Từ Chuyến đi Việt Nam của tổng giám mục Gallagher đến hy vọng chuyến đi Việt Nam sắp tới của Đức giáo hoàng?
Liệu chuyến đi của tổng giám mục Gallagher, trước chuyến đi dự trù trong năm 2024 của Quốc vụ khanh Pietro Parolin có giúp mở đường cho chuyến đi Việt Nam sắp tới của Đức Phanxicô không? Khi được hỏi về việc này vào tháng 1, tổng giám mục Gallagher tỏ ra lạc quan: “Tôi nghĩ chuyến đi này sẽ diễn ra. Đức Phanxicô muốn đến đó và cộng đồng công giáo cũng rất mong ngài đến.”
Trên chuyến bay đưa Đức Phanxicô từ Mông Cổ về Rôma tháng 9 năm 2023, chính ngài đã lên tiếng tán thành một chuyến đi như vậy. Ngài nói đùa: “Nếu tôi không đến đó, chắc chắn Đức Gioan XXIV sẽ đến” trước khi tiếp tục nghiêm túc hơn: “Chắc chắn một chuyến đi như vậy sẽ được thực hiện, vì đây là vùng đất xứng đáng để tiến về phía trước.” (…) Việt Nam là một trong những kinh nghiệm đối thoại rất đẹp mà Giáo hội đã có được trong thời gian gần đây. (…) Hai bên đều có thiện chí hiểu nhau và tìm cách tiến lên, còn vướng mắc nhưng ở Việt Nam tôi thấy sớm muộn gì cũng khắc phục được”.
6% người Công giáo
Ngày nay, hiến pháp của Việt Nam bảo đảm quyền tự do thờ phượng, dù quyền tự do này vẫn còn mong manh, Việt Nam có khoảng sáu triệu người công giáo, chiếm gần 6% dân số. Hơn nữa, 45% người có tôn giáo, họ nói họ là người công giáo.
Thần học gia Michel Chambon nhấn mạnh: “Giáo hội vẫn sống động, năng động – đặc biệt về mặt xã hội – giàu ơn gọi, trong một xã hội đang giàu có rất nhanh và phát triển thuộc hàng nhanh nhất trong vùng.” Trong những thập kỷ gần đây, chính sách ngoại giao kín đáo của Giáo hội Việt Nam đã giúp dỡ bỏ dần dần các hạn chế, đặc biệt là về số lượng chủng sinh và linh mục được chịu chức.
Bài đọc thêm: Hà Nội chính thức mời Đức Phanxicô đến thăm Việt Nam
Điều gì vẫn là những trở ngại cho đối thoại, trong khi chính quyền vẫn giữ quyền hạn chế số lượng và quy mô của các giáo xứ địa phương, đồng thời tổ chức các cuộc tham vấn trước khi bổ nhiệm các giám mục hoặc tổng giám mục? Ông Michel Chambon giải thích: “Một số chủ đề vẫn còn tranh luận, như yêu cầu của các giám mục về việc bồi thường tài chính cho những vùng đất trước đây bị chính phủ cưỡng chế, hoặc có thể mở các trường tiểu học và trung học trong nước – cho đến nay Giáo hội chỉ được mở các trường mẫu giáo. Trong vấn đề này, Rôma và Hội đồng Giám mục có thể đưa ra những ưu tiên khác nhau. Tuy nhiên, khác với Trung Quốc, Vatican không cần sự chấp thuận của Hà Nội để bổ nhiệm.”
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch