Sau khi sống lại từ cõi chết, Chúa Ki-tô Phục Sinh đã hiện ra nhiều lần với các môn đệ trong suốt thời gian bốn mươi ngày. Người hiện ra với các môn đệ nhằm củng cố niền tin Phục Sinh của các ông để không những bản thân các ông vững tin vào Chúa đã sống lại từ cõi chết, mà còn để các ông sẵn sàng đem niềm tin Phục Sinh đến cho mọi người. Hôm nay Chúa Phục Sinh hiện ra với các môn đệ lần cuối cùng sau bốn mươi ngày, rồi Người lên trời trước mặt các ông và từ nay các ông sẽ không thấy Người nữa cho đến ngày Người trở lại trong vinh quang với các thần thánh. Nhưng Chúa lên trời để làm gì? Có phải lên trời là Chúa đi xa các môn đệ, như những người thân từ giã nhau để rồi đi xa cách nhau mà không còn hy vọng gặp lại nhau?
Nghĩ như vậy là chúng ta không hiểu gì về Chúa và cũng chẳng hiểu gì về ý nghĩa của việc Chúa lên trời.
Chúa lên trời trước hết có nghĩa là Người ra đi khuất mắt chúng ta và các môn đệ không còn trông thấy Người bằng con mắt tự nhiên nữa. Tại sao Chúa lại không muốn cho ta thấy Người như trước nữa? Vì Người muốn cho đức tin của các môn đệ được vững mạnh và sâu xa. Nếu còn thấy Chúa nhãn tiền thì người ta không cần tin nữa. Người ta chỉ tin khi không thấy, không nghe, không đụng chạm thể lý. Tin như vậy mới thật sự có phúc. “Phúc thay những người không thấy mà tin”. Nhưng việc lên trời còn có ý nghĩa sâu xa và tích cực nhiều hơn. Chúa lên trời không phải để lìa xa chúng ta là chi thể của Người, nhưng là để hằng chuyển cầu cho chúng ta trước mặt Chúa Cha, để tuôn trào Thánh Thần Thiên Chúa xuống đầy tràn chúng ta và để ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế.
Trước hết, Chúa lên trời để chuyển cầu cho chúng ta. Chúa Giê-su Ki-tô đã hiến thân chịu chết để tẩy xóa tội lỗi và cái chết muôn đời cho chúng ta. Người đã sống lại để ban Nguồn sống mới cho chúng ta và Người về bên Chúa Cha làm Đấng Trung Gian duy nhất giữa Thiên Chúa Cha và chúng ta. Thiên Chúa Cha đã hoàn toàn hài lòng về Chúa Giê-su khi Người tự ý hiến thân chịu chết và sống lại vì loài người chúng ta. Khi lên trời về bên Chúa Cha, Chúa Giê-su đã đem tất cả loài người chúng ta trình diện Chúa Cha. Vì Chúa Giê-su, Chúa Cha không những đã tha thứ hết mọi tội lỗi cho chúng ta, mà còn đem lòng yêu mến chúng ta và sẵn lòng nhận lời chuyển cầu của Chúa Giê-su cho chúng ta. Chúa Giê-su lên trời làm thượng tế vĩnh cửu để ngày đêm xin Chúa Cha tuôn tràn mọi ân huệ cho chúng ta, đồng thời chuyển lời cầu của chúng ta lên Chúa Cha. Chúng ta được tha thứ tội lỗi trong Chúa Giê-su, được yêu mến trong Chúa Giê-su và được nhận lời cầu trong Chúa Giê-su. Chúa lên trời là để chuyển cầu cho chúng ta. Đó là ý nghĩa thứ nhất.
Tiếp đến, Chúa lên trời để tuôn trào Thánh Thần Thiên Chúa xuống trên chúng ta. “Thầy ra đi thì có lợi cho anh em. Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em; nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ phái Đấng ấy đến với anh em” (Ga 16,7). Chúa Phục Sinh đã thông ban Thánh Thần ngay từ ngày thứ nhất trong tuần, khi Người đến gặp các môn đệ. “Người thổi hơi vào các ông và bảo: Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20,22). Chúa Phục Sinh lên trời ban Thánh Thần cho các môn đệ để làm gì? Để biến đổi các ông và làm cho các ông trở thành nhân chứng của Chúa Phục Sinh cho đến tận cùng trái đất. Bao lâu Chúa Thánh Thần chưa đến, các môn đệ vẫn chỉ là những con người tự nhiên: nhút nhát, chậm tin vào Lời Chúa và không dám làm gì và càng không thể ra đi làm chứng cho Thầy. Vì thế, Chúa Giê-su cần phải ra đi, phải lên trời, để Chúa Thánh Thần đến thực hiện công trình của Người. Chúa Thánh Thần đến tràn ngập các môn đệ, biến đổi toàn diện con người các ông từ bên trong, mà Sách Thánh gọi là rửa trong Thánh Thần. Nhờ được rửa trong Thánh Thần, các môn đệ Ki-tô trở thành con người mới hoàn toàn, con người Thần Khí, sống nhờ Thần Khí và hoạt động do Thần Khí hướng dẫn. Chúa Thánh Thần sẽ thúc đẩy các môn đệ ra đi làm chứng cho Chúa Phục Sinh.
Các môn đệ ra đi làm chứng cho Chúa Phục Sinh cùng với Chúa Thánh Thần ở trong các ông. Như vậy ta hiểu: Chúa lên trời là để tuôn trào Thánh Thần cho các môn đệ.
Sau cùng, Chúa lên trời là để ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế. Trời không phải là một nơi chốn nhất định nào đó như ở trên trần gian chúng ta. Trái lại, trời là chính Thiên Chúa. Chúa Giê-su lên trời là Chúa chuyển từ tình trạng vinh quang bị che giấu khi làm người, sang tình trạng vinh quang hoàn hảo và vĩnh cửu của Thiên Chúa. Chúa lên trời là thân xác phàm nhân của Chúa Giê-su từ nay được đón nhận và thấm nhập vinh quang thần linh, Chúa Giê-su lên trời là Chúa được tôn vinh làm Đức Chúa và làm Đấng Ki-tô. Được tôn vinh làm Đúc Chúa, Chúa Giê-su có “toàn quyền trên trời dưới đất”. Các môn đệ Ki-tô là những người hoàn toàn thuộc về Chúa Giê-su, Đấng đã chết và sống lại vì họ. Chúa Giê-su lên trời là Người không còn ở với các môn đệ theo tự nhiên thường tình nữa. Trái lại, từ nay lên trời rồi, “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”, ở cùng anh em cách thâm sâu và khắng khít hơn, ở thường xuyên liên tục cùng anh em, không có bất cứ điều gì có thể chia lìa được mối kết hợp bền chặt này. “Lòng anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi. Anh em đã nghe Thầy bảo: Thầy ra đi và đến với anh em” (Ga 14,27-28). “Thầy sẽ không để anh em mồ côi. Thầy đến với anh em” (Ga 14,18). Rõ ràng Chúa Giê-su nhắc đi nhắc lại: Thầy đến với anh em. Điều này có nghĩa là Thầy ra đi, Thầy lên trời cốt là để “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”.
Thầy đã ở cùng anh em và vẫn ở cùng anh em mãi mãi. Cho nên người môn đệ Ki-tô có nghĩa là người ở cùng Chúa Ki-tô Phục Sinh mọi ngày và mãi mãi. Sống đời Ki-tô hữu là sống với Chúa Ki-tô mọi ngày trong cuộc đời. Lúc nào và ở đâu Chúa Ki-tô vẫn ở cùng chúng ta, thế là lúc nào và ở đâu ta cũng ở cùng Chúa Ki-tô. Ở cùng Chúa Ki-tô mọi nơi mọi lúc là nên một với Chúa Ki-tô, là bắt đầu hưởng trước phúc lộc quê trời. Chúa ở đâu là trời ở đó. Ngay từ dưới đất này, người Ki-tô hữu đã bắt đầu sống ở trên trời khi họ sống với Chúa Ki-tô mọi nơi mọi lúc. Bằng cách nào? Thường xuyên đọc và sống Lời Chúa hằng ngày; năng tham dự thánh lễ và rước lễ và cầu nguyện kết hợp với Chúa trong mọi lúc. Đi đâu cũng đi với Chúa, làm việc gì cũng làm với Chúa và làm vì Chúa. Đối xử với mọi người như Chúa đối xử với họ. Cùng hưởng niềm vui với Chúa, cùng chịu đựng đau khổ thử thách với Chúa. Sống với Chúa và chết cho Chúa. Tất cả mọi người mọi sự là cho Chúa. Và Chúa Giê-su Ki-tô là tất cả!
Lm. Gioan Nguyễn Như Yêng