Tám ngày sau lễ Giáng Sinh, Giáo hội mừng lễ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa để tỏ lòng yêu mến và tôn vinh người nữ đầy ơn phúc, Đấng đã cưu mang và hạ sinh Con Thiên Chúa làm người theo kế hoạch của Thiên Chúa. Cử hành lễ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa vào đầu năm dương lịch mỗi người chúng ta hãy xin Chúa ban bình an cho chúng ta trong năm mới dưới sự bảo trợ của Mẹ Maria.
BÀI ĐỌC 1: Ds 6,22-27
Phúc lành của Thiên Chúa
Trong bối cảnh của Kinh Thánh, đoạn văn này nằm ở phần cuối của một loạt các khoản lề luật. Đoạn văn cầu xin phúc lành của Thiên Chúa trên dân Ngài. Việc lặp lại ba lần “Nguyện xin” làm cho nó trở thành một lời chúc phúc mạnh mẽ và kiên trì, kêu xin sự hiện diện và bảo vệ của Chúa trên dân Ngài. Chúc lành được giao cho các tư tế, con cháu Aharon đảm nhận, đã được thực hành rất lâu đời và luôn được sử dụng phổ biến. Những phúc lành tương tự đã được tìm thấy trên một chiếc bình từ thế kỷ thứ tám trước Công nguyên tại Kuntillet Ajrud ở thượng bán đảo Sinai và trên những miếng bạc nhỏ, có thể là bùa hộ mệnh, trong những ngôi mộ từ thế kỷ thứ bảy ở Thung lũng Hinnom bên ngoài Giêrusalem. Nhà hiền triết ở thế kỷ thứ hai, Ben Sira, mô tả lời chúc phúc hàng ngày của thầy thượng tế: “Sau đó, ngài sẽ giơ tay trên cả cộng đồng con cái Israel, và đọc lời chúc lành của Đức Chúa; như thế ông được vinh dự xướng lên Thánh Danh Ngài. Một lần nữa dân chúng lại phủ phục, để đón nhận phúc lành từ Đấng Tối Cao.” (Hc 50,20-21). Phúc lành của Thiên Chúa có nghĩa là được chia sẻ sự sống và quyền năng của Thiên Chúa. Được Chúa chúc phúc không chỉ là được ban cho ân sủng thiêng liêng; đó cũng là để nhận được vật chất một cách dồi dào. Trong sách Sáng Thế, con người được ban cho khả năng sinh sản và tặng phẩm đất đai (x. St 1,28; 27,27-29; 35,9-12). Phúc lành của Thiên Chúa cũng mang lại sự thịnh vượng và hòa bình. Được Chúa ban ơn là được thêm sức mạnh để sống đúng như con người, là hình ảnh của Thiên Chúa.
ĐÁP CA: Tv 67
Muôn dân nước hãy cảm tạ Thiên Chúa
Thánh vịnh này thể hiện một nghi lễ phụng vụ tại đền thờ, trong đó cộng đoàn lặp lại một phần lời chúc phúc nổi tiếng của Aarôn (Ds 6, 24-26). Dân chúng đón nhận sự ban phước của thầy tư tế (c. 2), và họ ý thức rằng sự thịnh vượng mà Thiên Chúa ban cho họ làm chứng cho lòng thương xót và quyền năng của Ngài (c. 3). Câu thứ nhất trong hai điệp ca, mời gọi các quốc gia nhìn nhận và cùng cảm tạ Đức Chúa (c. 4), dùng làm lời mở đầu cho lời tuyên bố rằng Đức Chúa hướng dẫn các nước; điệp khúc thứ hai (c. 6) đóng vai trò như lời mở đầu cho tuyên bố rằng Đức Chúa làm cho trái đất trở nên dồi dào sung mãn.
Các Giáo phụ đã áp dụng câu “Đất đã sinh ra mùa màng hoa trái” (c. 7) cho Đức Maria, đấng đã sinh ra Chúa Cứu Thế, là Con Thiên Chúa. Vì lí do này, Thánh vịnh 67 đã được cầu nguyện vào ngày 1 tháng Giêng, kính Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa (x. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, buổi gặp gỡ chung ngày 9 tháng Mười, năm 2002; 17 tháng Mười Một, năm 2004).
BÀI ĐỌC 2: Gl 4,4-7
Mẹ Thiên Chúa
Trong Thư gửi tín hữu Galát, Phaolô không có ý khẳng định bất cứ điều gì về vai trò làm mẹ của Đức Maria. Ngài chỉ muốn khẳng định rằng chúng ta không còn phải tuân phục Lề Luật nữa. Tại sao không? Bởi vì Chúa Giêsu, mặc dù là một con người thật giống như chúng ta, đã gọi Thiên Chúa là Cha của mình. Là con và là người thừa kế của Thiên Chúa, Chúa Giêsu thoát khỏi mọi hạn chế và nô lệ. Chúng ta cũng vậy, được tháp nhập vào Chúa Kitô trong phép rửa, chúng ta là những người thừa kế và tự do tương tự. Tất cả điều này phụ thuộc vào việc Chúa Giêsu chia sẻ trọn vẹn nhân tính của chúng ta. Phaolô chỉ nói điều này, “do một người nữ sinh ra”. Chúa Giêsu đã nhận hiện sinh làm người của mình từ đâu, nếu không phải từ Đức Maria? Tại Công đồng Êphêsô, Nestorius muốn Đức Maria chỉ được gọi là Christotokos hoặc “Người cưu mang Chúa Kitô”, nhưng Công đồng nhấn mạnh rằng con người Giêsu, Đấng cũng hoàn toàn là Thiên Chúa, đón nhận toàn bộ con người của mình từ Đức Maria: Mẹ là Theotokos, “Đấng cưu mang Thiên Chúa”. Từ Đức Maria, Chúa Giêsu đã nhận được gen, DNA, máu thịt của mình, khí chất của mình, thói quen tư duy, tính cách ấm áp của mình. Người là con người hoàn toàn, thẳng thắn và vui tươi, tuy nhiên những người mở rộng tâm hồn và lắng nghe Người không thể không tôn kính vì chỉ có Thiên Chúa mới có thể được tôn kính.
TIN MỪNG: Lc 2,16-21
Cắt bì và đặt tên Hài Nhi
Bài đọc này trong lễ trọng kính Đức Maria Mẹ Thiên Chúa về căn bản giống như bài đọc trong lễ Giáng Sinh lúc Rạng Đông. Tuy nhiên, những câu này có đề cập thêm việc cắt bì và đặt tên cho Chúa Giêsu. Mặc dù đây là một sự khác biệt nhỏ, nhưng phần bổ sung chuyển trọng tâm của đoạn văn từ những người chăn chiên sang Hài Nhi và cha mẹ của Người. Đầu tiên, cảnh tượng về gia đình thấp hèn này đã mở mắt cho những người chăn chiên để họ có thể hiểu được ý nghĩa của sứ điệp mà các thiên thần đã loan báo. Sau đó, Đức Maria ghi nhớ tất cả những biến cố mầu nhiệm này trong tâm hồn mình và suy đi nghĩ lại về ý nghĩa của nó. Cuối cùng, Đức Maria và thánh Giuse sắp xếp cho Hài Nhi được cắt bì và đặt tên.
Cắt bì là nghi thức khởi đầu cho những trẻ nam gia nhập cộng đồng Israel. Nó đã được Thiên Chúa truyền lệnh cho tổ phụ Ápraham và tất cả con cháu của ông, và từ thời điểm đó trở đi, nghi thức này được coi là một dấu chỉ của giao ước (St 17,9-11). Là những người Do Thái toàn tòng, Đức Maria và thánh Giuse đã tuân thủ mọi quy định của Lề Luật, thực hành việc cắt bì cho con của mình theo phong tục.
Ngoài việc được cắt bì, đứa trẻ đã được đặt tên. Khi thiên thần hiện ra với Đức Maria và loan báo rằng Mẹ đã được chọn làm mẹ của Đấng muôn dân mong đợi, thì thiên thần cũng nói với Mẹ rằng con trẻ sẽ được đặt tên là Giêsu (1,31), có nghĩa là “Đấng cứu độ” (x. Mt 1,21). Bây giờ tất cả những điều mà thiên thần thông báo đã xảy ra. Và Đức Maria sẽ phải chờ xem làm thế nào Người sẽ ngự trên ngai vàng của cha Người là Đavít và cai trị nhà Giacóp mãi mãi (x. 1,32 tt).
THAM KHẢO SÁCH GIÁO LÍ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO
GLHTCG 464-469 : Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa thật và là người thật
GLHTCG 495,2677 : Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa
GLHTCG 1, 52, 270, 294, 422, 654, 1709, 2009 : Chúng ta là nghĩa tử của Thiên Chúa
GLHTCG 527, 577-582 : Đức Giêsu tuân hành và kiện toàn Lề Luật
GLHTCG 580, 1972 : Luật Mới giải thoát chúng ta khỏi những ràng buộc của Luật Cũ
GLHTCG 683, 689, 1695, 2766, 2777-2778 : Trong Thánh Thần, chúng ta có thể gọi Thiên Chúa là “Cha”
GLHTCG 430-435, 2666-2668, 2812 : Danh Thánh Giêsu