Truyền Thông Công Giáo Tin Vui

http://tinvui.org


Đêm Vọng Phục sinh

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 24, 1 – 12)
Đêm Vọng Phục sinh

 1 Ngày thứ nhất trong tuần, vừa tảng sáng, các bà đi ra mộ, mang theo dầu thơm đã chuẩn bị sẵn.2 Họ thấy tảng đá đã lăn ra khỏi mộ.3 Nhưng khi bước vào, họ không thấy thi hài Chúa Giê-su đâu cả.4 Họ còn đang phân vân, thì bỗng có hai người đàn ông y phục sáng chói, đứng bên họ.5 Đang lúc các bà sợ hãi, cúi gầm xuống đất, thì hai người kia nói: “Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết?6 Người không còn đây nữa, nhưng đã trỗi dậy rồi. Hãy nhớ lại điều Người đã nói với các bà hồi còn ở Ga-li-lê,7 là Con Người phải bị nộp vào tay phường tội lỗi, và bị đóng đinh vào thập giá, rồi ngày thứ ba sống lại.” 8 Bấy giờ các bà nhớ lại những điều Đức Giê-su đã nói.
9 Khi từ mộ trở về, các bà kể cho Nhóm Mười Một và mọi người khác biết tất cả những sự việc ấy.10 Mấy bà nói đây là bà Ma-ri-a Mác-đa-la, bà Gio-an-na, và bà Ma-ri-a, mẹ ông Gia-cô-bê. Các bà khác cùng đi với mấy bà này cũng nói với các Tông Đồ như vậy.11 Nhưng các ông cho là chuyện vớ vẩn, nên chẳng tin.
12 Dầu vậy, ông Phê-rô cũng đứng lên chạy ra mộ. Nhưng khi cúi nhìn, ông thấy chỉ còn có những khăn liệm thôi. Ông trở về nhà, rất đỗi ngạc nhiên về sự việc đã xảy ra.
Suy Niệm :
Lược đồ của Tin Mừng theo Thánh Lu-ca có thể xem là một hành trình lên Giê-ru-sa-lem. Khởi đi từ Ga-li-lê, Đức Giê-su tiến về thành đô Giê-ru-sa-lem để chịu tử nạn, chịu chết, sống lại và lên trời. Dọc theo hành trình ấy là một chuỗi những phép lạ và giáo huấn thể hiện lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho dân của Người. Đích điểm Giê-ru-sa-lem hẳn là có một ý nghĩa quan trọng, không chỉ bởi nơi ấy là kinh thành Ít-ra-en khi ấy cho bằng đó là nơi mà Đức Giê-su đã phục sinh, để khởi đầu cho niềm hy vọng phục sinh của con người và khai mạc Giê-ru-sa-lem mới mà Đức Giê-su đã loan báo: “Nước Thiên Chúa đã đến gần”.
Trình thuật Tin Mừng đêm vọng Phục Sinh hôm nay kể cho chúng ta nghe sự kiện những người phụ nữ ra viếng mộ Đức Giê-su vào sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần. Các bà rất đỗi kinh ngạc khi thấy tảng đá lấp cửa mộ đã bị lăn ra, và có hai người y phục sáng chói nói cho biết Đức Giê-su đã trỗi dậy. Các bà về báo lại cho các môn đệ hay chuyện này, nhưng các ông đã không tin.
Tự thân hai sự kiện “ngôi mộ trống”“tấm khăn liệm được xếp gọn gàng” không đủ để khiến các môn đệ tin rằng Thầy Giê-su đã sống lại. Hơn nữa, theo quan niệm Do Thái, lời chứng của phụ nữ thì không đáng tin cậy. Do vậy, khi được “các bà” kể lại những sự việc xảy ra ở nơi an táng Đức Giê-su, các môn đệ đã “cho là chuyện vớ vẩn, nên chẳng tin”. Mặc dù Phê-rô với tư cách Tông đồ trưởng, hay cũng có thể do thói quen bộp chộp vốn có, đã chạy ra mộ để kiểm chứng, nhưng sự “ngạc nhiên” của ông chưa đủ để cho thấy ông đã thực sự tin. Chỉ đến khi Đức Giê-su nhiều lần hiện ra với các ông, các ông mới thật sự tin rằng Người đã phục sinh. Trong cuộc sống thường nhật của chúng ta, nhiều khi chúng ta cần đến bằng chứng cụ thể để thuyết phục lý trí tin vào một sự kiện nào đấy. Nhưng đối với đức tin, thì có những mầu nhiệm vượt quá tầm hiểu biết của lý trí con người, chúng ta chỉ có thể nói như thánh Tô-ma-sô: “lấy đức tin mà bù lại”. Niềm hy vọng vào sự phục sinh sau cái chết của chúng ta cũng như thế. Chúng ta chưa ai “phục sinh” để kể lại cuộc sống sau cái chết của mình cả, do đó, niềm hy vọng phục sinh mai hậu của chúng ta vẫn phải đặt trên sự phục sinh nơi thân xác Đức Giê-su Ki-tô. Người đã phục sinh, Người cũng hứa cho chúng ta phục sinh với Người, nếu chúng ta tin tưởng và tuân theo lời Người đã dạy.
 Sự kiện  Đức Ki-tô phục sinh có một ý nghĩa hết sức to lớn, vì đó không chỉ đơn thuần là một sự kiện mang tính lịch sử, nhưng còn là khởi điểm của đức tin Ki-tô, là niềm hy vọng mà mọi Ki-tô hữu luôn hướng tới. Thế nên, thánh tông đồ Phao-lô đã “coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Ki-tô Giê-su, nhất là biết Người quyền năng thế nào nhờ đã phục sinh” . Thánh Phao-lô giải thích điều đó là vì “nếu Đức Ki-tô đã không trỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng”
Đức tin vào sự sống lại của Chúa Ki-tô diễn đạt sự chắc chắn về câu nói có vẻ như là giấc mơ tuyệt đẹp, nhưng lại là sự thật: “Tình yêu mạnh hơn sự chết” . Từ đó, nảy sinh niềm tin vào cuộc sống mai hậu, vào những điều Thiên Chúa đã hứa: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống”
Quan niệm thường có  của chúng ta là sống sao cho tốt để chuẩn bị vốn liếng thiêng liêng cho cuộc sống bên kia cái chết của mình. Nhưng nào có ai trong chúng ta biết được ngày giờ Thiên Chúa gọi ta trở về trình diện với Người. Do vậy, từng ngày sống kiếp phàm nhân lữ hành của mình phải là từng ngày sống niềm hy vọng Phục sinh, thì cuộc sống của chúng ta mới thực sự có ý nghĩa khi luôn được quy chiếu và hướng đến cái chết và sự phục sinh của Đức Giê-su, Chúa chúng ta. Niềm hy vọng ấy phải được lan tỏa thành những hành động bác ái yêu thương,  để đức tin của chúng ta không chỉ là một đức tin trót lưỡi đầu môi, mà là một đức tin sống động bởi đức ái Ki-tô giáo.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây