Gặp được Chúa Giêsu Phục Sinh trong đời sống thường nhật là niềm hy vọng của người Kitô hữu. Nhưng đâu là tiêu chuẩn để ta xác định mình gặp được Chúa? Bài Tin Mừng trong thánh lễ Chúa Nhật III Phục sinh năm B (Lc 24,35-47) cho chúng ta câu trả lời. Sự biển đổi bản thân trong màu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô để loan báo Tin Mừng Phục Sinh là dấu chứng cho việc gặp gỡ Chúa Phục Sinh.
Theo bài Tin Mừng, các tông đồ có sự biến đổi bản thân. Từ thái độ “kinh hồn bạt vía tưởng là thấy ma” (c.37), và từ thái độ “ngờ vực” (c.38) và “chưa tin” (c.41) trở thành “mừng quá và ngỡ ngàng” (c.40). Các tông đồ sợ hãi vì vắng bóng Chúa Giêsu trong đời các ông. Các tông đồ được biến đổi vì đã gặp được Chúa Phục Sinh. Chúa Phục Sinh hiện diện giữa các ông (c.36), chúc bình an cho các ông (c.36), cho các ông nhìn thấy thân xác Phục Sinh của Người (c.39), cùng ăn uống trước mặt các ông (c.43), giải thích Kinh thánh cho các ông (c.45), và trao sứ vụ cho các ông (c.47). Nghĩa là Chúa Phục Sinh đã hiện diện, đã yêu thương, và đã tin tưởng các ông.
Cảm nghiệm được sự hiện diện, tình yêu và sự tin tưởng của Chúa Kitô Phục Sinh phải bắt nguồn từ màu nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô (c.46). Mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô trở thành Tin Mừng mà các tông đồ cảm nghiệm trong tương quan với Chúa Giêsu (c.44), và trở thành sứ vụ loan báo Tin Mừng trong tương quan của các ông với đồng loại (c.48).
Bài đọc I (Cv 3,11-26) cho chúng ta thấy niềm vui, tình yêu và niềm tin tưởng trong sứ vụ mà các tông đồ thi hành khi thánh Phêrô và Gioan rao giảng về sự Phục Sinh của Chúa Kitô sau khi chữa người què được khỏi. “Thiên Chúa đã cho Người từ cõi chết sống lại, điều đó chúng tôi xin làm chứng. Và bởi tin vào danh Người, nên danh Người đã làm cho kẻ què này được vững mạnh, và lòng tin vào Người chữa anh này được hoàn toàn lành mạnh” (c.16). Niềm vui mừng của các tông đồ được loan truyền cho người què. “Cùng với hai ông, anh vào Đền Thờ, vừa đi, vừa nhảy nhót và ca tụng Thiên Chúa” (c.8). Niêm vui mừng ấy cũng loan truyền cho đám đông dân chúng: “Toàn dân thấy anh đi lại và ca tụng Thiên Chúa, họ kinh ngạc sững sờ về sự việc mới xảy đến cho anh” (c.10)
Chúa Kitô Phục Sinh làm cho các tông đồ biến đổi. Các tông đồ làm cho người què được biến đổi khi dùng quyền năng của Chúa Phục Sinh. Sự biến đổi nơi người què cùng với lời ra giảng của các tông đồ làm cho đám đông dân chúng được biến đổi. Có những sự biến đổi này vì niềm tin và lời chứng rằng con người gặp được Chúa Kitô Phục sinh, Người vẫn hiện diện, vẫn yêu thương và vẫn tin tưởng con người.
*************
Cuộc sống của con người ngày nay có quá nhiều sợ hãi. Con người sợ vì một quá khứ nhiều bất toàn, sợ vì một hiện tại đầy xáo trộn, sợ vì một tương lai không thiếu những bất ổn. Con người sợ cho mình, sợ cho gia đình, sợ cho cộng đoàn. Con người sợ hoàn cảnh, sợ tha nhân, và sợ cả chính mình. Như thể quanh ta toàn là những con ma sợ hãi.
Nhưng chúng ta cần tự hỏi: Sự sợ hãi của ta có phải là dấu chỉ về sự vắng bóng Chúa Kitô Phục sinh trong đời ta không? Và nếu chúng ta sống trong sự sợ hãi như thế, thì làm sao chúng ta có thể trở thành chứng nhân cho Tin Mừng Phục Sinh trong thế giới đang rất cần sự biến đổi được?
Trong tông huấn Niềm Vui Tin Mừng – Evangelii Gaudium của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cho ta phương thể để sống niềm vui vì có Chúa Phục Sinh hiện diện, yêu thương và tin tưởng ta, và để ta sẵn sàng thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng trong thế giới hôm nay.
1) Hãy nói không với ảnh hưởng của trần tục trong đời sống thiêng liêng, để luôn tìm kiếm vinh quang cho Thiên Chúa thay vì chỉ tìm vinh quang loài người và sự thỏa mãn bản thân. Đừng để mình bị cướp mất Tin Mừng (số 93-97).
2) Hãy nói không với sự nguội lạnh thiêng liêng và tính ích kỷ né tránh trách nhiệm loan báo Tin Mừng. Đừng để mình bị cướp mất niêm vui loan báo tin mừng (sô 81-83).
3) Hãy nói không với thái độ bi quan của những nhà tiên tri chỉ loan báo những thảm họa, để tin tưởng rằng kể cả những thất bại của con người, đều có thể trở nên ích lợi hơn cho Hội thánh. Đừng để mình bị cướp mất niềm hy vọng (số 84-85).
4) Hãy nói không với việc tranh chấp lẫn nhau do đố kỵ và ghen ghét vì quyền lực, uy tín, thú vui, nhưng hãy vui mừng vì các ân điển của mỗi người, chúng thuộc về mọi người. Đừng để mình bị cướp mất lý tưởng tình yêu huynh đệ (số 98-100).
5) Hãy nói có với các tương quan mới do Đức Kitô đem đến, để sẵn sàng ra khỏi mình và hòa mình sống chan hòa với tha nhân. Đừng để mình bị cướp mất đời sống chung (số 87-92).