38Khi ấy ông Gioan nói với Đức Giêsu rằng: “Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta.” 39Đức Giêsu bảo:“Đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu Thầy. 40Quả thật, ai không chống lại chúng ta, là ủng hộ chúng ta. 41“Ai cho anh em uống một chén nước lã vì lẽ anh em thuộc về Đấng Kitô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu. 42“Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn. 43Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi ; thà cụt một tay mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai tay mà phải sa hoả ngục, phải vào lửa không hề tắt. 45Nếu chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một chân mà được vào cõi sống còn hơn có đủ hai chân mà bị ném vào hoả ngục. 47Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã, thì móc nó đi; thà chột mắt mà được vào Nước Thiên Chúa còn hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào hoả ngục, 48nơi giòi bọ không hề chết và lửa không hề tắt.” Đó là Lời Chúa.
Suy Niệm:
Hôm nay, bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe Thánh Gioan đặt ra một câu hỏi :“Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta” Câu hỏi chúng được Chúa Giê su trả lời trên nguyên tắc căn bản: “ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta” và “đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy”
Nguyên lý của Chúa Giêsu đưa ra, có thể nói, rất hữu ích cho phong trào đại kết mà Giáo hội đang nỗ lực thực hiện ngày nay, và giúp chúng ta biết phân định: khi nào thì cần dứt khoát, không nhân nhượng, khi nào cần mềm dẻo và linh hoạt. Thay vì đóng kín, khép mình, độc tôn, thì có lẽ một thái độ linh hoạt, cởi mở, tôn trọng và đối thoại rất cần với mỗi người chúng ta hôm nay.
Mấu chốt của mọi tương quan, có lẽ là đức ái. Vì thế Chúa Giêsu dạy các môn đệ: “Ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em thuộc về Đấng Kitô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu”
Đức ái hướng con người đến sự sống. Ngược với đức ái, đó là những hành động hướng con người tới chỗ diệt vong. Vì thế, cuối đoạn Tin Mừng là những lời cảnh báo nghiêm khắc của Chúa Giêsu đối với những cớ vấp phạm.Dĩ nhiên ở đây ngôn ngữ chỉ mang tính biểu trưng qua hình ảnh cụ thể của tay, chân và mắt. Thật ra, không phải tay, chân hay mắt là duyên cớ dẫn đưa con người tới tội lỗi, mà chính là những ý tưởng không ngay lành. Tuy vậy, sứ điệp của Chúa Giêsu ở đây là rất rõ ràng: cần từ bỏ dứt khoát với mọi bối cảnh dẫn đưa đến tội chết.
Như vậy qua những lời giáo huấn trên, Đức Giêsu đã ca ngợi một tinh thần đại đồng và liên đới, cụ thể qua những nghĩa cử cao đẹp và bác ái đối với anh chị em mình, dù là những việc nhỏ nhất, vì nó phục vụ cho sự sống. Và với những ai làm điều ngược lại, Người gay gắt chỉ trích phê bình.
Hơn nữa,Đức Giêsu cũng mạnh mẽ lên án những kẻ gây gương mù gương xấu cho người khác, nhất là những bậc làm cha mẹ, những người có trách nhiệm hướng dẫn người khác trong đời sống Như thế,. trong đời sống cộng đoàn, chúng ta lắng nghe Lời Chúa dạy biết vượt qua những khác biệt ngăn cách,sống hòa thuận và trách nhiệm,để trở nên dấu chỉ của hợp nhất và yêu thương,dấu chỉ của Thiên Chúa đang hiện diện giữa cuộc đời này.
Chúng ta chiêm ngắm mẫu của thánh tử đạo Việt Nam,để tập luyện mỗi ngày về nhân đức yêu thương, biết hy sinh cho con cái,chăm lo giáo dục đức tin cho con cái của mình, can đảm chọn Chúa là tất cả lẽ sống cho cuộc đời mình
Chịu ảnh hưởng trực tiếp của chiếu chỉ Phân Sáp, năm giáo hữu đồng hương xứ Ngọc Cục, tỉnh Nam Định (nay là giáo xứ Ngọc Tiên, Giáo phận Bùi Chu) là các ông: Đaminh Nguyên, Anrê Tường, Vinhsơn Tương, Đaminh Mạo và Đaminh Nhi đã đồng lao cộng khổ, để cuối cùng được hưởng vinh phúc Tử Đạo. Vì cương quyết khước từ chà đạp lên Thánh Giá, một hành vi chối đạo xúc phạm đến Chúa, Quan phủ Xuân Trường giận dữ bắt giam các ông.
Trong hơn bảy tháng bị giam cầm, cổ mang gông, chân tay xiềng xích, lính dùng kìm nung đỏ khắc chữ trên mặt các chứng nhân một bên là chữ “tả đạo” một bên là tên làng xã, các ông vẫn hằng ngày quây quần bên nhau cầu nguyện, đọc kinh Mân Côi, cùng nhau dâng lên Chúa lời tuyên xưng vào sự quan phòng và phó dâng đời mình cho Thánh Ý Chúa. Nhờ lời cầu nguyện mà các ông đã can đảm lướt thắng trước mọi lời dụ dỗ chối đạo. Ông Đaminh Mạo đại diện anh em khẳng khái tuyên xưng: “Sao quan lại dụ dỗ chúng tôi như vậy? Nếu chà đạp Thánh Giá để khỏi bị bắt và bị đánh đập, thì chúng tôi đã làm ngay tại quê nhà của chúng tôi rồi, dại gì phải trải qua biết bao cực khổ nơi đây. Bây giờ thì quan cứ làm theo ý quan, chúng tôi không bao giờ bỏ đạo đâu”. Tức giận trước những lời trên, quan liền truyền xử tử ngay năm vị tôi tớ kiên trung của Chúa, hôm đó là ngày 16/06/1862.
Đức thánh cha Piô XII đã long trọng tuyên phong năm vị tử đạo lên bậc Chân Phước ngày 29/04/1951. Ngày 19/06/1988, Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II tôn phong các ngài lên hàng Hiển thánh.