Sau Mùa Phục sinh là Mùa Thường niên. Thời gian này Phụng vụ không kính nhớ mầu nhiệm đặc biệt nào về Chúa Cứu Thế. Theo một nghĩa nào đó, thời gian này cũng giống như cuộc sống hằng ngày của chúng ta, lặng lẽ chuyển động theo thời gian. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là nó không mang những giáo huấn khác biệt. Qua các bài đọc các tuần Mùa Thường Niên chúng ta dõi theo Chúa Giêsu trong hành trình sứ vụ của Người, lắng nghe các giáo huấn của Người và họa lại trong chính đời sống của chúng ta. Các bài đọc Lời Chúa hôm nay tập chú vào quyền năng của Chúa Giêsu. Quyền năng này dùng để chống lại sự dữ. Tuy nhiên quyền năng này có thể bị giải thích sai, hoặc nó có thể kiến tạo một gia đình mới là những người tin Chúa.
BÀI ĐỌC 1: St 3,9-15
Hậu quả của sự Sa Ngã
Câu chuyện về cuộc Sa Ngã là một trình bày về sự cám dỗ và tội lỗi của con người như nó luôn xảy ra, hơn là một trình thuật lịch sử về những gì đã xảy ra cách đây rất lâu, khi con người lần đầu tiên xuất hiện trên trái đất. Tội lỗi làm chúng ta xấu hổ: chúng ta cố hết sức, như cả đàn ông lẫn đàn bà, để đổ lỗi cho người khác, nhưng cuối cùng chúng ta biết mình bất lực và trần trụi trước mặt Thiên Chúa. Chúng ta biết rằng mình đáng bị trừng phạt, nhưng điều tuyệt vời trong câu chuyện Kinh Thánh là Thiên Chúa vẫn tiếp tục quan tâm đến chúng ta: chính Ngài đã ân cần làm các tấm áo cho người nam và người nữ để che giấu sự xấu hổ của họ. Quan trọng hơn, Thiên Chúa hứa rằng cái ác sẽ không chiến thắng mãi mãi. Những hình phạt lao động khổ sai và đau đớn không đến từ sự báo thù của Thiên Chúa mà đến từ tội lỗi của con người: chúng ta không còn hòa hợp hoàn toàn với Thiên Chúa nữa. Nếu chúng ta hòa hợp với Chúa, niềm tin tưởng vào Ngài sẽ giúp chúng ta thoát khỏi đau khổ. Bài đọc này đi đôi với bài đọc Tin Mừng, vì nó nói đến Satan, tên cám dỗ.
ĐÁP CA: Tv 130,1-2, 3-4, 5-6, 7-8
Tiếng kêu từ vực thẳm
Chủ đề của Thánh vịnh 130 là ơn tha thứ của Thiên Chúa. Thánh vịnh này là một trong những “Ca khúc lên đền” mà những người hành hương đã hát khi tiến lên Đền thờ của Đức Chúa ở thành thánh Giêrusalem. Đây cũng là Thánh vịnh thứ sáu trong bảy thánh vịnh thống hối theo truyền thống phụng vụ Kitô giáo, bày tỏ mong muốn sám hối và hoán cải (x. Tv 6, 32, 38, 51, 102, 130 và 147).
Với một tâm hồn thống hối, tác giả Thánh vịnh kêu lên với Chúa: “Từ vực thẳm con kêu lên Ngài, lạy Chúa”. Do đó, tên gọi Thánh vịnh nổi tiếng này trong tiếng Latinh là “De profundis”.“Vực thẳm” trong câu này có thể nói đến cái chết (Tv 18, 4; 69, 2), hoặc ám chỉ về chiều sâu của ý thức con người. Khi cầu nguyện, chúng ta không thể đến với Chúa từ tầm cao của sự tự mãn, mà từ sâu thẳm của một tâm hồn khiêm tốn và thống hối. Như Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ của Người: “Phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (Lc 18,14). Do vậy, khiêm tốn là nền tảng của cầu nguyện.
Sau khi kêu lên với Chúa, tác giả thừa nhận rằng mỗi con người là một tội nhân và khi Chúa tha thứ tội lỗi, Ngài thể hiện lòng thương xót lớn lao của Ngài đối với nhân loại (cc. 3-4). Tác giả Thánh vịnh ca ngợi lòng nhân từ của Chúa và bày tỏ sự tin tưởng hoàn toàn vào lòng thương xót của Ngài (cc. 5-6). Ông giữ vững niềm tin rằng Chúa luôn trung thành với lời của Chúa nói (c. 5) và cậy trong vào ơn tha thứ của Chúa, như người gác đêm tin chắc rằng bình minh sẽ đến (c. 6b). Trong câu 7b, lý do cho niềm hy vọng của ông là lòng nhân từ của Chúa (trong tiếng Hípri, hesed có nghĩa là tình yêu giao ước). Trong Ngài ơn cứu chuộc sẽ được mở rộng chứa chan cho toàn dân giao ước, vì Ngài sẽ cứu chuộc Israel khỏi mọi tội lỗi của họ (cc. 7- 8).
Tên Chúa Giêsu trong tiếng Hípri, Yahshua, có nghĩa là “Thiên Chúa cứu chuộc”. Đó là một cái tên mang theo lời hứa rằng Thiên Chúa sẽ cứu chuộc dân Ngài khỏi tội lỗi của họ (Mt 1,21; Lc 1,68). Giáo hội khuyến khích các tín hữu luôn cầu nguyện với một thánh vịnh sám hối (Tv 6, 32, 38, 51, 102, 130 và 147) trước Thánh lễ để giục lòng tin vào ơn tha thứ. Tâm tình thống hối giúp chúng ta thanh tẩy tâm hồn trước khi đến với Chúa trong Bí tích Thánh Thể.
BÀI ĐỌC 2: 4,13-5,1
Giá trị của vinh quang
Đây có phải là một Phaolô lớn tuổi hơn, người cảm thấy rằng mình đang suy tàn dần (“con người bên ngoài của chúng tôi đang tiêu tan đi”) và đang mong chờ cái chết, hay đúng hơn đang hướng về vinh quang Phục sinh? Trong bài đọc Chúa nhật tuần trước, ngài đã đủ tích cực đứng dậy trở lại sau những cú chạm đòn mạnh trong các trận chiến đấu của cuộc đời. Ngược lại, trong Philípphê 1.21, ngài rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, ngài viết: “Đối với tôi, tất nhiên, sống là Chúa Kitô, nhưng khi cái chết đến, đó là một lợi ích tích cực”. Đó là niềm tin và sự xác tín của ngài về quyền năng cứu chuộc của Chúa Kitô mà ngài khao khát được kết hợp hoàn toàn. Ngài mong chờ “sức nặng vinh quang” phải là mục tiêu của mọi Kitô hữu. Vinh quang là một gia sản thiêng liêng đặc biệt. Ông Môisen được phép nhìn thấy vinh quang Thiên Chúa đáng kinh ngạc, nhưng ông không thể nhìn thấy khuôn mặt của Đức Chúa. Tiên tri Isaia choáng ngợp trước trải nghiệm về vinh quang thần linh trong Đền thờ, trái ngược với nhận thức của chính ông về sự ô uế của mình. Dường như đối với Phaolô cảm nhận được “khối vinh quang vĩnh cửu, không thể so sánh được” là được tắm trong sự hiện diện thiêng liêng và được vui hưởng vĩnh viễn sự sự kết hợp với Thiên Chúa.
TIN MỪNG: Mc 3,20-35
Chúa Giêsu bị bác bỏ
Bài đọc này chứa đựng một ví dụ về trình thuật xen kẽ, một đặc điểm đặc biệt của Tin Mừng Marcô, trong đó một câu chuyện này được đặt trong một câu chuyện khác. Ở đây, chúng ta có thể thấy trình thuật về cuộc chạm trán thù địch với các kinh sư từ Giêrusalem (cc. 22-30) được xen vào giữa sự xuất hiện và mối quan tâm của các thành viên trong gia đình Chúa Giêsu (cc. 20-21,31-35). Mặc dù những câu chuyện này rất khác biệt, nhưng khi đặt cạnh nhau như ở đây, chúng sẽ diễn giải lẫn nhau.
Câu chuyện kể rằng Chúa Giêsu trở về nhà, có lẽ không phải đến Nazareth, nơi là quê hương của Người, mà là đến Capharnaum, nơi mà bây giờ Người coi như nhà của mình. Những người thân của người (sau này được xác định là mẹ và các anh em của Người, c. 31), đã đến bắt Người, dùng sức mạnh để chăm sóc Người nếu cần. Họ tin rằng Người đang ở trong tình trạng rối loạn nhân cách, hoặc mất trí. Tại sao họ nghĩ đến điều này không được nêu. Rất có thể họ đã nghe về những tuyên bố mà Người đã đưa ra cũng như về những điều kỳ diệu mà Người đã thực hiện, và họ có thể lo sợ cho sự an toàn của Người. Mối quan tâm của họ bộc lộ sự thiếu tin tưởng vào tính xác thực của những tuyên bố này và vào nguồn gốc của những điều kỳ diệu.
Các kinh sư cũng hiểu lầm Chúa Giêsu, nhưng không phải vì họ quan tâm đến Người. Họ nhìn nhận rằng Người có quyền năng phi thường để đuổi quỷ, nhưng họ gán sức mạnh này cho chúa quỷ. Họ nói về Beelzebul (Baal-zebul, hay “Chúa của đền thờ”), trong khi Chúa Giêsu nói về Satan. Cả hai đều ám chỉ đến cùng một ác thần.
Một lần nữa, nỗ lực của các kinh sư là muốn làm xấu hổ Chúa Giêsu (x. Mc 2,23-28, Chúa nhật IX Thường Niên). Điều này đòi hỏi một phản ứng đòi Người giữ thu lại danh tiếng của mình. Chúa Giêsu phản bác lời buộc tội của họ không phải bằng một mà bằng hai dụ ngôn. Đầu tiên, Người chỉ ra sự vô lý trong lời cáo buộc của họ, khẳng định rằng một gia đình hoặc một vương quốc đều không thể tồn tại nếu nó lại chia rẽ chống lại chính mình. Cả hai sẽ sụp đổ từ bên trong. Để ngôi nhà hoặc vương quốc đứng vững, nó cần có sự gắn kết và ổn định nội bộ. Với hình ảnh thứ hai, Chúa Giêsu ám chỉ đến sự suy sụp của một ngôi nhà khi có kẻ mạnh hơn chủ nhà tấn công và cướp bóc tài sản. Trước khi việc cướp bóc này có thể được thực hiện, kẻ tấn công phải vô hiệu hóa chủ nhà, từ đó ngăn chặn bất kỳ hình thức phản kháng nào. Dụ ngôn này gợi ý rằng Chúa Giêsu thực sự đang vô hiệu hóa tên ác quỷ và đang phá hủy ác thần.
Chúa Giêsu kết thúc cuộc phản công của mình bằng một lời tuyên bố về những hậu quả thảm khốc. Quy gán quyền năng Chúa Thánh Thần đang hoạt động nơi Chúa Giêsu cho thần dữ là một sự phạm thượng không thể tha thứ được.
Sự chú ý lại hướng về gia đình Chúa Giêsu, những người ở bên ngoài, trong khi Chúa Giêsu ở bên trong giữa đám đông đang tụ tập. Họ đã cho thấy sự hiểu lầm của họ về sứ mệnh của Chúa Giêsu. Giờ đây Chúa Giêsu đưa ra một tuyên bố táo bạo về mối quan hệ gia đình. Trong một xã hội mà mối ràng buộc và nghĩa vụ gia đình lấn át mọi trách nhiệm khác, thì Chúa Giêsu tuyên bố rằng mối quan hệ họ hàng thực sự được xác định bằng việc chấp nhận ý muốn của Thiên Chúa, chứ không phải bằng huyết thống hay hôn nhân. Việc đón nhận ý muốn của Chúa và những việc làm kỳ diệu của Chúa là thách thức căn bản trong cả hai câu chuyện này.
THAM KHẢO SÁCH GIÁO LÍ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO
+ GLHTCG 410-412: Tiền Tin Mừng
+ GLHTCG 374-379: Con người trong vườn địa đàng
+ GLHTCG 385-409: Sự sa ngã
+ GLHTCG 517, 550: Chúa Kitô Đấng trừ quỷ
Lm. Giuse Ngô Quang Trung