Suy niệm về đời sống và chức vụ Linh mục
LINH MỤC, NGƯỜI RAO GIẢNG LỜI
Khi nói về trách vụ của linh mục, sắc lệnh Công đồng nhắc đến ba việc chính, một là rao giảng lời Chúa, hai là làm các phép bí tích và dâng thánh lễ, ba là coi sóc dân Thiên Chúa. Hôm nay chúng ta sẽ dừng lại một vài phút ở việc rao giảng lời Chúa.
1. Chức vụ rao giảng lời Chúa
Khi theo lời mời gọi của Thiên Chúa, ta bước ra lãnh nhận chức linh mục, ta đã mặc nhiên nhận lấy nhật lệnh của Chúa Kitô, cho các tông đồ: “Hãy đi khắp trái đất rao giảng Phúc Âm cho tất cả tạo vật” (Mc 16,15). Chính vì thế mà trong các lễ nghi truyền chức từ xưa đến nay, bao giờ cũng nhắc đến bổn phận rao giảng lời Chúa của linh mục. Trong kinh Tiền Tụng truyền chức có câu: “Lạy Chúa, quan phòng của Chúa đã ban cho các tông đồ của Con Chúa những người giúp việc, những tiến sĩ đức tin, và nhờ có lời giảng của những người tuỳ thuộc này, mà lời các tông đồ được nghe thấy khắp trái đất”. Như vậy, để trung thành với chức linh mục, ta phải rao giảng lời Chúa. Theo thánh Phaolô, khi đã là tông đồ, mà không rao giảng lời Chúa thì sẽ bị phạt nghiêm thẳng; chính vì thế mà ngài đã rao giảng lời Chúa mọi lúc, tiện cũng như bất tiện “opportune, importune”, và ngài đã thốt ra câu này: “Khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng lời Chúa”. Phải, đã chịu chức linh mục, mà tôi không rao giảng lời Chúa thì sẽ khốn cho tôi.
Tại sao linh mục có trách vụ cấp bách rao giảng lời Chúa như vậy? Xin thưa: vì linh mục có nhiệm vụ quy tụ mọi người nên một dân tộc thánh, để thờ phượng Thiên Chúa. Nhưng như thánh Phaolô đã viết: “Làm sao họ kêu cầu với Người được nếu họ không tin Người. Làm sao họ tin Người được, nếu họ không được nghe nói về Người. Làm sao họ nghe nói được, nếu không có ai rao giảng. Và làm sao người ta rao giảng, nếu không được sai đi” (Rm 10,14-15). Do đó linh mục khi chịu chức, đã được sai đi rao giảng Phúc Âm cho muôn dân, không phân biệt lươn hay giáo. Ở điểm này, Hiến chế Phụng vụ đã nói rõ ràng: “Đối với lương dân, Hội Thánh báo tin cho biết rằng ơn cứu độ đã được công bố, đã mọi người nhận biết một Thiên Chúa duy nhất và đích thực và Đấng Người đã sai đến là Chúa Giêsu Kitô, mà hối cải, chừa bỏ đường cũ. Còn đối với các tín hữu, Hội Thánh vẫn phải luôn luôn rao giảng đức tin và sự thống hối. Hơn nữa, Hội Thánh còn phải chuẩn bị cho họ chịu các bí tích, dạy họ tuân giữ mọi điều Chúa Kitô đã truyền, và khuyến khích họ thi hành những công cuộc bác ái, đạo đức, tông đồ, để các việc đó chứng tỏ rằng các tín hữu Chúa Kitô không thuộc về thế gian, nhưng là ánh sáng thế gian và làm vinh danh Đức Chúa Cha trước mặt mọi người” (Hc. 1,9). Sắc lệnh Công đồng cũng nhắc tới tư tưởng ấy: “Chính lời cứu rỗi khêu gợi đức tin trong lòng những người ngoài Kitô giáo và nuôi dưỡng tâm hồn người Kitô hữu, chính lời ấy đã khai sinh và phát triển cộng đoàn các Kitô hữu”.
2. Cách thức rao giảng lời Chúa
Có nhiều cách rao giảng lời Chúa:
1) Sắc lệnh Công đồng nhắc đến đời sống gương mẫu trước nhất. Thật không có gì lôi cuốn tâm hồn người ta hơn gương sáng một linh mục sống vì Chúa và vì linh hồn người ta trong nghèo khó, tận tuỵ với bổn phận và kính mến Thiên Chúa.
Lời nói có hay mấy, tổ chức có khéo đến đâu, mà đời sống không phù hợp với Phúc Âm, thì chúng ta cũng không làm cho ai trở lại. Ấy là chưa nói đến những gương xấu bởi một đời sống dâm đãng, hiếu danh, vụ lợi, bất công, áp bức... Những người này thật đáng lời Kinh Thánh đe doạ: “Hãy buộc cối đá vào cổ nó mà thả xuống biển”. Lời ấy đáng cho chúng ta suy nghĩ và xét mình.
2) Thứ đến là rao giảng Phúc Âm trực tiếp. Rao giảng cho kẻ ngoại khi ta nói cho họ biết về mầu nhiệm cứu rỗi và về Ngôi Hai xuống thế làm người, rao giảng cho tín hữu khi ta khuyên răn giảng dạy, nhất là trong khi thi hành phụng vụ lời Chúa. Ta nên nhớ rằng từ ngày cải cách phụng vụ, cắt nghĩa lời Chúa khi có đông người tham dự Thánh lễ, là một nhiệm vụ của linh mục. Ở điểm này, ta nên chú ý rằng: bài giảng trong lễ là cắt nghĩa lời Chúa, chứ không phải là dạy dỗ bổn đạo làm ăn hay là ăn ở theo luân lý tự nhiên. Cũng không phải là lúc rao bảo, dặn dò những việc trong tuần. Những việc đó ta có thể làm ngoài lễ, trước hay sau tuỳ tiện. Sắc lệnh Công đồng còn nói đến những linh mục chăm lo giáo dục: giáo dục công giáo và trình bày đạo lý công giáo cũng là rao giảng lời Chúa. Sau hết, nghiên cứu để tìm ra một giải đáp công giáo cho những vấn đề của thời đại, không phải để phô trương tài giỏi cá nhân, nhưng để làm cho người ta có điều kiện trở nên thánh thiện cũng là rao giảng Phúc Âm.
3) Công đồng nhận rằng: ngày nay việc rao giảng Phúc Âm của linh mục rất khó khăn; để có thể làm cho người ta chú ý nghe, ta không thể chỉ trình bày một cách tổng quát và trừu tượng, nhưng phải áp dụng chân lý ngàn đời của Phúc Âm vào đời sống cụ thể của người ta. Điều khó khăn là ở chỗ đó: phải áp dụng chân lý Phúc Âm vào đời sống cụ thể. Để làm được việc này một cách khả quan, cần phải có hai điều kiện: biết và sống Phúc Âm.
a) Trước hết là biết. Biết để có thể áp dụng được cái biết của mình, thì phải biết kỹ lưỡng, hơn là chỉ biết qua loa thôi. Ai đã dạy học thấy rõ rằng: dạy cho học trò biết để làm những câu hỏi giáo khoa tương đối là dễ, học trò chỉ cần có thiện chí một chút là được. Nhưng để chúng biết áp dụng phần lý thuyết ấy mà giải đáp được các vấn nạn, thì đó mới là phần khó khăn. Không những chúng phải hiểu thấu phần lý thuyết, mà còn phải có một mức tối thiểu thông minh nào đó nữa. Có những trò rất chăm, mà cả đời chỉ làm nổi phần giáo khoa thôi.
b) Thí dụ trên thuộc phạm vi học vấn, chỉ đòi hỏi có trí tuệ là đủ, còn việc áp dụng chân lý Phúc âm thuộc phạm vi đời sống vì thế trí tuệ chưa đủ, còn cần phải ý chí nữa. Thực vậy, ta còn lạ gì những người thật thông minh, nhưng không có ý chí, sống một đời sống luân lý tầm thường, kém cỏi. Họ dùng thông minh của họ không phải để tìm chân lý, nhưng để nguỵ biện cho đời sống tội lỗi của họ. Những người thông minh như thế đâu có phải là người sẽ tìm ra con đường chân thật cho đời sống. Để được thấy Chúa, thì phải có con tim trong sạch; để hiểu biết con đường của Chúa, thì cũng phải có tâm hồn trong sạch. Như vậy, để biết áp dụng chân lý Phúc Âm vào đời sống cụ thể, không những phải am hiểu Phúc Âm mà còn phải sống đời sống Chúa Kitô nữa. Như Chúa Kitô đã thánh hoá mình vì chúng ta, chúng ta cũng phải thánh hoá bản thân, để lời nói của chúng ta đem lợi ích thực sự cho giáo dân.
Như vậy, có nhiều cách thi hành nhiệm vụ rao giảng lời Chúa tuỳ theo nhu cầu của người nghe và tuỳ theo ân sủng mà mỗi linh mục nhận được. Nhưng dù thi hành sứ mạng rao giảng Phúc Âm bằng cách này hay cách khác, thì linh mục bao giờ cũng phải nhiệt thành, thông hiểu Phúc Âm và có đời sống gương mẫu.
Tự vấn lương tâm
Linh mục tham dự vào chức tư tế của Giám mục, vì thế cũng được Chúa Kitô sai đi giảng lời Chúa cho muôn dân, tôi có ý thức điều này không? Có lẽ tôi ý thức nhưng tôi có sống theo ý thức ấy không? Tôi có băn khoăn tìm mọi cách để giảng lời Chúa không? Tôi có cho đó là công việc quan trọng của đời tôi không? Tôi có sợ hãi mà nói như thánh Phaolô rằng: Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng lời Chúa không?
Đời sống của tôi có nên bài giảng lời Chúa hùng hồn cho người xung quanh không? Tôi có sống thanh bần, trong sạch, khiêm nhượng, vâng theo ý Chúa... như bài giảng trên núi dạy không? Tôi có thương yêu người ta như mình không? Tôi có tôn trọng công bình xã hội không? Hay tôi có thái độ kiêu căng, hách dịch? Ích kỷ, hà tiện? Không thương người khốn khó? Không trả công xứng đáng cho người giúp việc? Làm ăn mánh khoé, lừa đảo, gian dối? Tôi có ý thức rằng: dù khéo che đậy mấy, nếu tôi không sống xứng đáng, tôi cũng không giấu được giáo dân không? Tôi có biết rằng dù tài giỏi khéo nói mấy, mà đời sống không gương mẫu, thì tôi cũng chỉ là cái lệnh kêu vang, nhưng vô ích không?
Tôi có chuyên cần giảng lời Chúa cho giáo dân không? Nhưng để giảng lời Chúa thì phải biết lời Chúa, tôi đã làm gì để biết lời Chúa? Tôi có để ra mỗi ngày một ít thời giờ để đọc sách Thánh không? Tôi có tìm hiểu giáo lý của Giáo Hội không? Hay là cái vỏ nghèo nàn thu thập vội vã trong mấy năm ở Đại Chủng Viện nay đã hao mòn dần, và bây giờ về việc đạo tôi cũng chẳng hơn gì người đời. Tôi có thấy rằng: vì biết đạo Chúa qua sơ sài mà đời sống thiêng liêng của tôi hoặc quá nguội lạnh, hoặc quá ấu trĩ không? Tôi có ước lượng rằng: với đời sống thiêng liêng như thế và với hiểu biết tôi có, tôi không đáng mở miệng dạy dỗ lời Chúa cho giáo dân không? Hay tôi coi thường giáo dân, không dọn bài giảng, nói lôi thôi, dài dòng, không rao giảng lời Chúa, mà chỉ giảng những điều luân lý cổ hủ ngày nay không ai muốn nghe nữa không? Tôi có dùng toà giảng để lỗi đức thương yêu, nói cạnh, nói khoé kẻ này người nọ không? Tôi có lạm dụng toà giảng để nói chính trị không?
Còn việc giảng lời Chúa cho dân ngoại, tôi có làm không? Tôi có tiếp tục chiến dịch của địa phận đi thăm viếng, gặp gỡ những người lương dân không? Thời buổi khó khăn, nhưng tôi có để tâm suy nghĩ để có thể thi hành được phần nào bổn phận truyền giáo không?
Lạy Đức Nữ Trinh Maria, Nữ Vương các nhà truyền giáo, xin dạy con biết suy niệm lời Chúa, áp dụng lời Chúa vào đời mình và phổ biến lời Chúa ra xung quanh con.
Lm Jos Thân Văn Tường
Giáo phận Long Xuyên