20Khi ấy, người Pharisêu hỏi Đức Giêsu bao giờ Triều Đại Thiên Chúa đến. Người trả lời: “Triều Đại Thiên Chúa không đến như một điều có thể quan sát được. 21Và người ta sẽ không nói: “Ở đây này!” hay “Ở kia kìa!”, vì này Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông”.
22Rồi Đức Giêsu nói với các môn đệ: “Sẽ đến thời anh em mong ước được thấy một trong những ngày của Con Người thôi, mà cũng không được thấy. 23Người ta sẽ bảo anh em: “Người ở kia kìa!” hay “Người ở đây này!” Anh em đừng đi, đừng chạy theo. 24Vì ánh chớp chói loà chiếu sáng từ phương trời này đến phương trời kia thế nào, thì Con Người cũng sẽ như vậy trong ngày của Người. 25Nhưng trước đó, Người phải chịu đau khổ nhiều và bị thế hệ này loại bỏ”.
Đó là Lời Chúa.
“Triều đại Thiên Chúa”, kiểu nói huyền bí, cô đọng, hàm chứa mọi ngóng đợi nồng nhiệt của dân Ít-ra-en: Một này nào đó, Thiên Chúa sẽ thể hiện uy quyền và cứu thoát Ít-ra-en khỏi mọi kẻ áp bức... Đó là sự mong mỏi ‘những ngày sáng sủa hơn’, sự chờ đợi ‘cuộc cách mạng’, nỗi ước muốn một ‘xã hội mới’, giấc mơ về một nhân loại hạnh phúc!
Không phải chỉ những người Pha-ri-sêu mong đợi ngày đó, mà ngay cả Nhóm Mười Hai, chính lúc Đức Giê-su lìa bỏ họ lên trời, vẫn hỏi Người về ngày đó: “Phải chăng đây là lúc Thầy khôi phục vương quyền cho Ít-ra-en? ” (Cv1,6)
Cả chúng ta nữa, đó có phải là nỗi ước mong của chúng ta hôm nay không? Tôi có ước mong cho Thiên Chúa hiển trị? Tôi đặt điều gì vào trong ươc mơ đó? Ngay lúc này tôi chờ đợi gì nơi Chúa? Nhân loại ngày nay ngóng đợi gì nhất?
“Triều Đại Thiên Chúa không đến như một điều có thể quan sát được.
Câu trả lời trên đã ‘làm nản lòng’ những người Pha-ri-sêu rất nhiều!
Lạy Chúa, con có thú nhận cùng Chúa, nó cũng làm nản lòng con không?
Điều đó khiến tôi cần phải suy nghĩ: Thiên Chúa thống trị một cách huyền bí, rất thông thường, ‘không biểu lộ’.
Lạy Chúa, xin sửa chữa nỗi ước muốn của con. Xin giúp chúng con biết chú ý đến những công việc tầm thường. Xin giúp chúng con luôn phát động Triều đại Thiên Chúa trong những ‘việc nhỏ bé’, trong những điều không nhắm vẻ bề ngoài.
Những tính toán, những điều tự nhận là sứ điệp, thường dự đoán cho ta những thảm họa, những dấu chỉ báo trước hình phạt nhân loại, không có giá trị gì đối với Đức Giê-su: Triều đại Thiên Chúa đến gần, người ta không thể quan sát được... Người ta không thể nói “nó ở đây, hay nó ở kia”... Rất đơn thuần là nó đã tới rồi!
Triều đại này được che giấu!
Để rà soát, cần phải có một sự chú ý rất tinh tế. Cần có đôi tai hết sức bén nhạy để nghe tiếng thì thầm của nó; cần có đôi mắt mới mẻ để phân định nó “trong đêm tối”. Nước này thật huyền nhiệm.
Người ta không bao giờ nhận biết nó trong những sự việc hiển hách, náo động, nhưng chỉ trong những dáng vẻ bình thường, trong những “dấu chỉ” nghèo nàn, trong những biểu hiện cho sự hiện diện kín nhiệm của nó. Nhưng rõ ràng, một dấu chỉ thì luôn mỏng manh và mờ tối: Cần phải giải mã, phải cắt nghĩa nó. Đó là vai trò của đức tin.
Chúng ta luôn có khuynh hướng đi tìm những dấu chỉ của Thiên Chúa ỏ chỗ khác! Đức Giê-su nói: “Đừng chạy theo tới đó”. Thiên Chúa hiện diện trong chính đời sống thường ngày của bạn.
Vâng, ‘một ngày’ sẽ đến để tôn vinh và làm rạng danh Thiên Chúa, để Thiên Chúa và Đức Ki-tô của Người được hiển thắng. Ngày đó sẽ như sấm rền sét nổ, phá rách bầu trời: không lường trước được, bất ngờ, đột xuất.
Nhưng khi chờ đợi ngày đó đến, sẽ là thời gian ‘đau khổ’ của ‘xua trừ’, của ‘tủi hổ’. Trước khi được vinh thắng, Đức Giê-su và Cha Người sẽ bị nhạo báng, hạ nhục, bêu xấu và bị hành hung... bị mọi người vô thần chối từ, bị những người lãnh đạm loại sang một bên... bị những kẻ không tin nhạo cười... và than ôi! Bị cả ‘những người thân yêu’ phản bội.
Lạy Chúa, xin thương xót và tha thứ cho chúng con.