Hiện nay, ở Việt Nam và nhiều nơi trên thế giới vẫn còn những hành vi bạo lực ngăn cản việc thực hành các nghi lễ tôn giáo, làm tổn thương đến cá nhân cũng như tập thể, cách riêng là với tập thể tôn giáo.
Tuy nhiên, với người Kitô hữu, khi nhìn những sự kiện trên dưới lăng kính truyền giáo và được soi sáng bởi bài Tin Mừng hôm nay, thì mọi việc dường như không có gì phải hoang mang, lo sợ. Bởi, chính Đức Giêsu đã từng nói trước với các môn đệ khi sai các ông đi truyền giáo: “Này Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy sói” (c.3). Hình ảnh chiên ở giữa bầy sói ám chỉ sự nguy hiểm, không an toàn và thậm chí có thể mất cả mạng sống.
Vì vậy, trong công cuộc truyền giáo, việc chống đối, cấm cách, bách hại, là chuyện khó có thể tránh được. Chính Đức Giêsu trong hành trình truyền giáo cũng đã phải đối diện với điều này: “Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước… Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em” (Ga 15,18.20). Không những thế, khi kết thúc hành trình rao giảng, Ngài phải trả giá bằng cái chết đau thương trên thập giá. Đến thời các Tông đồ cũng như những người kế vị các ngài, mọi sự cũng chẳng hơn gì. Những gì sách Công vụ Tông Đồ cũng như lịch sử Giáo hội ghi lại đã minh chứng cho chúng ta thấy điều đó.
Chống đối, khước từ, hay bách hại là điều không thể không có trên hành trình truyền giáo, không muốn nói nó như là điều tất yếu. Vì vậy, người môn đệ Đức Giêsu khi đối diện với những sự kiện ấy, một mặt đừng lấy làm ngạc nhiên hay hoang mang lo sợ, mặt khác phải luôn tín thác vào quyền năng và sự quan phòng của Thiên Chúa, đồng thời tìm cách để làm sao trong mọi hoàn cảnh Tin Mừng vẫn luôn được rao giảng. Ở điểm này, thiết nghĩ người môn đệ khôn ngoan không cần tìm đâu xa mà chỉ cần theo sát lời dạy của Đức Giêsu “vào bất cứ nhà nào, thì trước tiên hãy nói: “Bình an cho nhà này” (c.5). Hẳn thật, hành trang mà người môn đệ Đức Giêsu mang theo không là gì khác ngoài sự bình an. Đó chính là Tin Mừng, là chính Chúa: “Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không phải theo kiểu thế gian” (Ga 14, 27).
Giữa một thế giới đầy bạo lực, hận thù, thì sự bình an đích thực là điều cần thiết. Khi sai các người môn đệ ra đi, Đức Giêsu đã chỉ thị: “Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép” (c.4) nhưng là “sự bình an”. Bình an, đó chính là hành trang mà người môn đệ sẽ mang đến mọi nơi, kể cả những nơi có hận thù, chiến tranh: “Để con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm” (KHB).
Hình ảnh cuộc đời tù tội của đức cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận sẽ là một minh chứng cho điều này. Nhìn cuộc đời tù tội của ngài dưới lăng kính truyền giáo thì phải nhìn nhận là không có môi trường truyền giáo nào khắc nghiệt hơn. Thế nhưng, với một tâm hồn bình an được ướp mặn bởi “muối và men” Tin Mừng, ngài đã biến chốn lao tù thành môi trường truyền giáo lý tưởng. Cụ thể là phòng giam thành nhà nguyện, kẻ đối đầu thành người tri kỷ, người giám sát thành những học trò thân yêu (x. Năm Chiếc Bánh và Hai Con Cá). Gương sống của ngài là điểm sáng của Tin Mừng giữa cuộc đời. Đây là điều mà người môn đệ Đức Kitô nên học hỏi để trong mọi hoàn cảnh Tin Mừng của Chúa vẫn được loan báo cho mọi người.
Luân An