1Khi ấy, Đức Giê-su kể cho các môn đệ nghe dụ ngôn này: “Nước Trời
giống như chuyện gia chủ kia, vừa tảng sáng đã ra mướn thợ vào làm việc
trong vườn nho của mình. 2Sau khi đã thỏa thuận với thợ là mỗi ngày một
quan tiền, ông sai họ vào vườn nho làm việc. 3Khoảng giờ thứ ba, ông lại
trở ra, thấy có những người khác ở không, đang đứng ngoài chợ. 4Ông
cũng bảo họ: “Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho, tôi sẽ trả cho các anh
hợp lẽ công bằng”. 5Họ liền đi. Khoảng giờ thứ sáu, rồi giờ thứ chín, ông
lại trở ra và cũng làm y như vậy. 6Khoảng giờ mười một, ông trở ra và thấy
còn có những người khác đứng đó, ông nói với họ: “Sao các anh đứng đây
suốt ngày không làm gì hết?” 7Họ đáp: “Vì không ai mướn chúng tôi”. Ông
bảo họ: “Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho!” 8Chiều đến, ông chủ
vườn nho bảo người quản lý: “Anh gọi thợ lại mà trả công cho họ, bắt đầu
từ những người vào làm sau chót tới những người vào làm trước nhất”.
9Vậy những người mới vào làm lúc giờ mười một tiến lại, và lãnh được
mỗi người một quan tiền. 10Khi đến lượt những người vào làm trước nhất,
họ tưởng sẽ được lãnh nhiều hơn, thế nhưng cũng chỉ lãnh được mỗi
người một quan tiền. 11Họ vừa lãnh vừa cằn nhằn gia
chủ: 12“Mấy người sau chót này chỉ làm có một giờ, thế mà ông lại coi họ
ngang hàng với chúng tôi là những người đã phải làm việc nặng nhọc cả
ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt”. 13Ông chủ trả lời cho một người trong
bọn họ: “Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn. Bạn đã chẳng thỏa
thuận với tôi là một quan tiền sao? 14Cầm lấy phần của bạn mà đi đi. Còn
tôi, tôi muốn cho người vào làm sau chót này cũng được bằng bạn đó.
15Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tùy ý định đoạt về những gì là của tôi
sao? Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức?” 16aThế là những
kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu, còn những kẻ đứng đầu sẽ phải
xuống hàng chót”. Đó là Lời Chúa.
Suy Niệm:
Hôm nay chúng ta bước sang Chương 20 Phúc âm Matthêu.Chương 20
được bắt đầu bằng một dụ ngôn rất sâu sắc, kinh điển, mà chỉ có Matthêu
tường thuật. Đó là DỤ NGÔN THỢ LÀM VƯỜN NHO.
Đây cũng là một dụ ngôn về Nước Trời, dụ ngôn “THỢ LÀM VƯỜN NHO”,
là dụ ngôn được công bố trong hành trình Chúa lên Giêrusalem để bước
vào cuộc khổ nạn.
Vả lại, ta thấy Dụ ngôn này không mô tả Nước Trời, mà mô tả cách thức
Ông chủ hành xử với các người thợ làm vườn nho. Đó cũng cách hành xử
của Thiên Chúa đối với những công dân Nước Trời.
Cụ thể ở 2 chi tiết:
+ CÁCH CHÚA MỜI GỌI THỢ LÀM VƯỜN NHO CỦA NGÀI, ông chủ
không gọi thợ vào làm cùng một thời điểm: có người được kêu gọi rất sớm,
nhưng có người lại kêu gọi rất trễ, gần hết giờ lao động.
+ CÁCH ÔNG CHỦ TRẢ TIỀN CÔNG CHO NGƯỜI THỢ: Cho dù làm
sớm hay trễ, thì mỗi người đều được lãnh tiền công như nhau, mỗi người
chỉ 1 đồng.
Chính cách tính tiền công này đã nảy sinh ra nhiều mâu thuẫn, ta thán,
ganh tị. Nhưng nó lại biểu lộ TÌNH THƯƠNG CỦA ÔNG CHỦ ĐỐI VỚI
NHỮNG NGƯỜI KÉM MAY MẮN.
Người làm từ những giờ đầu tiên có quyền kêu ca, ta thán ông chủ và họ
cho đó là bất công. Vâng, rất hợp lý.Tại sao lại đối xử người làm cả ngày
bằng người chỉ làm có 1 giờ?Nhưng không ai phủ nhận TÌNH THƯƠNG
VÀ SỰ QUAN TÂM ĐẾN NGƯỜI KÉM MAY MẮN CỦA ÔNG CHỦ.
Như vậy, ta thấy sự CÔNG BẰNG VÀ LÒNG THƯƠNG XÓT THƯỜNG
XUNG ĐỘT NHAU TRONG CUỘC SỐNG.
Nhưng ta phải chấp nhận một tiên đề: ÔNG CHỦ CÓ QUYỀN LÀM NHƯ
VẬY, MIỄN LÀ KHÔNG VI PHẠM HƠP ĐỒNG VỚI NGƯỜI ĐẾN TRƯỚC.
Thiên Chúa cũng có quyền hành xử như trong dụ ngôn, Ngài có quyền tỏ
lòng thương xót đối với người tội lỗi và yếu đuối. Ngài có quyền bày tỏ tình
thương của Ngài theo ý Ngài muốn.
Bài Tin mừng này muốn nhắm vào người Do Thái, họ được Thiên Chúa
kêu gọi và tuyển chọn đầu tiên cho công trình Vườn nho của Ngài, và dân
Do Thái được gọi là dân riêng.
Và Bài Tin mừng cũng nhắm vào các dân tôc trên thế giới, họ không phải
là người Do Thái, họ được Thiên Chúa kêu gọi vào những giờ sau cùng.
Đó là những người kém may mắn.
Đứng trước thái độ phân bì của dân Do Thái đối với dân ngoại, Chúa
Giêsu đã đưa ra một giáo huấn rất quan trọng:
“NHƯ THẾ, KẺ SAU HẾT SẼ NÊN TRƯỚC HẾT, VÀ KẺ TRƯỚC HẾT SẼ
NÊN SAU HẾT”.
Điều này sẽ đánh vào lòng tự mãn của người Do Thái và là cánh cửa hy
vọng mở ra cho các dân ngoại trong đó có chúng ta.
Nếu người Do Thái tự cho mình quyền được cứu độ, còn các dân tộc khác
thì không thì họ sẽ bị bỏ lại phía sau và trở thành KẺ RỐT HẾT.
Chúng ta vẫn có quyền hy vọng vào ơn cứu độ của Thiên Chúa như người
đàn bà xứ Canaan xin Chúa chữa cho con gái bà bị quỷ ám.
Câu này không có ý nói dân Do Thái sẽ bị loại ra khỏi Nước Thiên Chúa,
nhưng Matthêu cho biết: sẽ có một cuộc lật đổ ngoạn mục cái thứ tự ban
đầu, coi chừng họ sẽ bị rớt xuống là người sau hết. Vậy, họ phải cẩn thận
khi nghe dụ ngôn này.
Chúng ta phải ý thức thân phận mình như những thợ đến làm giờ thứ chín
(3 giờ chiều), thứ mười một (5 giờ chiều), để cảm tạ Chúa, và bày tỏ lòng
yêu mến Ngài bằng cách nghe, làm theo Lời Ngài, đem Tin Mừng vào
trong cuộc sống, trong mái ấm gia đình mình.