LỄ ĐÊM GIÁNG SINH 2019
tại Nhà thờ Chính tòa Qui Nhơn
LỜI ĐẦU LỄ
Kính thưa quí ông bà, anh chị em và toàn thể quí vị,
Sau 4 tuần mong đợi và chuẩn bị của Mùa Vọng, đêm nay chúng ta vui mừng và long trọng cử hành đại lễ Giáng Sinh, mừng kỷ niệm lần thứ 2019 ngày Ngôi Hai Thiên Chúa giáng sinh làm người để cứu độ nhân loại.
Thông điệp của đại lễ này được chứa đựng trong lời ca của các thiên thần trong đêm Chúa giáng sinh: "Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương". Khi vâng phục thánh ý Chúa Cha để giáng sinh làm người, Chúa Con đã làm cho Chúa Cha được vinh danh và mang an bình xuống cho nhân loại đang sống trong hận thù bất ổn.
Đêm nay, khi cùng nhau cử hành đại lễ Giáng Sinh trong một khung trời tràn ngập ánh sáng, một không gian đầy ắp tiếng ca, chúng ta cũng muốn vinh danh Thiên Chúa trên trời, vì Người đã đoái thương loài người tội lỗi lầm than, nên mới sai Con yêu dấu từ trời sinh xuống trần gian để chia sẻ cuộc sống của họ và cứu độ họ. Đồng thời chúng ta cũng vui mừng đón nhận sự bình an như món quà Giáng Sinh Chúa ban, để sống trong tương quan an bình hạnh phúc với Thiên Chúa và mọi người, bởi vì mọi người đều được Thiên Chúa yêu thương.
Giờ đây, mỗi người chúng ta hãy nhìn nhận mọi lỗi lầm thiếu sót và xin Chúa nhân từ thứ tha, để chúng ta có thể xứng đáng cử hành mầu nhiệm thánh, xứng đáng được hưởng trọn vẹn sự bình an và những ơn lành đặc biệt trong đại lễ này, nhờ đó có thể lên đường đem an bình và niềm vui Giáng Sinh đến cho tất cả mọi người.
BÀI GIẢNG
(Is 9,1-6; Tt 2,11-14; Lc 2,1-14)
Hôm nay chúng ta hân hoan và long trọng cử hành đại lễ Giáng Sinh mừng kỷ niệm lần thứ 2019 ngày Con Thiên Chúa giáng sinh làm người trên trần gian. Trong một bài giảng lễ Giáng Sinh, Thánh Giáo hoàng Lêô Cả đã nói: "Không ai bị gạt ra khỏi niềm hân hoan đó, vì mọi người đều có chung một lý do để vui mừng. Chúa chúng ta là Đấng hủy diệt tội lỗi và sự chết, vì Người không thấy ai vượt qua được tình trạng này, nên đã đến để giải cứu mọi người. Thánh nhân hãy vui mừng vì ngày khải hoàn đã gần tới. Tội nhân hãy hân hoan vì được mời gọi đón nhận ơn thứ tha. Người ngoại giáo hãy phấn khởi vì được mời gọi đến hưởng sự sống".
Như vậy đại lễ mừng Chúa giáng sinh là ngày vui chung của tất cả mọi người, không phân biệt. Tuy nhiên, hai chữ "giáng sinh" không thể được áp dụng cho bất kỳ một nhân vật nào trên trần gian, kể cả các vị đại thánh và các vị sáng lập các tôn giáo khác, mà chỉ được áp dụng cho một mình Đức Giêsu Kitô, bởi vì Người không phải là một phàm nhân như tất cả mọi người, nhưng là một vị Thiên Chúa cao cả ngự trị trong ánh sáng siêu phàm trên cõi thần thiêng, đã tự nguyện sinh xuống trần gian trong xác phàm nhân loại.
Nhưng tại sao Thiên Chúa lại phải giáng sinh làm người? Chính vì nguyên tổ loài người đã bị ma quỉ lừa dối và đã phạm tội, khiến cho bản tính con người bị hư hoại và từ đó cả nhân loại phải sống dưới ách nô lệ của ma quỉ, không thể tự sức mình thoát ra được. Theo mạc khải được thuật lại trong sách Sáng Thế, sau khi phạm tội, ông bà nguyên tổ đã bị Thiên Chúa trừng phạt, nhưng Người vẫn thương xót họ và hứa sẽ ban cho họ một vị cứu tinh xuất thân từ dòng dõi của họ, khi Người phán với con rắn tức là ma quỉ: "Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng dõi mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi và mi sẽ cắn vào gót nó" (St 3,15). Hầu hết các chương trình diễn nguyện Giáng Sinh đều bắt đầu bằng hoạt cảnh này.
Sau khi nguyên tổ phạm tội, toàn thể nhân loại phải sống trong bóng tối của sự chết dưới ách thống trị của ma quỉ. Tuy nhiên, lời Thiên Chúa hứa ban Đấng Cứu Thế đã được nguyên tổ truyền lại cho các thế hệ con cháu từ đời nọ qua đời kia. Để cho lời hứa ấy khỏi bị rơi vào quên lãng qua dòng chảy của thời gian, Thiên Chúa đã chọn ông Abraham làm tổ phụ của một dân riêng là dân Israel. Chính trong dân này mà lời hứa ban Đấng Cứu Thế được nhắc đi nhắc lại qua các ngôn sứ và trở thành đối tượng của sự mong chờ nơi mọi người. Cuối cùng, Thiên Chúa đã thực thi lời hứa khi cho Con của Người giáng trần mặc lấy bản tính nhân loại, trở thành dòng giống của bà Eva, để đập tan quyền lực của ma quỉ, chữa lành bản tính con người khỏi nọc độc của con rắn là ma quỉ, dẫn đưa con người ra khỏi bóng tối của sự chết, để trở về cuộc sống hạnh phúc trong tình nghĩa với Thiên Chúa, như cuộc sống của ông bà nguyên tổ trong vườn địa đàng thuở ban đầu.
Trong bài đọc I, ngôn sứ Isaia đã báo trước về cuộc giáng sinh của Đấng Cứu Thế bằng những nét chấm phá như sau: "Dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng; đám người sống trong vùng bóng tối, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi. Chúa đã ban chứa chan niềm hoan hỉ, đã tăng thêm nỗi vui mừng... Vì cái ách đè lên cổ dân, cây gậy đập xuống vai họ và ngọn roi của kẻ hà hiếp, Người đều bẻ gãy... Vì một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta, một người con đã được ban tặng cho ta" (Is 9,1-3.5).
Trẻ thơ ấy chính là Con Thiên Chúa đã giáng sinh làm con loài người, đó là Đức Giêsu, chào đời cách đây 2019 năm. Theo lời tường thuật của đoạn Tin Mừng hôm nay (x. Lc 2,1-14), Người sinh vào thời kiểm tra dân số dưới triều hoàng đế Augustô của đế quốc Rôma. Nơi sinh của Người là thành Bêlem xứ Giuđêa, quê hương của vua Đavit, tổ phụ Người. Người sinh ra trong một hoàn cảnh cực kỳ khó khăn: vì cha mẹ Người là những người nghèo khó từ Nadarét về và không tìm được chỗ tạm trú nơi nhà trọ, nên Người được sinh ra trong chuồng bò với máng cỏ thay cho chiếc nôi. Những người đầu tiên được các thiên thần báo tin về sự chào đời của Người là các mục tử đang canh giữ đàn chiên trên cánh đồng Bêlem. Toàn bộ bức tranh Giáng Sinh, từ khung cảnh cho đến các nhân vật, đều quá tầm thường, mà tâm điểm là một hài nhi bé nhỏ, như con thỏ trên đồng cỏ! Thế đó, Thiên Chúa đã ra đời ở một nơi bất ngờ nhất, bên ngoài mọi địa chỉ bình thường, bên ngoài mọi dự tính và suy nghĩ của con người, đến độ nhiều người không nhận ra Người là Thiên Chúa.
Tuy nhiên, thiên thần đã nói với các mục tử thành Bêlem: "Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ" (Lc 2,12). Thật là một điều kỳ lạ! Tại sao Thiên Chúa không từ trời ngự xuống trong tất cả uy quyền của thần tính để đánh tan vương quốc của ma quỉ, mà lại phải giáng sinh làm người trong hình hài của một đứa trẻ sơ sinh bé nhỏ như thế? Đây là điều con người không thể hiểu nổi mà thần học gọi là mầu nhiệm Nhập Thể, qua đó Đấng Cứu Thế được gọi là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Nơi Người vừa có tất cả sự vĩ đại và quyền năng của Thiên Chúa, vừa có sự nhỏ bé và yếu hèn của con người. Người đã kết hợp nhân tính yếu hèn của chúng ta với thiên tính cao cả của Thiên Chúa, để làm cho bản tính con người được thoát khỏi mọi hậu quả của tội lỗi và được thần hóa, để con người không những được giải thoát khỏi ách nô lệ của ma quỉ, mà còn được nâng lên một địa vị cao cả là trở thành con Thiên Chúa cùng với Đức Giêsu.
Vậy thì đại lễ Giáng Sinh không phải chỉ là một ngày vui tưng bừng kỷ niệm việc Con Chúa giáng trần, mà còn chính là ngày chúng ta phải ý thức về ơn gọi và hồng ân vô cùng kỳ diệu mà Thiên Chúa ban cho chúng ta, đó là được làm con Thiên Chúa. Lễ Giáng Sinh nhắc cho chúng ta nhớ rằng con người dù bị ngược đãi, bị đè bẹp, vẫn là những sinh vật thượng đẳng mang trên mình khuôn mặt khả ái của Thiên Chúa. Ngày nay nhiều người nói: họ không còn tin vào Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa thì vẫn cứ tiếp tục tin vào con người vốn được tạo dựng giống hình ảnh của Người. Hơn nữa, qua mầu nhiệm Nhập Thể và Giáng Sinh, Con Thiên Chúa đã trở thành con loài người để loài người trở thành con Thiên Chúa. Đó là tột đỉnh của tiến trình trưởng thành của con người theo nghĩa thần học Kitô giáo.
Đây là điều chúng ta cần suy niệm trong suốt năm 2020, bởi vì chủ đề mục vụ của năm 2020 là: "Đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện". Mỗi người chúng ta được mời gọi thực hiện sự đồng hành này theo gương Chúa Giêsu. Sở dĩ Đấng Cứu Thế không từ trời ngự xuống trần gian trong dáng vẻ uy nghi của một vị Thiên Chúa để cứu độ nhân loại, nhưng đã muốn trở thành một con người giữa muôn người, trải qua những giai đoạn tăng trưởng, từ một trẻ sơ sinh đến một thiếu nhi, một thiếu niên, một thanh niên và một người trưởng thành, là để đồng hành với mọi người trên dương thế trong tiến trình trưởng thành của họ, giúp họ đạt được sự trưởng thành không những trên bình diện nhân bản tự nhiên, mà cả trên bình diện siêu nhiên với tư cách là con Thiên Chúa. Mà Thiên Chúa là Đấng hoàn thiện, vậy con cái của Người cũng phải sống thế nào để đạt được sự hoàn thiện ấy. Đạt đến sự hoàn thiện tức là đạt đến sự trưởng thành toàn diện theo nghĩa Kitô giáo. Đây không phải là điều dễ dàng đối với con người nếu không nhờ Đức Giêsu Kitô.
Chính vì thế Con Thiên Chúa đã sinh xuống làm người để mời gọi mỗi người chúng ta bước theo Người trên con đường hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện. Người đã xuống thế làm người không những để dạy cho nhân loại con đường hoàn thiện, mà còn để đồng hành với họ trên con đường ấy bằng gương sáng và sự trợ giúp của Người. Đó là ân sủng lớn lao mà nhân loại nhận được từ mầu nhiệm Nhập Thể và Giáng Sinh của Người.
Giờ đây, đứng trước mầu nhiệm Giáng Sinh, mỗi người chúng ta hãy tạ ơn Chúa vì ân sủng lớn lao này và quyết tâm sống xứng đáng với ân sủng ấy, như lời thánh Phaolô nhắn nhủ trong thư gửi môn đệ của ngài là ông Titô ở bài đọc II: "Ân sủng của Thiên Chúa đã được biểu lộ, đem ơn cứu độ đến cho mọi người. Ân sủng đó dạy chúng ta phải từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần tục, mà sống chừng mực, công chính và đạo đức ở thế gian này" (Tt 2,11-12). Thánh Lêô Cả cũng kêu gọi: "Hỡi các Kitô hữu, hãy ý thức về phẩm giá của bạn. Giờ đây bạn đã được thông phần bản tính của Thiên Chúa, đừng để mình bị thoái hóa qua việc trở lại với lối sống bất xứng đã qua".
Xin kính chúc quí ông bà, anh chị em và toàn thể quí vị một mùa Giáng Sinh đầy tràn niềm vui, vì tất cả những điều tốt đẹp nhất mà Thiên Chúa đã ban cho nhân loại qua cuộc Giáng Sinh của Người.
Gm. Matthêô Nguyễn Văn Khôi
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn