Người Do-thái trả lời: "Chúng tôi muốn ném đá ông không phải vì việc lành, nhưng vì một lời lộng ngôn, bởi vì ông chỉ là người mà lại tự cho mình là Thiên Chúa".
Chúa Giêsu đáp lại: "Nào trong sách luật của các ngươi không có chép câu này: "Ta đã nói: các ngươi là thần"? Vậy nếu sách luật gọi những kẻ được nghe lời Chúa là thần, mà Kinh Thánh không thể huỷ diệt được, thì tại sao các ngươi nói với Đấng đã được Chúa Cha thánh hoá và sai đến trong trần gian rằng "Ông nói lộng ngôn", vì Ta đã nói Ta là Con Thiên Chúa? Nếu Ta không làm những việc của Cha Ta, thì các ngươi đừng tin Ta. Nhưng nếu Ta làm những việc đó, thì dầu các ngươi không muốn tin Ta, cũng hãy tin vào các việc đó, để các ngươi biết và tin rằng: Cha ở trong Ta, và Ta ở trong Cha".
Bởi đó họ tìm cách bắt Người, nhưng Người thoát khỏi tay họ. Người lại qua bên kia sông Giođan, nơi trước kia Gioan đã làm phép rửa. Và Người ở lại đó. Có nhiều kẻ đến cùng Người. Họ nói: "Gioan đã không làm một phép lạ nào. Nhưng mọi điều Gioan nói về người này đều đúng cả". Và có nhiều kẻ tin Người. Đó là lời Chúa.
SUY NIỆM:
Những cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu với những người biệt phái, những người Pharisiêu ngày càng quyết liệt. Họ định ném đá Chúa, nhưng họ chưa làm được vì chưa đến giờ của Chúa. Tuy vậy, họ không dừng lại mà rấp tâm bắt Chúa.
Rõ ràng trong các cuộc tranh luận, cho dù Chúa Giêsu có muốn giúp họ hiểu về Người như thế nào cũng dường như vô ích, vì họ không muốn hiểu. Và càng ngày Chúa Giêsu càng trở thành cái gai trong mắt họ; những lời Chúa giảng dạy càng lúc càng làm cho họ khó chịu hơn, vì nó đi ngược lại cuộc sống của họ.
Trong khi đó, dân chúng lại có phản ứng khác: nhiều người đến gặp Chúa Giêsu, và trong số họ có không ít người đã tin vào Chúa. Xem ra có sự đối nghịch nào đó, những người dân thường ít biết Kinh Thánh, nhưng lại tin vào Chúa Giêsu nhờ lời chứng của Gioan Tẩy Giả, còn những người biệt phái, những kinh sư, được coi là những bậc thầy thông thạo Kinh Thánh, nhưng lại không tin vào Chúa Giêsu, mặc dù tất cả những gì trong Kinh Thánh đều nói về Chúa Giêsu. Họ không đón nhận Chúa Giêsu là Đấng mà lề luật của họ tiên báo.
Bởi vì nội dung giảng dạy của Chúa Giêsu làm cho họ hụt hẫng, làm cho họ phải thay đổi quan niệm sống. Chẳng hạn, như luật ngày Sabat đối với họ là tuyệt đối thì Chúa Giêsu lại dạy rằng giới luật yêu thương mới là tuyệt đối. Khi quan niệm truyền thống cha ông của họ thì: “mắt đền mắt răng đền răng”, còn đối với Chúa Giêsu thì: “phải yêu thương địch thù” ... Mặt khác, lối sống của Chúa Giêsu: đi lại với ngưới nghèo, ngồi đồng bàn với những người tội lỗi; thì đối với họ, điều đó không thể chấp nhận.
Từ lời giảng dạy cho đến cách sống của Chúa Giêsu, dường như không có gì làm cho họ có thể chấp nhận. Mà đã không chấp nhận thì làm sao mà tin!
Nhìn vào đời sống đức tin, ngày hôm nay, cũng có nhiều người Kitô hữu tuy không phản ứng tức giận trước Lời Chúa, nhưng sự dửng dưng, nghe cũng như không, thì Lời Chúa không có âm hưởng nào trong cuộc sống. Như thế, tuy cách thể hiện khác nhau nhưng kết quả của hai phản ứng đó cũng chỉ là một. Lời Chúa không có tác dụng nơi cuộc sống, nhưng trái lại chỉ là phản ứng tiêu cực: hoặc là tức giận như nơi người biệt phái, hoặc là coi thường Lời Chúa như nơi một phần nào đó của người Kitô hữu. Dẫu là vậy, nhưng Chúa vẫn dạy cho ta bài học thật quý giá: Chúa hết lòng thương con người, Chúa đã tìm đủ mọi cách để giúp con người bỏ đàng tội lỗi mà tin theo Chúa để được cứu độ.
Ước gì mọi người chúng ta luôn nhận thấy được lòng thương xót của Chúa mà ăn năn hối cải thật lòng trong Mùa Chay này.
Xin Chúa thêm sức mạnh cho chúng ta và giúp mỗi người biết noi gương của Chúa dùng những việc lành, việc tốt hằng ngày mà cảm hóa mọi người quay về cùng Chúa. Có thể có những chống đối hay ngoan cố, nhưng chúng ta hãy kiên trì và nhiệt tâm. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con. Amen.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn