Trong lịch sử văn hóa Trung Hoa, con hạc là biểu tượng của sự trường thọ, sự thanh cao và diễn tả khát vọng của con người muốn vươn lên đến Chân, Thiện, Mỹ…
Vì thế, có một huyền thoại về con hạc như sau:
Ngày xưa hạc là loài chim thấp bé, và xấu xí. Khi nghe biết ở Xứ Mặt Trời có loài dạ thảo ăn vào sẽ trở nên xinh đẹp. Thế là vào một buổi sáng kia, hạc cất cánh bay về phía mặt trời. Hạc vươn cổ, duỗi chân mải miết vỗ cánh đuổi theo mặt trời. Nhưng mặt trời xa quá. Lúc thì lặn xuống, khi thì mọc lên. Hạc cứ bay mãi, bay hoài, bay từ ngày này sang ngày khác mà cũng không đến được Xứ Mặt Trời.
Một buổi chiều, khi cánh hạc đã mỏi rã rời, thân xác hạc hao gầy, hạc rơi xuống nằm gục bên bờ suối. Buổi sáng khi mặt trời mọc lên, hạc soi mình vào dòng suối. Ô kìa! hạc không nhận ra mình nữa! Cổ hạc đã dài ra, chân hạc trở nên thon nhỏ, thân mình hạc trông hết sức thanh nhã. Có ngờ đâu, sau những tháng ngày dài cứ mãi vươn cổ, duỗi chân, vỗ cánh đuổi theo mặt trời từ đông sang tây, rồi lại từ tây sang đông đã làm cho hạc thích nghi với những tư thế đầy cố gắng và trở nên xinh đẹp như thế.
Cuộc đời người tín hữu là một cuộc hành trình của niềm tin hướng về Chúa, Đấng là Chân, Thiện, Mỹ, là Hạnh Phúc Vĩnh Cửu. Có thể nói, đó là cuộc “leo núi” đầy gian khổ để gặp gỡ Chúa. Vào những lúc ta tưởng như mình kiệt sức và thất bại, thì chính lúc ấy Chúa sẽ “hé lộ” vinh quang của Ngài, cho ta nếm thử niềm hạnh phúc ngọt ngào để nâng đỡ và củng cố đức tin của chúng ta.
Đây chính là kinh nghiệm của ba Tông Đồ Phêrô, Giacôbê và Gioan mà Tin Mừng Thánh Luca thuật lại hôm nay: các tông đồ đã theo Chúa lên núi cầu nguyện. Có lẽ sau cuộc “leo núi” mệt nhọc, các ông đã nằm ngủ mê mệt. Lúc ấy, Chúa đã biến hình với ánh vinh quang rực rỡ, có Môisen và Êlia cùng đàm đạo với Ngài. Các tông đồ tỉnh giấc cảm thấy hạnh phúc ngây ngất trước cảnh huy hoàng sáng láng ấy. Chúa muốn dạy các tông đồ: phải qua thập giá mới đến vinh quang. Đó cũng là cách Chúa nâng đỡ và củng cố đức tin của các ông.
Cuộc hành trình đức tin của chúng ta cũng là cuộc “leo núi” như thế. chúng ta đi tìm kiếm và gặp gỡ Thiên Chúa là niềm hạnh phúc và vinh hiển đời ta. Trên cuộc hành trình đức tin ấy, Chúa luôn nâng đỡ và dìu dắt ta bằng tình yêu và sức mạnh của Ngài. Miễn là chúng ta luôn cậy trông và phó thác nơi Ngài.
Lửa thử vàng, gian nan thử đức. Phải chăng đó là bài học dành cho chúng ta hôm nay? Đức tin không được tôi luyện bằng gian nan thử thách thì không phải là đức tin bền vững. Bài học lớn nhất về niềm tin là bài học từ cây thập giá.
Khởi đi từ con đường Đamas, Phaolô đã bị Chúa quật ngã khi hăng say đi bắt bớ đạo Chúa, Ngài đã bước vào một cuộc hành trình mới: cuộc hành trình đức tin của một tông đồ. Cuộc hành trình rao giảng Đức Kitô đầy gian nguy và đau khổ, nhưng với ơn Chúa, Ngài đã vượt qua tất cả để đi đến cùng. Vì thế, thánh Phaolô đã có thể khích lệ chúng ta tin tưởng cậy trông vào Thiên Chúa để được biến đổi nên vinh hiển như Người (nội dung được thấy nơi Bài Đọc II hôm nay).
Lạy Chúa, cuộc đời người Kitô hữu là một cuộc thao luyện đức tin, xin hãy nâng đỡ và củng cố đức tin chúng con nên vững mạnh để chúng con trung kiên đi theo Chúa tới cùng. Chúa đã vác thập giá lên đỉnh đồi Canvê. Đây chính là cuộc hành trình đức tin mà chúng con đang đi. Xin Chúa luôn đồng hành và nâng đỡ dìu dắt chúng con.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn