KINH MÂN CÔI: HỌC HỎI ĐỨC KITÔ TỪ MẸ MARIA
(Trích tông thư Kinh Mân Côi của thánh Gioan Phaolô II)
Học hỏi Đức Kitô từ Mẹ Ma-ri-a
14. Đức Kitô là vị Thầy tối cao, Đấng mặc khải và là Đấng được mặc khải. Đây không chỉ là vấn đề học hỏi điều Người đã dạy nhưng là học hỏi chính Người. Theo viễn tượng ấy, chúng ta có thể có vị thầy nào tốt hơn là Đức Ma-ri-a không? Từ quan điểm của Thiên Chúa, Thánh Linh là vị Thầy nội tâm dẫn đưa chúng ta đến sự thật toàn vẹn của Đức Kitô (x. Ga 14,26; 15,26; 16,13). Nhưng trong số các tạo vật, không ai biết rõ hơn Đức Kitô bằng Đức Ma-ri-a; không ai có thể dẫn chúng ta đến một sự hiểu biết sâu xa về mầu nhiệm của Người hơn là Mẹ của Người.
Dấu lạ đầu tiên mà Đức Kitô thực hiện, biến nước thành rượu tại tiệc cưới Ca-na, rõ ràng giới thiệu Đức Ma-ri-a dưới dáng vẻ của một thầy dạy, khi ngài thúc giục các đầy tớ làm điều Đức Giê-su chỉ bảo (x. Ga 2,5). Chúng ta có thể tưởng tượng rằng ngài cũng đã làm như thế đối với các môn đệ sau khi Đức Giê-su lên trời, khi ngài hiệp cùng với họ mong chờ Chúa Thánh Thần và nâng đỡ họ trong sứ vụ đầu tiên của họ. Chiêm ngưỡng các hoạt cảnh của Kinh Mân Côi trong sự thông hiệp với Đức Ma-ri-a là một cách thế học hỏi từ Đức Mẹ để biết Đức Kitô, để khám phá các bí ẩn của Người và hiểu sứ điệp của Người.
Trường học này của Đức Ma-ri-a cũng đặc biệt hữu hiệu nếu ta biết rằng ngài dạy chúng ta bằng cách thu nhận cho chúng ta cách sung mãn những quà tặng của Chúa Thánh Thần, cho dù ngài ban tặng cho chúng ta gương mẫu không thể sánh ví được về cuộc hành trình đức tin của riêng ngài [17]. Khi chúng ta chiêm ngưỡng mỗi mầu nhiệm trong cuộc đời của Con ngài, ngài (Đức Mẹ) mời gọi chúng ta hành động như ngài đã làm khi truyền tin: khiêm tốn đặt ra những câu hỏi mở lòng chúng ta ra với ánh sáng, hầu kết thúc bằng sự vâng phục của đức tin: Này tôi là nữ tì của Chúa; xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói (Lc 1,38).
Nguồn gốc lễ Mai Khôi: Theo tục lệ thời trung cổ, người ta dâng cho những người quý phái Rô-ma những vòng hoa hồng (rosaire) để tỏ lòng tôn kính và biết ơn. Ngày nay, Giáo Hội lấy lời chào của sứ thần Thiên Chúa “Kính mừng Ma-ri-a đầy ơn phúc” kết thành chuỗi Mai Khôi dâng kính Đức Trinh Nữ là Nữ Vương trời đất.
Lễ Mai Khôi được thiết lập để tưởng nhớ cuộc chiến thắng Hồi Giáo tại Lépante năm 1571, nhờ đọc Kinh Mai Khôi. Đó là lịch sử thời xưa; ngày nay Giáo Hội cho chúng ta hiểu: Kinh Mai Khôi không phải để chiến thắng kẻ thù theo nghĩa bành trướng Giáo Hội, không dừng lại nơi Đức Ma-ri-a, mà để giúp chúng ta suy niệm về mầu nhiệm Chúa Cứu Thế. Vì sứ mạng của Đức Mẹ luôn quy chiếu về việc tôn vinh Thiên Chúa, đồng thời đưa người tín hữu đi vào đời sống cụ thể của mình.
Sách Công Vụ Tông Đồ, trong bài 1, lưu ý chúng ta về hai điểm:
Sau ngày lên trời, Đức Giê-su không còn hiện diện cách hữu hình giữa các môn đệ nữa. Nhưng Đức Ma-ri-a, thân mẫu Đức Giê-su, vẫn có mặt như một người mẹ, cùng cầu nguyện với các tông đồ và “những người phụ nữ cùng nhóm”, như là trung tâm hiệp nhất các người tin vào Đức Giê-su.
Người phụ nữ thời đó vốn bị coi là không đáng kể, bị gạt ra khỏi đền thờ và xã hội. Đức Giê-su đến để phục hồi phẩm giá người phụ nữ. Đức Ma-ri-a xuất hiện như một mô hình người phụ nữ mới của Tin Mừng, thông minh và khôn ngoan.
Ngay từ ban đầu, chúng ta đã thấy chỗ đứng quan trọng của Đức Ma-ri-a trong Giáo Hội sơ khai và trong cộng đoàn tín hữu hôm nay.
Thánh Phao-lô, trong bài 2, nhắc lại vai trò của “người đàn bà” trong chương trình cứu độ. Người đàn bà tuyệt diệu là Đức Ma-ri-a, đã sinh hạ Con Thiên Chúa làm người để giải thoát chúng ta khỏi ách lề luật và cho chúng ta được làm con Thiên Chúa với Đức Giê-su.
Phụng vụ bài đọc Tin Mừng truyền tin vào lễ hôm nay, để nói lên rằng: công trình cứu độ nhân loại là ý định, là sáng kiến của Thiên Chúa Cha, được hoàn tất nhờ Đức Ki-tô là chính, Đấng được sứ thần gọi là Đấng Thánh, là Con Đấng Tối Cao. Nhưng để thực hiện công trình này, Thiên Chúa lại muốn chọn những cộng tác viên như bà Ê-li-sa-bét, như sứ thần Gáp-ri-en, như ông Giu-se thợ mộc. Nhưng cộng tác viên chính là Đức Ma-ri-a đã góp phần khiêm tốn, nhưng cần thiết của mình, vào công trình cứu độ này của Thiên Chúa.
Thiên Chúa vẫn ưa chọn những con người bé mọn, khiêm nhu, không có gì để mà tự phụ, để làm trung gian thực hiện ý định yêu thương của Ngài. Đức Ma-ri-a là mẫu người nghèo tiêu biểu nhất của Gia-vê, hoàn toàn sẵn sàng đi vào chương trình của Thiên Chúa: “Vâng, này tôi là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa làm cho tôi như lời sứ thần nói”.
Kết luận: Việc tôn kính Đức Ma-ri-a có cơ sở vững chắc trong Kinh Thánh, đưa chúng ta đến sự trưởng thành trong đức tin. Con đường duy nhất dẫn tới Thiên Chúa Cha vẫn là Đức Giê-su, nhưng Đức Ma-ri-a là mẫu gương tuyệt vời cho chúng ta noi theo:
Về sự lắng nghe và thực hành Lời Chúa.
Về lòng trung thành với sứ mạng đã được giao phó.
Về tinh thần yêu thương và phục vụ.
Về sự cộng tác vào công trình cứu độ của Thiên Chúa.