Khi ấy, đứng gần thập giá Đức Giêsu, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Maria vợ ông Cơlêôpát, cùng với bà Maria Mácđala. Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giêsu nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là con của Bà.” Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là mẹ của anh.” Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình.
Suy Niệm :
Liền ngay sau Lễ Suy Tôn Thánh Giá, phụng vụ Giáo Hội mừng lễ Đức Mẹ Sầu Bi như biểu hiện sự liên kết, gắn bó và hiệp thông của Mẹ Maria trong sứ mạng cứu chuộc của Đức Giêsu, con Mẹ. Lễ Đức Mẹ Sầu Bi (hay lễ Đức Bà Bảy Sự, lễ kính Bảy Sự Thương Khó của Đức Bà)/ Bảy sự thương khó mà Đức Mẹ đã trải qua như sau:
Lời tiên tri của Simêon
Cuộc chạy trốn qua đất Ai cập.
Việc lạc mất Chúa Giêsu tại Giêrusalem.
Việc Chúa Giêsu vác thánh giá.
Việc Chúa Giêsu chịu đóng đinh.
Việc hạ xác Chúa Giêsu khỏi Thánh giá.
Việc táng xác Chúa Giêsu trong mồ.\
Hôm nay, Phụng vụ của Giáo Hội cho chúng ta nghe đoạn Tin Mừng về giờ phút cuối cùng của Chúa Giêsu trên thánh giá, có sự hiện diện của Mẹ Maria.
Thánh sử Gioan ghi nhận :”đứng gần thập giá Đức Giêsu, có thân mẫu Người”. Đôi khi chúng ta vẫn tự hỏi: Tại sao lại đứng mà không ngồi? Mẹ có thể than khóc. Mẹ có thể la hét. Mẹ có thể nguyền rửa kẻ giết con mình! Nhưng không. Mẹ đứng đó lặng yên. Mẹ đứng đó như một chứng nhân về cái chết cứu đời của Con yêu quý. Mẹ đứng đó trong nỗi đau xé nát con tìm như là sự thông phần đau khổ cùng Con.Vâng, Mẹ đã thông phần cứu chuộc nhân loại qua cái chết của Con. Mẹ đã vượt qua đau thương để cùng con cứu đời.
Nhưng, chúng ta tự hỏi: điều gì đã khiến Mẹ can đảm như thế? Bởi đâu Mẹ có thể đứng vững trước nỗi đau của Con cũng là của Mẹ?Có lẽ lý do duy nhất chính là lòng tin nơi Mẹ. Một lòng tin tuyệt đối vào quyền năng Thiên Chúa có thể làm mọi sự mà Mẹ luôn đáp lại bằng hai tiếng xin vâng.
Đúng như lời tiên báo năm xưa của ông già Simêon:” Ông Si-mê-ôn chúc phúc cho hai ông bà, và nói với bà Ma-ri-a, mẹ của Hài Nhi: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng; và như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà.”(Lc 2, 34-35).
Hôm nay đã ứng nghiệm, một lưỡi gươm đã đâm thấu tâm hồn Mẹ, nó còn đau hơn cả lưỡi gươm nữa.
Đức Maria là người được nhắc đến đầu tiên đứng gần thánh giá Chúa, hiệp thông với Chúa Giêsu trong của lễ hiến tế. Đời Mẹ gắn liền với mầu nhiệm Chúa Giêsu Con của Mẹ: vất vưởng khi sinh Con ở Bêlem, lao đao trong những ngày lưu lạc sang Ai Cập, sợ hãi âu lo khi trở về Nagiarét, cùng vất vả với Con trong những năm rao giảng, đau khổ tột cùng khi nhìn Con bị chết treo trên Thập Giá.
Mẹ đã cộng tác cách đặc biệt vào công trình của Đấng Cứu Thế, nhờ vâng phục, nhờ đức Tin, đức Cậy và đức Ái nồng nhiệt.
Chính vào giây phút cuối cùng này, Đức Giêsu đã làm điều không ai ngờ. Ngài nối kết Mẹ Ngài và người môn đệ Ngài yêu dấu, đặt Mẹ làm mẹ người môn đệ ấy: “THƯA BÀ, NÀY LÀ CON BÀ”. và muốn người môn đệ ấy làm con của Mẹ: “NÀY LÀ MẸ CON”. Người môn đệ đó chính là Gioan.
Chính dưới chân thập giá, Đức Giêsu đã lập một gia đình mới. Mẹ là Mẹ của Đức Giêsu ở Cana, bây giờ thành Mẹ của người môn đệ. Nơi người môn đệ này, các Kitô hữu thấy hình ảnh của chính mình. Chúng ta cũng muốn đón Mẹ về nhà và nhận Mẹ làm Mẹ. Mẹ sẽ là người lo cho chúng ta trong ngôi nhà của gia đình mới.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn