TÌM HIỂU LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 4 THƯỜNG NIÊN, NĂM A
- Chủ nhật - 29/01/2023 05:14
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Chúa nhật tuần trước, chúng ta đã suy tư về những khía cạnh khác nhau của người môn đệ, tức là người được Chúa kêu gọi. Chúa nhật này, chúng ta nhận thấy rằng môn đệ cũng là một người phải học hỏi. Trong sáu Chúa nhật tiếp theo, chúng ta thấy Chúa Giêsu dạy riêng cho các môn đệ về cách sống của đời môn đệ.

Chúa nhật tuần trước, chúng ta đã suy tư về những khía cạnh khác nhau của người môn đệ, tức là người được Chúa kêu gọi. Chúa nhật này, chúng ta nhận thấy rằng môn đệ cũng là một người phải học hỏi. Trong sáu Chúa nhật tiếp theo, chúng ta thấy Chúa Giêsu dạy riêng cho các môn đệ về cách sống của đời môn đệ.
BÀI ĐỌC 1: Sp 2,3; 3,12-13
Được Chúa chúc lành
Trước thời kỳ lưu đày ở Babylon, Israel có xu hướng đánh đồng sự thịnh vượng vật chất với phúc lành thiêng liêng: những người giàu có là do phúc lành Chúa ban; những người nghèo một cách nào đó thật đáng trách. Cuộc lưu đày chấm dứt tất cả những điều đó, và người ta có thể cảm thấy bối rối khi nhìn vào cuộc đời ông Gióp. Bài đọc này từ lời tiên tri của Sôphônia cho thấy sự phân tích mới và thỏa đáng hơn: chính những người khiêm nhường của Chúa, những người tìm nơi ẩn náu nơi danh Đức Chúa và nhận ra sự phụ thuộc hoàn toàn vào Ngài sẽ nhận được phúc lành Chúa ban. Israel luôn là trò chơi của các cường quốc, nó hết bị thống trị bởi nước này lại đến nước khác. Đây là tinh thần của những người còn sót lại: nghèo hèn và bé nhỏ, không tự tôn hoặc tin tưởng vào sức mạnh của chính mình. Điều đó được thể hiện một cách hoàn hảo và rất ấn tượng qua các nhân vật trong trình thuật về thời thơ ấu của Luca, nơi ông Dacaria và bà Elisabét, nơi Đức Maria và thánh Giuse, nơi ông Simeôn và bà Anna khiêm nhường tuân giữ lề luật Chúa và chờ đợi ơn cứu rỗi sẽ đến với họ từ Chúa. Tinh thần này không phải là điểm mạnh của những người Côrintô, chính vì thế mà Phaolô đã viết thư cho họ! Phúc lành của Chúa được minh họa trong Các Mối phúc sẽ được đọc trong bài Tin Mừng.
ĐÁP CA: Tv 146,5-10
Chúa là niềm trông cậy
Thánh vịnh này lặp lại chủ đề khôi phục của ngôn sứ Isaia, tập trung đặc biệt vào nền công lý Chúa thiết lập. Cùng với các Thánh vịnh 147-150, đây là những thánh ca Halleluia, bởi vì nó bắt đầu bằng lời tung hô Halleluia. Với lời tung hô này, các Thánh vịnh kết thúc tập Thánh vịnh. Mỗi Thánh vịnh này bao gồm một lời mời gọi thờ phượng, một câu nêu lên mục đích của việc ca ngợi Chúa, và kết thúc bằng lời tán tụng ngợi khen Halleluia.
Khác với những người cai trị phàm nhân, họ thường gây ra biết bao thất vọng (c. 3-4): triều đại của Chúa đặt trên đức công chính. Những người tin vào Thiên Chúa, Đấng tạo thành (c. 6) thì luôn sống hạnh phúc và hi vọng. Bởi vì Ngài trung thành với muôn muôn thế hệ. Các câu 7-9 kể lại đức công minh của Chúa trong việc bảo vệ người bị áp bức, những người đói khổ nghèo hèn, những người tù tội, những kẻ mù lòa, những người yếu thế, bị nhục mạ, những khách ngoại kiều, những cô nhi quả phụ…Những ơn phúc này nhắc nhớ đến lòng Chúa yêu thương mà Israel đã cảm nghiệm trong những hoàn cảnh đen tối khác nhau. Nó cũng phản ánh những mảng tối khác nhau của xã hội Israel. Tất cả những điều này loan báo về triều đại Chúa sẽ khai mở, và Ngài đáng được chúc tụng. Halleluia!
Chúa Giêsu đã hoàn tất lời Thánh vịnh này. Trong sứ vụ nơi dương thế, Người đã thực hiện những việc:
*Làm phép lạ hóa bánh ra nhiều nuôi sống hằng ngàn người (Mt 14,14-21; 15,32-38; Mc 6,34-44; 8,1-9; Ga 6,9-14).
*Công bố ơn giải thoát cho những người bị nô lệ tội lỗi (x. Lc 4,18-21, Chúa trích dẫn Is 61,1-2; xem thêm 1 Pr 3,19-20; 4,6).
*Mở mắt người mù (Mt 9,27-30).
*Nâng đỡ những người nghèo hèn, bách hại vì bất công (x. Lc 6,20-23).
*Chúa Giêsu Kitô hiển trị muôn đời trên núi thánh Sion mới, là Hội Thánh Người lập cho mọi thế hệ.
BÀI ĐỌC 2: 1 Cr 1,26-31
Đảo ngược giá trị
Người Côrintô dường như đặc biệt hài lòng với chính họ, đến nỗi Phaolô buông lời mỉa mai không thương tiếc đối với các tín hữu ở đây. Với sự tự tin và tự mãn của mình, họ rất vui khi dựa vào nguồn lực của chính mình để cứu độ. Phaolô nhắc lại cho họ bài học của Sôphônia. Việc đọc bức thư trước công chúng hẳn đã khiến những người mà nó nhắm đến phải bối rối; và sức mạnh lời chỉ trích của Phaolô có lẽ là lý do tại sao mối quan hệ của ngài với cộng đoàn này tiếp tục sóng gió trong một thời gian. Tuy nhiên, đối với chúng ta, giáo huấn tích cực này là một kho tàng, rằng Chúa Kitô là sự khôn ngoan, sức mạnh, sự thánh thiện và tự do của chúng ta. Chỉ qua Chúa Kitô, chúng ta mới có thể đạt được những ước vọng của mình và phát triển đến mức trưởng thành hoàn hảo của con người, bằng cách tham gia vào các phẩm chất này của Chúa Kitô. Một khi được tháp nhập vào Chúa Kitô qua phép rửa, chúng ta đã chia sẻ sự khôn ngoan, thánh thiện và sức mạnh của Người, và cả sự tự do của Người, nếu chúng ta chỉ dựa vào Chúa chứ không dựa vào chính mình. Phaolô tiếp tục nói rằng Chúa Kitô là Sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa, một giáo huấn được trình bày chi tiết trong các thư sau này (có thể không phải do chính Phaolô viết) gửi cho tín hữu Côlôsê và tín hữu Êphêsô.
TIN MỪNG: Mt 5,1 -12a
Hạnh phúc thật
Lời rao giảng và các phép lạ của Chúa Giêsu đã thu hút đám đông dân chúng, khiến Người phải rời khu vực đó và đưa các môn đệ lên núi. Ở đó, Người đã dạy dỗ họ. Giáo huấn được gọi là Bài giảng trên núi được hướng đến những môn đệ thân tín của Người, không phải cho đám đông rộng lớn hơn. Phần đầu của bài giảng đó, các Mối Phúc, là bài đọc Tin Mừng hôm nay. Về hình thức và nội dung, các Mối Phúc là giáo huấn Khôn Ngoan, chứ không phải luật Kitô giáo, như đôi khi được tuyên bố. Hầu hết, nếu không muốn nói là tất cả, những tình cảm bày tỏ được tìm thấy ở đâu đó trong giáo huấn của người Do Thái cổ đại.
Bát phúc, hay macarism, là một hình thức văn chương thuộc truyền thống Khôn Ngoan. Nó lấy tên từ tiếng Hy Lạp makarios (hạnh phúc hoặc may mắn). Đó là một tuyên bố mô tả dành cho mục đích giảng dạy. Giống như hầu hết các hình thức văn chương Khôn Ngoan, nó mô tả một tình huống cuộc sống kéo theo mối liên hệ giữa một cách cư xử cụ thể và hậu quả bắt nguồn từ hành vi đó. Mặc dù đó là một mô tả đơn giản, nhưng nó có nghĩa là khuyến khích hành vi nếu hậu quả đem lại sự thỏa mãn; và ngăn cản hành vi đó nếu không đáp ứng thỏa đáng. Những phúc lành này tuân theo chính xác khuôn mẫu này: một nhóm người hành động theo một cách cụ thể được cho là hạnh phúc; những phúc lành mà họ sẽ được hưởng đã được nêu ra..
Điều quan trọng cần nhớ là mặc dù những lời dạy của Chúa Giêsu theo một cách nào đó đều hướng tới việc thiết lập triều đại Thiên Chúa, nhưng kiểu hành vi hoặc giá trị mà Người ủng hộ thường trái ngược với những giá trị được xã hội nói chung tán thành. Sự kiện này cung cấp cho chúng ta một cách để hiểu những thách thức đặt ra trước mắt chúng ta trong các Mối Phúc. Có lẽ cách để giải thích chúng là trước tiên hãy nhìn vào các phúc lành được hứa ban. Chúng ta có thể thấy rằng hành vi mà Chúa Giêsu ủng hộ trái ngược với những gì xã hội cho rằng sẽ bảo đảm cho chúng ta được phúc.
Mối phúc thứ nhất và thứ ba cũng tương tự như vậy. Người ta coi khái niệm quyền lực, thường được xác định bởi mức độ một người sở hữu vật chất. Các xã hội thường được cai trị bởi những người có quyền lực và nắm giữ các phương tiện sống. Tuy nhiên, triều đại Thiên Chúa sẽ nằm trong tay của những người nhỏ bé (người hiền lành) và những người không có phương tiện để sử dụng quyền lực (người nghèo). Mối phúc thứ hai và thứ bốn hứa hẹn làm giảm bớt một số hình thức rối loạn nội tâm. Một cách hiểu nghiêm ngặt về lý thuyết quả báo khẳng định rằng đau khổ thường là hậu quả của tội lỗi hoặc một số hành vi không phù hợp. Theo lý thuyết này, những người đau buồn bị như vậy vì điều gì đó mà họ tự gánh lấy, và những người khao khát công lý chỉ cần sống công bằng để tận hưởng nó. Ngược lại, những mối phúc này gợi ý rằng những người đau khổ không những không phải chịu trách nhiệm về sự bất hạnh của họ, mà những tình huống họ gặp phải sẽ được khắc phục cho họ.
Mối phúc thứ năm, thứ sáu và thứ bảy đề cập đến các khía cạnh của lòng đạo đức. Lòng thương xót là tâm thế Thiên Chúa dành cho tội nhân (x. Xh 34,6). Những ai tìm kiếm thái độ này từ Thiên Chúa được khuyến khích mở rộng nó cho những người khác. Đã có trong truyền thống tôn giáo của Israel, chúng ta đọc thấy đó không phải là sự tuân giữ các nghi thức mà là một trái tim đơn sơ nhưng rộng mở cho phép một người bước vào sự hiện diện của Thiên Chúa (x. Tv 24,4). Cuối cùng, hòa bình và trật tự yên ổn là mong muốn của Thiên Chúa đối với chúng ta ngay từ đầu. Chính tội lỗi đã phá vỡ trật tự này và phá hủy hòa bình. Những người chiến thắng cái ác bằng sự thiện để tái lập hòa bình đang làm công việc của Thiên Chúa và sẽ được gọi là con cái của Ngài.
Mối phúc cuối cùng nhấn mạnh rõ ràng sự đảo ngược được đề cập ở trên. Cam kết với Chúa Giêsu và chính nghĩa của Người chắc chắn sẽ mang lại sự sỉ nhục và bắt bớ. Khi điều này xảy ra, các môn đệ hãy vui mừng, biết rằng thế gian đang bắt bớ họ vì họ thuộc về một vương quốc không thuộc thế gian này, một vương quốc có những giá trị trái ngược với những giá trị được thế giới này tán thành. Rõ ràng là mỗi và mọi mối phúc đều mời gọi chúng ta đảo ngược các tiêu chuẩn và lối sống của mình từ trong ra ngoài.
THAM KHẢO SÁCH GIÁO LÍ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO
+ GLHTCG 459, 520-521: Chúa Giêsu, gương mẫu các mối phúc
+ GLHTCG 1716-1724: Ơn gọi sống vinh phúc
+ GLHTCG 64, 716: Những người nghèo khó, khiêm nhu và “người rốt hết” ấp ủ niềm hi vọng về Đấng Messia
Lm. Giuse Ngô Quang Trung