11/01/2020
DẪN
- Trong thông báo mời các cộng đoàn tu sĩ nam nữ đăng ký tham dự Họp Mừng Xuân Canh Tý theo truyền thống vốn có, cha Giuse chủ tịch Gia đình Liên Tu Sĩ Đà Lạt đã ghi vắn tắt chủ đề: “Mừng Xuân Canh Tý với các gia đình”. Như vậy, tâm tình chính hôm nay là “Mừng Xuân”.
- Xuân là ngày khởi đầu cho một Năm Mới. Vậy tâm tình là mừng, là vui, với hy vọng những điều tốt cho bản thân, cầu mong những sự lành cho quê hương đất nước và cho mọi người. Chúng ta tiễn năm cũ, tiễn những điều xui xẻo của năm cũ, nhưng không quên cám ơn những sự lành đã nhận được.
- Còn hai tuần nữa tết đến, xuân sang, Liên Tu Sĩ Đà Lạt chúng ta hôm nay quây quần để mừng Xuân Canh Tý sắp đến, sống niềm vui vì món quà thời gian Chúa ban, cùng với vạn sự lành có, không lành có, nhưng trong đức tin của người con Chúa.
- Trong tâm tình chính mừng xuân, bao hàm những tâm tình tạ ơn, đón nhận, vui mừng, trách nhiệm phát huy, và không quên tạ lỗi vì những yếu đuối thiếu sót của mình.
CÁC BÀI ĐỌC LỜI CHÚA
- Trước hết, chủ đề có thể rút ra từ ba bài đọc lời Chúa là gì? Những “từ” chính, nổi bật, được lập đi lập lại trong cả ba bài đọc là: “ân nghĩa”, “ân sủng”; và bởi đó bật lên tâm tình “ca tụng, ngợi khen, cảm tạ lòng thương xót, lắm nghĩa giàu ân của Thiên Chúa”.
- Bài đọc 1 ghi lại cho chúng ta lời của Dân Chúa: “Chúng tôi được cứu thoát không phải bởi một sứ giả hay một thiên thần, nhưng chính là Đức Chúa đã yêu mến, thương cảm, vực dậy, chuộc về, và mang chúng tôi đi dọc suốt đường dài của lịch sử”. Chúng ta có cảm nghiệm điều tuyệt vời này trong cuộc sống bản thân mình không?
- Còn đỉnh cao của bài Phúc Âm mô tả cuộc thăm viếng của Đức Maria tại nhà bà Êlisabet kết thúc bằng bài ca Magnificat đầy hứng khởi của Mẹ: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, Thần trí tôi hớn hở vui mừng”. Vì sao vậy? “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả..”.
- “Điều cao cả” Đức Maria tuyên xưng, thì thánh Phaolô trong thư I Corintô tuyên xưng là “ân huệ trong Đức Kitô Giêsu”. “Tôi hằng cảm tạ Thiên Chúa của tôi vì anh em, về ân huệ Người ban cho anh em trong Đức Kitô Giêsu…Những ân huệ phong phú về mọi phương diện, khiến anh em không còn thiếu một ân huệ nào…Người đã gọi anh em đến hiệp thông với Con của Người là Đức Kitô Giêsu Chúa chúng ta”.
BÀI HỌC CHO TU SĨ
- Các tu sĩ chúng ta có thấy cuối cùng tâm tình tạ ơn gợi lên từ ba bài đọc chạm thật gần thật thiết thân đến cái căn tính của người tu sĩ chúng ta không? Nếu ân huệ lớn nhất là được kêu gọi đến hiệp thông với Đức Kitô Giêsu, mà người tu sĩ sống đời thánh hiến là người được mời gọi theo sát Đức Kitô hơn, thì tạ ơn mà các bài đọc gợi lên nơi chúng ta phải thấm thía biết chừng nào.
- Cũng dựa vào thánh kinh, chúng ta thử đi sâu thêm vào tâm tình “ân nghĩa” và “tạ ơn” này.
- Trong câu chuyện hóa bánh ra nhiều, Phúc Âm Matthêu 15,29-37 kết thúc như sau: “Ai nấy đều ăn và ăn no nê. Những mẩu bánh còn thừa, người ta thu lại được bảy thúng đầy”.
- Hào phóng, dư dật, hơn mức cần thiết, hay “bội hậu” theo kiểu nói của ĐHY Ratzinger. Ở tiệc cưới Cana cũng vậy. Lượng nước hóa thành rượu lên đến năm sáu trăm lít, quá dư thừa đối với một đám cưới riêng. Hào phóng, dư dật, đó là dấu ấn Thiên Chúa để lại nơi công trình sáng tạo của Người.
- Trên bình diện lịch sử cứu độ cũng vậy, hình tượng rất cụ thể trước mắt chúng ta: Chúa Giêsu trên thập giá và Chúa Giêsu Thánh Thể trong nhà tạm đó; trên thập giá và trong Thánh Thể, Thiên Chúa tiêu pha không chỉ vũ trụ mà còn tiêu pha chính mình vì sự sống của con người cát bụi chúng ta. Quá hào phóng, hơn mức cần thiết.
- Các dòng Mến Thánh Giá, các dòng chiêm niệm hay hoạt động, có một bằng chứng và một nền tảng rất đánh động, rất ủi an. Địa chỉ để chúng ta thường ngày thăm viếng, kết thân, gần gũi, và hưởng nhờ. Đấy, Thánh giá, Thánh Thể…
- Hôm nay chúng ta dừng lại ở cảm nghiệm về tình yêu thương vô cùng lớn lao, về ân huệ “bội hậu”, dư dật của Thiên Chúa, để sống sâu thẳm tâm tình tạ ơn Ngài, sống niềm vui tích cực, quảng đại với anh chị em mình trong cộng đoàn dòng cũng như với những anh chị em khác.
Nói theo lời của ĐTC Phanxicô, thì “những lời nói xấu, chỉ trích, ghen tương, tị hiềm, đố kỵ, không được phép cư ngụ trong nhà của chúng ta”.
Và sau tiền đề ấy, con đường của yêu thương hào phóng còn lại là vô tận: đón tiếp, quan tâm lẫn nhau, chia sẻ vật chất tinh thần, sửa bảo huynh đệ, tôn trọng người dưới, người yếu…Chính huyền nhiệm của việc chung sống (huyền nhiệm thay chung sống được với nhau) làm cho cuộc đời trở nên một cuộc “lữ hành thánh thiện” của Giáo Hội dưới thế.
KẾT
Để kết luận, kính thưa quý.., trong ngày tất niên và trong bầu khí long trọng này, xin cho tôi được kết luận bằng câu cũng mang tính hào phóng này: “Chỉ có người đang yêu mới hiểu được sự điên dại của tình yêu, mới hiểu nổi tại sao tình yêu lại hào phóng cho đi và tại sao tình yêu chỉ mãn nguyện khi cho đi cách bội hậu”.
Đấy, sứ điệp cho tất cả chúng ta khi chia tay nhau đi về hưởng ngày xuân mới trong cộng đoàn, tại gia đình, và trên mọi bước chân của người tu sĩ sống đời thánh hiến.