Đức Giám mục Gioan B. Bùi Tuần
Trong thánh lễ hôm nay có một sự kiện đẹp gây ấn tượng mạnh, đó là số linh mục đồng tế rất đông. Các linh mục sẽ cùng giám mục và cộng đoàn tín hữu tạ ơn Chúa Giêsu Kitô vì Bí tích Truyền Chức thánh.
Nhân dịp trọng đại này, tôi suy nghĩ nhiều về ơn gọi của mình. Tôi thấy có nhiều điều phải tạ ơn Chúa, có nhiều điều phải ăn năn sám hối, có nhiều điều phải cố gắng thêm. Giờ đây, tôi chỉ xin chia sẻ một điều, mà tôi cho là rất quan trọng trong cuộc sống ơn gọi của mình. Điều đó là gì ? Thưa là khả năng tiếp nhận.
Trước hết là khả năng tiếp nhận tiếng Chúa gọi từ lịch sử cụ thể của Hội Thánh, của đất nước, của địa phương mình sống.
Qua kinh nghiệm, tôi thấy rằng : một yếu tố quan trọng trong ơn gọi là nghe được tiếng Chúa gọi mình. Chúa gọi chúng ta không phải từ một hoàn cảnh nào xa vời, nhưng từ những gì cụ thể của lịch sử mà mình đang sống. Lịch sử giáo phận chúng ta có những thời sự rất rõ.
Thí dụ : từ mấy năm nay xuất hiện phong trào người nông thôn bỏ nông thôn đi lên thành thị để lập thân, chứ không ngược lại. Đó là một sự kiện xã hội rất rõ, có ý nghĩa, sẽ còn tiếp diễn.
Thí dụ : từ mấy năm nay xuất hiện tình trạng phân hoá giữa giầu và nghèo. Có những người nghèo sẽ mãi mãi phải nghèo. Có những người giầu sẽ còn giầu thêm. Đó là sự kiện xã hội rất cụ thể, đầy thách đố, sẽ còn phát triển.
Thí dụ : từ ít năm nay xuất hiện chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa hưởng thụ, chủ nghĩa cá nhân, các vấn đề được chú trọng là làm giầu, là xây dựng uy tín, là tìm thành công, là tìm sung sướng, bất chấp hoặc coi nhẹ vấn đề lương tâm. Đó là sự kiện xã hội rất nổi, đáng báo động, đang lan tràn.
Thí dụ : từ ít lâu nay, xuất hiện những người thiện chí, những nhóm tình nguyện, những tổ chức tự nguyện, cổ võ tình liên đới, dấn thân lo cho người nghèo, xây dựng công bình xã hội. Đó là sự kiện xã hội rất đẹp, đầy hứa hẹn, có sức hấp dẫn.
Từ những sự kiện cụ thể của lịch sử đó, Chúa đã và đang gọi chúng ta. Chúng ta sẽ nghe được tiếng Chúa gọi, nếu chúng ta có một trí khôn được thắp sáng và có một trái tim được đốt nóng. Tiếng gọi ấy sẽ là hãy đi theo Chúa để đồng hành, để phục vụ, để cứu độ.
Mỗi người chúng ta có nghe được tiếng Chúa gọi mình không ? Nếu nghe được, chúng ta có tiếp nhận tiếng gọi đó một cách thận trọng không ? Và chúng ta đã trả lời tiếng gọi đó thế nào trong những sáng kiến mục vụ ? Khi nhìn lại quãng đời đã qua, và xét về tiếng Chúa gọi qua lịch sử, mỗi người chúng ta, đặc biệt là các giáo sĩ, sẽ có nhiều điều phải cảm tạ Chúa, nhưng cũng có nhiều điều phải ân hận.
Bên cạnh tiếng gọi từ lịch sử Hội Thánh và đất nước, còn có tiếng Chúa gọi từ tình trạng cụ thể của chính bản thân chúng ta.
Tình trạng cụ thể của bản thân chúng ta là đời sống kiến thức của mình, là nếp suy tưởng của mình, là những ước muốn và tình cảm của mình, là những thói quen của mình, là những việc đạo đức của mình, là những hóc hẻm sâu kín của tiềm thức trong ta, là những bổn phận thường ngày của ta. Trong tình trạng cụ thể của bản thân ta, điều nên để ý nhất chính là phong cách : cách học hỏi, cách xây dựng liên hệ, cách nói năng, cách ăn uống, cách cầu nguyện, cách cử hành và tham dự thánh lễ, cách rao giảng Tin Mừng, v.v.
Từ tình trạng cụ thể đó, Chúa gọi chúng ta nên có những sửa đổi, nên có những chuyển thức, nên có những đột phá, nên có những cố gắng phấn đấu hơn. Mỗi người chúng ta có nghe được tiếng Chúa gọi không ? Nếu nghe được tiếng Chúa gọi, chúng ta có tiếp nhận tiếng gọi đó một cách cẩn trọng không ? Và chúng ta đã trả lời tiếng gọi đó như thế nào trong tu đức ? Khi nhìn lại, mỗi người chúng ta, nhất là các giáo sĩ, chắc sẽ có nhiều điều cần cảm tạ Chúa, và cũng có nhiều điều khiến chúng ta ray rứt.
Sau cùng còn có tiếng Chúa gọi từ những nơi chốn vốn được truyền thống đức tin coi là nguồn mạch sự sống, và chân lý.
Những nơi chốn đó là Kinh Thánh, là phép Thánh Thể, là nội tâm thinh lặng cầu nguyện, là đường Thánh giá, là con đường hiệp thông trong Hội Thánh, là sự từ bỏ ý riêng mình, là nếp sống chay tịnh tu thân trong những ước mơ, trong những cái nhìn, trong cách ăn uống, nói năng.
Chúa gọi chúng ta phải hằng ngày đọc Lời Chúa và suy gẫm Lời Chúa. Chúa gọi chúng ta phải hằng ngày chiêm niệm mầu nhiệm tình yêu trong Phép Thánh Thể. Chúa kêu gọi chúng ta phải từng ngày từ bỏ con người cũ, để sống đời sống người môn đệ Đức Kitô. Chúa gọi chúng ta phải đi qua con đường Thánh giá, để có thể được chia sẻ ơn phục sinh của Đức Kitô.
Mỗi người chúng ta đã tiếp nhận tiếng gọi của Chúa thế nào? Và đã trả lời thế nào trong tu đức, mục vụ và truyền giáo ?
Riêng tôi, khi nhìn lại đời mình, tôi khám phá ra sự thực này là : Nếu nghĩ rằng mình sẽ lên thiên đàng bằng chiếc thang làm bằng các nhân đức và công phúc của mình, thì đúng là một ảo tưởng. Bởi vì mình chẳng có gì đáng gọi là nhân đức và công phúc. Nhưng mình sẽ lên thiên đàng nhờ tình yêu thương xót Chúa. Từ nhận định đó, tôi cho rằng biết tiếp nhận tình yêu thương xót Chúa là việc các giáo sĩ sẽ rất quan tâm, sẽ đặc biệt rao giảng, và sẽ thường xuyên làm chứng. Tình yêu thương xót Chúa, chính là thứ dầu thánh đích thực có sức cứu độ chúng ta.
Lạy Chúa, xin thương xót chúng con.