Mỗi tuần 1 địa chỉ : GIÁO XỨ B’DOR – GIÁO HẠT BẢO LỘC
Thứ sáu - 18/06/2021 21:35
Cách quốc lộ 20 hơn ba cây số với hơn mười phút xe máy xuyên qua các bản làng, nhà thờ B’Dor hiện ra như đón người khách xa lạ với cổng chào: “HÌU YÀNG BDƠR”. Công trình nhà thờ đặt giữa trung tâm khu đất như hòa với khung cảnh thiên nhiên xung quanh, với cây cối làng mạc.
Xem hình ảnh
Cách quốc lộ 20 hơn ba cây số với hơn mười phút xe máy xuyên qua các bản làng, nhà thờ B’Dor hiện ra như đón người khách xa lạ với cổng chào: “HÌU YÀNG BDƠR”. Công trình nhà thờ đặt giữa trung tâm khu đất như hòa với khung cảnh thiên nhiên xung quanh, với cây cối làng mạc. Giáo xứ được thành lập vào đúng ngày Giáng sinh năm 1962 với công cuộc truyền giáo chinh phục trước đó một năm của linh mục Lau-ren-sô Phạm Giáo Hóa. Đầu năm 2003, công trình mới được khởi công và khánh thành sau gần một năm xây dựng. Linh mục Gio-an Bao-ti-xi-ta Trần Đức Long hiện đang quản xứ và chịu trách nhiệm cho các sinh hoạt hiện nay của nhà thờ.
Nhà thờ với phong cách bản địa được lấy theo ý tưởng nhà Rông của người K’ho và cách điệu bằng các chi tiết thân quen trong các vật dụng sinh hoạt hằng ngày. Mái chữ A cao hơn 14 mét như điểm nhấn cho công trình, là điểm nổi bật với các kiểu nhà dân tộc Tây Nguyên. Vật liệu xây dựng chính bằng bê tông cốt thép, tông chủ đạo vàng nâu và tô điểm xung quanh với nhiều chi tiết trang trí như: chum vại, các vật liệu gốm, các chi tiết thổ cẩm… Mặt chính với một lớp mái đồng dạng nhưng thấp hơn mái chính và được trang trí với hai trụ cột lớn sơn giả gỗ, trên đó điêu khắc hình 12 vị tông đồ xưa theo một cách rất riêng, một cách rất “dân tộc”. Sàn nhà thờ cũng được nâng cao hơn so với phần sân, khu đất thì cao hơn so với xung quanh, ví như nhà thờ tọa lạc trên một ngọn đồi riêng biệt (trong Kinh thánh các hình ảnh ngọn đồi rất hay được nhắc đến). Bậc tam cấp tiếp xúc với sảnh đón phía trước và nối liền với hành lang hai bên nhà thờ, lan can bảo vệ với hoa văn chữ X sơn vàng giả gỗ. Các chi tiết trang trí, các hình ảnh riêng của người bản xứ được bố trí đều xung quanh nhà thờ tạo cảm giác thân thiện, mộc mạc, giản dị.
Bên trong công trình được chia làm năm không gian chính theo mô hình nhà thờ Công giáo thông thường: Lòng nhà thờ, Gian cung thánh, không gian phụ hai bên cánh, khu vực ca đoàn và không gian phụ trợ phía sau. Màu sắc chính theo màu gỗ để tạo cảm giác hòa hợp với bản địa, đối lập là tông trắng xám ở trên trần, bằng tôn có các gân sóng nghiêng 45 độ để thêm phần thẩm mỹ và hạn chế về sự truyền nhiệt. Tường vàng được kẻ chỉ dọc đứng như các nan gỗ tự nhiên, nhấn bằng màu nâu đậm ở các cột bê tông chịu lực cho công trình. Gian cung thánh nổi bật với tượng Thánh giá Chúa theo phong cách thô mộc, với các chi tiết chum vại được ốp trang trí liền vách phía sau tượng: mang đến cảm giác Thiên Chúa gần gũi và sống giữa làng mạc, gia đình người bản xứ.
Các cửa chính được làm bằng kính trong, trang trí tô điểm bằng kính màu vàng trên diềm và khung gỗ để mô phỏng Thánh giá. Cửa ra vào được bố trí chạy dọc hai bên hành lang và theo hình chữ nhật đứng, hai cánh mở. Tiếp giáp ngay phía trên là các ô lấy sáng cố định bằng tranh kính màu thể hiện các câu chuyện trong Kinh thánh Công giáo. Phần mặt chính ở khu vực ca đoàn có các ô sáng được “tạc” theo hình ngôi sao biểu trưng là Chúa Ba Ngôi cùng với mặt trời, mặt trăng và đối xứng hai bên là bình chum vại (đại diện cho người bản xứ nơi đây): sự kết liên mật thiết giữa Thiên Chúa và con người. Mảng tường nâu sậm như nổi bật lên với các ô sáng có hình tượng đặc biệt được sắp đặt rất logic. Phần gian thờ có khe sáng được tạo ra bởi sự chênh lệch cao độ mái. Tô điểm cho tượng Chúa Giê-su là phần ánh sáng tự nhiên từ khe mái chiếu thằng vào: tạo cảm giác linh thiêng, nhiệm mầu cho người đến cầu nguyện, tham dự thánh lễ vào ban ngày. Điểm đặc biệt với nhà thờ B’Dor là các ô lấy sáng tự nhiên phía trên tường giáp mái được bố trí hai bên công trình. Chúng được đặt theo hình zích zắc – gợn sóng như các chi tiết thổ cẩm trên trang phục của người K’ho. Các ô này dạng hình tròn, bằng gốm và hở hai mặt lấy ý tưởng từ các vòng đeo tay hoặc các chén ăn, chum vại của người bản địa. Tạo cho công trình thêm phần ánh sáng và thông gió tự nhiên.
Do tọa lạc trên triền đất cao so với xung quanh, công trình nhà thờ B’Dor đón được nhiều ánh sáng tự nhiên do các ô cửa được bố trí xung quanh công trình nhưng dễ tạo cảm giác nóng do hiệu ứng màu sắc bên trong và mật độ vật liệu kính bố trí dày đặc. Tuy nhiên đây là công trình tôn giáo có nét rất riêng về hình thức kiến trúc và mang đậm văn hóa người bản xứ: cần được ứng dụng rộng rãi, phát huy. Nhà thờ B’Dor rất đặc biệt về hình thức kiến trúc và các thủ pháp lấy sáng tự nhiên bên trong nhà thờ. Do nằm ở khu vực khuất sâu bên trong nên ít người biết đến.
Qua chuyến hành hương và dưới sự cho phép của cha xứ, đặc cách được chiêm ngưỡng các nét riêng cả bên ngoài và bên trong ngôi thánh đường. Cha khá trẻ nhưng trong cuộc trò chuyện với Ngài thì các thuyết về đạo, giáo lý Kinh thánh thì không hề “trẻ” chút nào – rất uyên bác. Với một số thí nghiệm, thước phim, hình ảnh và ít phút thinh lặng hướng về Thánh giá Chúa, cảm giác thật khó tả bằng lời! Trước khi tạm biệt, cha còn những lời nhắn nhủ thật dễ thương và chân thành: “Con nhớ giới thiệu nhà thờ B'Dor đến với mọi người để họ đến hành hương, tham quan và chiêm ngắm nhan thánh Chúa; Ở đây còn vắng vẻ và ít người biết đến.” Nếu có dịp, mỗi người sắp xếp một chuyến đến với nhà thờ BDor, vừa hành hương vừa tham quan du lịch, một lần cảm nhận các nét riêng của nhà thờ bản địa nơi đây, thinh lặng, tịnh tâm, hướng mắt, cầu nguyện: chắc chắn sẽ là một kỉ niệm khó quên trong đời.
Nguồn: Tân Dương