Trong cuộc lữ hành trần thế, ai cũng khát khao đi tìm hạnh phúc cho cuộc sống. Ước mong hạnh phúc chỉ nhỏ nhoi qua ba cụm từ; no thoả cái bụng, ngồi ghế lãnh đạo và hưởng danh lợi. Những điều ước quá đơn giản nhưng mấy ai đạt được trên cuộc trần này. Có người suốt cuộc đời lầm lũi vượt núi, trèo non, lên sông, xuống biển, thức khuya dậy sớm nhưng chỉ no thoả cái bụng. Có người dành tâm huyết, tiền của, trí năng, đức dục, để phục vụ lợi ích cho Quốc dân nhưng bị thanh trừ. Có người tham quyền cố vị sức lực cạn kiệt, bước đi không vững, nói không ra lời nhưng không chịu nhường ghế, danh phúc đâu không thấy mà lại rước hoạ vào thân. Vậy ta có thể tìm hạnh phúc ở đâu? Bài Tin mừng hôm nay như là kìa khoá giải mã cho những ai khát vọng đi tìm hạnh phúc đích thực. “Tin vào Đấng Người đã sai đến” (Ga 6,29), là bánh từ trời ban xuống: “Ai đến với Tôi sẽ không hề phải đói; ai tin vào Tôi chẳng khát bao giờ” (Ga 6,35). Người viết xin được chia sẻ động từ TIN qua ba khía cạnh: hành động, trí và tâm.
1. Hành Động
Khởi đầu sứ vụ loan báo Tin mừng, Chúa Giêsu mời gọi dân chúng: “Anh em hãy sám hối và tin vào Tin mừng” (Mc 1,15). Hành động sám hối là khởi điểm của mọi nhân đức, bởi hành động sám hối nhằm thúc giục lương tâm ta nhìn về quá khứ để sống hiện tại và hướng đến tương lai. Mặt khác, sám hối nhắc nhở ta trở về bản tính của mình “Nhân chi sơ tính bản thiện” (Khổng Tử). Như vậy, sám hối là sự biến đổi căn tính qua việc canh tân đời sống lánh xa sự dữ, mặc lấy sự thiện. Theo quan điểm thánh Phaolô là “khử trừ lối sống xưa kia, hãy lột bỏ con người cũ, đã bị hư theo những đam mê lầm lạc. Trở nên mới trong lòng trí anh em, hãy mặc lấy người mới đã được tác thành theo thánh ý Chúa trong sự công chính và thánh thiện xứng với sự thật” (Ep 4,23-24). Từ bỏ nếp sống cũ tin thờ tà thần, tiếp nhận nếp sống mới trong Đức Kitô là ánh sáng, là chân lý, là con đường, là Đấng trọn lành.
Hẳn thật, Chúa Giêsu là con đường dẫn chúng ta đến sự sống đời đời, con đường ấy không phải là con đường trải dài thảm đỏ, dệt gấm, thêu hoa, nhưng là con đường chẳng mấy ai đi, con đường thập giá, con đường đưa dẫn đến núi sọ, huyệt đá, con đường tự huỷ (x. Mt 16,24-25). Khi Ngài nói với người Do Thái: “Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh” (Ga 6,32). Đối với người Do Thái đây là một lời chướng tai, gai mắt vì họ tìm đến với Chúa Giêsu là để được ăn no nê cơm bánh như ông Môsê đã cho cha ông họ ăn manna trong sa mạc. Mặt khác, họ đã chứng kiến Chúa Giêsu làm dấu lạ năm chiếc bánh và hai con cá cho khoảng năm ngàn người ăn còn thu được mười hai thúng vụn. Họ hy vọng gặp Chúa sẽ đón nhận nhiều dấu lạ hơn thế nữa. Thế nhưng, không như kỳ vọng thay vì được của ăn vật chất lại được nhận giáo huấn về sự sống vĩnh cửu nhằm đánh thức lương tâm họ sám hối, tẩy trừ tội lỗi. Đồng thời cũng cho họ biết bánh manna trong sa mạc cha ông họ đã ăn không phải là bánh trừ trời, đó chỉ vật chất thấp hèn, mau qua chóng tàn, bánh Thiên Chúa ban mới là bánh từ trời, bánh đem lại sự sống (x. Ga 6,32-33). Bánh manna trong sa mạc không thể đem lại hạnh phúc đích thực, bánh trường sinh mới bảo đảm niềm hạnh phúc vững bền.
Như vậy, hành động “sám hối và tin vào Tin mừng” mang hai phạm trù khác nhau, nhưng không tách biệt mà bổ sung để trở nên một hành động vững chắc dựa trên nền tảng đức tin. Nhờ tin con người mới hoán cải đời sống để xứng đáng lãnh nhận bánh trường sinh. Lời mời gọi sám hối không phải chỉ để nghe nhưng là thực hành. Bởi vậy, thánh Giacôbê thật hữu lý khi nói: “Đức tin không hành động là đức tin chết” (Gc 2,17). Đức tin “là sự đảm bảo cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng về những điều ta không thấy” (Dt 11,1).
2. Trí
“Lý trí là hồng ân cao quí Thiên Chúa ban cho con người, và sự chiến thắng của lý trí trên sự phi lý cũng là một mục tiêu của đức tin Kitô giáo” (Spe salvi, số 23). Quả thật, lý trí là hồng ân cao quí Thiên Chúa tặng ban cho con người một cách nhưng không, nhờ đó mà chúng ta nhận biết, yêu mến và tôn thờ Thiên Chúa một cách quang minh, có nền tảng chứ không mê tín dị đoan. Bởi vậy, mở đầu thông điệp Fides et ratio, thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II nói như sau: “Đức tin và Lý trí được ví như đôi cánh giúp tâm trí con người vươn cao lên trong sự chiêm nghiệm chân lý".
Hẳn thật, giữa đức tin và lý trí, giữa huyền nhiệm và khoa học đành rằng có những khác biệt, là hai lãnh vực khác nhau, nhưng không vì thế mà đối nghịch nhau. Cả hai đều lớn lên và tồn tại trong đời sống. Chúng bổ túc và phong phú hóa cho nhau để giúp con người hình thành quan niệm đúng đắn và quân bình, đồng thời làm triển nở sâu rộng mọi chiều kích nhân, linh. Lý trí còn giúp chúng ta nhận ra vấn đề minh bạch để đức tin được sáng tỏ. Chẳng hạn dấu lạ bánh hoá ra nhiều lý trí giúp ta suy tư biện phân những điều phải, trái, hàm ẩn trong đó. Phép lạ hoá bánh ra nhiều chúng ta không thể dừng lại ở thực tại, nhưng nhận thức mầu nhiệm ẩn kín trong đó là bánh thường tồn chính Chúa Giêsu hiến thân mình làm của lễ dưỡng nuôi linh hồn chúng ta. Thánh Augustinô nói rằng đức tin soi sáng tâm trí và giúp cho lý trí nắm bắt được những chân lý nền tảng về toàn bộ thực tại: “Tôi tin để hiểu và tôi hiểu để tin”. Chính vì thế mà lý trí cần đến đức tin để hoàn toàn là chính mình: lý trí và đức tin cần đến nhau để hoàn thành bản chất và sứ mạng đích thực của mình” (Spe salvi, số 23). Thánh Thomas Aquino xác tín như sau: “Tin là hành vi của trí tuệ gắn bó với chân lý của Thiên Chúa, dưới sự điều động của ý chí được ân sủng của Thiên Chúa lay động” (Tổng luận thần học, II-II. q.2,a.2).
Từ dấu lạ hoá bánh ra nhiều, Chúa Giêsu giáo huấn cho người Do Thái sự cao quý về hạnh phúc đích thực không phải là no thoả cái bụng, nhưng là lương thực thường tồn. Đối với người Do Thái, bánh manna họ đã được ăn trong sa mạc hết sức quan trọng. Đây là thời điểm người Do Thái ăn bánh không men để tưởng nhớ biến cố Chúa giải phóng dân khỏi ách nô lệ Ai Cập. Khởi đi từ phép lạ manna để chứng minh Người là Bánh đích thực mà Chúa Cha ban cho nhân loại. Người là Manna mới từ trời xuống nuôi dưỡng loài người không chỉ no đủ về phương diện thể xác mà còn lương thực thường tồn nuôi dưỡng linh hồn (Ga 6,33).
3. Tâm
Chữ Tâm trong tiếng Hán là (心 xīn) dùng để chỉ trái tim, tâm tư, lòng. Trái tim trong y học cho biết chức năng bơm để đẩy máu, đem dưỡng khí và các chất dinh dưỡng đến toàn bộ cơ thể, đồng thời loại bỏ các chất thải trong quá trình trao đổi chất. Quan niệm trái tim trong các tôn giáo là Đền Thờ: Ấn Độ giáo xem trái tim là đền thờ (Brahmapura) của Brahma. Đối người Hồi giáo, trái tim là ngai vàng của Thượng Đế. Còn trong Kitô giáo, trái tim là đền thờ, là bàn thờ, là vương quốc của Chúa Thánh Thần cư ngụ, là tình yêu (Agape), lòng bác ái trắc ẩn chính Chúa Giêsu đã đem đến cho nhân loại “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,8,16).
Trong thông điệp Đấng Cứu Chuộc Con Người (Redemptor Hominis, 1979), thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II nhấn mạnh: “Con người không thể sống mà không có tình yêu. Con người vẫn là hữu thể mà chính mình không thể hiểu được, cuộc sống con người vô nghĩa, nếu tình yêu không được biểu lộ, nếu con người không gặp gỡ tình yêu, nếu con người không kinh nghiệm tình yêu và làm cho tình yêu ở lại nơi mình, nếu con người không tham dự vào tình yêu cách mật thiết” (Redemptor Hominis, 10). Tình yêu chính là mối dây liên kết giưa con người với Thiên Chúa và với tha nhân. Do đó, giới răn cao cả nhất của Thiên Chúa là “giới răn tình yêu”, mến Chúa và yêu người. Chính vì lẽ đó, sứ vụ của Chúa Giêsu đến trần gian là loan báo Tin mừng cứu độ, yêu thương phục vụ, bao dung tha thứ, làm các phép lạ hoá bánh ra nhiều cho dân chúng được ăn và ăn no nê, chữa lành bệnh tật cho người đau yếu, cho người chết sống lại… cuối cùng là chết đau thương trên thập giá trao ban chính Máu, Thịt mình để dưỡng nuôi linh hồn: “Điều mới mẻ thật sự của Tân Ước không phải là các tư tưởng mới, nhưng chính là hình ảnh của Đức Kitô, Đấng ban cho tư tưởng Thịt và Máu” (Deus caritas est, số 12).
Trong cuộc lữ hành trần gian, ai cũng đói khát, đói khát vật chất, đói khát tinh thần, đói khát niềm tin, đói khát hy vọng, đói khát tình yêu, đói khát chân lý…Chỉ trong Đức Kitô chúng ta mới tìm được hạnh phúc đích thực: “Ta là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14, 6). Là sự sống vĩnh cửu mà Ngài đã hứa ban: “Ta đã đến là để chúng được có sự sống, và sống một cách dồi dào” (Ga 10,10). Và “không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu” (Ga 15,13). Thiên Chúa là tình yêu, Ngài mời gọi chúng ta hãy yêu thương, phục vụ nhau như chính Thầy đã phục vụ, phục vụ bằng tâm và trí.
Qua bài Tin mừng hôm nay Chúa gửi đến cho chúng một sứ điệp đó là “tin”, “Tin vào Đấng Người sai đến”. Trong đức tin chúng ta nhận ra giá trị và ý nghĩa khác nhau về bánh, bánh manna và bánh thường tồn. Nhờ đức tin chúng ta ra công làm việc vì của ăn thường tồn không bao giờ hư nát. Để xứng đáng sống trọn chữ tin chúng ta phải sám hối, canh tân, khơi sáng lòng trí, yêu thương Thiên Chúa hết lòng hết sức, hết linh hồn và yêu mến tha nhân như chính mình.
Hữu Quỳnh