Truyền Thông Công Giáo Tin Vui

http://tinvui.org


CHÚA NHẬT II MÙA THƯỜNG NIÊN NĂM A

Tin Mừng Chúa Giê su Ki tô theo Thánh Gioan
CHÚA NHẬT II MÙA THƯỜNG NIÊN NĂM A

 Ga 1,29-34
(29) Hôm sau, ông Gio-an thấy Đức Giê-su tiến về phía mình, liền nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian. (30) Chính Người là Đấng tôi đã nói tới khi bảo rằng: Có người đến sau tôi, vì có trước tôi. (31) Tôi đã không biết Người, nhưng để Người được tỏ ra cho dân Ít-ra-en, tôi đến làm phép rửa trong nước”. (32) Ông Gio-an còn làm chứng: “Tôi đã thấy Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người. (33) Tôi không biết Người. Nhưng chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi: Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần. (34) Tôi đã thấy nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn”.
Suy Niệm :
Trình thuật Tin Mừng hôm nay là một trong những biến cố quan trọng nhất trong cuộc đời của Chúa Giê-su. Nó được ví như một cú chuyển mình từ một cuộc sống thầm lặng để bước vào công cuộc rao giảng công khai của Người. Hơn thế nữa, nó còn được xem là một biến cố mặc khải cho chúng ta thân phận của Chúa Giê-su. Ngài được ông Gio-an gọi là “Chiên Thiên Chúa”. Qua lời xác tín này, ông Gio-an đã chân nhận Chúa Giê-su vừa là chiên sát tế vừa là Đấng đã được loan báo trước cho thế gian. Đấng này đã đến để mang lấy tội lỗi của nhân loại vào mình và làm cho tội lỗi ấy biến đi, ngõ hầu những ai được Đấng ấy yêu thương sẽ được cứu độ. Vì thế, hôm nay chúng ta hãy cùng tìm hiểu về hình ảnh “con chiên” mà Gio-an đã loan báo về Chúa Giê-su, cùng tìm hiểu về ơn cứu độ mà chúng ta được lãnh nhận nhờ “con chiên” ấy.
Tại sao lại là con chiên? Hình ảnh ấy có vẻ xa lại với chúng ta, nhưng đối với người Do Thái thì hình ảnh con chiên lại rất đỗi bình thường. Bởi lẽ, nó không chỉ quen thuộc trong truyền thống văn hóa, mà còn cả trong đời sống tôn giáo nữa. Thời Cựu Ước, trong ngày lễ Đền tội, người Do Thái bắt một con chiên đem đến cho Tư tế. Vị Tư tế đọc một danh sách các thứ tội của dân chúng và kêu gọi mọi người ăn năn sám hối. Sau đó, vị Tư tế sẽ đặt tay trên con chiên, ngụ ý trút hết những tội lỗi vừa được kể ra lên đầu nó, rồi đuổi nó vào sa mạc. Và người ta gọi con chiên ấy là con chiên gánh tội.
Hay quen thuộc hơn là hình ảnh con chiên trong biến cố dân Do Thái được đưa ra khỏi đất Ai Cập nhờ bàn tay hùng mạnh của Thiên Chúa. Vào ngày này, tất cả các con trai đầu lòng của dân Ít-ra-en được cứu, nhờ máu con chiên được bôi trên khung cửa. Máu này chính là dấu hiệu để Thiên Chúa nhận biết đoàn dân của Người. Máu này còn được xem là dấu chứng cho lòng trung thành của Ít-ra-en đối với Thiên Chúa. Sau biến cố đó, tất cả con cái Ít-ra-en thoát khỏi ách nô lệ của Ai Cập để đi đến miền đất mà chính Thiên Chúa đã thề hứa với cha ông của họ. Miền đất ấy sẽ đổ tràn trề sữa và mật, là miền đất mà mọi thế hệ con cái Ít-ra-en đều mong ước và trông đợi.
Đó là lý do tại sao ông Gio-an lại lấy hình ảnh con chiên để tuyên xưng về Đức Giê-su. Điều đó cũng hàm chứa rằng: ông Gio-an đã biết Đức Giê-su cũng chính là con chiên thực sự mang lấy tội của nhân loại để giải phóng nhân loại khỏi sự chết. Hình ảnh vết máu trên khung cửa chính là điềm tiên báo cho cái chết tủi hờn và đau đớn của Đức Giê-su trên thập giá. Việc giải phóng dân ra khỏi ách nô lệ của Ai Cập là hình ảnh cho việc Đức Giê-su đem chúng ta ra khỏi sự lệ thuộc vào tội, và đem chúng ta ra khỏi cái chết của nó. Và cuối cùng, hình ảnh miền đất tràn trề sữa và mật chính là hình ảnh tiên trưng cho Nước Trời của chúng ta. Đức Giê-su đã đổ máu ra để đưa chúng ta ra khỏi tội lỗi và đem vào Nước của Ngài. Hành động này Thiên Chúa đã thực hiện chỉ một lần duy nhất cho tất cả mọi người. Giờ đây, mỗi người chúng ta không nại vào đó mà ru ngủ tâm hồn chúng ta: Thiên Chúa đã mang lấy tội cho tôi, nên tôi không phải làm gì nữa cả. Không phải như vậy! Bản tính con người của chúng ta luôn luôn nghiêng chiều về sự dữ, luôn có một hấp lực đi về phía tội, cho nên chúng ta phải không ngừng thanh tẩy con người mình khỏi những tội lỗi, và công cuộc cứu độ của Đức Giê-su chính là phương thế để chúng ta khắc phục điều đó. Phương thế đó được để lại nơi các bí tích mà đỉnh cao chính là bí tích Thánh Thể, là dấu chỉ cao nhất cho sự trao hiến chính thân mình Chúa, ngõ hầu đem lại ơn cứu độ cho chúng ta. Thế nhưng bao nhiêu lần chúng ta nhận ra được giá trị đích thực của bí tích huyền nhiệm này, hay thay vào đó lại là sự thờ ơ hoặc bất xứng với Thánh Thể Chúa. Mỗi lần linh mục giương cao Mình Thánh với lời tuyên xưng của Gio-an: “Đây Chiên Thiên Chúa! Đây Đấng xóa tội trần gian…” chúng ta có cảm tạ Chúa vì yêu thương đã để lại cho chúng ta nguồn ơn cực trọng này không?
Hôm nay, qua biến cố Gio-an gặp gỡ Đức Giê-su, chúng ta có cơ hội để nhìn lại thái độ sống của chúng ta với ơn cứu độ của Thiên Chúa trao tặng.  để giúp cho chúng ta có một chút cảm thức, đưa chúng  ta đến với Thiên Chúa, với Thánh Lễ và Thánh Thể Chúa, để ít nhiều chúng ta cũng có những biến chuyển trong tâm hồn, ngõ hầu xứng đáng với ơn cứu độ mà Chúa Giê-su đã phải hy sinh mạng sống Ngài cho chúng ta.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây