Truyền Thông Công Giáo Tin Vui

http://tinvui.org


Phút suy tư: ĐỔI THÙ THÀNH BẠN

Khi tổng thống Abraham Lincohn bị chỉ trích là quá lịch sự và nhã nhặn đối với những kẻ thù, và được nhắc nhở bổn phận của ông là phải tiêu diệt họ, ông đã trả lời một câu và có thể được coi là một tư tưởng cách mạng.
Phút suy tư: ĐỔI THÙ THÀNH BẠN

Phút suy tư :

ĐỔI THÙ THÀNH BẠN

Khi tổng thống Abraham Lincohn bị chỉ trích là quá lịch sự và nhã nhặn đối với những kẻ thù, và được nhắc nhở bổn phận của ông là phải tiêu diệt họ, ông đã trả lời một câu và có thể được coi là một tư tưởng cách mạng. Vì tư tưởng này có thể đổi mới con người và đổi mới xã hội.
Ông nói: “Vậy thì tôi không tiêu diệt những kẻ thù khi tôi làm cho họ trở nên bạn hữu của tôi sao?”. Đây là câu trả lời của một con người có một đức tính khoan dung mà Đức Giêsu cũng muốn nêu bật trong bài Tin Mừng hôm nay.
Dân xứ Samaria có một mối thù truyền kiếp với dân Do Thái sinh sống ở những miềm khác, tựu trung là vì có sự bất đồng ý kiến về nơi thờ phượng được người phụ nữ Samaria mà Đức Giêsu xin nước uống trình bày như sau: “Lạy Ngài, tôi biết Ngài là một tiên tri, cha ông chúng tôi đã thờ phượng trên núi này, còn các ông thì lại bảo Giêrusalem mới là nơi thờ phượng”.
Qua sự bất đồng ý kiến về nơi thờ phượng này, những người xứ Samaria làm mọi cách để ngăn trở, thậm chí họ còn tấn công hành hung những đoàn người Do Thái hành hương Giêrusalem nào đi ngang qua lãnh thổ của họ. Thế tại sao Đức Giêsu lại chọn lộ trình đi Giêrusalem ngang qua Samaria, và lạ lùng hơn nữa: tại sao Chúa lại có ý định tìm một chỗ trọ qua đêm trong lãnh thổ của họ?
“Con Người đến không phải để giết, nhưng để cứu chuộc người ta”. Qua lời tuyên bố này chúng ta có thể tìm được một câu trả lời cho những vấn nạn trên. Với ý định đi ngang và tìm chỗ trọ trong lãnh thổ của dân xứ Samaria. Đức Giêsu thử giơ cánh tay thân thiện với hy vọng có thể biến kẻ thù thành bạn. Như ông Abraham Lincohn sau này đã làm. Nhưng Ngài bị từ chối cả hai. Sự thân hữu và lòng hiếu khách. Bàn tay thân hữu của Ngài giơ ra hình như bị treo lơ lửng giữa trời, không có bàn tay nào khác chìa ra bắt lấy, và người xứ Samaria từ chối cả việc thực hành lòng hiếu khách cố hữu của những dân tộc xưa kia sống đời du mục. Phản ứng của hai môn đệ Giacôbê và Gioan xin Đức Giêsu cho phép khiến lửa bởi trời xuống thiêu hủy dân xứ Samaria tiêu biểu cho những tâm địa thông thường của con người. Đó là tâm địa trả thù, đó là khuynh hướng xử dụng bạo lực, nhưng Đức Giêsu lợi dụng diễn tiến này để trực tiếp dạy và thực hành bài học khoan dung nhẫn nhục và tha thứ. Dân xứ Samaria không bằng lòng đón tiếp Ngài, không sẵn sàng áp dụng sự hiếu khách và từ chối kết bạn với Ngài, thì Ngài chọn một lộ trình khác để đi Giêrusalem. Hành động này chứng tỏ sự khoan dung chỉ có thể xây dựng trên nền tảng chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt trong quan niệm và niềm tin nơi kẻ khác.
Các bạn thân mến, đức tính khoan dung biết chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt nơi tha nhân và biết đến tâm hồn quảng đại sẵn sàng giơ cánh tay tha thứ và hòa giải đến biến kẻ thù thành bạn hữu.
Bạn nghĩ sao? Đây có phải là con đường dẫn đến sự hòa bình trên bình diện cá nhân và xã hội không?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây