Lời ngỏ của Đức Cha Antôn
Chúng ta bắt đầu Mùa Chay trong năm Giáo hội tại Việt Nam quan tâm đến việc “đồng hành với những gia đình gặp khó khăn”. Thời gian gần đây, các phương tiện truyền thông liên tục đưa tin về một phiên tòa liên quan đến gia đình “vua” cà phê Trung Nguyên. Suy nghĩ về sự kiện này, tôi đọc được bài viết của một linh mục Dòng Tên, xin chia sẻ với ông bà anh chị em, đồng thời vận dụng tinh thần của Mùa Chay vào việc cần làm gì để có thể giúp giải quyết những khó khăn trong đời sống hôn nhân gia đình.
Một thực tế có thể thấy là hạnh phúc gia đình của hai người gặp khủng hoảng. Cuộc “ly hôn ngàn tỷ” là điều họ phải đương đầu. Có nhiều lý do dẫn đến chuyện đau lòng này mà chỉ những người trong cuộc mới biết rõ. Nhưng có một điều khiến mọi người phải suy nghĩ, đó là không phải nghèo khó mới khiến cho gia đình lục đục, mà ngay cả “người giàu cũng khóc”.
Có lẽ nhiều người ước mong hai vợ chồng có thể hàn gắn, hoặc ít là không dẫn đến chuyện ly hôn. Sự kiện đau lòng này khiến chúng ta nghĩ đến những gia đình gặp khó khăn. Đâu là bí quyết giữ được hạnh phúc gia đình? Chắc hẳn khi nên nghĩa vợ chồng, ai cũng muốn làm sao cho gia đình mình được hạnh phúc, nhưng “thuận vợ thuận chồng” không phải lúc nào cũng có được. Là gia đình Công giáo, thiết tưởng cầu nguyện là một trong những bí quyết để gìn giữ hạnh phúc. Chúa Giêsu đã chỉ cho chúng ta bí quyết đó: “Hãy đến với Ta, hỡi tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, Ta sẽ cho nghỉ ngơi, bồi dưỡng” (Mt 11, 28).
Giáo huấn của Chúa qua Giáo hội trong Mùa Chay là: cầu nguyện, hy sinh, sám hối và làm việc bác ái. Chúng ta có thể vận dụng định hướng này vào đời sống hôn nhân gia đình.
Chắc hẳn chúng ta có dịp nghe nhiều gia đình (nghèo có, giàu có) kể về tình cảnh của họ. Mỗi khi cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt, họ CẦU NGUYỆN với Thiên Chúa, tâm sự với Ngài. Tức giận không hẳn biến mất khi họ cầu nguyện, nhưng chính trong bầu khí thinh lặng và đối diện với Thiên Chúa, họ bình tĩnh để thấy đâu là điều cần thiết nên làm. Trong bầu khí đó, họ có thể thấy được điều sai, lẽ phải, để biết trò chuyện với nhau và tìm lại được tình nghĩa vợ chồng. Thế nhưng, chẳng phải ai cũng làm được như thế. Cầu nguyện là điều xa lạ với nhiều người.
Phải thừa nhận rằng đời sống gia đình trong thời đại hôm nay có quá nhiều thách đố. Khó khăn không chỉ trong đời sống kinh tế, làm ăn vất vả, nhưng chủ yếu khó khăn trong chính mối tương quan giữa vợ chồng, giữa cha mẹ và con cái, giữa anh chị em với nhau. Do đó, mỗi gia đình càng cần phải quan tâm đến việc cầu nguyện với Thiên Chúa vì cầu nguyện giúp họ gia tăng hạnh phúc gia đình. Dường như cầu nguyện là việc quá khó trong thời đại hôm nay. Tôi biết nhiều vợ chồng công giáo để tâm nhiều đến chuyện làm ăn kinh tế mà quên lãng chuyện đạo nghĩa. Ngược lại, có nhiều gia đình luôn trung thành với việc cầu nguyện và tham dự Thánh Lễ với cộng đoàn một cách tích cực và sinh động. Kết quả là khi sóng gió xảy đến, họ được Thiên Chúa trợ giúp, và cùng nhau vượt qua. Chúa Giêsu lưu ý chúng ta cần có thái độ khiêm tốn khi cầu nguyện: “Còn con khi cầu nguyện, thì hãy vào phòng đóng cửa lại mà cầu xin với Cha con, Đấng ngự nơi bí ẩn, và Cha con, Đấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho con” (Mt 6,6).
Khi đọc những nhận xét về phiên tòa ly hôn của đôi vợ chồng “vua” cà phê Trung Nguyên, ta thấy nhiều người lấy làm tiếc vì sự đổ vỡ của hai doanh nhân thành đạt. Họ nhắc đến những năm tháng hạnh phúc bên nhau. Tiếc là giờ đây, tiền bạc cũng chẳng mua được hạnh phúc. Dĩ nhiên, cuộc ly dị nào cũng khiến hạnh phúc gia đình đổ vỡ; con cái chẳng hạnh phúc gì khi thấy ba mẹ chia tay nhau. Theo dõi phiên tòa ấy cũng là dịp để người vợ, người chồng, người con, người anh chị em trong mỗi gia đình biết ăn chay nghĩa là biết HY SINH nhiều hơn. Mỗi người mở lòng để hiểu nhau nhiều hơn. Là vợ chồng công giáo, họ còn có Thiên Chúa là Tình Yêu giúp tình yêu của họ thêm mặn nồng hơn.
Mùa Chay là mùa chuẩn bị tâm hồn bước vào Tuần Thánh để cử hành mầu nhiệm Vượt Qua (chết và sống lại của Chúa Giêsu Kitô), là mùa mời gọi chúng ta ăn chay tức là hy sinh hãm mình, đồng thời cũng mời gọi chúng ta SÁM HỐI. Trong buổi triều yết chung ngày 28 tháng Giêng vừa qua, ĐTC Phanxicô đã nhắc nhớ về cái chết của Chúa Giêsu trên Thánh giá có giá trị tha thứ tội lỗi cho mỗi người chúng ta. Khi bị đóng đinh trên thập giá giữa hai tên tội phạm, mà ta quen gọi là người trộm lành và người trộm dữ, Chúa Giêsu cho thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa có thể đến với bất cứ ai, trong bất cứ điều kiện nào, cả trong điều kiện tiêu cực và đau đớn nhất. Có thể nói rằng “người trộm lành” là mẫu gương sám hối tuyệt vời. Trước hết anh ta hướng tới người cùng bị đóng đinh với Chúa Giêsu và nói: “Mày không kính sợ Thiên Chúa sao?”. Như thế anh ta đã làm nổi bật điểm khởi hành của việc sám hối, đó là kính sợ Thiên Chúa, nhưng không phải sợ hãi mà là lòng kính trọng phải có đối với Thiên Chúa, bởi vì Ngài là Cha giàu lòng thương xót và ta cần tín thác nơi Ngài. Thế rồi anh ta tuyên bố sự vô tội của Chúa Giêsu và công khai xưng thú lỗi lầm của mình: “Chúng ta chịu như thế này là xứng đáng với việc đã làm, còn ông Giêsu đâu có làm điều dữ nào”.
Như vậy, Chúa Giêsu ở trên thập giá giữa những người có tội để cống hiến cho họ ơn tha thứ, ơn cứu độ. Chính đức tin của người trộm lành vào Đấng đã chết trên thập giá vì người tội lỗi đã sinh hoa trái là ơn thánh cứu độ, ơn được tha thứ; anh ta trở thành chứng nhân của ơn thánh: từ người ăn trộm của cải trần thế, anh ta đã trở thành người ăn trộm Nước Trời khi trực tiếp hướng về Chúa Giêsu mà xin rằng: “Lạy ông Giêsu, xin hãy nhớ đến tôi khi ông vào Nước của ông”. Anh tuyên xưng đức tin vào Đấng có tên gọi Giêsu, tiếng Do Thái nghĩa là Đấng Cứu thế. Ngay lập tức, người trộm lành được nghe câu trả lời của Chúa Giêsu ở thì hiện tại:“Hôm nay anh sẽ ở trên Thiên đàng với Tôi”. Trong suốt cuộc đời rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu đã nhiều lần tuyên bố: “Con Người đến để tìm và cứu vớt những gì đã hư mất”.
Chúa Giêsu thật sự là hiện thân lòng thương xót của Thiên Chúa Cha mà anh trộm lành đã gọi Ngài bằng tên Giêsu. Đây là một lời khẩn cầu ngắn gọn mà chúng ta có thể thưa với Chúa nhiều lần trong ngày một cách đơn sơ với niềm tín thác: “Giêsu, Giêsu”. Như thế, tất cả mọi tội lỗi đều được tha thứ miễn là ta sám hối, nghĩa là, theo lời Sách Huấn Ca, “Hãy trở về với Chúa và từ bỏ tội lỗi, hãy cầu khẩn trước nhan Người và giảm bớt dịp tội. Hãy đoạn tuyệt với gian ác, trở về cùng Đấng Tối Cao” (Hc 17,25-26), rồi nhận ơn tha thứ qua bí tích Hòa giải. Sám hối như thế là chúng ta thực hành lời Chúa dạy qua tiên tri Gioen: “Hãy xé tâm hồn, chớ đừng xé áo các ngươi. Hãy trở về với Chúa là Thiên Chúa các ngươi, vì Người nhân lành và từ bi, nhẫn nại, giầu lòng thương xót” (Ge 2, 13). Do đó, tăng cường việc BÁC ÁI là điều Giáo hội mời gọi chúng ta thực hiện trong Mùa Chay.
Để mang lại ơn cứu độ cho con người, Giáo hội mời gọi chúng ta cầu nguyện, hy sinh, sám hối và làm việc bác ái. Ngoài ra, trong Sứ điệp Mùa Chay năm nay, ĐTC Phanxicô mời gọi mọi người cộng tác vào công cuộc cứu độ các thụ tạo bằng cách tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ môi trường sống, để thụ tạo cũng được “thoát khỏi sự lệ thuộc vào cảnh hư nát, được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang” (Rm 8,21).
Lạy Chúa Giêsu, xin thương xót chúng con!