một câu chuyện là “nó tiệm tiến”. Nhưng chuyện của Máccô thì không tiệm tiến; ông vội vàng như không kịp thở để làm cho câu chuyện sống động bao nhiêu có thể cho người khác như là cho chính ông vậy.
- Ông rất thích lịch sử hiện tại. Đúng vậy, trong Hy ngữ ông nói về các biến cố trong thì hiện tại thay vì thì qúa khứ “Nghe thấy thế, Đức Giêsu nói với họ: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần”. (2:17). “Khi Đức Giêsu và các môn đệ đến gần thành Giêrusalem…Người sai hai môn đệ và bảo, „Các anh đi vào làng trước mặt kia…(11:1-2). “Ngay lúc đó, khi Người còn đang nói, thì Giuđa, một người trong Nhóm Mười Hai, xuất hiện” (14:43).
Nói chung trong Việt ngữ chúng ta không có những thì hiện tại hay thì qúa khứ như ngôn ngữ Ấn-Âu nhưng ngay cả trong Anh ngữ người ta cũng không dùng thì hiện tại khi dịch những đoạn như vậy vì chúng không đúng văn phạm; nhưng những câu trích dẫn trên trình bày cho chúng ta thấy sự kiện sống động và thực thế nào trong đầu của Máccô, như thể chúng xảy ra trước mắt ông vậy.
- Ông thường cho chúng ta những chữ rất Aramaic (cổ ngữ vùng Trung Đông Lưỡng Hà) mà Chúa Giêsu dùng. Với con gái ông Jairô, Chúa Giêsu nói “Talitha cumi” (5:41). Với người điếc và nói ngọng Ngài nói “Ephphatha” (7:34) Lễ phẩm dâng Chúa là “Corban” (7:11). Trong Vườn Cây Dầu Chúa nói “Abba” (14:36). Trên thập giá Ngài kêu lớn “Eloi Eloi lama sabachthani?” (15:34).
Có lúc Phêrô nghe lại giọng của chính Chúa Giêsu nên ông không thể không chuyền cho Máccô chính chữ mà Chúa đã nói.
PHÚC ÂM CĂN BẢN
Có thể gọi mà không sợ bất công rằng Máccô là cuốn phúc âm căn bản. Chúng ta sẽ cẩn thận tìm hiểu cuốn phúc âm sớm nhất mà chúng ta được sở hữu, cuốn phúc âm mà ở đó chúng ta được nghe lại lời giảng thuyết của chính thánh Phêrô.
Phụ bản
The following is the Aramaic script:
One interesting innovation in Aramaic is the _matres lectionis_ system to indicate certain vowels. Early Phoenician-derived scripts did not have letters for vowels, and so most texts recorded just consonants. Most likely as a consequence of phonetic changes in North Semitic languages, the Aramaeans reused certain letters in the alphabet to represent long vowels. The letter 'aleph was employed to write /ā/, he for /ō/, yodh for /ī/, and waw for /ū/.