Lm. Nguyên Lam
Sách Gióp là cuốn đầu tiên trong nhóm các Sách Khôn Ngoan của Cựu Ước. Nội dung chủ yếu của nó là các cuộc đối thoại giữa Gióp và những bạn hữu của ông: Ê-li-phát, Bin-đát, Xô-pha và Ê-li-hu về mối liên hệ giữa đau khổ với cách ăn ở của con người, và sự chất vấn của Gióp với chính Thiên Chúa về các đau khổ mà ông phải gánh chịu. Câu hỏi chính yếu được đặt ra là:
Tại sao người công chính và vô tội phải chịu đau khổ nếu Thiên Chúa là Đấng công bằng? Câu hỏi này không chỉ gióng lên trong Sách Gióp hay môi trường Cựu Ước, mà còn là một vấn nạn cho con người ở mọi thời đại. Câu trả lời của Thiên Chúa cho ông Gióp cũng sẽ là lời giải đáp cho con người trước huyền nhiệm của sự đau khổ.
I. Cái nhìn của Cựu Ước về sự đau khổ
1. Thực trạng
Là con người, kể từ khi từ lòng mẹ sinh ra cho đến lúc trở về lòng đất mẹ, ai cũng mang canh cánh trong lòng một nỗi lo âu đau khổ nào đó, mà ngôn ngữ của Sách Huấn Ca nói rằng: “là con cháu A-đam, nợ phong trần đương nhiên phải trả” (Hc 40,1). Đau khổ đã trở thành tiếng kêu cứu: dân chúng kêu lên Pha-ra-ô xin bánh ăn (St 41,55); các ngôn sứ lên tiếng chống lại kẻ bạo tàn; dân Ít-ra-en lớn tiếng kêu cầu Đức Chúa (Xh 14,10); còn các
Thánh vịnh thì đầy những tiếng kêu cầu xin vượt qua đau khổ (Tv 6; 38; 41; 88). Thế nên Sách Gióp đã thốt lên: “Con người do phụ nữ sinh ra, tuổi đời ngắn ngủi, mà lo âu (bản Anh ngữ: đau khổ) chồng chất” (G 14,1).
2. Nguyên nhân của đau khổ
Cựu Ước trình bày nhiều nguyên nhân dẫn đến sự đau khổ: thương tích thể xác (St 34,2; Gs 5,8; 2Sm 4,4); tuổi già bệnh tật (St 27,1; 48,10); tội lỗi gây ra (Cn 13,8; Is 3,11; Hc 7,1), nhất là tội nguyên tổ (St 3,14-19); tai họa do tội (St 12,17; 42,21; Gs 7,6-13); và nhất là cái chết (G 21,28-33; Am 5,19).
Tuy nhiên, sau khi trải qua cuộc lưu đày đầy đau khổ nhục nhã ở Ba-by-lon, một cám dỗ lớn đến với dân Ít-ra-en rằng Đức Chúa của họ đã bị đánh bại bởi một kẻ mạnh hơn Ngài, thế nên Ngài mới im lặng và để cho dân riêng của Ngài cứ phải chịu đau khổ và bị đánh bại bởi các dân khác. Để bảo vệ Đức Chúa, một số ngôn sứ đã nói rằng đau khổ không vượt ngoài ý Chúa: “Ta tạo ra ánh sáng và dựng nên tối tăm, làm ra bình an và dựng nên tai họa. Ta là Đức Chúa, Ta làm nên tất cả” (Is 45,7). Đó cũng làý tưởng của A-mốt khi ông nói: “Giả như tai họa xảy ra trong thành, lẽ nào lại không do Đức Chúa” (Am 3,6)?
Luận điểm này của các ngôn sứ đã dẫn đến những hậu quả khá nghiệm trọng: những kẻ tội lỗi cho rằng không có Đức Chúa, vì nếu có thì Ngài đã phạt họ rồi (Tv 10,4; 14,1); hoặc nếu có Chúa thì Ngài hành động thật không phải và cũng chẳng tốt lành gì, thế nên vợ của ông Gióp mới phản ứng gay gắt: “Hãy nguyền rủa Thiên Chúa” (G 2,9).
II. Ông Gióp và những người bạn
1. Ông Gióp
Gióp được mô tả là người đàn ông giàu có và có tầm ảnh hưởng ở đất Út, một người “vẹn toàn và ngay thẳng, kính sợ Thiên Chúa và lánh xa điều ác” (G 1,1). Thiên Chúa đã rất hài lòng về Gióp và khen ngợi ông trước mọi người ngay tại ngai tòa của Ngài trên trời. Nhưng Sa-tan cho rằng Gióp chỉ trung thành với Chúa khi ông có lợi ích thôi, nếu Thiên Chúa rút lại những phúc lành, ông sẽ ngoảnh mặt với Chúa. Chúa cho phép Sa-tan thử thách ông Gióp và vì thế mà Gióp đã bị làm cho đau khổ muôn bề: bệnh tật, nghèo đói, mất vợ con và bạn bè. Nhưng Gióp vẫn trung thành với Chúa, ca tụng Thiên Chúa và nói rằng Đức Chúa đã ban cho, Đức Chúa lại lấy đi: “xin chúc tụng danh Chúa” (G 1,21). Cuối cùng thì sự vô tội của Gióp đã được chứng minh và Chúa đã ban lại cho ông “gấp đôi những gì ông Gióp đã có trước kia” (G 42,10).
2. Luận điểm của Gióp và những người bạn
Ông Gióp đã phải chịu những thử thách nặng nề chưa từng có mà Thánh Kinh ghi nhận. Bốn tai họa ập đến cùng một lúc: Dân Sơ-va đã cướp bò và lừa, cùng phá mùa màng và giết các đầy tớ (G 1, 14-15). Lửa từ trời đã thiêu rụi đàn cừu và các đầy tớ (G 1,16). Người Can-đê đã cướp các lạc đà và giết các đầy tớ (G 1,17). Một trận cuồng phong đã thổi sập nhà đứa con cả và giết chết mười đứa con của ông (G 1,18-19). Chưa hết, Sa-tan còn hành hạ Gióp bị ung nhọt từ bàn chân lên đến đỉnh đầu, khiến ông sống không bằng chết. Vợ ông Gióp đã khuyên ông nguyền rủa Thiên Chúa và chết đi, nhưng ông vẫn trung thành và không nguyền rủa Thiên Chúa.
Các bạn hữu của Gióp nghe tin ông bị như thế đã đến bên ông. Tưởng rằng họ sẽ an ủi Gióp, nhưng suy nghĩ của họ lại như bao người thời đó cho rằng Thiên Chúa thưởng kẻ công chính và phạt kẻ tội lỗi, nên họ đã làm cho Gióp khổ thêm khi nói rằng ông là kẻ có tội. Luận điểm chính yếu của các bạn ông Gióp:
- Ê-li-phát: Gióp làm điều ác nên phải nhận quả báo (G 4,8).
- Bin-đát: Chắc hẳn con cái Gióp đã phạm tội nên hậu quả ra vậy (G 8,3-4).
- Xô-pha: Gióp đừng nhiều lời. Thiên Chúa phạt vậy mới một phần lỗi của Gióp thôi đó (G 11,6).
- Ê-li-hu: Mong Gióp cứ phải chịu vậy vì đã không nhận tội
(G 34,36).
Trước những lời kết án như xát muối thêm vào nỗi đau của ông, Gióp đã nói với các bạn hữu rằng đừng nghĩ ông là kẻ có tội, ông chẳng làm điều gì sai cả (G 6,29). Nhưng có ai bênh vực Gióp đâu. Điều này khiến Gióp thất vọng và nói như thể chất vấn Chúa: “Xin đừng kết án con, xin cho con biết tại sao Ngài tố cáo con” (G 10,2)? Rõ ràng là cuộc tranh luận của Gióp cùng các bạn hữu sẽ không thể đến hồi kết nếu không có ai đó đứng ra phân định.
III. Thiên Chúa làm trọng tài
Thiên Chúa đã đến trong cơn bão táp và lên tiếng, không những trả lời cho ông Gióp mà còn cho các người bạn của ông (G 38,1; 42, 7-9).
1. Trả lời cho ông Gióp
Thật ngạc nhiên khi câu hỏi của Gióp là: “Tại sao….”? Chúa lại trả lời bằng cách đặt câu hỏi ngược lại: “Ai…”? Chúa muốn Gióp suy nghĩ và nhận ra ông là ai khi Ngài đặt những câu hỏi, giống như: “Ngươi ở đâu khi ta đặt nền móng trái đất? Nếu ngươi thông hiểu thì cứ nói đi” (G 38,4)! “Có phải nhờ trí tuệ của ngươi mà bồ câu bay được, sải cánh hướng về phương nam” (G 39,26)? Nhờ các câu hỏi của Chúa mà Gióp nhận ra mình sai. Ông trả lời câu hỏi “Ai…” của Chúa: “Con đây tầm thường nhỏ bé…. Con sẽ đưa tay lên che miệng” (G 40,4). Và Gióp khiêm tốn thưa với Chúa: “Điều con đã nói ra, con xin rút lại, trên tro bụi, con sấp mình thống hối ăn năn” (G 42,6). Nhờ sự khiêm tốn và trung thành của Gióp, Chúa đã ban cho phần còn lại của đời Gióp được sung túc hơn gấp nhiều lần trước kia (G 42,10-17).
2. Trả lời cho các bạn ông Gióp
Chúa đã quay qua các bạn của Gióp và kết án họ vì đã nhận định sai lầm về Chúa (G 42,7) rằng đâu phải cứ thấy người ta bị tai họa thì đổ cho người ta là có tội và do Chúa phạt mà ra. Chúa bắt họ phải đi gặp Gióp và xin Gióp cầu khẩn cùng Chúa cho thì họ mới được Chúa tha thứ. Và họ đã đi làm như những gì Thiên Chúa chỉ dạy (G 42,8-9).
IV. Bài học từ Sách Gióp
Đau khổ rõ ràng là chủ đề chính trong các cuộc tranh luận giữa ông Gióp và những người bạn của ông. Với cái nhìn phổ thông lúc đó thì đau khổ là hình phạt do tội (G 4,7-9; 11,4-6). Không thể có chuyện người công chính và vô tội lại phải chịu đau khổ. Thế nhưng Sách Gióp đã cho người ta cái nhìn mới về sự đau khổ.
- Đau khổ là một huyền nhiệm mà con người không thể hiểu thấu được (G 11,7-10; 15,8-9; 42,3).
- Đau khổ là cách thế Chúa dùng để huấn luyện cho con người trở nên tốt hơn (G 5,17-18; 36,15).
- Thiên Chúa đã gửi đến con người những thử thách và đau khổ để họ chứng tỏ sự dấn thân và suy phục của mình đối với Thiên Chúa (chương 1-2).
Tóm lại, qua Sách Gióp, chúng ta nhìn thấy một con người tốt là ông Gióp nhưng phải trải qua muôn vàn nỗi thử thách và đau khổ. Cho dù có những lúc Gióp than vãn về số phận của mình và hỏi Thiên Chúa: “Sao Ngài lại ẩn mặt và xem con như thù địch của Ngài?” (G 13,24), ông vẫn trung thành và dành trọn tình yêu của mình cho Chúa, và vì thế Chúa đã ban lại cho ông nhiều gấp đôi những gì ông từ có. Câu chuyện của Gióp đã cố gắng sửa sai cái nhìn truyền thống rằng người ta đau khổ là do hình phạt vì tội của họ. Lời của Thiên Chúa đối thoại với Gióp cho thấy rằng ý định của Thiên Chúa thì vượt xa người phàm, thế nên thái độ cần có của con người là biết ý thức mình nhỏ bé để sám hối và suy phục Thiên Chúa. Nơi Sách Gióp, đau khổ rõ ràng là một huyền nhiệm. Huyền nhiệm này phải đợi cho đến thời Tân Ước mới được sáng tỏ trong chính sự đau khổ và cái chết của Chúa Giê-su. Sự phục sinh của Chúa Giê-su là câu trả lời rõ ràng nhất cho mọi câu hỏi liên quan đến sự đau khổ. Trong Chúa Ki-tô, con người được mời gọi sống cái giá trị tích cực của đau khổ trong cuộc đời này vì lợi ích của chính mình và của Thân thể Người là Hội Thánh (Rm 8,18; Cl 1,24).
SÁCH THAM KHẢO
- Boadt, Lawrence. Reading the Old Testament: An Introduction. Paulist Press, 1984, p. 481-83.
- Hahn, Scott. Catholic Bible Dictionary. Doubleday, 2009, p. 451-53.
- Nguyễn, Khảm. Đường Về Emmaus. NXB Tôn Giáo, 2012, trang 322-34.
- Léon-Dufour, Xavier. Dictionary of Biblical Theology. The Word Among Us Press, 1988, p. 586-90.
- Miller, Stephen M.. The Complete Guide to the Bible. Barbour Books, 2007, p. 147-53.