Khi ấy, Chúa Giêsu vào thành Capharnaum, thì có một đại đội trưởng đến thưa Chúa rằng: "Lạy Thầy, thằng nhỏ nhà tôi đau nằm ở nhà, nó bị tê liệt đau đớn lắm!" Chúa Giêsu phán bảo ông rằng: "Tôi sẽ đến chữa nó". Nhưng viên đại đội trưởng thưa Người rằng: "Lạy Thầy, tôi không đáng được Thầy vào dưới mái nhà tôi, nhưng xin Thầy chỉ phán một lời, thì thằng nhỏ của tôi sẽ lành mạnh. Vì chưng, cũng như tôi chỉ là người ở dưới quyền, nhưng tôi cũng có những người lính thuộc hạ, tôi bảo người này đi thì anh đi, tôi bảo người kia đến thì anh đến, tôi bảo gia nhân làm cái này thì nó làm!" Nghe vậy, Chúa Giêsu ngạc nhiên và nói với những kẻ theo Người rằng: "Quả thật, Ta bảo các ngươi, Ta không thấy một lòng tin mạnh mẽ như vậy trong Israel. Ta cũng nói cho các ngươi biết rằng: nhiều người từ phương đông và phương tây sẽ đến dự tiệc cùng Abraham, Isaac và Giacóp trong nước trời. Còn con cái trong nước sẽ bị vứt vào nơi tối tăm bên ngoài, ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng". Đoạn Chúa nói với viên sĩ quan rằng: "Ông cứ về, ông được như ông đã tin". Và ngay giờ ấy, gia nhân ông đã được lành mạnh. Khi Chúa Giêsu vào nhà ông Phêrô, thấy bà mẹ vợ ông đang sốt rét liệt giường. Chúa chạm đến tay bà và cơn sốt biến đi. Bà chỗi dậy tiếp đãi các ngài. Đến chiều, họ đưa đến cho Chúa nhiều người bị quỷ ám: Chúa dùng lời đuổi quỷ, và chữa lành tất cả các bệnh nhân, để ứng nghiệm lời tiên tri Isaia nói rằng: "Người đã gánh lấy các bệnh tật của chúng ta, và đã mang lấy những nỗi đau thương của chúng ta". Đó là lời Chúa.
SUY NIỆM:
Tin mừng thuật lại việc Chúa Giêsu chữa lành cho một người đầy tớ của viên đại đội trưởng. Điều khác thường ở đây là, chính viên đại đội trưởng là người đích thân đến cầu xin Chúa Giêsu chữa lành cho người đầy tớ của mình. Điều này trái ngược với thái độ thông thường giữa người chủ và nô lệ. Thật vậy, vào thời Chúa Giêsu, người nô lệ không hơn gì một đồ vật. Sự khác biệt duy nhất giữa nô lệ và súc vật là nô lệ có thể nói được; nô lệ được coi là một dụng cụ sống. Người nô lệ không có quyền pháp lý nào cả, chủ nhân được hoàn toàn tự do tùy ý đối xử với người nô lệ.
Điều làm chúng ta ngạc nhiên hơn nữa là, Chúa Giêsu là người Do Thái, còn viên đại đội trưởng là người dân ngoại, mà theo luật Do Thái, người dân ngoại và chỗ ở của dân ngoại bị xem là ô uế. Vì thế, một người Do Thái không thể vào nhà hay tiếp xúc với một người dân ngoại (Cv 10,8). Thế mà, viên đại đội trưởng vẫn đến với Chúa Giêsu để xin Người chữa lành cho người đầy tớ.
Tất cả những điều trái ngược và không hợp lý trên chỉ có thể giải thích bằng niềm tin và tình thương. Vì tình thương nên viên đại đội trưởng coi nỗi đau, sự bất hạnh của người nô lệ là nỗi đau và sự bất hạnh của chính mình. Cũng chính niềm tin mà viên đại đội trưởng biết rằng Chúa Giêsu không cần phải vào nhà ông, không cần phải đụng chạm mà vẫn có thể chữa lành cho người nô lệ. Chính đức tin làm cho những kinh nghiệm hằng ngày trong cuộc sống trở thành kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa. Chính vì thế nên khi Chúa Giêsu nói: “Chính tôi sẽ đến chữa nó”. Thì viên đại đội trưởng đáp: “Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi được khỏi bệnh. Vì tôi đây, tuy dưới quyền kẻ khác, tôi cũng có lính tráng dưới quyền tôi. Tôi bảo người này: ‘Đi !’, là nó đi, bảo người kia : ‘Đến !’, là nó đến, và bảo người nô lệ của tôi : ‘Làm cái này !’, là nó làm”.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho mỗi người chúng con biết để cho tình yêu và niềm tin vào Chúa định hướng mọi mối tương quan của chúng con trong cuộc sống, để rồi từ đó sự chữa lành của Chúa có thể đến với tất cả những ai đang mang những thương tổn cần được chữa lành. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con. Amen