Truyền Thông Công Giáo Tin Vui

http://tinvui.org


Tổng hợp các thông tin về Đức Giáo Hoàng danh dự qua đời

Văn phòng Báo chí Tòa thánh vừa thông báo rằng Đức Giáo Hoàng Danh dự đã qua đời lúc 9:34 sáng Thứ Bảy 31 tháng 12, tức là 3:34 chiều theo giờ Việt Nam, tại nơi ở của ngài ở Tu viện Mẹ Giáo Hội, nơi mà Đức Giáo Hoàng danh dự 95 tuổi đã chọn làm nơi cư trú sau khi thoái vị vào năm 2013.
001(13)

001(13)


 
Văn phòng Báo chí Tòa thánh vừa thông báo rằng Đức Giáo Hoàng Danh dự đã qua đời lúc 9:34 sáng Thứ Bảy 31 tháng 12, tức là 3:34 chiều theo giờ Việt Nam, tại nơi ở của ngài ở Tu viện Mẹ Giáo Hội, nơi mà Đức Giáo Hoàng danh dự 95 tuổi đã chọn làm nơi cư trú sau khi thoái vị vào năm 2013.

Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh nói:

“Tôi vô cùng đau buồn thông báo với các bạn rằng Đức Giáo Hoàng Danh dự, Bênêđictô XVI, đã qua đời hôm nay lúc 9:34 sáng tại Tu viện Mẹ Giáo Hội ở Vatican. Thông tin thêm sẽ được cung cấp càng sớm càng tốt. Kể từ sáng thứ Hai, ngày 2 tháng Giêng năm 2023, thi thể của Đức Giáo Hoàng Danh dự sẽ được đặt tại Đền Thờ Thánh Phêrô để các tín hữu có thể tỏ lòng thành kính.”

Đức Giáo Hoàng Danh Dự Bênêđictô XVI tên khai sinh là Joseph Aloisius Ratzinger. Ngài chào đời ngày 16 tháng 4 năm 1927. Ngài cai quản Hội Thánh Công Giáo từ ngày 19 tháng 4 năm 2005 cho đến khi ngài thoái vị vào ngày 28 tháng 2 năm 2013. Việc bầu Đức Bênêđíctô làm giáo hoàng đã diễn ra trong mật nghị giáo hoàng năm 2005 sau khi Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II được Chúa gọi về.

Được thụ phong linh mục năm 1951 tại quê hương Bavaria, Cha Ratzinger dấn thân vào sự nghiệp học thuật và trở thành một nhà thần học được đánh giá cao vào cuối những năm 1950. Ngài được bổ nhiệm làm giáo sư chính thức vào năm 1958 ở tuổi 31. Sau một thời gian dài làm giáo sư thần học tại một số trường đại học Đức, ngài được bổ nhiệm làm Tổng Giám mục Munich và Freising và được Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục tấn phong Hồng Y vào năm 1977. Đó là một sự thăng tiến bất thường cho một người có ít kinh nghiệm mục vụ. Năm 1981, ngài được bổ nhiệm làm Tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin, là một trong những thánh bộ quan trọng nhất của Giáo triều Rôma. Từ năm 2002 cho đến khi được bầu làm giáo hoàng, ngài cũng là Niên trưởng Hồng Y đoàn.

Theo ký giả lão thành chuyên về Vatican, Sandro Magister, trước khi trở thành Giáo Hoàng, ngài là “nhân vật chính trên sân khấu Vatican trong một phần tư thế kỷ”; ngài có ảnh hưởng "không ai sánh kịp khi thiết lập các ưu tiên và phương hướng của Giáo Hội" với tư cách là một trong những người thân cận nhất của Đức Gioan Phaolô II. Ngài đã sống ở Rome từ năm 1981.

Các bài viết phong phú của ngài thường bảo vệ các giá trị và giáo lý Công Giáo truyền thống. Trong thời gian cai quản Giáo Hội, Đức Bênêđíctô XVI ủng hộ việc quay trở lại các giá trị cơ bản của Kitô Giáo để chống lại sự gia tăng thế tục hóa của nhiều nước phương Tây. Ngài coi việc thuyết tương đối phủ nhận chân lý khách quan, và đặc biệt là phủ nhận chân lý luân lý, là vấn đề trung tâm của thế kỷ 21.

Giáo huấn của ngài tập trung vào tầm quan trọng của Giáo Hội Công Giáo và sự hiểu biết về tình yêu cứu độ của Chúa. Đức Bênêđictô cũng làm sống lại một số truyền thống, kể cả việc nâng Thánh lễ Latinh lên một vị trí nổi bật hơn. Ngài củng cố mối quan hệ giữa Giáo Hội Công Giáo và nghệ thuật, thúc đẩy việc sử dụng tiếng Latinh và giới thiệu lại lễ phục truyền thống của Đức Giáo Hoàng, vì lý do đó ngài được gọi là vị "giáo hoàng của thẩm mỹ". Ngài cũng đề cao mối tương quan giữa đức tin và lý trí, giữa đạo lý và khoa học. Vì thế, ngài được mô tả là “lực lượng trí thức chính trong Giáo hội” kể từ giữa những năm 1980.

Vào ngày 11 tháng 2 năm 2013, Đức Bênêđíctô bất ngờ tuyên bố thoái vị trong một bài phát biểu bằng tiếng Latinh trước các Hồng Y, với lý do "tâm trí và thể chất thiếu sức mạnh" do tuổi cao. Việc thoái vị của ngài có hiệu lực vào ngày 28 tháng 2 năm 2013. Ngài là vị giáo hoàng đầu tiên từ chức kể từ khi Đức Giáo Hoàng Grêgôriô XII thoái vị vào năm 1415. Trước Đức Giáo Hoàng Grêgôriô XII, vào năm 1294, Đức Giáo Hoàng Celestinô V là vị Giáo Hoàng đầu tiên thoái vị.

Ngài được Đức Phanxicô kế vị vào ngày 13 tháng 3 năm 2013, và ngài chuyển đến Tu viện Mẹ Giáo Hội mới được trùng tu ở Vatican để nghỉ hưu vào ngày 2 tháng 5 năm 2013. Khi nghỉ hưu, Đức Bênêđictô XVI thỉnh thoảng xuất hiện trước công chúng cùng với Đức Phanxicô.

Ngoài tiếng mẹ đẻ là tiếng Đức, Đức Bênêđíctô còn thông thạo tiếng Latinh, tiếng Pháp, tiếng Ý, tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha ở mức độ lưu loát. Ngài cũng biết tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Do Thái và tiếng Hy Lạp trong Kinh thánh. Ngài là thành viên của một số học viện khoa học xã hội, chẳng hạn như Học Viện Khoa Học về Luân Lý và Chính Trị của Pháp. Ngài thích chơi piano và thích nhạc của Mozart và Bach.

Vào ngày 4 tháng 9 năm 2020, Đức Bênêđictô XVI trở thành người sống lâu nhất đã từng nắm giữ chức vụ mục tử toàn thể Hội Thánh, ở tuổi 93, 4 tháng, 16 ngày, vượt qua Đức Lêô XIII, qua đời năm 1903. Đức Bênêđictô cũng là vị Hồng Y cuối cùng còn sống trong số các vị Hồng Y được Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục tấn phong.
 
. Đức Bênêđictô XVI chia sẻ niềm khao khát Thiên Đàng trong bức thư về cái chết của người bạn 'thân nhất'

Nhiều bạn bè đã ở đó, Đức Giáo Hoàng Danh dự nói, và tôi hy vọng tôi có thể sớm tham gia cùng họ.

Khi nghe tin người bạn “thân thiết nhất” của mình, Cha Gerhard Winkler, qua đời vào ngày 22 tháng 9 vừa qua, Đức Giáo Hoàng Danh dự Bênêđictô XVI đã gửi một lá thư chia buồn đầy xúc động.

Bức thư ngày 2 tháng 10 gửi cho tu viện trưởng của cộng đồng Xitô người Áo ở Wilhering nói về niềm khao khát Thiên đàng của Đức Giáo Hoàng Danh dự.

“Bây giờ anh ấy đã đến bờ bên kia, nơi chắc chắn có nhiều bạn bè đang chờ đợi anh ấy. Tôi hy vọng rằng tôi có thể sớm gia nhập cộng đoàn của họ,” Đức Bênêđíctô tâm sự.

Trong lá thư của mình, được chia sẻ trên trang web của cộng đồng tu viện, Đức Bênêđictô XVI nói rằng ngài “bị ảnh hưởng sâu sắc” bởi cái chết của Cha Winkler, một người đã ghi dấu trong tâm hồn ngài bởi “sự vui vẻ và đức tin sâu sắc”.

Đức Giáo Hoàng danh dự bảo đảm rằng ngài hiệp nhất trong lời cầu nguyện với cộng đồng Xitô Wilhering.

Cha Gerhard Bernhard Winkler chào đời ở Wilhering vào năm 1931 và hai mươi năm sau gia nhập cộng đồng tu sĩ trong giáo phận của mình. Được thụ phong vào năm 1955, đúng bốn năm sau ngày anh em Ratzinger trở thành linh mục, Cha Gerhard Bernhard Winkler trở thành một giáo sư thần học, giống như Cha Joseph Ratzinger, và trở thành bạn của vị giáo hoàng tương lai.

Là một chuyên gia về lịch sử Giáo hội thời trung cổ và hiện đại tại Đại học Regensburg bên Đức và sau đó là Đại học Salzburg bên Áo, công trình của ngài về lịch sử của dòng Xitô, và người sáng lập dòng, Thánh Bernard thành Clairveaux, được công nhận là đặc biệt quan trọng.

Đức Giáo Hoàng danh dự hiện đã 95 tuổi. Kể từ khi thoái vị vào năm 2013, ngài đã sống hưu trí trong tu viện Mẹ Giáo Hội, giữa khu vườn của Vatican.

Đức Bênêđíctô tưởng tượng Thiên Đàng như thế nào?

Trong cuốn “Di chúc cuối cùng”, là cuốn sách phỏng vấn Đức Bênêđictô XVI, ngài đã đưa ra những suy tư về Thiên đàng:

Khi được hỏi ngài nghĩ sao về tin tưởng của các tín hữu rằng 'cuộc sống vĩnh cửu' là một cuộc sống viên mãn, Đức Bênêđictô nói: “Chắc chắn! Khi đó, chúng ta thấy mình thực sự ở nhà.”

Đáp lại câu hỏi ngài đang mong đợi điều gì, Đức Giáo Hoàng Danh dự nói:

“Có nhiều chiều kích khác nhau. Một số nặng về thần học. Thánh Augustinô đã nói một điều là một tư tưởng vĩ đại và là một niềm an ủi lớn lao ở đây. Ngài giải thích đoạn Thánh Vịnh 'luôn luôn tìm kiếm thiên nhan Chúa' như sau: điều này áp dụng cho 'mãi mãi'; đến muôn đời. Thiên Chúa vĩ đại đến nỗi chúng ta không bao giờ kết thúc cuộc tìm kiếm của mình. Ngài luôn mới mẻ. Với Thiên Chúa, có cuộc gặp gỡ vĩnh viễn, bất tận, với những khám phá mới và niềm vui mới. Những điều như vậy là vấn đề thần học. Đồng thời, ở góc độ hoàn toàn là con người, tôi mong được đoàn tụ với cha mẹ, anh chị em, bạn bè của mình và tôi tưởng tượng rằng nó sẽ đáng yêu như ở mái ấm gia đình của chúng tôi.”

Toàn văn bức thư chia buồn của Đức Bênêđictô trước cái chết của Cha Gerhard Bernhard Winkler như sau:

Kính thưa Cha Bề Trên,

Tin tức mà cha chia sẻ với tôi về sự ra đi của Giáo sư Gerhard Winkler đã ảnh hưởng sâu sắc đến tôi. Trong số tất cả các đồng nghiệp và bạn bè của tôi, anh ấy là người thân nhất. Sự vui vẻ và niềm tin sâu sắc của anh ấy luôn thu hút tôi. Bây giờ anh đã sang bờ bên kia, nơi chắc chắn có nhiều bạn bè đang chờ đợi anh. Tôi hy vọng rằng tôi có thể sớm gia nhập cộng đoàn của họ. Trong thời gian chờ đợi, tôi hiệp nhất trong lời cầu nguyện với ngài và cộng đồng tu viện Wilhering.

Lời chào chân thành và lời chúc phúc,

Trong Chúa Kitô

Bênêđictô
 
Đức Bênêđictô đã sống thời gian giáo hoàng danh dự lâu hơn thời gian ngài làm giáo hoàng. © Vatican news
Cuối buổi tiếp kiến chung ngày thứ tư 28 tháng 12, Đức Phanxicô đã xin giáo dân cầu nguyện đặc biệt cho Đức Bênêđictô: “Tôi xin anh chị em một lời cầu nguyện đặc biệt cho giáo hoàng danh dự Bênêđictô XVI, người đã âm thầm nâng đỡ Giáo hội, ngài đang bị bệnh nặng.”
Kể từ khi từ nhiệm năm 2013, Đức Bênêđictô XVI đã nhiều lần nói về việc ngài mong chờ một cái chết thanh thản.
Tám giờ tối ngày 28 tháng 2 năm 2013, ngài xuất hiện lần cuối trước cửa sổ Castel Gandolfo và tuyên bố: “Tôi không còn là Giáo hoàng tối cao của Giáo hội Công giáo (…) Tôi chỉ đơn thuần là người hành hương bắt đầu chặng cuối hành trình trên trái đất này.” Bị tác động bởi căn bệnh kéo dài của Đức Gioan Phaolô II mà ngài là người cộng tác lâu năm trong chức vụ bộ trưởng bộ Tín Lý, Đức Bênêđictô đã lựa chọn từ nhiệm đứng trước tuổi già và viễn cảnh về một cái chết mà ngài cảm thấy đã gần kề.
Khi đó không ai nghĩ ngài sẽ sống lâu trong cương vị giáo hoàng danh dự (đã gần mười năm) so với thời gian ngài làm giáo hoàng (chưa đầy tám năm). Ngay cả những người làm việt trên các phương tiện truyền thông, chuẩn bị đưa tin về cái chết của ngài cũng đã thấy nhiều chuyên gia tôn giáo và các nhà vatican học qua đời trước ngài.
“Tôi không còn là Giáo hoàng tối cao của Giáo hội Công giáo (…) Tôi chỉ đơn thuần là người hành hương bắt đầu chặng cuối hành trình trên trái đất này.”
Nhà báo Jean Mercier của tờ La Vie, một người am tường về tư tưởng của Joseph Ratzinger đã mong chờ sẽ thấy giáo hoàng danh dự ‘tắt dần như ngọn nến’ vài tháng sau khi ngài từ nhiệm năm 2013. Cuối cùng, nhà báo đã qua đời năm 2018, trước ngài. Cũng vậy với nhà báo Henri Tincq, cựu chuyên gia về tôn giáo của báo Le Monde đã qua đời vì Covid năm 2020, và linh mục Dòng Tên người Đức Bernd Hagenkord, trưởng ban tiếng Đức của Đài phát thanh Vatican qua đời năm 2021.
Ngược với mọi mong chờ, tuổi thọ đáng kinh ngạc của Đức Bênêđictô XVI đã cho phép ngài kéo dài công việc trí tuệ với các bài đọc, bài viết, các cuộc phỏng vấn, đôi khi tạo ấn tượng khác biệt với Đức Phanxicô. Nhưng Đức Bênêđictô đã nhiều lần cho thấy ngài trung thành tuyệt đối với người kế nhiệm, đặc biệt vào tháng 3 năm 2018, ngài nói đến một “sự liên tục bên trong” giữa hai triều giáo hoàng.
Trong lần chào giáo dân cuối cùng tại Castel Gandolfo, ngài nói: “Tôi vẫn mong muốn hết lòng, hết tình yêu, bằng lời cầu nguyện, bằng suy tư, bằng tất cả nội lực của tôi để làm việc vì lợi ích chung và lợi ích của Giáo hội, của nhân loại.” Một đóng góp trong sự hiện diện thầm lặng đơn giản, trong mong manh của tuổi tác.
“Một người ông minh triết trong nhà”
Ngày 28 tháng 9 – 2014, giáo hoàng danh dự khi đó đã 87 tuổi, là một trong số 40.000 người tham gia ngày dành riêng cho người lớn tuổi ở Quảng trường Thánh Phêrô. Ngài không phát biểu và về trước thánh lễ, nhưng ngài tham dự giờ chứng từ, với sự hiện diện của nhiều ông bà và khoảng một trăm linh mục lớn tuổi.
Đức Phanxicô khi đó 77 tuổi, đã trìu mến chào giáo hoàng danh dự, ngài nói, sự hiện diện của giáo hoàng danh dự ở Vatican như “có một người ông minh triết trong nhà”. Sự kiện này là một trong những dịp hiếm hoi Đức Bênêđictô xuất hiện công khai trước giáo dân ở Quảng trường Thánh Phêrô, cùng với lễ phong thánh Đức Gioan-Phaolô II và Đức Gioan XXIII tháng 4 năm 2014, và khai mạc Năm Thánh Lòng Thương Xót tháng 12. 2015.
Ngoài những lần xuất hiện hiếm hoi và chuyến đi Đức tháng 6 năm 2020 thăm người anh trai đau nặng, Đức Bênêđictô luôn ở đan viện Mẹ Giáo hội, thanh thản đón nhận hành trình cuối đời. Tựa đề quyển sách phỏng vấn với nhà báo Đức Peter Seewald, Những cuộc trò chuyện cuối cùng, xuất bản năm 2016 là những lời tâm sự thân mật và tự phát, làm cho các nhà quan sát vốn quen cách diễn tả hàn lâm của ngài ngạc nhiên.
“Đừng sợ!”
Nhưng theo giám mục thư ký riêng của ngài Georg Gänswein, thì di chúc thiêng liêng của Đức Bênêđictô nằm ở bức thư ngài viết ngày 8 tháng 2 năm 2022, sau khi ngài bị dính líu đến việc xử lý các vụ lạm dụng ở giáo phận Munich. “Chẳng bao lâu nữa, tôi sẽ phải đối diện với quan tòa cuối cùng đời tôi. Nhìn lại cuộc đời lâu dài của tôi, tôi có thể có nhiều lý do để kinh hãi và sợ, nhưng lòng tôi vẫn vui mừng vì tôi tin chắc Chúa không chỉ là quan tòa công bằng mà còn là người bạn, người anh đã đau khổ vì những thiếu sót của tôi, Ngài vừa là quan tòa, vừa là luật sư của tôi. Là kitô hữu cho tôi hiểu, và hơn thế nữa, tình bạn với quan tòa đời tôi giúp tôi tin tưởng bước qua cánh cửa tối tăm của cái chết.” Trong phần kết thúc ngài viết: “Điều Thánh Gioan kể ở chương đầu sách Khải Huyền luôn hiện trong tâm trí tôi: Lúc thấy Người, tôi ngã vật xuống dưới chân Người, như chết vậy. Người đặt tay hữu lên tôi và nói: ‘Đừng sợ! Ta đây…’.”
“Tình yêu chiến thắng cái chết”
Ngoài các bài viết, lần cuối ngài phát biểu trước công chúng là ngày 28 tháng 6 năm 2016. Cùng với Đức Phanxicô trong buổi lễ được tổ chức tại Vatican nhân dịp kỷ niệm 65 năm chịu chức linh mục, Đức Bênêđictô XVI đã nói một bài phát biểu ngắn nhưng sâu sắc, suy niệm về ý nghĩa của từ “Thánh Thể” qua từ nguyên thủy Hy Lạp “Eucharistòmen” có nghĩa đơn giản là “cám ơn”.
Vì thế câu cuối cùng của ngài trước máy vi âm cũng mang một giá trị đặc biệt: “Cuối cùng, chúng ta muốn hòa mình vào lời ‘tạ ơn’ Chúa, và như thế chúng ta thực sự nhận được sự mới mẻ của cuộc sống và sự trợ giúp để biến đổi bản thể thế giới: để nó không phải là thế giới của cái chết, mà là thế giới của sự sống; một thế giới trong đó tình yêu đã chiến thắng sự chết.”
Ngoài lời cám ơn của ngài với những người tổ chức sự kiện, nhưng chính cụm từ “tình yêu đã chiến thắng cái chết” mà cuộc hành trình của Đức Bênêđictô XVI kết thúc khi ngài ở trước công chúng và chính thức. Những từ chắc chắn diễn tả lòng trung thành của ngài với văn hóa của sự sống cho phép cái chết xảy ra không theo dự báo của con người, nhưng theo thời điểm của Thiên Chúa.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Vatican đã thông báo hôm thứ Bảy rằng Thánh lễ an táng của Đức Giáo Hoàng Danh Dự Bênêđictô XVI sẽ diễn ra vào lúc 9:30 sáng Thứ Năm, ngày 5 tháng 1 năm 2023, tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Ngài sẽ được an táng trong hầm mộ dưới Đền Thờ Thánh Phêrô.

Phát ngôn nhân của Vatican, Matteo Bruni cho biết, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ chủ trì lễ tang, và các nghi thức sẽ đơn sơ phù hợp với mong muốn của Đức Bênêđictô là “được thực hiện dưới dấu chỉ của sự đơn giản”.

Việc Đức Bênêđictô qua đời ở tuổi 95 đã được loan báo tại Rôma vào ngày 31 tháng 12. Thi hài của ngài hiện vẫn để trong Tu Viện Mẹ Giáo Hội, và sẽ được quàn tại Đền Thờ Thánh Phêrô từ sáng Thứ Hai, ngày 2 tháng Giêng, để các tín hữu kính viếng.

Trong một tuyên bố bằng văn bản vào sáng ngày 31 tháng 12, Bruni nói: “Tôi vô cùng đau buồn thông báo với các bạn rằng Đức Giáo Hoàng Danh Dự Bênêđictô XVI, đã qua đời hôm nay lúc 9h34 tại Tu Viện Mẹ Giáo Hội ở Vatican.”

Bruni sau đó nói với các nhà báo rằng Đức Bênêđictô XVI đã lãnh nhận bí tích xức dầu bệnh nhân vào ngày 28 tháng 12, với sự hiện diện của những người phụ nữ tận hiến đã giúp điều hành gia đình ngài.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến thăm Đức Bênêđictô XVI vào cuối buổi sáng ngày 28 tháng 12, sau buổi tiếp kiến chung hàng tuần của ngài, trong đó ngài xin cầu nguyện cho vị giáo hoàng danh dự “đang bị bệnh nặng”.

Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein, thư ký riêng của ngài trong nhiều năm, đã tháp tùng Đức Giáo Hoàng Danh dự trong những giờ phút cuối cùng, cho biết như sau

“Đức Giáo Hoàng Danh dự đã nói với tôi và với tất cả những người đã đồng hành cùng với ngài trong những giờ cuối cùng của ngài là: Xin hãy cầu nguyện cho tôi! - Tôi muốn chuyển lời yêu cầu này của Đức Giáo Hoàng Danh dự đến tất cả những người mà cái chết của ngài gây xúc động.

Đối với tôi, cái chết của ngài có nghĩa là một mất mát to lớn và cá nhân. Tôi vô cùng biết ơn và đồng thời cũng rất buồn.”

Đức Bênêđictô XVI qua đời được củng cố bằng các Bí Tích Thánh và tràn đầy hy vọng về Nước Thiên Chúa.

Tổ chức Tagespost dành cho Báo chí Công Giáo xin cúi đầu kính trọng và đau buồn sâu sắc trước một vị Giáo hoàng vĩ đại và là vị Thầy vĩ đại của Giáo hội.

Ngay khi ngài được bầu làm Giáo Hoàng, các quan sát viên đã nhận định rằng vị Tân Giáo Hoàng này có một phẩm chất không chỉ nổi bật trong số các vị Hồng Y mà còn là hiếm hoi trong nhân loại: một trí tuệ thông minh xuất chúng. Thế giới truyền thông đề cập đến trí thông minh sắc bén của ngài “a razor intellect”, trong khi giới khoa bảng tại Cambridge như Piers Paul Read đề cập đến trí thông minh “đáng kinh ngạc của ngài -an amazing intellect”.

Ngài có khả năng đánh giá một khối lượng thông tin lớn lao về thời đại, văn hóa và thế giới chúng ta đang sống và rồi đưa ra đánh giá này trong một thứ ngôn ngữ mà từ quan điểm thuần lý không làm sao thách thức lại được. Ngài nói với một giọng nói đầy quyền lực. Không phải thứ quyền lực chính trị thủ đắc từ cương vị của mình để bắt người ta phải vâng phục, nhưng là quyền lực trí tuệ: một đặc sủng hiếm hoi có sức đánh động người nghe với cùng một lực dù cho họ có cảm tình hay không với quan điểm của người nói.

Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 không chỉ được nhớ đến như một trí tuệ thông minh xuất chúng. Ngài sẽ được nhớ đến như một Thầy dậy xuất sắc của Giáo Hội không chỉ qua các giáo huấn của ngài mà qua chính cuộc đời của ngài. Ngài yêu mến Giáo Hội và khiêm nhường tột cùng khi quyết định thoái vị vào ngày 11 tháng Hai, 2013 khi nhận thức rõ rằng ngài không còn đủ sức lực tinh thần và thể lý để gánh vác trọng trách mục tử toàn thể Hội Thánh.

Trong những ngày qua, thế giới Công Giáo và ngoài Công Giáo đã tràn ngập những lời cầu nguyện dành cho ngài. Vì thế, Tổ chức Tagespost dành cho Báo chí Công Giáo, do chính Đức Giáo Hoàng Danh Dự Bênêđictô XVI thành lập, có một cuốn sổ chia buồn kỹ thuật số hiện đã có trên cổng thông tin điện tử của cơ quan này tại đây. Những người muốn bày tỏ lòng biết ơn đối với cuộc sống và công việc của ngài hoặc nỗi đau của họ có thể làm như vậy. Trang chia buồn mời những người đưa tang cùng cầu nguyện với những lời cầu nguyện cổ điển từ phụng vụ Công Giáo cho người quá cố.

Đồng thời với lời chia buồn bằng văn bản, một ngọn nến “ảo” được thắp lên để tưởng nhớ vị giáo hoàng quá cố.

Nguồn tin: Tổng hợp

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây