Cứ theo tường thuật, thì nhân vật Giakêu trong đoạn Tin Mừng hôm nay quả là một kẻ tiêu biểu cho mọi thứ tội lỗi. Là người thu thuế, dưới cái nhìn của dân Do Thái thời đó, nghĩa là một kẻ tội lỗi. Đã thế, Thánh Luca còn nhấn mạnh thêm “và là một người giàu có”; thu thuế mà giàu có thì ắt là phải cưỡng đoạt của người khác, như chính Giakêu thú nhận sau đó; và ngay cả hình hài của ông cũng dị thường: lùn, và hẳn phải lùn lắm mới không thể kiễng chân mà nhìn nên phải chạy đón đầu và phải leo lên cây để xem Đức Giêsu đi qua; theo quan niệm của người Do Thái, một kẻ có hình hài dị thường là do hậu quả của tội lỗi. Và chắc là dân chúng cũng không ưa gì ông nên dù thấy ông lùn nhưng cũng không nhường cho ông lên trước, nếu không phải là cố tình hất ông ra khỏi đám đông đang đi theo một nhân vật lớn. Tóm lại, một kẻ không nên dây đến để khỏi phải bị ô uế, như người Do Thái quan niệm!
Nhưng Đức Giêsu đã làm một chuyện bất ngờ dưới cách nhìn của đám đông có lẽ cũng đang tự mãn về sự công chính và lòng đạo đức của mình, ít nhất thì cũng hơn cái anh chàng lùn tịt tội lỗi Giakêu: “Hôm nay tôi phải ở lại nhà ông”. Đến đây, theo mạch văn của Thánh Luca, đã xảy ra một sự đổi ngôi: kẻ tội lỗi Giakêu, trước đó bị đám đông loại trừ, đã “mừng rỡ đón rước Người”; còn đám đông thì thất vọng về quyết định của Đức Giêsu, không loại trừ cả tự tự ái bốc lên ngùn ngụt vì thấy mình thua anh chàng Giakêu tội lỗi kia, nên đâm ta xầm xì, dè bỉu: “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ”.
Cuộc đổi ngôi này làm chúng ta nhớ lại kết luận cũng khá ngược đời của Đức Giêsu trong đoạn Tin Mừng cũng của Thánh Luca ở chúa nhật tuần trước nói về dụ ngôn người Pharisêu và người thu thuế lên đền thờ cầu nguyện (Luca 18,9-14): người khiêm tôn nhìn nhận mình là tội lỗi thì được nên công chính, còn kẻ huênh hoang về công đức và lòng đạo của mình thì không. Và liên quan đến đoạn Tin Mừng nói trên, chúng ta cũng nên lưu ý về hai phát biểu của người Pharisêu và của Giakêu. Nếu xét về tính cách “nổ”, thì cả hai không ai kém ai lắm; nếu người Pharisêu “ăn chay mỗi tuần hai lần, dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con”, thì Giakêu “này đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã cưỡng đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn”. Nhưng hai cái “nổ” này lại biểu hiện hai thái độ khác nhau về cơ bản: một bên người Pharisêu là tự mãn về chính mình nên không cần biết người khác, thậm chí chà đạp người khác; và việc đạo đức ông làm hay của cải ông dâng cúng là để cho Chúa, nhưng thực chất là để thể hiện lòng tự mãn của riêng ông. Còn cái “nổ” của Giakêu biểu hiện tâm trạng phấn kích vì đã được Chúa đoái thương và thể hiện thái độ ăn năn về tội lỗi của mình bằng cách hướng đến người khác, cụ thể là người nghèo và những người đã bị mình gây thiệt hại. Do đó mà Giakêu thì được Chúa “tìm và cứu”, còn người Pharisêu thì “bị hạ xuống”.
Đoạn Tin Mừng hôm nay gieo nơi mỗi người chúng ta một niềm hy vọng, hơn thế nữa, một niềm tin, lớn lao. Mang thân phận làm người, chúng ta ý thức về yếu đuối và tội lỗi của mình. Nhưng chúng ta không bao giờ tuyệt vọng về thân phận tội lỗi đó. Bởi “Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất”.