Truyền Thông Công Giáo Tin Vui

http://tinvui.org


CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA

Việc Chúa Giêsu đến với Gioan Tẩy giả, người bà con của mình, để chịu phép rửa hẳn mang lại một sự ngạc nhiên. Tại sao Người lại yêu cầu Gioan làm phép rửa cho mình như những người tội lỗi khác ? Việc này mang một ý nghĩa siêu nhiên : đây không phải là cử chỉ mang tính ước lệ hay làm gương cho người khác.
CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA
Việc Chúa Giêsu đến với Gioan Tẩy giả, người bà con của mình, để chịu phép rửa hẳn mang lại một sự ngạc nhiên. Tại sao Người lại yêu cầu Gioan làm phép rửa cho mình như những người tội lỗi khác ? Việc này mang một ý nghĩa siêu nhiên : đây không phải là cử chỉ mang tính ước lệ hay làm gương cho người khác. Đó là việc làm vì vâng theo ý Chúa Cha. Ngay từ khởi đầu thời kỳ ra công khai rao giảng của mình, Chúa Giêsu đã chứng tỏ mình chính là người  “Tôi tớ vâng phục”, đã hoàn toàn đi vào công trình của Thiên Chúa, Cha của Người, mà các Tiên tri đã loan báo. Người vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết trên thập giá. Cái chết này là phép rửa Người thiết lập trong máu của Người để thánh hiến phép rửa trong nước cho các tín hữu sau này.
Từ sự kiện Chúa Giêsu chịu phép rửa, cho phép chúng ta nhận ra được ý nghĩa của phép rửa chúng ta lãnh nhận. Phép rửa này đưa chúng ta đi vào sống sự hiệp thông tình yêu với Thiên Chúa.
I. TÌM HIỂU LỜI CHÚA
1. Bài đọc I : Is 42,1-4.6-7
Sứ mạng của Người Tôi Tớ Giavê

Dân Do thái bị thử thách kéo dài qua cuộc lưu đầy ở Babylon. Để an ủi họ, Tiên tri đã cho họ thấy Thiên Chúa yêu thương và sẽ giải thoát họ. Ngài sẽ sai Người Tôi Tớ của Ngài đến với dân thực thi điều Ngài đã hứa.
a. Chính Thiên Chúa tuyển chọn người Tôi Tớ để thực thi sứ mạng yêu thương cứu độ của Chúa. Vị Tôi Tớ này sẽ được trao ban Thần Khí của Thiên Chúa và thực hiện những gì Thiên Chúa muốn để mang lại hòa bình và công lý cho nhân loại.
b. Người Tôi Tớ của Thiên Chúa thực thi sứ mạng Chúa giao phó với lòng trung thành hoàn hảo không phản bội, không nhân nhượng nhưng hiền lành, kiên nhẫn và khiêm hạ.
c. Chính Chúa Giêsu Kitô, người Con Chí Ái của Chúa Cha, Người chính là Tôi Tớ hoàn hảo mà Isaia loan báo. Người là vị thầy của sự hiền lành và khiêm nhường trong lòng ; Người thông truyền cho nhân loại giáo huấn của Chúa Cha và nâng đỡ người yếu đuối, đau khổ và bần cùng.
2. Bài đọc II : Cv 10,34-38
Chúa Giêsu, Đức Chúa của mọi người

Nhân dịp thanh tẩy cho viên sĩ quan Corneille, ngoại giáo và gia đình, Thánh Phêrô đã lưu ý mọi người rằng : Thiên Chúa không thiên vị ai, Ngài ban ơn cứu độ của Ngài cho tất cả mọi người, không phân biệt nguồn gốc, dân tộc hay văn hóa.
a. Corneille là sĩ quan Rôma đã xin Thánh Phêrô đến nhà ông ở Césarée để thanh tẩy ông và cả gia đình.
b. Trước khi ban bí tích cho ông và gia đình, Thánh Phêrô đã cho họ biết sứ điệp của Chúa Giêsu Kitô và nhấn mạnh rằng sứ điệp này được gửi tới cho tất cả mọi tâm hồn thiện chí và công chính.
c. Giáo hội hôm nay, kế thừa truyền thống các Tông đồ,  chính là nơi mà Thiên Chúa đón nhận mọi người và trao ban sứ điệp cứu độ cho muôn dân thiên hạ.
3. Tin mừng : Mt 3,13-17
Gioan thanh tẩy cho Chúa Giêsu

Với sự khiêm nhu tự hạ, Chúa Giêsu đã muốn nhận phép rửa của Gioan trong sông Giođan như những người tội lỗi. Chính khi ấy, Người được chính thức trao phó sứ mạng : Chúa Cha tuyên bố Người là Con Yêu Dấu, Thánh Thần xuống trên Người.
a. Tại sao Chúa Giêsu, Đấâng tinh tuyền không tội lỗi lại muốn lãnh nhận phép rửa của Gioan, vốn chỉ dành cho những người tội lỗi để bày tỏ lòng sám hối. Chúa Giêsu làm thế để đồng hóa mình với nhân loại tội lỗi hầu đi vào giữa lòng thế gian ban ơn cứu độ cho nhân loại.
b. Trình thuật của Matthêu kín đáo ám chỉ cuộc tử nạn, qua việc đồng hóa Chúa Giêsu với người Tôi Tớ Giavê (Is 42,1 ; Mt 3,17), Đấng nhận lấy mọi yếu hèn của nhân loại (Is 53,4 ; Mt 8,7).
c. Việc Thần Khí xuống trên Chúa Giêsu và tiếng nói của Chúa Cha từ trời cho thấy phép rửa này là một cuộc tấn phong Chúa Giêsu làm vua và Messia. Chính Isaia cũng đã tiên báo về Đấng Messia được tràn đầy Thần Khí : khôn ngoan và trí tuệ ; mưu lược và anh dũng ; hiểu biết và kính sợ Giavê (Is 11,2).
II. GỢI Ý BÀI GIẢNG
1. Chúa Giêsu đứng về phía các tội nhân :
Phép rửa của Chúa Giêsu cho thấy chọn lựa của Người, hành động của Người là đứng về phía tội nhân. Người đứng về phía họ không phải để bênh vực cho hành động sai lỗi của họ, hay để dung túng cho tội lỗi. Nhưng Chúa đứng về phía họ để kêu gọi họ trở về, hoán cải và cứu độ họ. Người muốn đến cứu độ nhân loại tội lỗi từ trong lòng nhân loại bằng việc chia sẻ kiếp người nghèo khổ, khốn cùng chứ không phải bằng việc xét xử kết án. Chính vì thế, Người không ngại hòa mình vào dòng người tội lỗi để cùng chịu phép rửa sám hối với tội nhân dù rằng Người là Đấng vô tội ; là Đấng có quyền xét xử. Chúa Giêsu muốn liên đới trọn vẹn với con người chúng ta, trong đáy vực sâu tội lỗi, Chúa đã gặp gỡ và cứu độ nhân loại.
Chúa Giêsu đứng về phía tội nhân vì yêu thương và muốn cứu độ họ, cho nên, mỗi người chúng ta hôm nay hãy tin tưởng nơi Người, chạy đến với Người để lãnh nhận ơn tha thứ. Trước mặt Người không ai bị loại trừ. Đồng thời chúng ta cũng phải đồng hành với Người đến yêu thương và tha thứ cho anh chị em chung quanh.
2. Trong đáy vực sâu tội lỗi, Chúa Giêsu nâng người tội lỗi lên làm con Chúa :
Khi Chúa Giêsu chìm dưới dòng nước sông Giođan, nghĩa là trong thế giới của tội nhân, thì Chúa Cha đến gặp Người và xức dầu Thánh Thần phong Người làm Đức Kitô ; đồng thời xác nhận Người là “Con Yêu Dấu”. Chính lúc đó, Người lãnh nhận sứ mạng thiết lập công trình cứu độ mà Chúa Cha đã trao phó cho Người. Người đã chịu dìm mình trong dòng người tội lỗi để nâng tất cả lên. Nâng lên thật cao : Từ tội nhân lên thánh nhân; từ thụ tạo lên làm con Chúa ; từ kiếp người nô lệ cho tội lỗi và sự chết lên làm con cái tự do của Thiên Chúa. Chúa Giêsu chịu phép rửa của Thánh Gioan để nâng loài người sa ngã lên, cũng thế nếu ai chịu phép rửa của Chúa Giêsu sẽ được đi vào đời sống làm con Chúa Cha với Chúa Giêsu và sẽ nhận được Thánh Thần của Chúa Cha, cũng sẽ được Chúa Cha giới thiệu cho mọi người biết : Đây là con yêu dấu của Ta.
Tin mừng hôm nay cũng nhắc nhớ mọi người Kitô hữu chúng ta về Bí tích Thánh tẩy chúng ta đã lãnh nhận. Qua bí tích này, con người từ trong tội lỗi đã được Chúa yêu thương cứu vớt và ban cho quyền làm con cái Chúa. Do đó, mỗi người phải biết  nhờ Đức Kitô, cùng với Đức Kitô và trong Đức Kitô sống đúng phẩm giá của người làm con cái Chúa.
3. Chúa Giêsu chịu phép rửa, hình ảnh của Mầu nhiệm Thập giá :
Khi chấp nhận liên đới với người tội lỗi, Chúa Giêsu muốn cho mọi người thấy Người đến với nhân loại không phải để xét xử nhưng để tha thứ. Sau này chính Người cũng từng khẳng định : Ta đến không phải để xét xử nhưng để tìm kiếm và cứu chữa những gì đã hư mất. Người chấp nhận tự hủy trong dòng nước Giođan, như để hòa mình với mọi tôïi nhân, gánh lấy tất cả mọi tội lụy, khổ đau của kiếp người. Đây cũng là hình ảnh cho thấy Chúa Giêsu là Người Tôi Tớ của Giavê (Is 53,4 ; Mt 8,17). Trình thuật này Matthêu cũng ám chỉ kín đáo đến cuộc tử nạn của Chúa. Người đã mang lấy tất cả tội lỗi khổ đau của con người mà đưa lên thập giá để cứu độ. Có sự tương đồng giữa phép rửa ở sông Giođan Người lãnh nhận với Mầu nhiệm Thập giá mà Người đón nhận : Người tự hủy khi đi vào dòng nước hòa mình với tội nhân và khi vác thập giá, khi chịu chết trên thập giá ; để rồi Người được Chúa Cha tôn vinh khi xức dầu Thánh Thần,  tuyên bố cho mọi người biết Người là Con yêu dấu của Chúa Cha và làm cho phục sinh vinh hiển.
Phép rửa của Chúa Giêsu gắn chặt với Mầu nhiệm Thập giá. Bí tích Thánh tẩy của Kitô hữu cũng đưa mỗi người vào trong Mầu nhiệm Thập giá. Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Rôma đã cho thấy sự gắn kết chặt chẽ này. Theo thánh nhân, khi con người được dìm trong nước thanh tẩy là cùng chịu chết và mai táng với Đức Kitô ; khi trồi lên khỏi mặt nước là cùng được phục sinh với Người. Do đó, một khi đã theo Người, tin vào Người và chịu phép rửa trong Người thì cũng đồng nghĩa là lên đường vác thập giá với Người.
 Dẫn vào Phụng vụ Thánh thể :
Trong Bí tích Thánh thể chúng ta còn thấy sự liên đới chặt chẽ của Chúa Giêsu với nhân loại tội lỗi chúng ta. Nơi phép rửa Người hòa mình vào dòng người tội lỗi, còn với Bí tích Thánh thể, Người đi vào từng người, hòa nhập với từng người để kiện toàn con người mà Người đã cứu độ.
 
III. LỜI NGUYỆN TÍN HỮU
Mở đầu : Anh chị em thân mến, Chúa Giêsu vì yêu thương nhân loại chúng ta, Người đã vâng lời Chúa Cha không ngần ngại đến sống với con người tội lỗi chúng ta  để ban ơn cứu độ. Trong niềm vui tri ân cảm tạ, chúng ta cùng dâng lời nguyện xin.
1. Chúa Giêsu đến hòa mình với dòng người tội lỗi nơi dòng sông Giođan để nâng loài người sa ngã lên. Chúng ta cùng cầu nguyện cho Giáo hội hôm nay biết đi vào lòng thế giới để mang Tin mừng cho mọi người và làm cho thế giới tràn ngập tình yêu, hòa bình và công lý.
2. Khi chấp nhận chịu phép rửa của Gioan, Chúa Giêsu bộc lộ ý định liên đới với con người trong nỗi khốn cùng và yếu đuối của kiếp người. Chúng ta cùng cầu nguyện cho những anh chị em đau khổ, nhất là những người tội lỗi luôn gặp được tấm lòng vị tha, quảng đại và cảm thông của mọi người chung quanh.
3. Nhờ Bí tích Thánh tẩy, mỗi người Kitô hữu được đi vào đời sống làm con cái Chúa. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người chúng ta biết sống xứng đáng với phẩm giá làm con Chúa, để mọi người đều trở nên những người con yêu dấu đích thực của Chúa.
Lời kết : Lạy Cha là Thiên Chúa giàu lòng thương xót, chúng con cảm tạ Cha đã đón nhận chúng con làm nghĩa tử nhờ công nghiệp của Chúa Giêsu, Con Chí Ái của Cha. Xin Cha ban Thánh Thần hướng dẫn và nâng đỡ cho mọi người chúng con biết sống xứng đáng với ơn huệ cao quí được làm con Cha. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
 
 

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây