- Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ: Tôi cảm ơn Báo Công giáo và Dân tộc đã tạo cho tôi cơ hội nhìn lại ý nghĩa và nội dung câu phương châm sống của đời tu sĩ, linh mục và giám mục của mình. Nhân dịp kỷ niệm 60 năm sống ơn gọi tu sĩ Don Bosco (1958-2018), 45 năm linh mục (1973-2018) và 12 năm giám mục (2006-2018), câu hỏi đã không chỉ đánh thức tôi mạnh mẽ về ý nghĩa và nội dung khẩu hiệu sống, mà còn là một thẩm định quan trọng, cần thiết, bổ ích cho đời tôi, cách riêng những tháng ngày còn lại ngắn ngủi, khi tôi đang bước vào tuổi 74 của cuộc đời.
Khẩu hiệu tôi chọn là “Xin cho tôi các linh hồn”. Nguyên khởi và đầy đủ của khẩu hiệu là câu “Hãy cho tôi các linh hồn, mọi sự khác hãy lấy đi” (Da mihi Animas, coetera tolle - Give me Souls, take away the rest). Khẩu hiệu này trước đây là của thánh Gioan Bosco, Đấng sáng lập Dòng Sa-lê-diêng Don Bosco (Salesien Don Bosco). Ngài lấy cảm hứng từ cuộc chiến thắng trở về của ông Áp-ram, được nhiều vua chúa ra tiếp đón, trong đó có ông Men-ki-xê-đê vua thành Salem, tư tế của Thiên Chúa Tối Cao, đã chúc phúc cho ông… Ông Áp-ram biếu tặng ông Men-ki-xê-đê và các vua một phần mười tất cả chiến lợi phẩm. Vua Xơ-đôm lúc ấy mới nói với ông Áp-ram : “Người thì xin ông cho lại tôi, còn tài sản ông cứ lấy””, (St, 14.16 )
Ai ai cũng nhìn nhận con người không chỉ gồm có xác mà còn có cả phần hồn, tâm linh và thiêng liêng, bất tử. Chúa cũng đã khẳng định như thế: “Tôi tự trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi. Mà ý của Đấng đã sai tôi là tất cả những kẻ người đã ban cho tôi , tôi sẽ không để mất một ai, nhưng sẽ cho họ được sống đời đời”, (Ga 6,37). “Vì nếu người ta được cả thế giới mà thiệt mất mạng sống thì nào có lợi gì?” (Mt. 16: 24-27; Mc 8:34-38) hay “Được lời lãi cả thế gian, mà thiệt mất linh hồn mình thì được ích lợi gì” (Thánh P.Savier).
Vì sao Đức cha chọn khẩu hiệu này?
- Con nhà Tông không giống lông cũng giống cánh. Tôi được vinh dự sống gần trọn đời trong ơn gọi Don Bosco : 60 năm tu sĩ (1958-2018), 45 năm linh mục (1973-2018), 12 năm giám mục (2006-2018), dù gì đi nữa, ít nhiều tôi cũng phải thấm nhuần tinh thần Don Bosco. Vì thế, câu châm ngôn của thánh Gioan Bosco đã được ghi khắc đậm nét vào tâm trí tôi ngay từ khi bước chân vào tìm hiểu ý nghĩa, sứ mạng, đoàn sủng của hội dòng. Để kính nhớ cha Thánh và để tỏ lòng biết ơn với Tu hội Salêdiêng Don Bosco đã cưu mang, nuôi dưỡng và giáo dục tôi nên ngày hôm nay, tôi đã chọn lại câu châm ngôn này để sống và thực hành như Tổ phụ của mình.
Dần qua thời gian, trong quá trình mục vụ, Đức cha đã sống tinh thần khẩu hiệu của mình như thế nào?
- Khẩu hiệu này đã giúp tôi luôn luôn ý thức : Mọi người, dù họ thế nào chăng nữa, đều là Anh Em với nhau, tất cả là con của một Cha trên trời, được Cha yêu thương sinh ra trên thế gian, được Cha ban Chúa Giêsu đến để chịu chết, đền tội, tha tội cho tất cả, không trừ ai. Vì thế, tôi không được phép phân biệt đối xử với người sang hay kẻ hèn, người giàu hay nghèo khó, người quyền quý hay thấp hèn, người lương hay giáo, vô thần hay hữu thần.
Là người ai cũng được Cha trên trời ban cho một linh hồn. Linh hồn nào cũng được Thiên Chúa phú ban cho một phẩm giá cao cả, thiêng liêng, quý giá, in dấu hình ảnh Ngài. Mọi linh hồn phải được trân trọng như chính Chúa vậy. Vì thế, người càng nghèo khổ, cùng cực, bị bỏ rơi, những người càng tội lỗi, sống trong trụy lạc… càng được trân trọng như Chúa muốn. “Ý muốn của Cha tôi là không để một ai trong số những người Cha đã trao cho tôi, phải hư mất” (Ga 6,37).
Xin cho tôi các linh hồn người nghèo khổ cùng cực, bị bỏ rơi, các người khuyết tật, câm điếc, bại liệt, các linh hồn đang sống trong tình trạng ma túy, mại dâm, nghiện ngập, tù tội… để tôi cũng thực hành được một phần nào lời Chúa dạy : “Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối, thì đừng mời bạn bè, anh em, hay bà con, hoặc láng giềng giàu có, kẻo họ cũng mời lại ông, và như thế ông được đáp lễ rồi. Trái lại, khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc: vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại” (Lc 14,14).
Với sự giúp đỡ, cộng tác của nhiều người, chúng tôi đã tổ chức được mỗi năm một lần vào dịp lễ Noel. Chúng tôi tiếp đón khoảng 5000 người khuyết tât, bệnh nhân phong đến Nhà Chung Thái Bình, khám bệnh, tư vấn sức khỏe cho họ; tổ chức liên hoan văn nghệ, hội chợ và chung vui mừng Chúa Giáng Sinh trong hai ngày một đêm ! Đến với ngày Hội ngộ các người khuyết tật hằng năm, quà vật chất thì rất ít, nhưng quà tinh thần là tình thương, mến thương, giữa những người cùng cảnh ngộ, tình bạn thì rất nhiều.
Càng thâm niên, càng thêm tuổi, thời gian còn lại để tôi xin thật nhiều các linh hồn về cho Chúa. Càng rút vắn lại, tôi càng xác tín về ý nghĩa, giá trị, sự cần thiết và cấp bách của khẩu hiệu mình.
![]() |
Vị mục tử thân tình |
Xin Đức cha cho biết thêm về những định hướng mục vụ của Đức cha?
- Trước câu hỏi ai là người lớn nhất trong Nước Trời, Đức Giêsu liền gọi một em nhỏ đến, đặt vào giữa các Tông đồ và bảo: “Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời”; “Anh em hãy coi chừng, chớ khinh một ai trong những kẻ kẻ bé mọn này, quả thật Thầy nói cho anh em biết, các Thiên Thần của họ ở trên trời không ngừng chiêm ngưỡng nhan Cha Thầy, Đấng ngự trên trời. Vì Con Người đến để cứu cái gì đã mất!” (Mt 18,1-10). Trẻ em, thiếu nhi, thanh thiếu niên và giới trẻ còn là tương lai kế thừa của Giáo hội và xã hội. Nhìn vào việc chúng có được quan tâm chăm sóc chu đáo hay không, toàn diện hay không, nhiều hay ít… thì sẽ thấy ngay tương lai của Giáo hội, giáo phận, giáo xứ, gia đình mình là thế nào.
Không gieo, đương nhiên không có gì để gặt. Gieo gì gặt nấy, gieo nhiều thì gặt nhiều: gieo cho người trẻ thật nhiều hạt giống giáo lý căn bản, hạt giống đức tin trưởng thành, hạt giống luân lý, đạo đức, hạt giống nhân bản; gieo cho người trẻ thật nhiều hạt giống văn hóa, văn minh, khoa học, đừng để cho em nào bị bỏ học, hoặc không thể đến trường chỉ vì thiếu kinh phí, hay vì gia đình bố mẹ quá nghèo. Hạt giống tốt sẽ sinh hoa trái tốt, thơm ngon. Các em lớn lên, trở thành người Kitô hữu trưởng thành, người công dân tốt, hữu ích cho Giáo hội và cho đất nước.
Dấn thân trong ơn gọi 60 năm nay đã là cơ hội để Đức cha mang tình yêu Chúa tỏa lan cho tha nhân - ảnh: giaophanthaibinh.org
Với vai trò Chủ tịch Ủy ban Tu sĩ - HĐGMVN, chắc hẳn Đức cha luôn có những ưu tư trong sứ vụ đào tạo linh mục, tu sĩ là những người trực tiếp đồng hành với cộng đoàn Dân Chúa?
- Trước tình hình Giáo hội Việt Nam và đặc điểm của Giáo phận Thái Bình, ưu tư số 1 của tôi trong việc đào tạo và huấn luyện các linh mục tương lai, trước hết và trên hết là làm sao để các chủng sinh được đầy ắp Chúa, có đời sống nội tâm thiêng liêng sâu xa, kết hiệp mật thiết, liên lỉ với Chúa Giêsu Thánh Thể trong mọi thời gian, hành động, việc làm của linh mục, như thánh Phaolô : “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi”, (Gl 2,20).
Chủng sinh được vun trồng đào tạo cách chính quy, lâu dài từ 10-15 năm; môi trường, cơ sở vật chất tốt, nhân sự thuận lợi, ban giám đốc, ban giáo sư chuyên nghiệp…, thế nhưng khi ra trường, một số cây nho không sinh nhiều hoa trái tốt, có cây sinh quả chua, có cây còn bị sâu đục khô héo… Những cây nho như thế phải tự trách mình thôi và phải tự nối kết lại với thân cây nếu muốn sinh hoa trái ! Nguyên nhân và lý do quá rõ. “Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi” (Ga 15, 6).
Chúng con cảm ơn Đức cha!
Ðức Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Ðệ sinh ngày 15.1.1946 tại Trí Bưu, Thạch Hãn, tỉnh Quảng Trị, thuộc Tổng Giáo phận Huế. Từ nhỏ, Ðức cha gia nhập dòng Saledieng DonBosco và được chịu chức linh mục năm 1973. Năm 1991, Ðức cha đảm nhiệm vai trò Bề trên Giám tỉnh Dòng và giữ chức vụ này đến năm 1997. Ngày 29.11.2005, Tòa Thánh loan tin Ðức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã chọn linh mục Phêrô Nguyễn Văn Ðệ, dòng Don Bosco làm Giám mục phụ tá Giáo phận Bùi Chu, với Hiệu tòa Ammaedara. Lễ tấn phong được tổ chức ngày 18.1.2006 tại nhà thờ Chánh tòa Bùi Chu. Ngày 25.7.2009, Ðức cha được bổ nhiệm làm Giám mục Chánh tòa Thái Bình và coi sóc địa phận này cho đến nay. |
Nguyễn Hùng Luân (thực hiện)
Nguồn : http://www.cgvdt.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn