Kinh Tạ Ơn Te Deum ngày 31/12/2020
Làm sao tạ ơn sau một năm nhiều thử thách ? Đức Giáo Hoàng Phanxicô đề nghị hãy nhìn xem « nhiều người » đã « không có phần thưởng nào ngoài phần thưởng làm điều thiện, họ tìm được sức mạnh để chăm lo cho người khác » và ngài mời gọi hãy đặt cho mình câu hỏi : « Cái gì đã thúc đẩy họ từ bỏ những gì của chính họ, của sự tiện nghi của riêng họ, của thời gian của họ, của của cải của họ, để hiến tặng cho người khác ? ».
Đức Giáo Hoàng Phanxicô, bị ngăn trở bởi một « cơn đau thần kinh tọa »nên không chủ sự được các giờ kinh chiều của ngày lễ kính Đức Maria Thân Mẫu Thiên Chúa và kinh Tạ Ơn Te Deum cho năm vừa qua, đã nhờ Đức Hồng Y Giovanni Battista Re, niên trưởng hồng y đoàn, đã tuyên đọc trong lễ.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô đề nghị câu trả lời này : « Tự sâu thẳm, tự đáy lòng, dù rằng bản thân họ không nghĩ đến, sức mạnh của Thiên Chúa thúc đẩy họ, sức mạnh dũng mãnh hơn lòng ích kỷ của chúng ta. Chính vì thế mà chiều hôm nay, chúng ta ca ngợi Người, bởi vì chúng ta tin và chúng ta biết tất cả những điều tốt lành diễn ra trên mặt đất ngày này qua ngày khác, rốt cuộc đều đến từ Người, từ Thiên Chúa »
« Và khi nhìn tới tương lai đang chờ đợi chúng ta, chúng ta lại khẩn cầu : « Cầu xin lòng thương xót của Chúa luôn ở với chúng con, chúng con trông cậy nơi Chúa ». Nơi Chúa là sự tin cậy và niềm hy vọng của chúng con ». Đức Giáo Hoàng kết luận.
Trong một tweet, Đức Giáo Hoàng đã tóm tắt các lý do tạ ơn rằng : « Chúng ta tạ ơn Thiên Chúa vì những điều tốt lành đã xẩy ra trong đại dịch, cho mọi người, không ồn ào, đã tìm cách làm nhẹ bớt gánh nặng của thử thách ».
Kinh chiều đã được tiếp nối bởi buổi chầu Mình Thánh và phép lành Thánh Thể và buổi lễ đã kết thúc bởi bài hát kính Đức Mẹ Maria « Alma Redemptoris Mater », trước khi cộng đoàn, hạn chế và đeo kẩu trang, cất lên bài hát Giáng Sinh « Adeste fideles ».
Sau đây là bản dịch nhanh bài giảng của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, được tuyên đọc bởi Đức Hồng Y Re bằng tiếng Ý.
AB
Bài giảng của Đức Giáo Hoàng Phanxicô
Được tuyên đọc bởi Đức Hồng Y Giovanni Battista Re, ngài báo trước rằng : « Tôi xin đọc bản văn mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã chuẩn bị cho dịp này ».
Quý Anh Chị Em thân mến !
Buổi cử hành ban chiều luôn có hai khía cạnh ; qua phụng vụ, chúng ta đi vào lễ trọng kính Đức Maria Thân Mẫu Thiên Chúa : và đồng thời chúng ta kết thúc năm dương lịch bằng một bài ca ngợi khen lớn.
Nó sẽ là vấn đề của khía cạnh thứ nhất trong bài giảng sáng ngày mai. Chiều nay, chúng ta đưa ra một không gian cho tạ ơn cho năm cũ đang chấm dứt.
« Te Deum laudamus » « Lậy Thiên Chúa, chúng con ngợi khen Chúa, chúng con tôn vinh Chúa là Đức Chúa… ». Có thể như là bắt buộc phải tạ ơn Thiên Chúa vào cuối một năm như năm nay bị đánh dấu bởi đại dịch. Những suy nghĩ hướng tới các gia đình đã bị mất đi một hay nhiều thành viên ; chúng ta nghĩ tới những người đã bị mắc bệnh, tới những người đã chịu đau khổ vì cô đơn, tới những người đã mất việc làm…
Đôi khi có người hỏi : ý nghĩa của một thảm kịch như lần này là gì ? Chúng ta không được vội vã trả lời câu hỏi này. Kể cả Thiên Chúa cũng không trả lời các câu hỏi « tại sao » lo lắng nhất của chúng ta bằng cách viện tới những « lý do cao hơn ». Câu trả lời của Thiên Chúa đi theo con đường Nhập Thể, như trong bài hát Magnificat : « Vì tình yêu vĩ đại qua đó Người đã thương yêu chúng ta, Thiên Chúa đã sai Con Người xuống mặc lấy xác thịt tội lỗi »
Một Thiên Chúa sẽ hy sinh con người cho một kết hoạch lớn lao, kể cả kế hoạch tốt nhất có thể, chắc chắn không phải là vị Thiên Chúa mà Chúa Giêsu Kitô đã mặc khải cho chúng ta. Thiên Chúa là Cha, « Vị Cha vĩnh cửu », và nếu Con của Người đã làm người phàm, chính là bởi vì lòng thương cảm vô biên của trái tim Cha. Thiên Chúa là Cha và là Mục Tử, và mục tử nào mà lại bỏ rơi, dù chỉ là một con chiên nhỏ, khi nghĩ rằng dù sao thì ông ta vẫn còn nhiều con khác ? Không, vị thần linh vô liêm sỉ và tàn nhẫn không hề hiện hữu. Đó không phải là Đấng Thiên Chúa mà chúng ta « khen ngợi » và « Chúa đã tuyên xưng ».
Người Samari nhân hậu, khi ông ta gặp con người đáng thương dở sống dở chết bên vệ đường, đã không dài dòng thuyết giảng cho hắn để giải thích ý nghĩa của những gì sẽ xẩy ra, có lẽ để thuyết phục hắn rằng điều đó thực sự tốt cho hắn. Người Samari, cảm động vì lòng thương cảm, đã cúi xuống trên người khách lạ, đối xử với hắn như một người anh em và chăm sóc hắn bằng cách làm tất cả những gì có thể làm được (x. Lc 10, 25-37).
Ở đây, phải, có lẽ chúng ta có thể tìm ra một « ý nghĩa » cho thảm kịch đại dịch này cũng như những thiên tai khác đang ảnh hưởng tới nhân loại, tai ách đánh thức nơi chúng ta lòng thương cảm và tạo ra những thái độ và những cử chỉ gần gũi, chăm sóc, liên đới, yêu thương.
Đó là những gì cũng đã xẩy ra tại Rôma những tháng gần đây, và nhất là chiều nay, chúng ta tạ ơn Thiên Chúa, chúng ta hãy tạ ơn Thiên Chúa vì những chuyện tốt đã xẩy đến trong thành phố của chúng ta trong thời gian cô lập, và nói chung, trong lúc đại dịch, khốn nỗi vẫn chưa chấm dứt. Nhiều người, không gây ồn ào, đã tìm cách làm nhẹ bớt gánh nặng của thử thách. Bằng sự dấn thân hàng ngày của họ, được thúc đẩy bởi tình yêu tha nhân, họ đã thực hiện những lời của bài ca Te Deum : « Chúng con chúc tụng Người mỗi ngày, chúng con ca ngợi Danh Thánh Người mãi mãi ». Bởi vì sự chúc tụng và ngợi ca vốn làm vừa lòng Thiên Chúa nhiều nhất, là tình yêu vĩnh cửu.
Những nhân viên y tế – bác sĩ, nam nữ y tá, thiện nguyện viên – ở trên tuyến đầu, và như thế, họ luôn đặc biệt ở trong những kinh nguyện của chúng ta và xứng đáng với sự biết ơn của chúng ta, cũng như nhiều vị linh mục, nam nữ tu sĩ đã hiến thân với lòng đại lượng và tận tụy. Nhưng chiều nay, lời cảm ơn của chúng ta xin gửi tới tất cả những người đã hàng ngày nỗ lực để nuôi sống gia đình bằng cách tốt nhất có thể và cho những người đã dấn thân vào việc phục vụ vì công ích. Chúng ta hãy nghĩ tới những người trách nhiệm học đường và những nhà giáo, đang thủ một vai trò trọng yếu trong đời sống xã hội và họ phải đối mặt với một tình trạng rất phức tạp. Chúng ta cũng nghĩ tới với lòng biết ơn những công chức trong nền hành chánh công cộng, những người đó biết làm nổi bật tất cả các tài nguyên tốt hiện hữu trong thành phố và trên vùng lãnh thổ, và họ đã không màng đến tư lợi hay lợi ích của đảng phái của họ. Tại sao ? Bởi vì họ thực sự tìm kiếm lợi ích của tất cả mọi người, công ích, ích lợi cho những người kém may mắn nhất.
Tất cả điều đó không thể xẩy tới nếu không có ơn phúc, không có lòng thương xót của Thiên Chúa. Chúng ta – qua kinh nghiệm, chúng ta biết rõ – trong những lúc khó khăn, chúng ta có xu hướng tự bảo vệ – điều này tự nhiên – chúng ta có xu hướng bảo vệ chúng ta và những người thân thuộc của chúng ta, bảo vệ lợi ích của chúng ta… Làm sao có thể khi có nhiều người, không có phần thưởng nào khác ngoài việc làm điều thiện, tìm được sức mạnh để chăm lo cho những người khác ? Cái gì đã thúc đẩy họ từ chối điều gì đó của chính họ, của sự tiện nghi của họ, của thời giờ của họ, của tài sản của họ, để cống hiến cho người khác ? Tự sâu thẳm, tự đáy lòng, dù rằng bản thân họ không nghĩ đến, sức mạnh của Thiên Chúa thúc đẩy họ, sức mạnh dũng mãnh hơn lòng ích kỷ của chúng ta. Chính vì thế mà chiều hôm nay, chúng ta ca ngợi Người, bởi vì chúng ta tin và chúng ta biết tất cả những điều tốt lành diễn ra trên mặt đất ngày này qua ngày khác, rốt cuộc đều đến từ Người, từ Thiên Chúa. Và khi nhìn tới tương lai đang chờ đợi chúng ta, chúng ta lại khẩn cầu : « Cầu xin lòng thương xót của Chúa luôn ở với chúng con, chúng con trông cậy nơi Chúa ». Nơi Chúa là sự tin cậy và niềm hy vọng của chúng con.
© Copyright – Traduction de Zenit, Anita Bourdin
Mai Khôi dịch từ bản tiếng Pháp của Zenit.
“Ils ont rendu plus supportable le poids de l’épreuve” (traduction complète) – ZENIT – Francais
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn