Khi ấy, vua Hêrôđê nghe nói về Chúa Giêsu, vì danh tiếng Người đã lẫy lừng, kẻ thì nói: "Gioan Tẩy giả đã từ cõi chết sống lại, nên ông đã làm những việc lạ lùng"; kẻ thì bảo: "Ðó là Êlia"; kẻ khác lại rằng: "Ðó là một tiên tri như những tiên tri khác". Nghe vậy, Hêrôđê nói: "Ðó chính là Gioan trẫm đã chặt đầu, nay sống lại". Vì chính vua Hêrôđê đã sai bắt Gioan và giam ông trong ngục, nguyên do tại Hêrôđia, vợ của Philipphê anh vua mà vua đã cưới lấy. Vì Gioan đã bảo Hêrôđê: "Nhà vua không được phép chiếm lấy vợ anh mình". Phần Hêrôđia, nàng toan mưu và muốn giết ông, nhưng không thể làm gì được, vì Hêrôđê kính nể Gioan, biết ông là người chính trực và thánh thiện, và giữ ông lại. Nghe ông nói, vua rất phân vân, nhưng lại vui lòng nghe. Dịp thuận tiện xảy đến vào ngày sinh nhật Hêrôđê, khi vua thết tiệc các quan đại thần trong triều, các sĩ quan và những người vị vọng xứ Galilêa. Khi con gái nàng Hêrôđia tiến vào nhảy múa, làm đẹp lòng Hêrôđê và các quan khách, thì vua liền nói với thiếu nữ ấy rằng: "Con muối gì, cứ xin, trẫm sẽ cho", và vua thề rằng: "Con xin bất cứ điều gì, dù là nửa nước, trẫm cũng cho". Cô ra hỏi mẹ: "Con nên xin gì?" Mẹ cô đáp: "Xin đầu Gioan Tẩy Giả". Cô liền vội vàng trở vào xin vua: "Con muốn đức vua ban ngay cho con cái đầu Gioan Tẩy Giả đặt trên đĩa". Vua buồn lắm, nhưng vì lời thề và vì có các quan khách, nên không muốn làm cho thiếu nữ đó buồn. Và lập tức, vua sai một thị vệ đi lấy đầu Gioan và đặt trên đĩa. Viên thị vệ liền đi vào ngục chặt đầu Gioan, và đặt trên đĩa trao cho thiếu nữ, và thiếu nữ đem cho mẹ. Nghe tin ấy, các môn đệ Gioan đến lấy xác ông và mai táng trong mồ. Ðó là lời Chúa.
SUY NIỆM:
Người ta thường nói sự thật thì mất lòng. Sự thật là chuyện rất khó nói bởi vì nó chỉ đem lại cho chúng ta những phiền toái, mích lòng nhau. Trong trường hợp của Gioan tẩy giả thì tệ hại hơn … Ông nói ra sự thật về tội loạn luân của vua Hêrôđê: chiếm đoạt vợ của anh mình là Hêrôđiađê, nên thánh nhân đã bị thiệt thân. Lương tâm của vị ngôn sứ đã thúc đẩy Gioan lên tiếng can ngăn và tố cáo những hành vi sai trái của nhà vua, kêu gọi nhà vua hãy trở về nẻo chính đường ngay. Vì thế Gioan đã bị vua chém đầu, bị chết vì công lý. Gioan Tẩy giả đã biểu lộ vai trò làm ngôn sứ bằng một thái độ sống hết sức can đảm, mạnh mẽ và bất khuất trước bạo lực, dám nói sự thật, bảo vệ công lý, cho dù sự thật đó dẫn đến tù đày và cái chết.
Xã hội chúng ta đang sống không thiếu gì những bất công, giả dối và sai sự thật. Vì thế, mỗi người chúng ta được mời gọi làm chứng cho sự thật. Đó là một thách đố lớn cho chúng ta!
Qua Bí tích Rửa tội, mỗi người Kitô hữu đóng vai trò làm ngôn sứ, chúng ta có thể làm chứng cho chân lý, cho công lý, cho tình yêu. Khi chúng ta dám nói lên sự thật thì khi đó chúng ta đang giới thiệu cho thiên hạ thấy dung mạo của Đức Giêsu Kitô bởi vì Ngài nói Ngài chính là “sự thật và là sự sống” (Ga 14,6).
Khi nói lên sự thật, khi làm chứng cho sự thật, chúng ta sẽ bị thiệt thòi, bị chống đối, bị hãm hại và có thể mất đầu giống như Gioan. Thế nhưng, Chúa Giêsu đã dạy rằng: “Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt 10,32).
Khi chúng ta dám nói lên sự thật, chúng ta sẽ đến cùng ánh sáng, và sự thật sẽ giải phóng chúng ta khỏi sự dữ, sự xấu xa. Một khi chúng ta e ngại, sợ hãi, không đủ can đảm nói thật và sống thật, chúng ta hãy chạy đến với Chúa Giêsu và xin Ngài thêm sức mạnh, để can đảm sống theo sự thật, đi theo ánh sáng của Chúa, và làm chứng cho chân lý của Phúc âm.
Lạy Chúa, chân lý là sự thật. Chân lý đến từ Thiên Chúa và đã được Chúa Giêsu mạc khải cho chúng con qua Kinh Thánh. Xin cho chúng con, một khi đã hiểu chân lý Chúa, biết cố gắng sống và làm chứng cho chân lý trong đời sống hằng ngày. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con. Amen