Hôm 24/1/2021 vừa qua, Tòa Tổng giám mục giáo phận Caracas, thủ đô Venezuela, cho biết lễ phong chân phước cho vị Tôi tớ Chúa, bác sĩ Gregorio Hernández Cisneros, sẽ được cử hành vào cuối tháng Tư tới đây.
G. Trần Đức Anh, O.P.
Ngày 19/6 năm ngoái (2020), Bộ Phong thánh đã công bố sắc lệnh nhìn nhận một phép lạ, nhờ lời chuyển cầu của giáo dân José Gregorio Hernández Cisneros, qua đời năm 1919, lúc 55 tuổi. Ông là giáo sư bác sĩ y khoa tận tụy giúp đỡ các bệnh nhân nghèo. Phép lạ này mở đường cho việc phong chân phước cho vị Tôi tớ Chúa.
Gregorio Hernándes sinh năm 1864, tại Isnotú thuộc bang Trujillo, trưởng nam trong sáu anh em, đậu bác sĩ tại thủ đô Caracas và du học thêm tại Paris, Berlin, Madrid và New York, làm giáo sư đại học, du nhập việc dùng kính hiển vi tại Venezuela và thành lập ghế giáo sư vi trùng học tại đại học Caracas. Ông hành nghề như một sứ mạng, tận tụy săn sóc những người túng thiếu nhất, dùng tiền lương để mua thuốc men cho họ.
Đức tin mạnh mẽ dẫn bác sĩ Gregorio Hernándes đi tu dòng Chartreux tại Farneta, tỉnh Lucca Italia, năm 1908, khi được 44 tuổi, nhưng vì lý do sức khỏe, ông phải trở về Venezuela. Nhưng sau đó, ông trở lại Italia để học thần học, nhưng không theo đuổi công trình này lâu vì bị bệnh. Ông gia nhập dòng Ba Phan Sinh tại thế. Trong thời dịch Tây Ban Nha, ông săn sóc các bệnh nhân. Ngày 29/6/1919, trên đường đi đến một nhà thuốc tây ở thủ đô Caracas để mua thuốc cho một nữ bệnh nhân già, ông bị tai nạn giao thông, và từ trần ít lâu sau khi được chở tới nhà thương cấp cứu, miệng còn kêu cầu Đức Mẹ.
Người được phép lạ nhờ lời chuyển cầu của bác sĩ Hernández là một trẻ nữ 13 tuổi, tên là Yaxuri Ortega, bị bắn vào đầu hồi năm 1917.
Trong một thông cáo hồi năm ngoái, Hội đồng Giám mục Venezuela nhận định rằng: “Bác sĩ Hernández không hề dừng bước trước những thách đố, dù khó khăn đến đâu, nhưng luôn liên kết chúng với ơn gọi phụng sự Thiên Chúa. Đặc biệt trong thời kỳ đại dịch Coronavirus hiện nay, tin vui về việc phong chân phước cho bác sĩ là một phương thế để củng cố niềm hy vọng, giúp Venezuela vượt thắng tình trạng thiếu thốn và khó khăn, mà dân chúng đang phải chịu, đặc biệt là những người nghèo khổ nhất và bị gạt ra ngoài lề”.
(Talcualdigital 25-1-2021)
Mỗi ngày có 13 Ki-tô hữu trên thế giới bị sát hại vì đức tin
Theo báo cáo hàng năm “Danh sách theo dõi thế giới” năm 2021 của tổ chức phi lợi nhuận Open Doors – Những cánh cửa mở, trong đó liệt kê 50 quốc gia hàng đầu nơi các Ki-tô hữu bị bách hại nhiều nhất vì đức tin của họ, trung bình mỗi ngày có 13 Ki-tô hữu trên thế giới bị sát hại vì đức tin, 12 nhà thờ hay cơ sở Ki-tô giáo bị tấn công, 12 Ki-tô hữu bị bắt hay bị giam tù cách bất công, và 5 người bị bắt cóc.
Tổ chức Open Doors, một tổ chức phi lợi nhuận, ghi lại các cuộc bách hại chống lại Ki-tô hữu, hướng dẫn cầu nguyện và cho các tín hữu bị bắt bớ biết rằng họ không bị lãng quên.
Ki-tô hữu vẫn bước đi và sống đức tin
Khi công bố báo cáo hôm 13/1, ông Davi Curry, Chủ tịch và giám đốc điều hành của phân bộ Hoa Kỳ nói rằng “Con số dân Chúa đang đau khổ dường như có nghĩa là Giáo hội đang chết, các Ki-tô hữu đang giữ im lặng, đang đánh mất đức tin của họ”. Tuy nhiên, đó không phải là những gì đang xảy ra vì các tín hữu vẫn bước đi và sống đức tin.
Con số tín hữu bị bách hại gia tăng
Tại 50 quốc gia đứng đầu danh sách bách hại Ki-tô hữu, có 309 triệu Ki-tô hữu đang sống tại những nơi có mức độ bách hại “dữ dội” hoặc “vô cùng dữ dội”. Con số này tăng 260 triệu so với năm ngoái.
Báo cáo cũng nói rằng có thể thêm vào con số khoảng 31 triệu tín hữu bị bách hại khác tại 24 quốc gia nằm ngoài danh sách 50 nước đứng đầu danh sách, ví dụ như Cuba, Sri Lanka, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Điều này có nghĩa là trung bình 8 Ki-tô hữu thì có 1 người đang bị bách hại.
Hồi giáo cực đoan
Theo báo cáo, Covid-19 cũng là một chất xúc tác cho sự bách hại tôn giáo thông qua việc phân biệt đối xử trong viện trợ, cưỡng bức cải đạo và là lý do để tăng cường giám sát và kiểm duyệt. Một yếu tố khác thúc đẩy sự đau khổ ngày càng tăng của các Ki-tô hữu là các cuộc tấn công cực đoan hơn trên khắp vùng châu Phi cận Sahara, từ Nigeria và Cameroon đến Burkina Faso, Mali và nhiều hơn thế nữa.
Năm nay, top 10 nước bách hại nhất tương đối không thay đổi. Sau Triều Tiên là Afghanistan, tiếp theo là Somalia, Libya, Pakistan, Eritrea, Yemen, Iran, Nigeria và Ấn Độ.