Chúa nhật tuần trước chúng ta đã nghe dụ ngôn về cầu nguyện với sự kiên trì. Hôm nay chúng ta tiếp tục dụ ngôn về cầu nguyện với thái độ khiêm tốn cậy trông. Hôm nay cũng là Chúa nhật Thế giới Truyền giáo, được Đức giáo hoàng Piô XI thiết lập và năm 1926
Chúa nhật tuần trước chúng ta đã nghe dụ ngôn về cầu nguyện với sự kiên trì. Hôm nay chúng ta tiếp tục dụ ngôn về cầu nguyện với thái độ khiêm tốn cậy trông. Hôm nay cũng là Chúa nhật Thế giới Truyền giáo, được Đức giáo hoàng Piô XI thiết lập và năm 1926. Chủ đề sứ điệp truyền giáo năm nay của Đức Phanxicô là: “Các con sẽ là nhân chứng của Thầy” (Cv 1,8). Hàng năm, Giáo hội hoàn vũ dành riêng tháng 10 để suy niệm và cầu nguyện cho công cuộc truyền giáo. Vào Chúa nhật Thế giới Truyền giáo, người Công giáo cử hành Bí tích Thánh Thể và đóng góp cho công việc truyền giáo trên khắp thế giới. Lễ kỷ niệm hàng năm này cho chúng ta cơ hội để suy ngẫm về tầm quan trọng của việc truyền giáo đối với đời sống của Giáo hội. Nó nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta là duy nhất với Giáo hội trên toàn thế giới và tất cả chúng ta đều dấn thân thực hiện sứ mệnh của Chúa Kitô, cho dù hoàn cảnh của chúng ta có thể khác nhau. BÀI ĐỌC 1: Hc 35,15-17, 20-22 Lời cầu nguyện của người khiêm tốn
Vào khoảng năm 175 trước Công nguyên, nhiều người Do Thái sống ở các thành phố nơi dân ngoại chiếm đa số, đã vô tình đồng hóa với văn hóa của họ. Do đó, ông Giêsu con ông Sirach, một người Do Thái khôn ngoan, đã dạy dân của mình, những người Do Thái trung thành cần phải sống một cuộc sống tốt đẹp như thế nào, họ nên lựa chọn đạo đức và tinh thần nào, và hành vi nào sẽ được tôn trọng đối với những người tuân giữ tôn giáo truyền thống của cha ông. Nhiều người cùng thời với ông đã để cho văn hóa Hy Lạp lôi cuốn; và đối với họ đạo Do Thái đã già cỗi rồi. Tác giả muốn chứng minh cho họ thấy đức tin có ý nghĩa gì khi phải sống và giải quyết những vấn đề của cuộc sống thực tế. Chương 35 bắt đầu với việc trình bày về những việc hy sinh thực sự được Thiên Chúa đón nhận. Chúng bao gồm việc tuân giữ lề luật, tuân theo các điều răn (c. 1); làm việc từ thiện, bố thí (c. 2); loại bỏ điều ác và xa tránh điều bất công (c. 3). Trong phần được chọn cho bài đọc thứ nhất, tác giả sách Huấn Ca khẳng định rằng Đức Chúa Đấng công chính không thiên vị ai. Đúng hơn, Ngài luôn luôn lắng nghe và đáp trả những lời cầu nguyện khiêm nhường của những bà góa, những trẻ mồ côi, những người hèn mọn, yếu đuối và những người bị áp bức. ĐÁP CA: Tv 34,2-3,16-21 Chúa ưu ái người nghèo hèn
Thánh vịnh 33 trước đó đã mời gọi những người công chính (số nhiều) ca ngợi Chúa (x. Tv 33: 1), nhưng Thánh vịnh này là một bài ca ngợi khen cho một cá nhân (số ít). Thánh vịnh 34 là một lời mời gọi ngợi khen Chúa vì lòng nhân từ của Ngài trong việc giải thoát những người nghèo hèn, bé nhỏ. Đây là một trong những thánh vịnh theo bảng chữ cái tiếng Hipri, trong đó thứ tự câu được sắp xếp theo định dạng bảng chữ cái, với mỗi câu được gán một chữ cái liên tiếp. Trong hai câu đầu, tôi tớ của Chúa bày tỏ sự ngợi khen không ngừng đối với Chúa. Ngợi khen Chúa làm tươi tỉnh tâm hồn người nghèo hèn và cho kẻ bị áp bức và người khiêm nhường vui mừng. Họ được nghe lời chứng về vinh quang của Chúa từ môi miệng tôi tớ Ngài.
Tôi tớ của Chúa nói với những người khiêm nhường trong các câu 16-18. Ông nhắc nhở họ rằng Chúa của đức công chính sẽ không để cho những kẻ làm ác vô can vì đã đàn áp những người chính trực và yếu thế. Định nghĩa về một người công chính không chỉ hệ tại hành động ngay thẳng (cc. 13-14). Điều xác định người công chính là lòng sám hối và khiêm nhường trước mặt Chúa. Người tôi tớ khiêm nhường là người được Chúa cho nên công chính và ban ơn cứu chuộc (c. 23). Sứ điệp của Thánh vịnh này được phản ánh trong bài Tin Mừng khi Chúa Giêsu kể một dụ ngôn về hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một là người tự coi mình là “công chính”, không tỏ ra khiêm nhường trong lời cầu nguyện; và người kia là một người thu thuế, một tội nhân, nài xin lòng thương xót Chúa. Người này được Chúa nhận lời.
THAM KHẢO SÁCH GIÁO LÍ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO + GLHTCG 588, 2559, 2613, 2631 : Khiêm tốn là nền tảng cho việc cầu nguyện + GLHTCG 2616 : Chúa Giêsu đón nhận lời cầu nguyện trong đức tin + GLHTCG 2628 : Thờ lạy là thái độ của người nhìn nhận mình là thụ tạo trước mặt Thiên Chúa + GLHTCG 2631 : Cầu xin ơn tha thứ là động thái đầu tiên của lời kinh cầu xin