“Quả thế, ai trong anh em muốn xây một cây tháp, mà trước tiên lại không ngồi xuống tính toán phí tổn, xem mình có đủ để hoàn thành không? Kẻo lỡ ra, đặt móng rồi mà không có khả năng làm xong, thì mọi người thấy vậy sẽ lên tiếng chê cười mà bảo: ‘Anh ta đã khởi công xây, mà chẳng có sức làm cho xong việc.’ Hoặc có vua nào đi giao chiến với một vua khác, mà trước tiên lại không ngồi xuống bàn tính xem mình có thể đem một vạn quân ra, đương đầu với đối phương dẫn hai vạn quân tiến đánh mình chăng? Nếu không đủ sức, thì khi đối phương còn ở xa, ắt nhà vua đã phải sai sứ đi cầu hoà. Cũng vậy, ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được. Đó là Lời Chúa.
Suy niệm:
Hai từ “dứt bỏ” gắn liền với những thách đố của Tin Mừng Chúa Giê-su. Khi người thanh niên giàu có xin theo Chúa, Ngài yêu cầu anh bán hết của cải cho người nghèo rồi hãy theo. Với các môn đệ, Chúa đòi hỏi các ông phải từ bỏ cả những người thân thiết nhất, bỏ cả mạng sống, vác lấy thập giá mới đủ điều kiện làm môn đệ Ngài. “Từ bỏ” như thế không phải là đi vào ngõ cụt huỷ diệt mà mở ra một chiều kích hy vọng hướng về tương lai, là chết đi để tái sinh thành người mới trong Nước Trời, như Chúa nói với ông Ni-cô-đê-mô:
Không thể “vào Nước Thiên Chúa” nếu không “sinh ra một lần nữa” “bởi Nước và Thần Khí” (Ga 3,3.5).
Lời mời gọi từ bỏ là để biến đổi chúng ta trở thành người mới với quả tim mới, sức sống mới, trong “trời mới, đất mới”. Một tương quan mới thân tình sâu đậm được hình thành trong sự hiệp thông yêu thương với Đức Ki-tô, Đấng đã “từ bỏ” địa vị ngang hàng với Thiên Chúa để mặc lấy thân phận con người, chịu chết trên thập giá mà cứu chuộc chúng ta. Nếu chúng ta tìm một Giê-su không thập giá, chúng ta sẽ phải vác thập giá một mình mà không có Giê-su. Cho nên, nếu chúng ta từ bỏ mọi sự theo Ngài, chúng ta không phải vác thập giá một mình nữa mà đã có Ngài “vác chung”.
Thập giá trong đời bạn sẽ biến thành thánh giá để thông ơn cứu độ Chúa Ki-tô khi bạn vác lấy thập giá đó bằng cung cách của Ngài, đó là vâng phục, tự hạ và hiến thân.
Truyện kể rằng: Một buổi chiều nọ, một linh mục lo lắng nói với người lo phòng thánh của nhà thờ:
– Anh có thấy mỗi buổi trưa có một ông ăn mặc sờn rách vào nhà thờ rồi đi ra ngay không? Tôi nhìn từ cửa sổ nhà xứ canh chừng ông, tôi hơi lo vì trong nhà thờ có nhiều vật có giá trị. Có dịp anh thử hỏi ông xem.
Ngay ngày hôm sau, người giữ phòng thánh chờ ông khách và đến bên cạnh ông hỏi:
– Ông bạn ơi, chuyện gì thúc đẩy mà ngày nào ông cũng đến nhà thờ vậy?
– Tôi đến cầu nguyện, ông già nhẹ nhàng nói.
– Nhưng ông không ở lại lâu hơn được sao? Ông chỉ vào bàn thờ rồi đi ra liền, vì sao vậy?
– Đúng vậy, tội nghiệp thân già tôi, tôi không biết làm sao để cầu nguyện một kinh dài, nhưng Chúa Giêsu là Đấng Cứu Chuộc tôi, là Chúa của tôi, mỗi buổi trưa tôi vào chào Chúa và chỉ biết nói với Chúa: “Giêsu! … Simon đây!” Đó là lời cầu nguyện ngắn nhưng tôi biết Chúa nghe tôi.
Một ít thời gian sau, ông bị xe tải đụng và phải vào bệnh viện.
Một hôm, cô y tá hỏi ông:
– Ông lúc nào cũng có vẻ hạnh phúc dù bị đau, ông có bí quyết gì vậy?
– Làm sao tôi lại không hạnh phúc? Nhưng nhờ tôi luôn có người đến thăm.
– Ông có người đến thăm? Cô y tá ngạc nhiên vì cô có thấy ai đâu – Họ đến lúc nào vậy?
– Trưa nào người đó cũng đến, người đó đứng ở dưới chân giường và nói: “Simon… Giêsu đây!”
Lạy Chúa, xin cho con biết “chết đi” để vui sống muôn đời Chớ gì con hiểu rằng có Chúa là có tất cả, không có Chúa thì cuộc đời con trở nên vô nghĩa. Amen.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn