Giáo phận Đà Lạt :Thánh Lễ Tạ Ơn – Kết Thúc Sứ Vụ Mục Tử Của Đức Cha Antôn Tại Giáo Phận Dalat

Thứ ba - 01/10/2019 00:45
Giáo phận Đà Lạt :Thánh Lễ Tạ Ơn – Kết Thúc Sứ Vụ Mục Tử Của Đức Cha Antôn Tại Giáo Phận Dalat
Sáng ngày 24/9/2019, tại nhà thờ Giáo xứ Tân Thanh, Giáo hạt Bảo Lộc, Đức cha Antôn Vũ Huy Chương, cùng với Đức cha Đaminh Nguyễn Văn Mạnh, Đức cha Giuse Nguyễn Đức Cường, Giám mục Giáo phận Thanh Hóa và linh mục đoàn Giáo phận Dalat dâng thánh lễ tạ ơn, nhân dịp Đức cha Antôn kết thúc sứ vụ mục tử tại Giáo phận Dalat.
Sáng ngày 24/9/2019, tại nhà thờ Giáo xứ Tân Thanh, Giáo hạt Bảo Lộc, Đức cha Antôn Vũ Huy Chương, cùng với Đức cha Đaminh Nguyễn Văn Mạnh, Đức cha Giuse Nguyễn Đức Cường, Giám mục Giáo phận Thanh Hóa và linh mục đoàn Giáo phận Dalat dâng thánh lễ tạ ơn, nhân dịp Đức cha Antôn kết thúc sứ vụ mục tử tại Giáo phận Dalat.
Tham dự thánh lễ có đại diện tất cả các giáo xứ trong bảy giáo hạt, quý bề trên và đại diện các dòng tu trong giáo phận, các Thày thuộc đại chủng viện Minh Hòa.
Đức cha Antôn đã nhận nhiệm vụ Giám mục chính tòa Dalat từ tháng 3 năm 2011. Ngày 14/9/2019 Ngài tròn 75 tuổi và đã được Đức Giáo Hoàng Phanxicô chấp thuận cho nghỉ hưu. Đức cha phó Đaminh Nguyễn Văn Mạnh với quyền kế vị, chính thức là Giám mục chính tòa Dalat kể từ nay.
Trong tâm tình cảm mến tri ân sâu xa, Đức cha Đaminh đã thay mặt cho mọi thành phần dân Chúa trong giáo phận ngỏ lời với Đức cha Antôn. Với 8 năm rưỡi phục vụ giáo phận, biết bao ơn Chúa đã qua tay Đức cha tuôn đổ xuống trên giáo phận, biết bao công việc, những lời giáo huấn cũng như những tấm gương mà Đức cha Antôn đã thực hiện, đã để lại cho giáo phận. Xin Thiên Chúa luôn gìn giữ Đức cha được hồn an xác mạnh, tiếp tục cuộc sống trong giai đoạn mới của Đức cha.
Cha Phaolô Lê Đức Huân đại diện cho Linh mục đoàn, Tu sĩ và giáo dân dâng lời chúc mừng Đức Tân Giám mục chính tòa Giáo phận Dalat, cùng với lời hứa vâng phục, cộng tác với Đức cha Đaminh từ nay, như đã vâng phục và cộng tác với Đức cha Antôn trong những ngày tháng qua.
Sau thánh lễ là nghi thức làm phép khu nhà nghỉ dưỡng của linh mục giáo phận. Nhân dịp này, Cha Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Hoàng quản xứ Tân Thanh kiêm giám đốc nhà hưu dưỡng linh mục, ngỏ lời cảm ơn đến những người đã góp công góp của, cộng tác trong công việc xây dựng, sửa sang khu nhà trong nhiều tháng qua, để hôm nay Đức cha Đaminh khánh thành, đưa vào sử dụng, phục vụ quý cha đang nghỉ hưu.
Bá Trí


GIẢNG LỄ TẠ ƠN KẾT THÚC SỨ VỤ
Tân Thanh, 24/09/2019

Đức Cha Antôn Vũ Huy Chương
 
Hôm nay chúng ta quy tụ nhau nơi đây dâng Thánh Lễ được gọi là Thánh Lễ Tạ Ơn, vì mỗi người chúng ta thay mặt cho mọi thành phần dân Chúa trong Giáo phận đồng thanh cất cao lời kinh tiếng hát theo tinh thần Cộng đoàn Phụng tự để tạ ơn Thiên Chúa, nhân dịp một Mục tử kết thúc và một Mục tử khởi đầu sứ vụ Giám mục Chính tòa Giáo phận Đà Lạt từ ngày 14/9 vừa qua; đồng thời xin Chúa chúc lành cho những người sống trong Nhà Nghỉ dưỡng Linh mục Giáo phận và cho chính ngôi nhà mới nâng cấp.
Tuy nhiên, để ý thức mỗi người phải tạ ơn Chúa một cách toàn diện về những ân huệ nào, xin mọi người chúng ta cùng nhau đọc Kinh Cám Ơn:
“Con cám ơn Đức Chúa Trời là Chúa lòng lành vô cùng, chẳng bỏ con, chẳng để con không đời đời mà lại sinh ra con, cho con được làm người, cùng hằng gìn giữ con hằng che chở con, lại cho Ngôi Hai xuống thế làm người, chuộc tội chịu chết trên cây thánh giá vì con, lại cho con được đạo thánh Đức Chúa Trời cùng chịu nhiều ơn nhiều phép Hội Thánh nữa, và đã cho phần xác con (ngày/đêm) hôm nay được mọi sự lành, lại cứu lấy con kẻo phải chết tươi ăn năn tội chẳng kịp. Vậy các thánh ở trên nước thiên đàng cám ơn Đức Chúa Trời thế nào thì con  cũng hợp cùng các thánh mà dâng Chúa con cùng cám ơn như vậy. Amen”.
Như thế, chúng ta “cám ơn Đức Chúa Trời” vì Ngài là Chúa lòng lành vô cùng”. Tin Mừng Nhất Lãm (x. Lc 18,18-19; Mt 19, 16tt; Mc 10, 17tt) tường thuật về một lần có người đến hỏi Đức Giêsu: “Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” Đức Giêsu đáp: “Sao ông nói tôi nhân lành? Chẳng có ai nhân lành cả, trừ một mình Thiên Chúa”. Một lần khác, Đức Giêsu mời gọi: “Anh em hãy có lòng nhân từ như Cha anh em là Đấng nhân từ” (Lc 6,36). Chính do lòng nhân lành vô biên mà Thiên Chúa ban hết ơn này đến ơn khác, vì thế chúng ta đọc: “Con cám ơn Đức Chúa Trời là Chúa lòng lành vô cùng”.
Vậy, Thiên Chúa ban cho chúng ta những ơn  quan trọng nào ?
Ơn thứ nhất, Thiên Chúa “chẳng bỏ con, chẳng để con không đời đời mà lại sinh ra con”, hơn nữa còn “cho con được làm người” chứ không phải làm một con vật hoặc một loài cây cỏ, dù tất cả mọi loài Chúa dựng nên Chúa thấy đều tốt đẹp.
Sách Sáng thế, chương 1, khẳng định Thiên Chúa đã tạo thành mọi vật mọi loài từ hư không bằng Lời quyền năng của Ngài. Riêng loài người, Thiên Chúa dựng nên theo hình ảnh Ngài. TV 8 ca tụng Thiên Chúa rằng: “Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy, ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên, cho làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo, đặt muôn loài muôn sự dưới chân”. TV 139 ý thức rằng: “Tạng phủ con, chính Ngài đã cấu tạo, dệt tấm hình hài trong dạ mẫu thân. Tạ ơn Chúa đã dựng nên con cách lạ lùng, công trình Ngài xiết bao kỳ diệu”.
Ngoài ra, Thiên Chúa “hằng gìn giữ con hằng che chở con”: Đức Giêsu đã từng nhắn nhủ chúng ta hãy tín thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa: “Hãy xem chim trời: chúng không gieo không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý hơn chúng sao?” (Mt 6,26).
Ơn thứ hai, Thiên Chúa đã cho Ngôi Hai xuống thế làm người để loài người trở nên một với Thiên Chúa nơi Ngôi Lời Nhập Thể, Đấng được gọi là Emmanuel (Thiên Chúa ở cùng chúng ta). Sách Sáng thế mô tả bằng hình thức văn chương bình dân rằng: trong vườn địa đàng, chiều chiều Thiên Chúa từ trời xuống đi dạo trong vườn với Adam Eva; khoảng cách giữa Thiên Chúa và con người vẫn “một trời một vực”. Nhưng khi Ngôi Lời Nhập Thể, “đất với trời xe chữ đồng”, Thiên Chúa ở luôn với con người, Thiên Chúa nên một với con người, bất khả phân ly.
Hơn nữa vì loài người đã phạm tội trong Adam và phải chết, nên Đức Giêsu Kitô, Adam mới, đã tự nguyện chết thay cho loài người trên thánh giá và đã sống lại nhằm cứu sống mọi người. Khi về trời, Ngôi Lời Nhập thể đã đưa bản tính con người vào vĩnh cửu để hưởng hạnh phúc trường sinh cùng Thiên Chúa hằng sống.
Chính vì thế, trong thư gửi tín hữu Êphêsô (x. Ep 1,2-14), thánh Phaolô chúc tụng Thiên Chúa vì “theo ý muốn và lòng nhân ái của Ngài, Ngài đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giêsu Kitô”, hơn nữa “trong Thánh Tử, nhờ máu Thánh Tử đổ ra, chúng ta được cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi”. Đây là ân sủng Thiên Chúa ban cho mọi tín hữu, và là một Tin Mừng cần loan báo.
Thánh Phaolô không quên nhắc đến ân sủng đặc biệt ngài nhận được, đó là: “Tôi đã trở nên người phục vụ Tin Mừng đó, nhờ ân sủng đặc biệt Thiên Chúa ban cho tôi, khi Người thi thố quyền năng của Người”, khi chọn ngài làm tông đồ (làm giám mục) dù ngài tự nhận “là kẻ rốt hết trong toàn thể dân thánh”.
Nhìn lại những năm tháng trong sứ vụ mục tử, ĐTC Bênêđíchtô đã chia sẻ: “Tám năm sau, tôi có thể nói được rằng Chúa thực sự dẫn dắt tôi, ở bên tôi, hằng ngày tôi đều thấy được sự hiện diện của Chúa. Đó là cả một chặng đường dài của Giáo hội, có những lúc hân hoan và tươi sáng, nhưng cũng có những khi chẳng dễ dàng gì. Tôi thấy mình như Thánh Phêrô và các Tông đồ trong con thuyền trên hồ Galilê: Chúa đã cho chúng ta biết bao ngày nắng đẹp, gió nhẹ, những ngày đánh được nhiều cá; nhưng cũng có những lúc biển động, gió ngược, như nhiều lúc trong lịch sử Giáo hội, khi đó Chúa dường như cứ ngủ. Nhưng tôi luôn biết trong con thuyền này vẫn có Chúa, và cũng luôn biết rằng, con thuyền Hội Thánh không phải của tôi, không phải của chúng ta, nhưng là của Chúa và Người không để nó chìm mất. Chính Người dẫn dắt con thuyền Hội Thánh. Chắc chắn Người cũng dẫn dắt qua những người Chúa chọn, vì Người đã muốn vậy. Đó là điều chắc chắn không ai có thể làm lung lạc. Chính vì thế, hôm nay lòng tôi tràn đầy tâm tình biết ơn Chúa, bởi Người không để cho Giáo hội - và cả tôi nữa - không được Người an ủi, soi sáng và yêu thương”.
ĐTC Bênêđíchtô còn chia sẻ rằng: “Quyết định không đảm nhiệm sứ vụ nữa không có nghĩa là bãi bỏ điều đó. Tôi không quay về cuộc sống riêng tư của mình, quay về cuộc sống với những chuyến du hành, hội kiến, tiếp kiến, hội nghị v.v. Tôi không từ bỏ vác Thánh giá, nhưng sẽ đứng bên Đấng bị treo trên Thập giá với một cung cách mới. Tôi không còn giữ quyền điều hành Giáo hội, nhưng có thể nói, tôi phục vụ Giáo hội trong cầu nguyện, tôi đặt mình sống trong rào lũy của Thánh Phêrô”.
Ơn thứ ba, Thiên Chúa cho chúng ta được biết Đạo Công giáo, và Ngài muốn ban ân sủng cho chúng ta qua trung gian Hội Thánh, đặc biệt khi lãnh nhận các phép bí tích, vì thế trong kinh cám ơn, chúng ta tạ ơn Thiên Chúa vì đã “cho con được đạo thánh Đức Chúa Trời cùng chịu nhiều ơn nhiều phép Hội Thánh nữa”.
Ơn thứ bốn, Thiên Chúa “đã cho phần xác con (ngày/đêm) hôm nay được mọi sự lành, lại cứu lấy con kẻo phải chết tươi ăn năn tội chẳng kịp”. Thật vậy, trong lời nguyện nhập lễ tạ ơn, mẫu A, chủ tế đọc: “Lạy Chúa, Chúa không hề khép kín từ tâm khi thấy con cái Chúa phải lầm than khốn khổ. Chúa đã tỏ lòng thương chúng con vô ngần, nên chúng con xin dâng lời cảm tạ và còn dám xin Chúa giải thoát chúng con khỏi mọi sự dữ, hầu chúng con được luôn luôn vui mừng phụng sự Chúa”.
Cuối cùng, trong mầu nhiệm “Các Thánh Thông Công”, kinh cám ơn kết thúc bằng cầu nguyện rằng: “Vậy các thánh ở trên nước thiên đàng cám ơn Đức Chúa Trời thế nào thì con cũng hợp cùng các thánh mà dâng Chúa con cùng cám ơn như vậy. Amen”. Nước thiên đàng chính là cùng đích mà chúng ta nhận được sau cuộc sống ở trần thế này với tâm tình tạ ơn Thiên Chúa đời đời chẳng cùng.
Ước gì trong Thánh Lễ Tạ Ơn này, qua việc suy niệm kinh cám ơn, mỗi người chúng ta ý thức mình phải tạ ơn Thiên Chúa về những ân huệ quan trọng nào, và cũng ý thức như lời Kinh Tiền Tụng thường đọc trong Lễ Tạ Ơn rằng: “Tuy Chúa không cần chúng con ca tụng Chúa, nhưng việc chúng con cảm tạ Chúa lại là một hồng ân Chúa ban, vì những lời chúng con ca tụng Chúa chẳng thêm gì cho Chúa, nhưng đem lại cho chúng con ơn cứu độ, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con”. Amen.


 
  •  
  •  
  • CHIA SẺ KẾT THÚC SỨ VỤ
    Tân Thanh (Bảo Lộc) 24/09/2019
     
    - Trước hết, tôi xin chân thành cám ơn quý Cha và quý vị trong Ban Tổ chức, đứng đầu là Cha Quản xứ Tân Thanh kiêm Giám đốc Nhà Nghỉ dưỡng Linh mục Giáo phận, Cha Phó Xứ, HĐGX và bà con giáo dân giáo xứ Tân Thanh đã lo tổ chức Thánh Lễ Tạ Ơn hôm nay thật tốt đẹp.
    - Cách riêng, xin cám ơn mọi thành phần Dân Chúa trong Giáo phận Đà Lạt, đứng đầu là Đức Cha Đaminh, Giám mục Giáo phận, Cha Đại diện Giám mục đặc trách người Dân tộc, Cha Giám đốc Đại Chủng viện Minh Hòa, quý Cha Quản hạt, quý Cha Bề trên và tất cả quý Cha, quý Bề trên các Hội Dòng, Tu hội, Hiệp hội, quý Tu sĩ nam nữ, Chủng sinh và quý vị đại diện các Hội đồng Giáo xứ, Giáo sở, các Đoàn thể Tông đồ Giáo dân và quý ông bà anh chị em, đã đến tham dự hoặc hiệp thông với Thánh Lễ Tạ ơn hôm nay.
    Đặc biệt, xin chân thành cám ơn Đức Cha Giuse, Giám mục Giáo phận Thanh Hóa, là người đã tích cực chia sẻ công việc với tôi trong nhiều năm qua, đã về tham dự Thánh Lễ để chia sẻ tâm tình tạ ơn Chúa.
  • Tôi xác tín rằng những gì tôi đã làm được cho Giáo phận là do ơn của Chúa và sự cộng tác của nhiều người. Vì thế xin mọi người hợp ý với tôi tạ ơn Chúa và tôi xin chân thành cám ơn mọi người.
  • Khi phục vụ Tin Mừng vì lợi ích chung chứ không vì bản thân, dù tôi đã cố gắng đi tìm ý muốn của Thiên Chúa và Hội Thánh chứ “không phải để làm vui lòng người phàm” như lời khuyên của thánh Phaolô (x. 1 Tx 2, 2-6), nhưng những gì phải làm mà tôi đã không làm, hoặc làm không đúng, là do lỗi của tôi. Xin mọi người tha thứ cho tôi như Chúa luôn tha thứ cho tôi.
  • Cách đây hơn một năm, ngày 12/2/2018, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ký ban hành một Tông Thư dưới dạng Tự Sắc có tên là “Học giã từ” (Imparare a congedarsi, có bản dịch là “Học cách nói lời tạm biệt”) liên quan đến việc từ nhiệm vì lý do tuổi tác của các Giám mục trên thế giới. Đức Thánh Cha viết rằng: “Việc kết thúc một chức vụ trong Giáo hội cần phải được coi là một phần không thể tách rời của sứ vụ đó, vì nó đòi hỏi một hình thức mới của thái độ sẵn sàng”.
  • Xin tâm sự: tôi đã sẵn sàng từ 4 năm trước đây khi đệ đơn lên Đức Hồng Y Tổng trưởng Bộ Phúc Âm Hóa Các Dân Tộc xin Giám mục Phó và đã có Giám mục Phó với quyền kế vị từ hai năm nay; tôi đã sẵn sàng từ 5 tháng nay khi đệ đơn lên Đức Thánh Cha Phanxicô xin từ nhiệm để được nghỉ hưu khi tròn 75 tuổi (ngày 14/09/2019), nhân dịp gặp Đức TGM Đại diện ĐTC tại Việt Nam là người chuyển đơn.
    Đối với những vị chuẩn bị rời khỏi vị trí lãnh đạo, Đức Thánh Cha mời gọi hãy “phân định qua lời cầu nguyện cách sống trong giai đoạn sắp tới, và lập ra một dự án mới cho cuộc sống, nghĩa là nghỉ hưu rồi vẫn phải làm việc phù hợp, làm việc cho đến hơi thở cuối cùng. Tôi ao ước rằng: khi đã nghỉ hưu, mình có thể làm được những điều mà Đức Thánh Cha mong muốn và cố gắng làm theo những dự án mà mình đã định hướng.
    Chúng ta tiếp tục cầu nguyện cho nhau và cho Giáo phận.
    Một lần nữa, xin chân thành cám ơn và mến chào tạm biệt.
     
    Antôn Vũ Huy Chương
    Nguyên Giám mục Giáo phận Đà Lạt
    (Emeritus Episcopus Diocesis Dalatensis)

     


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

LIÊN KẾT WEB SITE

Các Giáo Phận

Giáo phận Bà Rịa
Giáo phận Ban Mê Thuột
Giáo phận Bắc Ninh
Giáo phận Bùi Chu
Giáo phận Cần Thơ
Giáo phận Đà Lạt
Giáo phận Đà Nẵng
Giáo phận Hải Phòng
Tổng Giáo phận Huế
Giáo phận Hưng Hóa
Giáo phận Kon Tum
Giáo phận Lạng Sơn
Giáo phận Long Xuyên
Giáo phận Mỹ Tho
Giáo phận Nha Trang
Giáo phận Phan Thiết
Giáo phận Phát Diệm
Giáo phận Phú Cường
Giáo phận Qui Nhơn
Giáo phận Thái Bình
Giáo phận Thanh Hóa
Tổng Giáo phận TP HCM
Giáo phận Vinh
Giáo phận Vĩnh Long
Giáo phận Xuân Lộc

Các Giáo Phận

Giáo phận Bà Rịa
Giáo phận Ban Mê Thuột
Giáo phận Bắc Ninh
Giáo phận Bùi Chu
Giáo phận Cần Thơ
Giáo phận Đà Lạt
Giáo phận Đà Nẵng
Giáo phận Hải Phòng
Tổng Giáo phận Huế
Giáo phận Hưng Hóa
Giáo phận Kon Tum
Giáo phận Lạng Sơn
Giáo phận Long Xuyên
Giáo phận Mỹ Tho
Giáo phận Nha Trang
Giáo phận Phan Thiết
Giáo phận Phát Diệm
Giáo phận Phú Cường
Giáo phận Qui Nhơn
Giáo phận Thái Bình
Giáo phận Thanh Hóa
Tổng Giáo phận TP HCM
Giáo phận Vinh
Giáo phận Vĩnh Long
Giáo phận Xuân Lộc
CÁC DÒNG TU 
Dòng Chúa Cứu Thế VN 
Dòng Đồng Công (Hoa Kỳ) 
Dòng Ngôi Lời 
Dòng Chúa Cứu Thế (Hoa Kỳ) 
Dòng Thánh Tâm Huế 
Dòng Lasan 
Tỉnh Dòng Đa Minh VN 
Dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ 
Dòng Tên Việt Nam 
Dòng Phanxicô VN 
Giáo Hoàng Học Viện Piô X ( Đà Lạt ) 
Đại Chủng Viện Huế 
Đại Chủng Viện Vinh Thanh - GP Vinh 
Đại Chủng Viện Xuân Lộc 
Dòng Thánh Thể 
Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ 
Đan Viện Biển Đức Thiên Tâm (Hoa Kỳ)
Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm Huế 
Dòng Mến Thánh Giá LA (gốc Phát Diệm) 
Dòng Đức Mẹ Trinh Vương 
Dòng Anh Em Đức Mẹ Lên Trời 
Dòng Đaminh Tam Hiệp 
Dòng Don Bosco 
Tu đoàn Tông Đồ Giáo Sĩ Nhà Chúa 
Dòng Thừa Sai Đức Tin VN 
Liên hiệp bề trên thượng cấp VN 
Dòng Nữ Tử Thánh Phaolô 
Dòng Đồng Công (Việt Nam) 
Dòng Chúa Thánh Thần 
Dòng Thừa Sai Bác Ái Chúa Kitô 
Dòng Truyền Giáo Thánh Carôlô - Scalabrini 
Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm Huế
Lời Chúa Hằng Ngày
Radio Công Giáo

 
Hằng Ngày

 


 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây