(Lc 9, 28b-36)
Thiên Chúa dựng nên con người giống hình ảnh Thiên Chúa và ban cho họ được sống trong hạnh phúc với Người. Tuy nhiên, ông bà Nguyên tổ vì sự bất vâng phục, đã phạm tội dẫn tới đánh mất tương quan hạnh phúc với Thiên Chúa. Dẫu vậy, Thiên Chúa không để nhân loại chìm sâu mãi trong tội, bởi Người luôn yêu thế gian, nên đã ban Con Một là Đức Kitô đến để cứu độ nhân loại. Giáo hội bước vào phụng vụ Chúa Nhật II mùa Chay, Lời Chúa nhắn bảo cho các Kitô hữu về đời sống đức tin vào Đức Kitô, và nhờ Người mà biến đổi sự yếu hèn của mình trở nên xứng đáng con cái Thiên Chúa.
1. Sống niềm tin vào Đức Kitô
Bài đọc thứ nhất trích trong sách Sáng Thế, trình thuật cho chúng ta về một nhân chứng đức tin tuyệt đối vào Thiên Chúa là tổ phụ Apraham (x. St 15,5-12.17-18), với lòng tin của tổ phụ Apraham, thánh Phaolô tông đồ khẳng định rằng: “Nhờ đức tin, chứ không phải Lề Luật và công nghiệp của mình, mà chúng ta được ơn công chính” (Rm 3,28). Như vậy, thành quả mà đức tin mang lại không gì khác ngoài Đức Kitô. Nhờ Người, cuộc sống chúng ta trở nên an vui và ý nghĩa (x. Rm 5,1). Hoặc như lời khẳng định của Đức thánh cha Bênêđictô XVI: “Đức tin có nghĩa là nhìn Đức Kitô, đặt mình vào Đức Kitô, gắn bó với Đức Kitô, đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, với đời sống của Người” [*]
Quả thật, thánh Phaolô trình bày đức tin chúng ta là nhờ vào Đức Kitô, vì Người đã vâng lời Chúa Cha hạ mình đến trong thế gian để rao giảng Nước Trời và cứu độ nhân loại: “Đức Giêsu Kitô, vốn dĩ là Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nộ lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế”(Pl 2, 6-8)). Trong thời gian Đức Giêsu sống kiếp phàm nhân, Người đã chọn gọi các tông đồ đi theo để giảng dạy và truyền trao đức tin cho họ, để họ mang sứ vụ làm chứng nhân cho Người, đồng thời, từng bước chuẩn bị để họ tin vào cuộc thương khó mà Người sẽ thực hiện.
Tuy nhiên, khi Chúa Giêsu thông báo về cuộc thương khó Người phải chịu, thì tâm trạng các môn đệ không thể chấp nhận, trong đó chính thánh Phêrô đã ngăn cản Người: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy!” (Mt 16,22). Bởi vậy, khi Chúa Giêsu thấy lòng tin của các tông đồ chưa vững mạnh, nên để cũng cố cho các ngài, Người đem theo ba môn đệ là Phêrô, Gioan và Giacôbê lên núi, và “Chúa Giêsu khi đang cầu nguyện thì dung nhan Người biến đổi, dung mạo Người trở nên trắng như tuyết”(Lc 9,29. Ba môn đệ được diện kiến ánh vinh quang rạng ngời từ Chúa Giêsu, các ngài đã cảm nhận rõ niềm hạnh phúc, muốn được ở lại để chiêm ngưỡng và đón nhận, thánh Phêrô thưa với Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, chúng con được ở đây thật là hay!”(Lc 9,33).
Thật vậy, con người khi cảm nhận được điều gì hạnh phúc, thì sẽ muốn mình đạt cho được, sẽ thao thức giữ mãi. Thế nhưng, để có được hạnh phúc chúng ta phải trải qua những cố gắng, hi sinh. Đặc biệt, muốn đạt được hạnh phúc Nước Trời, thì mỗi người phải đón nhận vác thập giá mỗi ngày mà theo Chúa. Như Chúa đã phán: “Ai muốn theo Tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mỗi ngày mà theo”(Lc 9,23). Đi theo Đức Kitô là bước vào con đường của tình yêu, chính Chúa Giêsu đi vào thương khó vì yêu nhân loại và Ngài đã đạt vinh quang. Do đó, trong hành trình sống đức tin dù có nhiều thử thách, gian khó, đau thương, tưởng chừng như vô vọng, nhưng Thiên Chúa luôn yêu thương và ban thưởng cho những ai trung tín.
Chúng ta là “những người được kêu gọi để thuộc về Thiên Chúa” (Rm 1,6). Vì thế, mỗi người phải vượt thắng những mãnh lực đang làm xói mòn đức tin hay lôi kéo chúng ta lạc xa Thiên Chúa. Có như thế, ân sủng Thiên Chúa đến với ta cách viên mãn, được biến đổi nên một con người mới, giống hình ảnh Thiên Chúa và được sống trong mối thân tình với Người.
Cùng với đó, Chúa Giêsu trong cuộc biến hình để bày tỏ vinh quang, thì từ đám mây có tiếng Chúa Cha phán: “Đây là Con Ta, Người được Ta tuyển chọn, Hãy lắng nghe lời Người”(Lc 9,35). Khi xưa, đám mây là ánh sáng dẫn đường cho dân Itrael trong hành trình sa mạc tiến về đất hứa. Vì thế, ngày nay, chúng ta phải lắng nghe Lời Chúa, có thực hành Lời Chúa, mới sống đúng giá trị Tin Mừng. Vì Đức Giêsu đã nói: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy” (Ga 4,34). Để thực thi được những điều đó, mỗi chúng ta phải canh tân đời sống mỗi ngày, phải sống cuộc đời biến đổi trong thân xác yếu hèn của chúng ta để nên một với Đức Kitô.
2. Các Kitô hữu sống biến đổi mình để nên một với Đức Kitô
Cuộc sống luôn là một cuộc biến đổi, vì có biến đổi mới phát triển và tồn tại, từ môi trường, hành động hằng ngày của mỗi người, đến đời sống đức tin của Kitô hữu luôn là cuộc biến đổi không ngừng, nói cách khác là cuộc “biến hình” cùng Đức Giêsu.
Thật vậy, các Kitô hữu sống niềm tin vào Thiên Chúa, cần phải biến đổi mỗi ngày để trở nên xứng đáng với Chúa và làm chứng nhân Tin Mừng cho tha nhân, vì có Chúa Kitô là đầu, chính nhờ Người để sự biến đổi của chúng ta trở nên xứng đáng. Trong bài đọc hai, thánh tông đồ Phaolô đã xác tín rằng, “Đức Kitô có quyền năng biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta, nên giống thân xác vinh hiển của Người”(Pl 3.21). Bởi vậy, chúng ta hãy đặt trọn vẹn và phó thác vào Người. Vì chúng ta là thân phận yếu hèn không thể tự cứu mình được, mà phải cậy dựa vào ơn Chúa, vào quyền năng của Người.
Do đó, đừng ai dám tự hào về bản thân, nhưng hãy phó thác vào Chúa, thánh Phalô đã phải căn dặn: “Ai tưởng mình đứng vững, hãy coi chừng kẻo ngã” (1Cr 10,12). Quả thật, bước đi theo Chúa, có những lúc chúng ta được chiêm ngưỡng cảm thấy ngay hạnh phúc và muốn tiến bước dấn thân, nhưng cũng không tránh khỏi những biến cố chúng ta phải đối diện với muôn vàn khó khăn, gian khổ. Vậy nên, đòi buộc chúng ta phải can đảm đón nhận, cần phải có lòng kiên vững trong đức tin và không nản chí trước những thách đố, cám dỗ của thời đại. Vì có thể, trong những biến cố xảy đến, chúng ta mới nhận ra được hồng ân của Chúa, minh chứng là trường hợp ngôn sứ Giona (Gn 3,1-10). Vì đối với các Kitô hữu, hiện diện trong trần gian cũng là một cuộc biến đổi không ngừng. Thánh Phaolô trong thư gửi cộng đoàn tín hữu Philipphê đã nhắc mọi người phải cố gắng không ngừng, để hoàn thiện bản thân nhờ những thực hành đạo đức.
Như vậy, Giáo hội đang sống trong mùa Chay, Lời Chúa nhắn nhủ chúng ta canh tân về đời sống đức tin của mình, đây là thời gian thuận tiện để mỗi người nhìn lại đời sống và cách hành xử trong tương quan với Thiên Chúa và tha nhân, đặc biệt chuẩn bị tâm hồn thanh sạch để đón nhận mầu nhiệm Phục sinh của Đức Kitô. Amen
M. Andrê Tường
[*] Đức thánh cha Bênêdictô XVI, Huấn Từ về Thánh Phaolô thứ tư, ngày 19/11/2008, Lm Aug. Nguyễn Văn Trinh dịch. Nxb: Hà Nội 2009, tr. 144.