SUY NIỆM:
Trong bữa Tiệc ly, Chúa Giêsu biết trước mình sắp sửa hoàn tất công việc tại thế và trở về cùng Thiên Chúa Cha. Người biết những yếu đuối, hoang mang, lo sợ và chia rẽ giữa các Tông đồ. Và vì thế Người cầu nguyện với Chúa Cha cho các Tông Đồ và cho cả các Kitô hữu cũng được hiệp nhất trong một đức tin và trong tình yêu thương: “Con không chỉ cầu xin cho những người này nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào Con để tất cả nên một”.
Có thể nói, đây là những lời cầu nguyện đẹp nhất trong toàn bộ Kinh Thánh, trong đó, Chúa Giêsu với tư cách là thượng tế, là Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người đã dâng lên Thiên Chúa lời khẩn nguyện. Ngài chẳng những cầu nguyện cho các Tông Đồ, mà còn cầu nguyện cho tất cả chúng ta là những kẻ đã nghe lời giảng dạy của các Tông Đồ và của Giáo Hội mà tin theo Chúa. Ðể lời Chúa được mang đến khắp bờ cõi, đến với mọi người.
- Trước hết, Ngài cầu xin cho tất cả chúng ta được sống trong tình yêu thương của Ngài, “như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, để họ cũng ở trong chúng Ta”.
- Tiếp đến, Ngài cầu xin cho tất cả chúng ta được kết hợp với nhau và yêu thương nhau. Thật ra đây chỉ là kết quả của lời nguyện trước, vì nếu chúng ta kết hợp và yêu mến Thiên Chúa, thì chúng ta cũng phải kết hợp và yêu thương nhau. Mến Chúa yêu người không phải là một luật sống chỉ dựa trên lý trí, nhưng là một thực tại thiết yếu và cụ thể. Chúng ta không thể nói mình yêu mến Thiên Chúa mà lại không yêu thương lo lắng cho người khác, nhất là những người nghèo khổ và bất hạnh. Chính vì thế, đây là điều răn chúng ta nhận được từ Thiên Chúa là “ai yêu mến Thiên Chúa, thì cũng yêu mến anh em mình”.
- Cuối cùng, Chúa Giêsu còn cầu nguyện cho Giáo Hội được hiệp nhất trong Thiên Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, để thế gian tin nhận ơn cứu rỗi, tin nhận Thiên Chúa Cha đã sai con một mình là Chúa Giêsu Kitô đến trần gian để cứu rỗi con người. Đây là sự hiệp nhất có đặc tính truyền giáo, và sự hiệp nhất này là một chứng từ hữu hiệu và là sức mạnh có tính thuyết phục để thế gian tin vào Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế và nhận ra tình yêu thương của Chúa Cha đối với nhân loại.
Nhưng làm sao chúng ta có thể hiệp nhất nên một, cách thân mật như Chúa Cha ở trong Chúa Con và Chúa Con ở trong Chúa Cha được? Quả thật, sự hiệp nhất này chỉ có thể thực hiện nơi chúng ta nếu chính Thiên Chúa thực hiện trong chúng ta. Đó là điều mà Chúa Giêsu đã nói: “Con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho Con, để họ được nên một như Chúng Ta là một…” Vinh quang ở đây chính là sự sống của Thiên Chúa. Vậy, việc chúng ta hiệp nhất vào chính sự sống của Thiên Chúa là cơ sở cho việc chúng ta hiệp nhất với nhau. Đó có thể là việc chúng ta kết hiệp với Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể mà chúng ta cử hành mỗi ngày, hay qua việc lắng nghe và thực thi Lời Chúa trong cuộc sống; hoặc có thể nhờ việc cầu nguyện cho sự hiệp nhất trong Giáo Hội, giữa các Kitô hữu với nhau và cho một thế giới tốt đẹp hơn. Một khi hiệp nhất với Chúa Giêsu như thế, chúng ta sẽ dễ dàng hiệp nhất và yêu thương nhau, tránh được mọi chống đối, bất hòa, chia rẽ, ghét ghen nhau… Có như thế, chúng ta mới thực sự là dấu hiệu để người ngoại nhận ra Thiên Chúa là tình yêu và nhận ra Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế được Chúa Cha sai đến để thực hiện chương trình yêu thương của Người, và lúc đó chúng ta sẽ thấy rằng sống hiệp nhất có một sức mạnh rất đặc biệt trong việc truyền giáo.
Ước gì Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta biết kết hợp với Thiên Chúa và với nhau trong tình yêu thương để chúng ta dấn thân thực thi sứ vụ mà Chúa Giêsu Kitô đã uỷ thác cho Giáo Hội và cho mỗi người chúng ta.
Lạy Chúa, xin thương xót và chữa lành các vết thương chia rẽ giữa chúng con. Xin cho tất cả các Kitô hữu sống trong sự hiệp nhất như Ngài đã cầu xin Cha. Xin hãy đổi mới chúng con bằng sức mạnh của Thần Khí để chúng con trở thành dấu chỉ của sự hiệp nhất yêu thương trong thế giới hôm nay. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con. Amen.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn