“Tôi bảo thật anh, hôm nay anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng”.
Thứ năm - 21/11/2019 04:25
Người ta ở đời này quan niệm và xử sự với nhau theo cách tự nhiên của con người, theo ý nghĩ thông thường của mọi người. Ông vua một quốc gia là như thế nào? Đó là người nắm quyền hành và vận mệnh của dân tộc.
CHÚA NHẬT XXXIV MÙA THƯỜNG NIÊN C (Lc 23, 35-43). “Tôi bảo thật anh, hôm nay anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng”.
Người ta ở đời này quan niệm và xử sự với nhau theo cách tự nhiên của con người, theo ý nghĩ thông thường của mọi người. Ông vua một quốc gia là như thế nào? Đó là người nắm quyền hành và vận mệnh của dân tộc. Ông vua là người hầu như có toàn quyền trên mọi người dân trong nước và có nhiều tài sản. Ông vua có binh lính bảo vệ, để thi hành quyền trên dân chúng. Và có cả khí giới, phương tiện khác nhau để giữ gìn an ninh trật tự. Dĩ nhiên, ông vua là người rất giàu có, nhiều của cải, đất đai, nhà cửa. Con Thiên Chúa làm người là Đức Giê-su Ki-tô cũng được quan niệm và đối xử như mọi người. Cho nên, khi Đức Giê-su tuyên bố mình là vua, thì người ta sẽ nghĩ ngay đến một ông vua nào đó như bao ông vua khác. Không có địa vị chức tước trong xã hội, không có lãnh thổ và thần dân thuộc về mình, không có quân đội cùng với khí giới, không cẩm bào, không ngai tòa, không phủ việt thì làm sao người ta có thể chấp nhận Đức Giê-su làm vua được. Do đó chúng ta hiểu vì sao Đức Giê-su bị chế nhạo, chê cười khi bị đóng đinh trên thập giá. Vua gì mà như thế, hoàn toàn bất lực, chẳng làm được gì, mà bị kết án tử hình, phải chịu đóng đinh vào thập giá. Mà nếu là vua thật, thì bây giờ biểu dương quyền lực và sức mạnh xem nào: xuống khỏi thập giá là mọi người sẽ nhất tề suy tôn làm vua. Người ta cho rằng Đức Giê-su chỉ là một con người ham làm vua, ham quyền lực và bây giờ bị bắt, bị đóng đinh nên đành phải thất vọng ê chề, không thể tự mình thoát ra khỏi cảnh khốn cùng! Nhưng vẫn còn ít là một người nhận ra Đức Giê-su, đó là tên gian phi thứ hai cùng chịu đóng đinh với Đức Giê-su, chứng kiến cảnh hành hình Đức Giê-su, với thái độ bình an và phó thác hoàn toàn cho Thiên Chúa Cha, anh ta đã nhận ra vương quyền nơi Đức Giê-su chịu đóng đinh và công khai tuyên xưng Đức Giê-su là Vua, khi khẩn nài tình thương của Chúa: “Lạy Đức Giê-su, khi vào Nước của Ngài, xin Ngài nhớ đến tôi!” Tình thương dạt dào vô bờ bến của Đấng chịu đóng đinh đã tuôn trào ơn cứu độ một cách cụ thể lần đầu tiên, xuống trên con người tử tội sắp chết, nhưng cũng sắp bắt đầu một cuộc sống mới, một cuộc sống đích thực, một cuộc sống của một công dân được chính thức công nhận vào trong Nước của Vua Giê-su: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng”.
Chúng ta cố gắng tìm hiểu và suy niệm câu chuyện Tin Mừng hôm nay, để hiểu vương quyền của Vua Ki-tô, để biết cách đi vào và sống trong Nước của Đấng chịu đóng đinh vào thập giá.
Trước hết, Kinh Thánh quả quyết: Thiên Chúa đã dựng nên chúng ta nhờ Con Một của Người và tạo dựng tất cả muôn loài muôn vật là do Con Một. Như vậy là theo ý định yêu thương và thượng trí của Chúa Cha, chúng ta đã hoàn toàn thuộc về Chúa Giê-su Ki-tô ngay cả trước khi tạo dựng vũ trụ. Chúa Giê-su thực sự là Vua chúng ta, khi chúng ta xuất hiện trên trần gian. Đến khi con người dùng tự do phạm tội, ra khỏi vương quốc Thiên Chúa mà tự ý đi vào vương quyền của Sa-tan, làm nô lệ cho ma quỷ, thì Thiên Chúa sai Con Một đến làm người để giải thoát ta khỏi ách thống trị của Sa-tan. Chúa Giê-su đã phải hiến thân chịu chết trên thập giá, đổ máu đào để chuộc chúng ta lại cho Thiên Chúa Cha. Một lần nữa, chúng ta thuộc về Chúa Giê-su Ki-tô, do công ơn của Đấng chịu đóng đinh vào thập giá. Từ ngày chịu Thánh Tẩy, nghĩa là từ lúc được dìm vào trong cái chết và được sống sự sống mới của Chúa Phục Sinh, mỗi người Ki-tô hữu đã thuộc về Vua Ki-tô, đã sống trong Nước của Người. Ai tin vào Chúa Giê-su Ki-tô và nên một với Người trong cái chết và sự sống lại của Người, thì người đó thuộc vương quyền của Vua Giê-su. Vì chính Đức Giê-su đã chọn thập giá làm ngai tòa và Người đã đăng quang làm Vua khi hiến mình cho người ta đóng đinh vào thập giá. Đã thuộc về vương quyền của Vua Giê-su Ki-tô nhờ Phép Rửa, điều quan trọng nhất của mỗi người chúng ta hiện nay là ở lại trong Nước Chúa và trung thành đến cùng.
Nước của Vua Giê-su Ki-tô không phải là một lãnh thổ, một dân tộc, hay quốc gia nào, nhưng là Nước của tình yêu, Nước của tâm hồn. Vua Giê-su Ki-tô đã dùng Tình Yêu tột cùng trên thập giá để khai mạc Vương quốc của Ngài và dẫn đưa chúng ta vào sống trong đó. Đó là Vương quốc Sự thật, Vương quốc Sự sống, Vương quốc Tình Yêu. Muốn sống mãi trong Vương quốc Chúa Giê-su, muốn trung thành với Vương quyền của Người, Ki-tô hữu chỉ có một cách duy nhất là sống Tình yêu. Tình Yêu đó được diễn tả bằng dấu Thánh Giá của Chúa Giê-su chịu đóng đinh. Thánh Giá là biểu hiện tột cùng Tình Yêu của Chúa Giê-su. Thánh Giá có hai thanh gỗ: một thanh dọc và một thanh ngang.
Thanh dọc nhắc nhớ chúng ta Tình Yêu của Chúa Giê-su đối với Cha của Người. Thánh Giá Tình Yêu đòi hỏi mỗi chúng ta sống quan hệ tình yêu với Thiên Chúa Cha nhờ Chúa Giê-su Ki-tô. Quan hệ tình yêu của Ki-tô hữu là chính Thánh Thần Tình Yêu đã được đổ vào lòng chúng ta. Chúa Ki-tô từ cõi chết trỗi dậy đã tuôn trào Thánh Thần Tình Yêu vào tâm hồn các tín hữu, để họ có thể đi vào trong quan hệ tình yêu với Chúa Cha, cùng với Chúa Giê-su và như Chúa Giê-su. Nên một với Chúa Giê-su Ki-tô, Ki-tô hữu yêu mến Chúa Cha bằng Thánh Thần hiếu thảo của Người Con Một. Khi Chúa Cha nhận được Thánh Thần hiếu thảo của Chúa Giê-su Ki-tô đã nên một với tín hữu, thì Chúa Cha lập tức đáp lại bằng Thánh Thần hiền phụ của Người. Mối quan hệ tình yêu mật thiết được mở ra cho tất cả những ai tin vào Đấng Thiên Chúa sai đến và tuyên xưng Người là Cứu Chúa duy nhất của nhân loại. Đó là sống chiều dọc của Thánh Giá.
Rồi một khi sống tình yêu chiều dọc với Chúa Cha, nhờ Chúa Giê-su, trong Chúa Thánh Thần như vậy, người tín hữu đồng thời cũng sống chiều ngang của Thánh Giá. Thanh ngang của Thánh Giá nhắc nhở chúng ta tình yêu cho đến cùng của Chúa Giê-su đối với loài người. Quan hệ chiều ngang của Ki-tô hữu với mọi người cũng theo một tiến trình như quan hệ chiều dọc. Nghĩa là cùng với Chúa Ki-tô trong Thánh Thần Thiên Chúa, Ki-tô hữu sống quan hệ tình yêu với mọi người. Vậy chỉ trong một Thánh Thần duy nhất, Ki-tô hữu vừa yêu Chúa vừa yêu người. Sống Thánh Thần Tình Yêu hai chiều như thế, chúng ta thuộc về Chúa Giê-su Ki-tô hoàn toàn và tuyên xưng người là Vua chúng ta bây giờ cho đến muôn thuở muôn đời. Lm.Gioan Nguyễn Như Yêng
HHTM TGP Sàigòn Tổ chức Hội Thi Thánh Ca Chủ đề “ĐẾN VỚI CHÚA GIÊSU NHỜ MẸ MARIA” tại thánh đường GX Sao Mai Hạt Chí Hòa Lúc 19g00 Ngày 28-05-2017. Mừng Kính 100 năm Đức Mẹ Hiện ra tại FATIMA.