Tin Mừng hôm nay, Chúa dạy chúng ta “Đừng xét đoán”. Vậy, xét đoán là gì? Động từ “xét đoán” được ghép bởi 2 động từ: xét và đoán. Xét là tìm tòi để biết nguyên do. Đoán là phỏng đoán. Xét thường khó, vì người ta chỉ biết những sự kiện bên ngoài mà không biết gì bên trong, nên thường dẫn đến đoán mò. Có một câu chuyện kể rằng:
Một ngày kia Khổng Tử đang đi trên đường cùng với các môn sinh đi du thuyết từ nước Lỗ sang nước Tề. Gặp lúc nước Tề đang mất mùa vì hạn hán và dân chúng bị đói khổ cùng cực khắp nơi. Về phần thầy trò Khổng Tử cũng phải ăn trừ cơm bằng những củ khoai mì, măng tre hay bất cứ thứ đồ ăn gì kiếm được.
Một hôm thầy trò Khổng Tử được một người đem biếu cho một ít gạo, đủ để nấu một nồi cơm. Thầy trò Khổng Tử đều tỏ ra phấn khởi vì đã nhịn đói lâu ngày. Bấy giờ Tử Lộ có nhiệm vụ dẫn anh em vào rừng hái rau, còn Nhan Hồi thì được phân công ở nhà nấu cơm. Khổng Tử lúc đó đang nằm đọc sách ở nhà trên, bỗng nghe thấy có tiếng “cộp” từ bếp vọng lên. Khổng Tử tò mò nhìn xuống dưới bếp thì nhìn thấy Nhan Hồi đang dùng đũa lấy cơm trong nồi ra, để lên tay và nắm lại từng nắm nhỏ. Sau đó nhìn trước nhìn sau không thấy ai, anh ta đậy nắp nồi lại rồi đưa từng nắm cơm vào miệng nuốt lấy nuốt để. Nhìn thấy mọi cử chỉ của Nhan Hồi Khổng Tử chỉ biết lắc đầu thở dài và ngửa mặt lên trời than rằng !
“Ôi chao, học trò bậc nhất của ta mà lại ăn vụng hèn hạ như vậy sao? Bao nhiêu kỳ vọng ta đặt vào nơi hắn thì bây giờ đã tan thành mây khói hết”.
Khi bữa ăn đã dọn xong và thầy trò đều ngồi vào bàn thì Khổng Tử lớn tiếng hỏi các học trò xem mình có nên lấy một bát cơm để cúng cha mẹ hay không? Mọi người đều cho là phải, duy chỉ có mình Nhan Hồi là không đồng ý. Khi được hỏi lý do, thì anh ta cho biết như sau: “Thưa Thầy, con nghĩ là không nên cúng, vì trong lúc mở vung đảo cơm, thì tự nhiên cơn gió mạnh thổi đến, làm cho bụi bặm và bồ hóng ở trên gác bếp rơi xuống. Con vội đậy vung lại nhưng vẫn không kịp, cơm trong nồi đã có đầy bụi ở mặt trên. Sau đó con dùng đũa lấy ra lớp cơm bẩn định sẽ đem vất đi. Nhưng rồi con lại nghĩ rằng: Thầy trò ta lâu không được ăn cơm. Mà số cơm bẩn lại nhiều tương đương với phần ăn của một người. Do đó con đã mạn phép thầy và các anh em để ăn trước phần cơm bẩn ấy. Thưa Thầy, thế là hôm nay con đã được ăn rồi và bây giờ con chỉ ăn thêm phần rau thôi. Vừa nghe Nhan Hồi nói xong, Khổng Tử ngửa mặt lên trời than rằng :
“Ôi chao! Thế là trên đời này cũng có những sự việc chính mắt ta trông thấy tỏ tường mà vẫn không biết rõ thực hư! Suýt nữa ta trở thành một kẻ xét đoán hồ đồ và bất công rồi”.
Xét đoán thường có nguy cơ sai lầm như thế, cho nên Chúa dạy chúng ta: “Đừng xét đoán để khỏi bị xét đoán…”. Không phải để người khác không xét đoán ta, nhưng là để Thiên Chúa không xét đoán ta. Vì ngươi đong bằng đấu nào cho tha nhân thì ta cũng đong cho ngươi bằng đấu ấy.
Nhưng trong thực tế, làm sao chúng ta sống mà lại không có một sự xét đoán – nhận xét về ai? Những điều ta thấy ta nghe lẽ nào mà lại không có một chút đánh giá nào. Thành ra, “Đừng xét đoán để khỏi bị xét đoán…”, có nghĩa là đừng xét đoán với ác ý. Vì hành vi xét đoán có thể đưa tới điều tốt hay xấu, tùy vào động cơ của người xét đoán. Một bà mẹ xét đoán về lầm lỗi của con mình khác với những người dưng. Bởi lẽ, người mẹ xét con trong tâm trạng cùng đau cùng khổ với con, cảm thấy mình cũng có trách nhiệm, muốn kín đáo giúp con sửa lỗi, không muốn phơi bày lầm lỗi của con. Nhưng người ngoài thì đâu có được tâm trạng ấy nên dễ dèm pha, hạ bệ, kết án người khác để tôn mình lên.
Chúng ta cầu chúc cho nhau có trái tim của người mẹ biết thổn thức, mỗi khi phải xét đoán, sửa lỗi anh em. Và hơn nữa, xin Chúa cho chúng ta có trái tim của Chúa, trái tin luôn biết yêu thương. Amen
Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist