Có một câu chuyện hay về nhà triết học hoài nghi, ông Điogenes xứ Sinilope người Hy Lạp, thế kỷ thứ bốn. Trong một chuyến hành trình đến Aegina, ông bị cướp biển bắt và bán làm nô lệ ở Crêta. Khi nhìn những người buôn đang đấu giá mua mình, ông chú ý đến một người đàn ông và nói với thủ lĩnh hải tặc: “Hãy bán tôi cho người đàn ông đó vì ông ta đang cần một người chủ.” Người mua ông ta là một cư dân xứ Côrinthô tên là Xeniades. Xeniades hỏi Điogenes: “Nghề nghiệp của anh là gì?”. Điogenes trả lời: “Công việc duy nhất mà tôi biết là hướng dẫn người khác bằng cách dạy họ nghệ thuật làm chủ mọi đức tính bản thân”. Xeniades rất tin tưởng nhà triết học-nô lệ của mình, ông đã mau chóng giao cho anh ta quản lý gia đình và giáo dục con cái của mình. Xeniades thường nói với bạn bè của mình: “Đó thật là một ngày ơn phúc khi Điogenes bước vào nhà tôi.”
* Jarô, cha của cô gái mà Chúa Giêsu cứu sống, như được mô tả trong Tin Mừng hôm nay, hẳn cũng đã cảm nghiệm được tâm tình ấy khi Chúa bước vào nhà ông.
2. NUÔI LỚN NIỀM HY VỌNG
Hầu như cả thế giới đau buồn khi Coretta Scott King, góa phụ của Tiến sĩ Martin Luther King, Jr qua đời trong một bệnh viện ở Mexico. Tại sao ở Mỹ mà lại phải sang Mexico? Thật là đơn giản. Chuyện thế này các bác sĩ ở Hoa Kỳ đã nói với bà rằng họ không thể làm được gì hơn cho căn bệnh của bà. Các bệnh viện ở Mexico có thể mang lại những hy vọng cho việc trị liệu. Hy vọng đó có thể chỉ là rất mong manh, nhưng ai có thể trách bà trong lúc đó? Hầu như tất cả chúng ta sẽ làm bất cứ điều gì mang lại hy vọng. Hãy hỏi một người đã từng bị bệnh mãn tính và chúng ta nhận ra rằng, dù ngay cả những chuyên gia y khoa giỏi nhất cũng không biết cách làm thế nào để chấm dứt cơn đau của họ thì họ vẫn nuôi hi vọng. Nhiều người trong số những người đau khổ này sẽ cố gắng chạy chữa tìm một người có thể cứu giúp họ, phải không bạn?
* Người phụ nữ bị bệnh xuất huyết mãn tính trong câu chuyện Tin Mừng hôm nay, đến với Chúa Giêsu với một đức tin trọn vẹn. Chúa Giêsu là người thầy thuốc cuối cùng mà bà tìm kiếm.
3. THƯƠNG NHÂN CỦA SỰ SỐNG
Vào năm 1888, một người đàn ông đọc báo buổi sáng và kinh ngạc thấy bản cáo phó của chính mình được đăng! Tờ báo đưa tin về cái chết của anh trai một người đàn ông, đã xác định nhầm ông chính là người chết! Như hầu hết chúng ta, “người anh trai sống sót” đó thích thú với ý tưởng tìm hiểu xem mọi người sẽ nói gì về ông sau khi ông chết. Ông đọc thấy những dòng chữ in đậm trên báo “Vua thuốc nổ qua đời”. Ông đọc hết bài báo và rất sửng sốt khi thấy mình được miêu tả như là một “lái buôn của cái chết”. Quả thật ông là người phát minh ra thuốc nổ và đã tích lũy được một tài sản tương đối từ việc chế tạo các loại vũ khí. Nhưng lúc này ông thật đau lòng bởi bài báo. Có ai muốn được biết đến như một “lái buôn của cái chết” không? Chính vào lúc đó, một sức mạnh chữa lành lớn hơn sức mạnh hủy diệt của thuốc nổ đã đến với ông và thôi thúc ông, qua di chúc, lập ra một loạt giải thưởng vinh danh những người sẽ đóng góp những nỗ lực vì hòa bình và sự tốt đẹp cho con người.
* Ngày nay, người ta nhớ đến Alfred Nobel không phải với tư cách một “lái buôn của cái chết” mà là người sáng lập các giải Nobel, một “thương nhân của sự sống”.
4. SỨC MẠNH CHUYỂN HÓA
Vào một thời điểm nọ người dân hai nước Chilê và Argentina tranh chấp về biên giới giữa hai quốc gia của họ. Sau một thời gian, họ đồng ý chung sống hòa bình và dựng một bức tượng để nhắc nhở về thỏa thuận đó. Nhà điêu khắc người Argentina đã nấu chảy những khẩu đại bác của quân đội nước mình để đúc thành một bức tượng Chúa Kitô rất lớn. Tượng được đặt trên đỉnh dãy núi Andes ở biên giới giữa hai quốc gia. Một tay Chúa cầm thánh giá còn tay kia giơ lên cao trong cử chỉ chúc phúc. Chúa Kitô có quyền năng biến đổi: thù địch thành anh em, bất công thành nỗ lực xây dựng bình an, và đau khổ thành cuộc sống có mục đích... Chúng ta những Kitô hữu cũng phải tiếp tục sức mạnh chuyển hóa đó trong cuộc sống hôm nay: chữa lành, kết nối những mảnh đời tổn thương, xây dựng niềm hi vọng...Chúa luôn là Thầy Thuốc chữa lành mọi bệnh tật của nhân loại.
5. CHỮA LÀNH BẰNG TIẾNG CƯỜI
“Tâm hồn vui tươi làm thân xác lành mạnh” (Châm ngôn 17,22). Vào những năm 1300, bác sĩ phẫu thuật, Henri de Mondeville đã kể chuyện cười cho các bệnh nhân của mình trong phòng hồi sức. Tiếng cười tạo ra những thao tác thể dục cho các cơ mặt, hai vai, cơ hoành và bụng. Nó tác động vào hơi thở. Khi thở sâu hơn, nhịp tim tăng lên, máu sẽ lưu thông và vận chuyển nhiều oxy hơn. Endorphin được giải phóng, ngưỡng chịu đau được nâng lên và một số nghiên cứu cho thấy rằng ngay cả hệ thống miễn dịch của chúng ta cũng được tăng cường. Khi chúng ta cười, người khác cũng cười theo. Tiếng cười là một loại thuốc dễ lây lan, hiệu quả cao, không cần kê đơn. Nó không có tác dụng phụ và không ai bị dị ứng với nó. Hãy luôn tự hỏi hôm nay tôi đã có được tiếng cười sảng khoái chưa? Chúng ta có thể sử dụng công cụ hài hước để tạo ra tiếng cười cho sức khỏe, sự chữa lành và cảm giác hạnh phúc. Chúng ta thậm chí có thể dành thời gian hàng ngày để luyện tập cười thành tiếng- có thể bằng cách mỉm cười trước, sau đó là cười khúc khích, rồi cười sảng khoái trong lòng!
6. CẢM ỨNG CHỮA BỆNH
Các nghiên cứu tại Trung tâm Y khoa Đại học California-Los Angeles và Tổ chức Menninger đã chỉ ra rằng cái ôm giữa người với người tạo nên cảm nhận dịu dàng, sự ân cần, sự cảm thông - các hành vi cần thiết để chữa lành cả thể xác và tâm hồn. Người ta nói rằng cái ôm làm giảm thiểu những căng thẳng về thể chất và cảm xúc lo lắng, giúp con người sống lâu hơn, duy trì sức khỏe, giảm mệt mỏi và tạo giấc ngủ sâu. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng hemoglobin, phần máu vận chuyển oxy, tăng đáng kể khi người ta được chạm vào. Đó là câu trả lời cho những người nói rằng nghi thức Chúc Bình an trong thánh lễ có phần giả tạo! Chắc chắn nó đã mang lại cho chồng, cho vợ, cha mẹ và con cái, những người quen biết nhau lý do chính đáng để chạm vào nhau, để ôm hôn!
* Chúa Giêsu đã chạm vào các bệnh nhân và chữa lành họ. Hãy luôn kết nối với với Chúa Giêsu bằng đức tin và bạn sẽ cảm thấy sức mạnh và sự mới mẻ tràn vào tâm hồn. Người chữa lành mọi tật bệnh của chúng ta.
7. CUỘC SỐNG KỲ DIỆU
Trong vở kịch của Thornton Wilder, “Thị trấn của chúng ta”, Emily Webb từ cõi chết trở về thị trấn thời thơ ấu của cô. Ở đó, cô nhìn thấy tất cả những người quen đã chết từ lâu của mình còn sống, cả mẹ và cha cô. Thị trấn vẫn giống như những gì cô nhớ khi cô còn nhỏ, ngoại trừ một điều: vẻ đẹp rạng ngời và sự kỳ diệu của mọi cảnh vật khiến cô thấy choáng ngợp. Mọi hình ảnh, âm thanh, mọi cử chỉ yêu thương, mọi lời nói ân cần dịu dàng giữa bạn bè gần như vượt quá sự hình dung của cô. Cô chưa bao giờ nhận ra điều kỳ diệu của cuộc đời mình khi cô đang sống nó.
* Đức tin được củng cố khi chúng ta nhớ lại những câu chuyện kỳ diệu trong cuộc đời của mình. Nếu chúng ta nhiệt thành sống đức tin và để cho Chúa làm công việc của Ngài thì chúng ta sẽ trải nghiệm những điều kỳ diệu Chúa thực hiện ngay trong cuộc sống của chúng ta.
8. TÌNH THƯƠNG ĐÍCH THỰC
Có lẽ cha Henri Nouwen, một văn sĩ, một nhà thần học, đã nói điều này rõ hơn bất kỳ ai khác. Tác giả của nhiều cuốn sách, cha Nouwen nói về các Kitô hữu như là “những người chữa lành các vết thương”, những người có lòng trắc ẩn. Lòng thương xót không phải là một kiểu thương hại. Sự thương hại tạo cho chúng ta đứng xa một khoảng cách. Đó là thái độ trịch thượng. Lòng thương xót cũng không phải là cảm thông. Thông cảm là để cấp trên dành cho cấp dưới. Lòng thương xót cũng không phải là việc từ thiện. Từ thiện là để người giàu tiếp tục duy trì vị thế của họ so với người nghèo. Còn lòng thương xót phát xuất từ Thiên Chúa. Nó có nghĩa là tham gia vào vấn đề của người khác. Nó có nghĩa là gánh lấy gánh nặng của người khác. Nó đặt chúng ta đứng vào vị trí của người khác. Đó là cách thế con người ta đến với nhau. Nó đối lập với sự xơ cứng cảm xúc. Cũng giống như cho bánh mà không có tình thương có thể gây ra chiến tranh thì xơ cứng cảm xúc có thể trở thành mánh lới quảng cáo.
Linh mục Giuse Ngô Quang Trung sưu tầm