Truyền Thông Công Giáo Tin Vui

http://tinvui.org


Thứ sáu tuần thánh

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan (Ga 19.23-37)
Thứ sáu tuần thánh
 
23 Đóng đinh Đức Giê-su vào thập giá xong, lính tráng lấy áo xống của Người chia làm bốn phần, mỗi người một phần; họ lấy cả chiếc áo dài nữa. Nhưng chiếc áo dài này không có đường khâu, dệt liền từ trên xuống dưới.24 Vậy họ nói với nhau: “Đừng xé áo ra, cứ bắt thăm xem ai được.” Thế là ứng nghiệm lời Kinh Thánh: Áo xống tôi, chúng đem chia chác, cả áo dài, cũng bắt thăm luôn. Đó là những điều lính tráng đã làm.
25 Đứng gần thập giá Đức Giê-su, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Ma-ri-a vợ ông Cơ-lô-pát, cùng với bà Ma-ri-a Mác-đa-la.26 Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giê-su nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là con của Bà.”27 Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là mẹ của anh.” Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình.
28 Sau đó, Đức Giê-su biết là mọi sự đã hoàn tất. Và để ứng nghiệm lời Kinh Thánh, Người nói: “Tôi khát!”29 Ở đó, có một bình đầy giấm. Người ta lấy miếng bọt biển có thấm đầy giấm, buộc vào một nhành hương thảo, rồi đưa lên miệng Người.30 Nhắp xong, Đức Giê-su nói: “Thế là đã hoàn tất!” Rồi Người gục đầu xuống và trao Thần Khí.
31 Hôm đó là ngày áp lễ, người Do-thái không muốn để xác chết trên thập giá trong ngày sa-bát, mà ngày sa-bát đó lại là ngày lễ lớn. Vì thế họ xin ông Phi-la-tô cho đánh giập ống chân các người bị đóng đinh và lấy xác xuống.32 Quân lính đến, đánh giập ống chân người thứ nhất và người thứ hai cùng bị đóng đinh với Đức Giê-su.33 Khi đến gần Đức Giê-su và thấy Người đã chết, họ không đánh giập ống chân Người.34 Nhưng một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra.35 Người xem thấy việc này đã làm chứng, và lời chứng của người ấy xác thực; và người ấy biết mình nói sự thật để cho cả anh em nữa cũng tin.36 Các việc này đã xảy ra để ứng nghiệm lời Kinh Thánh: Không một khúc xương nào của Người sẽ bị đánh giập.37 Lại có lời Kinh Thánh khác: Họ sẽ nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu.
Suy Niệm:
Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển như ngày này, không khó để chúng ta nghe biết những câu chuyện về sự hy sinh của những người mẹ dành cho đứa con của mình. Sự hy sinh đó có thể là tiền bạc, công việc, hạnh phúc, tuổi trẻ, sức lực… và cũng có cả: mạng sống! Một bà mẹ trẻ hiếm muộn vỡ òa hạnh phúc khi biết mình có con sau bao năm chạy chữa. Thế nhưng khi niềm vui chưa tròn thì chị lại phát hiện mình bị ung thư, cần phải bỏ con để xạ trị bằng hóa chất. Bỏ qua tất cả những lời khuyên ngăn của gia đình và bạn bè, chị vẫn quyết định giữ lại đứa con mặc cho khối u làm chị chết dần, chết mòn. Trải qua bao đớn đau, cuối cùng con chị cũng chào đời. Chị ôm con, âu yếm, nựng nịu, gượng nói cười với dòng lệ tuôn rơi: “Em muốn được sống như mọi người nhưng không thể mất con…” Chị ra đi không lâu sau khi con chào đời. Có đủ không nếu chúng ta lấy tình yêu của người mẹ trẻ ấy với đứa con của mình để hình dung tình yêu của Đức Giêsu dành cho nhân loại trên thập giá?
Với Cuộc Thương Khó của Đức Giêsu mà các sách Tin Mừng thuật lại, chúng ta thấy có quá nhiều cảnh buồn sầu, đau đớn đến cực độ mà Chúa Giêsu phải gánh chịu. Khởi đầu là nỗi đau khi biết mình sẽ bị nộp bởi chính người môn đệ thân tín, rồi đến sự hãi hung xao xuyển đổ cả mồ hôi máu cùng với sự thờ ơ của những người thân cuối cùng trong vườn Giêtsêmani, rồi bị bắt trói, bị chối bỏ, vu cáo, đánh đập, sỉ vả… và cuối cùng là cái chết ô nhục trên thập giá.
Tin Mừng cho chúng ta biết Đức Giêsu chết vào khoảng ba giờ chiều, lúc Người đang cầu nguyện. Theo Luca, lời cầu nguyện cuối cùng của Người lấy ra từ thánh vịnh 31: “Lạy Cha, con phó linh hồn con trong tay Cha!” (Lc 23,46). Còn thánh Gioan thì ghi: “Thế là đã hoàn tất” (Ga 19,30). Cụm từ “đã hoàn tất” đưa ta trở về thời điểm khởi đầu cuộc khổ nạn, khi Đức Giêsu rửa chân cho các môn đệ, thánh Gioan đã nhấn mạnh là Đức Giêsu yêu thương các môn đệ Người “cho đến tận cùng” (xGa 13.1). Cái “tận cùng” này đã đến đích với cái chết của Đức Giêsu. Đó là tận cùng của biên cương và vượt qua biên cương. Tận cùng của yêu thương trọn vẹn: Người đã trao ban chính mình.
Tình yêu vẫn luôn nhiệm lạ, người ta tìm cách để định nghĩa về tình yêu, nhưng chẳng có một định nghĩa hay ngôn ngữ vào đủ sức diễn giải cho tình yêu. Nhạc sĩ Cao Huy Hoàng đã viết: “Yêu là chết đi, là đóng đinh, là biết hy sinh cho người mình yêu…” Có thể nói đây là định nghĩa thỏa đáng nhất về tình yêu. Vị nhạc sĩ đã lấy hình ảnh Đức Giêsu khổ nạn để biểu trưng cho tình yêu, một tình yêu vượt trên tất cả, không chi sánh bằng. Chính cái chết của Đức Giêsu trên thập giá đã thể hiện và cho thấy một tình yêu đích thực, tình yêu nhiệm lạ vượt quá trí khôn con người. Đức Giêsu gục đầu trên thập giá vì yêu, yêu cả nhân loại và yêu cả những kẻ vừa mới đây thôi đã bắt bớ, sỉ vả, đánh đập và đóng đinh Người: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34). Chẳng còn lời nào hơn để nói về tình yêu của Đấng Cứu Thế, mà thiết nghĩ chúng ta cũng đừng cố tìm lời mà nói. Nên chăng, hãy thinh lặng, suy nghĩ, nghiệm ngẫm…!
Trong khi người Rôma cố tình giữ các tội nhân trên thập giá để nêu gương cho người khác thì luật Do thái buộc các tử tội phải được dở xuống ngay trong ngày (x Đnl 12,22). Vì thế quân lính có nhiệm vụ phải đánh vỡ ống chân để các tử tội mau chết. Hai tên cướp bị đánh giập ống chân. Còn Đức Giêsu, vì thấy Người đã chết, nên họ không đánh gẫy xương chân. Nhưng một tên lính lấy lưỡi đòng đâm xuyên cạnh sườn bên phải của Người, thấu tim, khiến “máu cùng nước chảy ra” (Ga 19,34). Lúc đó là giờ người ta đem giết các con Chiên Vượt Qua. Luật buộc không được làm gẫy xương các chiên này (Xh 12,46). Ở đây Đức Giêsu hiện thân như là Chiên Vượt Qua đích thực, một con chiên vẹn tuyền gánh tội trần gian. Nước và máu chảy ra từ trái tim bị đâm thâu của Đức Giêsu là nguồn mạch ân huệ cho nhân loại mọi thời. Đó là hình ảnh của Bí tích Thánh Thể và Phép Rửa, cả hai tuôn ra từ cạnh sườn bị đâm thâu, từ trái tim của Người. Cả hai nhập thành một dòng chảy mới tạo nên Giáo hội và đổi mới con người. Hình ảnh cạnh sườn mở còn được liên tưởng đến việc tạo dựng Evà từ cạnh sườn người nam, và đó cũng là việc tạo dựng một người đàn bà mới – Giáo hội – từ cạnh sườn Ađam mới là Đức Giêsu. Và chính Giáo hội sẽ trải dài tình yêu, sứ mạng của Đức Giêsu đến muôn ngàn thế hệ…
Đứng trước tình yêu quá đổi lớn lao và cuộc thương khó của Ngôi Hai Thiên Chúa, có lẽ chúng ta cũng chỉ biết gục đầu. Gục đầu vì chẳng hiểu nổi mầu nhiệm tình yêu ấy, gục đầu cho những ray rứt ăn năn… và gục đầu để cảm tạ. Chúa .Chúa vẫn đang buồn sầu, đau đớn, đổ máu vì chúng con vẫn phạm tội, vẫn chai lì?
Chúng ta vẫn thường lấy sự yếu đuối của phận người để biện hộ cho mình. Đúng thôi! Chúa Giêsu đón nhận sự yếu đuối của chúng ta. Nhưng, hơn tất cả, Người muốn chúng ta phải biết tỉnh thức, phải nhận ra mình yếu đuối và cần đến Người biết bao. Ngày ngày Người vẫn ở đó, trên Bàn thánh, để ban sức mạnh thần thiêng nuôi dưỡng chúng ta; Người chờ đợi để tha thứ cho chúng ta. Vậy chúng ta đã tìm đến với Người? Trái tim yêu thương của Chúa Giêsu vẫn rộng mở, vẫn tuôn trào máu và nước ân sủng cho chúng ta. Hãy đến để biết yêu như Người, chết đi như Người và phục sinh như Người.
 
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây