Môsê thứ hai
Ông Môsê là sứ giả của Chúa đã ban Lề Luật cho dân Israel trên núi Sinai. Trong cuộc hành trình gian khó và cô đơn của họ kéo dài 40 năm qua sa mạc, ông là thủ lĩnh của họ. Chính các quyết định pháp lý của ông đối với từng trường hợp được trình bày cho ông đã hình thành nên Israel. Những lời cầu nguyện của ông với Chúa đã ban cho dân manna trong sa mạc, nước từ tảng đá và sự bảo vệ khỏi kẻ thù của họ. Israel mãi mãi nhớ đến ông với tư cách là người sáng lập ra dân tộc của họ. Trong sách Đệ Nhị Luật, cuốn cuối cùng trong bộ sách Luật Do Thái, Thiên Chúa đã hứa rằng Ngài sẽ gầy dựng một nhà lãnh đạo khác, một Môsê thứ hai. Vào thời Chúa Giêsu, vị sứ giả cuối cùng của Thiên Chúa, Đấng sẽ đặt mọi sự vào trật tự của nó, được nghĩ đến theo lời hứa này. Lời hứa về một vị ngôn sứ tương lai này được triển nở trong tôn giáo của Israel, khiến mọi người trải qua nhiều thế kỷ luôn tự hỏi liệu những cá nhân cụ thể nào đó có thực sự là vị ngôn sứ đã hứa này hay không. Cuối cùng, nó trở thành một chiều kích quan trọng trong kỳ vọng cánh chung của Israel, thường được nối kết với hình tượng của ngôn sứ Êlia huyền bí, vị sẽ khai mạc thời đại thiên sai (x. Mk 2,23 [4,5]). Các Kitô hữu thời sơ khai hiểu điều này quy chiếu về Chúa Giêsu (x. Ga 1,21; 6,14).
ĐÁP CA: Tv 95,1-2, 6-7, 8-9
Hãy ca mừng Thiên Chúa
Tác giả Thánh vịnh bắt đầu bằng một lời mời gọi mọi người ca ngợi Đức Chúa (câu 1-2), Vua vũ trụ, cũng là Thiên Chúa của mọi người. Trong các câu 6-7, ông cũng đưa ra lời kêu gọi hãy thờ phượng Chúa vì Ngài là Thiên Chúa trung thành của dân Ngài; Ngài nuôi dưỡng và hướng dẫn dân như một mục tử tốt chăm sóc chiên của mình. Tiếp theo lời mời gọi, Đức Chúa ngỏ với dân riêng của Ngài trong “ngày hôm nay”. Ngài nhắc bảo họ phải luôn thành tâm trong sự tin tưởng và thờ phượng Đức Chúa và đừng bắt chước thế hệ những người năm xưa trong thời Xuất hành. Họ đã thử thách Thiên Chúa và nổi loạn chống lại đường lối của Ngài trong hành trình sa mạc hướng về Đất Hứa.
Các Kitô hữu đọc Thánh vịnh này nên coi đó là một lời cảnh báo để tránh lặp lại cuộc nổi loạn của Israel ở nơi hoang địa (Tv 78; Xh 17,17), để những gì xảy ra với thế hệ đó sẽ không tái diễn với những người ca ngợi Chúa hôm nay (c. 10; Ds 14, 30, 34). Thử thách Thiên Chúa hoặc chống lại Ngài để thăm dò lòng tốt và sự trung tín của Ngài, như thể những công trình của Ngài trong quá khứ vẫn chưa đủ, là một hành động bất tuân. Thư gửi tín hữu Hípri đưa ra một lời bình luận về những câu này và trình bày chúng như được nói bởi chính Chúa Thánh Thần (x. Tv 95, 8-11 trong Hr 3, 6-11). Dân Israel thuộc thế hệ Xuất hành, những người thử thách Thiên Chúa đã không được vào Đất Hứa và phải chết trong hoang địa (Ds 14, 20-33). Chúa tiếp tục cảnh báo chúng ta với lời phán xét tương tự, mà hậu quả là không được vào “chốn yên nghỉ” của Ngài, có nghĩa là sự yên nghỉ muôn đời mà Ngài hứa ban, đó là Nước Thiên Đàng (Mt 11, 28-29). Mỗi người chúng ta hãy lắng nghe lời cảnh báo của Chúa, luôn cố gắng sống trung thành để chúng ta không theo gương xấu của thế hệ Xuất hành vô ơn và bất trung (Hr 3, 6-11; 4, 8-11).
BÀI ĐỌC 2: 1 Cr 7,32-35
Hôn nhân hay Độc thân?
Giáo huấn của thánh Phaolô trong đoạn văn này gợi ý cho nhiều người giải thích rằng, dù hoàn toàn không có ý chống lại hôn nhân, ngài tin rằng trạng thái không kết hôn là ưu tiên. Cách giải thích như vậy khá chính xác, nhưng điều quan trọng là phải hiểu thâm ý của Phaolô. Đúng là ngài đối chiếu những đòi hỏi của hai trạng thái đời sống, nhưng làm như vậy vì ngài tin rằng thời gian sắp kết thúc. Mặc dù nói rằng ngài muốn các tín hữu Côrintô không còn phải bận tâm lo lắng, nhưng thực sự ngài muốn họ quan tâm đến những điều chính đáng. Ngài đối lập sự lo lắng những việc thuộc về Chúa với sự lo lắng thuộc thế gian. Trạng thái trước được ưu tiên hơn cái thứ hai. Sự tương phản thực sự mà ngài muốn trình bày, đó là đời sống của người chuyên lo việc Chúa và đời sống của những người lo việc đời này. Như chúng ta biết, Phaolô nhận xét rằng những người phải lo các việc thế gian có thể rất muốn dấn thân phục vụ Chúa, nhưng hoàn cảnh của họ khiến tâm hồn họ bị phân tán. Ngài quan tâm đến chất lượng của sự dấn thân hơn là tình trạng cụ thể nào của đời sống. Không thể phủ nhận rằng những người đã kết hôn phải nhận những trách nhiệm mà những người không kết hôn không phải mang. Đã cam kết với người khác, bằng cách nào đó, họ phải có trách nhiệm đối với người đó. Đó là trách nhiệm về việc duy trì nòi giống, việc bảo đảm cho con cái được hưởng một cuộc sống, một tương lai tốt đẹp... Mặc dù những người không kết hôn cũng có những trách nhiệm đòi hỏi, nhưng chắc chắn những trách nhiệm đó không ràng buộc chặt chẽ như những người kết hôn.
TIN MỪNG: Mc 1,21-28
Chúa Giêsu giảng dạy và chữa lành
Phần chính của trình thuật này kể lại một cuộc trừ quỷ mà Chúa Giêsu thực hiện tại thành Capharnaum. Tuy nhiên, câu chuyện thực sự bắt đầu và kết thúc bằng những cảm nhận về giáo huấn của Chúa Giêsu. Thật sự, chính việc trừ quỷ được coi là “một giáo huấn mới có uy quyền”. Do đó, rõ ràng chủ đề chính của bài đọc là uy quyền của lời giáo huấn của Chúa Giêsu.
Theo thông lệ thời bấy giờ, Chúa Giêsu, một thành viên nam trưởng thành của cộng đồng, đến lượt mình giảng dạy những người tụ họp trong hội đường. Người dân đã quen với cách dạy của các kinh sư. Những thầy dạy hoặc chuyên viên chính thức này là những người học luật, họ phải dựa vào thẩm quyền của những người đi trước đã đặt ra các giáo huấn của họ. Còn Chúa Giêsu thì giảng dạy như một người có thẩm quyền theo ý mình. Những người trong hội đường đã nhận ra điều này và lấy làm lạ. Phép lạ trừ quỷ mà Chúa Giêsu thực hiện có thể chủ yếu là một biểu hiện bên ngoài của uy quyền lạ thường này.
Có một người trong hội đường bị thần ô uế nhập khiến thân xác anh ta rất đau đớn. Người dân thời đó tin rằng những hồn ma ác độc đi lang thang khắp thế gian để gây ra tai ương hiểm họa mọi nơi mọi lúc khi chúng có thể. Những gì xuất hiện ngược với khuôn mẫu đã được cộng đồng đặt định, bị coi là do những ác thần đó gây ra và bị coi là ô uế. Nếu con người đau khổ ấy lại xuất hiện ở một nơi thánh thiêng như hội đường, chắc chắn họ sẽ phải bị loại bỏ. Chúa Giêsu không muốn để con người này bị xua đuổi; thay vào đó, Người trục xuất tà thần. Vì vậy, Người thiết lập triều đại Thiên Chúa trong một hoàn cảnh trước đây rối loạn. Theo một nghĩa nào đó, câu chuyện này mô tả cuộc đối đầu giữa sức mạnh của cái thiện và quyền lực của sự ác.
Ác thần đó gọi rõ tên Chúa Giêsu, do đó người ta tưởng rằng nó có một chút quyền năng nào đó trên Người. Những cái tên được sử dụng rất đáng chú ý. “Ông Giêsu Nazarét” nghĩa là nó nhận ra Người theo nguyên quán, hoặc nó muốn nối kết Người với những bậc Nadia, hoặc những người được thánh hiến (x. Ds 6,2-21). “ĐấngThánh của Thiên Chúa” là một danh hiệu rất hiếm gặp và có lẽ muốn nói đến mối tương quan đặc biệt của Chúa Giêsu với Thiên Chúa. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng danh xưng về Chúa như thế chắc chắn là những để quy chiếu về địa vị độc nhất của Người. Sự thừa nhận của ác thần về địa vị ưu việt của Chúa Giêsu được xác nhận bởi câu hỏi nó đặt ra: Ông đến để tiêu diệt chúng tôi hay sao (ác thần nói nhân danh số đông)? Ác thần biết rõ rằng đây là một cuộc đối đầu và Chúa Giêsu đã chiếm ưu thế.
Khi làm cho ác thần thất thế, Chúa Giêsu ra lệnh cho nó không được nói. Có phải Người không muốn người khác biết mình là ai? Trong bối cảnh của một câu chuyện trình bày về một giáo huấn có thẩm quyền và sức mạnh trên ma quỷ, mệnh lệnh này có vẻ khá kỳ lạ. Tuy nhiên, người ta cần phải nhớ rằng trọng tâm của câu chuyện là uy quyền của Chúa Giêsu chứ không phải danh tính của Người. Điều này sẽ được tiết lộ sau. Cũng như dân chúng kinh ngạc về sự giảng dạy của Chúa Giêsu, họ cũng kinh ngạc về quyền năng của Người trên ác thần. Chúa Giêsu có thể khiến ác thần phải câm lặng, nhưng sự nổi tiếng của Người với tư cách là một tôn sư và một người trừ quỷ đã lan rộng khắp miền Galilê.
THAM KHẢO SÁCH GIÁO LÍ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO
+ GLHTCG 547-550: Chúa Giêsu kèm theo giáo huấn của Người bằng các phép lạ
+ GLHTCG 447, 438, 550: Sức mạnh của Chúa Giêsu trên các thần dữ
+ GLHTCG 64, 762, 2595: Vai trò ngôn sứ
+ GLHTCG 922, 1618-1620: Trinh khiết vì Nước Trời
Lm. Giuse Ngô Quang Trung
v