Năm A
Suy niệm Tin Mừng Mt 11:2-11
“Thưa thầy, thầy có thật là đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?” câu hỏi bộc lộ tất cả nỗi khắc khoải của Gio-an, vị tiền hô có sứ mạng loan báo đấng Thiên Sai sẽ đến! Mà ông không ray rứt sao được, khi mà Thầy Giê-su xem ra không đáp ứng được các kỳ vọng mà ông và toàn dân Do Thái từng trông mong!
Bằng cả cuộc sống, Gio-an biết mình có sứ mạng duy nhất là rao truyền cho mọi người biết về việc đấng Mê-si-a sắp đến, về một triều đại mới sẽ xuất hiện. Và như mọi từng loan truyền, ông có lẽ tưởng rằng mình phải, hơn ai hết, biết rõ về đấng sẽ đến và triều đại ngài sẽ phải như thế nào. Các tiên tri thời Cựu Ước đã chẳng, bằng nhiều nét rất chi tiết, phác họa lên dung mạo của đấng Thiên Sai sẽ tới, và vương quốc của Ngài là gì? Và vì là một đan sĩ khắc khổ thuộc cộng đoàn Ê-sê-ni tại Kum-ram, Gio-an đã in sâu trong tâm trí hình ảnh của một Đấng Mê-si-a đầy những nét của sách khải huyền, có nghĩa là ngài sẽ là một con người nghiêm nghị, quyền uy, trừng trị và thanh lọc. Nhờ một mạc khải khác của Thần Khí tại sông Gio-đan, Gio-an còn được biết Giê-su Na-da-rét chính là vị phải đến đó (xem Ga 1:31-34); thậm chí ông còn giới thiệu Người cho vài môn đệ của mình. Kể từ đó Gio-an không ngừng nghe ngóng mọi tin tức về Thầy Giê-su. Thế nhưng trớ trêu thay, những gì ông nghe được lại hoàn toàn trái ngược với quan niệm ông đã từng có về đấng Mê-si-a truyền thống. Theo ông, nếu Giê-su là đấng thiên sai mà dân Do Thái hằng mong đợi, thì Người phải tỏ hiện trong lời nói và hành động của mình “cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống” (xem Mt 3:7-12). Vì lẽ đó, dầu bị giam hãm trong ngục thất, ông buộc phải sai sứ giả tới hỏi thẳng Người rằng “Thầy có phải là đấng phải đến không?” Đức Giê-su đã trả lời ông bằng cách chỉ cho sứ giả thấy một số công việc mình đang thực hiện, để họ về báo lại cho Gio-an. Các việc này ăn khớp hoàn toàn với những nét tiên tri I-sai-a đã sử dụng để mô tả về đấng Thiên Sai: “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gio-an những điều mắt thấy tai nghe: ‘người mù xem thấy, kẻ què đi được, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng” (Is 35:5; 61:1). Như vậy, qua lời giải đáp cụ thể đó, Thầy Giê-su muốn khẳng định cho vị tiền hô của mình biết: đấng Mê-si-a tiên quyết phải là con người từ nhân và cứu độ chứ không thể là con người luận phạt. Hơn thế nữa, Người không quên nhắn gởi tới ông lời mời gọi: chính ông cũng phải chấp nhận thay đổi từ bên trong để có thể tiếp thu được điều này. Lời mời gọi chắc chắn sẽ gây cho ông nỗi đau nhức không nhỏ, nhưng là cần thiết vì chính ông cũng phải chấp nhận Tin Mừng Đức Ki-tô: “Phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi”.
Người loan báo lại được nhắc nhở cần phải chỉnh sửa chính quan niệm mình có về Đấng mà mình có bổn phận loan báo, đó quả là một đòi hỏi gây nhiều đau đớn; thế nhưng, trường hợp của Gio-an lại là như thế đó! Trong một mức độ nào đó, đòi hỏi này cũng đang được gởi tới tất cả mọi Ki-tô hữu chúng ta, nhất là những ai có nhiệm vụ (= chuyên nghiệp) rao giảng hay loan báo Đức Giê-su cho kẻ khác, tức các linh mục tu sĩ, cách riêng các nhà truyền giáo chẳng hạn: phải chỉnh sửa không ngừng hình ảnh hay quan niệm họ vốn có về Đức Giê-su Ki-tô, sao cho ngày càng phù hợp với Tin Mừng cứu độ hơn nữa!
Tôi đã từng có một chút kinh nghiệm về điều này:
Trong tư cách một nhà truyền giáo, tất nhiên tôi mong muốn rao giảng Đức Ki-tô cho nhóm sinh viên Mongolia xin tôi dạy giáo lý. Trong khi ra sức giải thích sự khác biệt giữa đạo Shaman truyền thống của dân du mục Bắc Á, một tín ngưỡng hoàn toàn dựa trên nỗi sợ hãi các thần linh bí hiểm, với Tin Mừng cứu độ của Ki-tô giáo hoàn toàn đặt nền móng trên tình yêu của Thiên Chúa, tôi mới phát hiện ra rằng: sự hiểu biết của mình về Thiên Chúa và về Đức Ki-tô - bất chấp các môn thần học và giáo lý mình đã từng học sâu - cũng cần phải được chỉnh sửa lại. Tôi nhất thiết phải chuyển dịch trọng tâm của niềm tin mình, từ tin vào một Thiên Chúa luận phạt nghiêm minh qua một Thiên Chúa nhân hậu, giầu lòng từ bi và hay thương xót. Lời giảng dạy của tôi từ nay, thay vì nhấn trên tội / phúc thưởng / phạt, sẽ cần phải đề cập nhiều hơn tới ơn cứu độ và sự tha thứ của Thiên Chúa; thay vì kéo sự chú tâm tới các mặt luân lý để phân biệt tốt / xấu, làm lành / lánh dữ… thì hãy hướng cặp mắt đổ dần về Thập Giá cứu độ; thay vì chi ly với sự công thẳng đòi phải thanh luyện khắt khe, hãy để cho lòng từ ái Chúa bao bọc và dấn mình sâu hơn nữa vào vòng tay hiền mẫu…
Tiếp đó tôi khám phá ra rằng chính Phao-lô cũng đã từng trải qua một cuộc biến đổi tận căn như thế, nhất là phát xuất từ các quan niệm Cựu Ước, mà một Biệt Phái như ông từng theo đuổi trong nhiều năm tháng. Kể từ ngày gặp được Giê-su trên đường Đa-mát, ông đã hoàn toàn thay đổi: từ nay đối với ông chỉ một mình Đức Ki-tô Thập Giá mới là quan trọng hơn cả. Ông nhận ra sự công chính do ơn cứu độ Đức Ki-tô mang lại còn lớn hơn cả ngàn vạn lần sự công chính của tất cả các luật pháp trần gian gộp lại (xem 1 Cr 2:2 và Gl 6:14). Gần đây hơn nữa, tôi cũng đã nhận ra tư tưởng này nổi bật nơi thánh nữ Tê-rê-xa Hài Đồng Giê-su, nơi Mẹ Tê-rê-xa Can-cu-ta, cũng như nơi Thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II.
Thế thì mùa vọng này đúng là thời gian cần thiết để tôi, một linh mục giảng dạy cho kẻ khác, phải chuẩn bị đón Chúa, phải làm một cuộc hoán cải tận căn, một cuộc chỉnh sửa cần thiết để khám phá sâu rộng hơn nữa một Thiên Chúa giầu lòng xót thương và cứu độ. Mùa Vọng đối với tôi, phải là thời gian đưa mỗi người vào sau trong lòng thương xót.
Thánh Gio-an Tiền Hô ơi, theo tiếng ngài mời gọi con đang chuẩn bị tâm hồn đón Chúa đến! Qua bài Tin Mừng hôm nay, ngài cũng đang thôi thúc con tìm gặp một đấng Mê-si-a Cứu Độ thay vì một đấng Thiên Sai luận phạt công thẳng, điều mà chính ngài khi xưa đã từng được Thầy Giê-su mời gọi cải biến. Xin hãy giúp con và mọi Ki-tô hữu ngày càng nhận thức rõ hơn, Đấng Cứu Thế chính là hình ảnh trung thực của Thiên Chúa từ nhân; để rồi, qua cuộc sống và lời rao giảng, chúng con cũng có thể giới thiệu và trình bày Người cách trung thực cho nhiều anh chị em khác nữa. A-men
Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty SDB