Không ai muốn chọn lựa và đi trên những con đường mà điểm đến chỉ là bóng tối và lối về tương lai lại mịt mờ vô định! Lịch sử dân Israel hơn 3000 năm trước kể rằng: trước khi Môsê đưa dân Israel ra khỏi đất Ai Cập và tiến vào sa mạc Biển Sậy, thì Thiên Chúa đã hé mở một “chân trời sáng lạn”, một “Đất hứa” tràn trề sửa ngon mật ngọt: “Ta đã thấy rõ cảnh khổ cực của dân Ta bên Ai Cập… Ta muốn giải thoát chúng khỏi tay người Ai Cập, và đưa chúng từ đất ấy lên một miền đất tốt tươi, rộng lớn, miền đất tràn trề sửa và mật…” (Xh 3,7-8). Cũng vậy, trên con đường về Giêrusalem, khi báo trước bi kịch khổ nạn, Đức Kitô đã mở ra “chân trời ánh sáng Phục sinh”: “Người phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại…” (Mt 16,21).
Cuộc hành trình Mùa Chay của dân Công Giáo chúng ta hôm nay cũng thế. Cuộc chiến đấu khắc khổ mà Phụng vụ đã nêu bật ngay từ ngày khai mạc - Lễ Tro qua lời Kinh Tổng Nguyện: “Lạy Chúa, ngày hôm nay, tất cả chúng con ăn chay hãm mình, để bước vào mùa tập luyện chiến đấu thiêng liêng. Xin giúp chúng con hằng biết sống khắc khổ, để ngày thêm vững mạnh mà chiến thắng ác thần”, thì độ đường Mùa Chay đã bắt đầu lóe sáng niềm hân hoan vui mừng ngay từ Chúa Nhật 4 Mùa Chay này, mà lời Ca nhập lễ là một khắc họa rõ nét: “Mừng vui lên Giêrusalem hỡi! Tề tựu cả về đây, hỡi những ai hằng mến yêu thành! Các bạn đang sầu khổ, nào hớn hở reo mừng và hân hoan tận tưởng nguồn an ủi chứa chan”, cùng với “sắc hồng” của lễ phục như một “ấn chứng” cho thêm phần xác thực, cụ thể!
Thế nhưng, để hiểu cho thật rõ ý nghĩa thâm sâu của niềm vui mà sứ điệp phụng vụ Chúa Nhật 4 MC (năm B) hôm nay muốn chuyển tải, chắc chắn chúng ta phải nại đến các trích đoạn Lời Chúa vừa được công bố.
Trước hết, Lời Chúa muốn giới thiệu cho chúng ta niềm vui ngút ngàn của dân Israel vào thời bị lưu đày bên Babylon qua tin vui: “Ðây hoàng đế Cyrô, vua xứ Ba-tư tuyên bố: Chúa là Thiên Chúa trời đất đã ban cho trẫm mọi nước trên mặt đất, và chính Người đã ra lệnh cho trẫm xây cất cho Người một đền thờ ở Giêrusalem trong xứ Giuđa. Ai trong các ngươi thuộc về dân Chúa? Thiên Chúa sẽ ở với nó, và nó hãy tiến lên”.
Từ thân phận của một “tội nhân bị kết án lưu đày” nơi quê xa đất khách đến địa vị của những “người con được đoàn tụ trở về” trong ngôi đền thờ nơi quê cha đất tổ làm sao chẳng mừng vui; từ cuộc sống tăm tối, nô lệ đầy thất vọng buồn tênh của những kẻ bị Thiên Chúa chối từ, đoán phạt…, đã quay sang cuộc đời bước đi trong ánh sáng đầy hy vọng của lòng xót thương và sự khoan dung tha thứ của Thiên Chúa, chắc chắn phải chìm ngập trong một niềm hoan hỉ lớn lao!
Tiêu đích của Mùa Chay Công Giáo hôm nay chính là như thế! Vâng, Mùa Chay chính là thời điểm để những con người cảm nhận thật rõ thân phận tội lỗi yếu hèn, tăm tối, cách xa… để hôm nay hoán cải trở về làm lại cuộc đời trong ánh sáng của ân sủng cứu độ (như “Người con hoang trở về nhà cha”; như người mù từ lúc mới sinh được sáng mắt; như người phụ nữ Samari tìm thấy nguồn nước thật…). Riêng đối với các anh chị em dự tòng, cuộc “hoán cải đầu tiên” nầy để “đón nhận Tin Mừng”, để được bước vào con đường ánh sáng của niềm tin Kitô, chắc chắn phải rung lên trong tận cõi lòng một niềm vui sâu xa, đầy ắp, khi đang trên cung đường cuối để chuẩn bị lãnh nhận các bí tích gia nhập Kitô giáo!
Thế nhưng, câu chuyện “niềm vui trở về từ cuộc lưu đày Babylon” của dân Israel xưa thời hoàng đế Kyrô, thật ra cũng chỉ là “hình bóng tiên trưng” để chỉ về một “niềm vui trọn hảo”, niềm vui ơn cứu độ của Đấng đến từ Thiên Chúa, là Con Một Thiên Chúa mang đến, như xác quyết của Tin Mừng Gioan: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình, để tất cả những ai tin Con Ngài thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời, vì Thiên Chúa không sai Con của Ngài giáng trần để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con Ngài mà được cứu độ. Ai tin Người Con ấy thì không bị luận phạt”.
Thế nhưng, có một điều cắc cớ! Cả “người thực thi ơn cứu độ” lẫn “người đón nhận ơn cứu độ” đều phải “đi ngang qua “chiếc cầu thập giá”. Đức Kitô phải bị treo trên thập giá và con người phải tin và đón nhận thập giá; một lựa chọn cơ bản mà Đức Kitô đã ví von như “câu chuyện “con rắng đồng” trong hoang mạc thời Xuất Hành: “Như Môsê đã treo con rắn lên ở sa mạc thế nào, thì Con Người cũng sẽ phải treo lên như vậy, để tất cả những ai tin ở Người, sẽ không bị huỷ diệt, nhưng được sống đời đời”.
Nếu ngày xưa ai nhìn lên con rắn đồng sẽ được cứu sống, thì ngày nay thập giá Chúa Kitô chính là ơn cứu độ trọn vẹn cho những ai tin (Ga 3, 15). Hình bóng cũ đã được hoàn tất bằng thực tại mới. Hình bóng cũ thoáng qua, thực tại mới sống động và vững bền. Chúa Kitô mãi mãi là Đấng Cứu độ duy nhất của trần gian (Dt 13, 8). Đó chính là chân lý mà thánh Phaolô, trong thư gởi giáo đoàn Êphêsô trong BĐ 2 hôm nay đã long trọng khẳng quyết: “Thiên Chúa là Ðấng giàu lòng từ bi, vì lòng yêu thương cao cả mà Người đã yêu thương chúng ta, đến nỗi khi tội lỗi làm cho chúng ta phải chết, thì Người làm cho chúng ta sống lại trong Ðức Kitô, nhờ ơn Ngài mà chúng ta được cứu rỗi !”.
Như vậy, thật quá rõ ràng: hành trình của đoạn đường Mùa Chay còn lại của chúng ta hay của các anh chị em dự tòng lại là cuộc thể hiện một đức tin nhập cuộc, cùng với toàn dân Chúa, lên đường đổi mới cuộc sống, lên đường làm cuộc hành hương về miền ánh sáng trên con đường của Đức Kitô. Chấp nhận đi trên con đường này chắc chắn cuộc đời chúng ta sẽ không lạc hướng vào bóng tối mà sẽ mãi lung linh rạng ngời như những đóa hoa hướng dương, như cảm nhận đầy tính nhân văn và lạc quan hy vọng của cô văn sĩ khiếm thị khiếm thính Helen Keller: "Hãy hướng về phía Mặt trời, bạn sẽ không còn thấy bóng tối. Hoa hướng dương đã làm như thế" ("Keep your face to the sunshine and you cannot see the shadows. It's what the sunflowers do").
Linh mục Giuse Trương Đình Hiền