Thức ăn, nước uống không chỉ là mối lo của riêng người nghèo, nhưng đó còn là mối lo chung của hàng tỷ người trên thế giới, kể cả người giàu. Người giàu, họ có nhiều tiền của cũng phải tính toán bữa ăn làm sao, thức uống thế nào cho đúng với sở thích của mình. Người nghèo thì phải loay hoay làm sao cho có của ăn qua ngày đoạn tháng, hay phải làm sao để “được bữa trưa còn lưa bữa tối”. Có lẽ vì thế, trong sinh hoạt thường nhật của con người, những bận tâm, những nỗ lực tìm kiếm của ăn, thức uống để nuôi thân xác đã phải mất nhiều công sức và nhiều thời gian hơn hết.
Cũng chỉ vì muốn sống và tồn tại trên cõi đời, người nghèo bị hút vào công việc lam lũ nhọc nhằn, để thỏa mãn cái đói cấp bách của thân xác, người giàu thì mê mải với bao tiện nghi đang mời gọi. Họ bị ám ảnh và chạy đua với thời gian, với những mặt hàng mới, để làm sao đạt được sự thỏa mãn cho thân xác. Và rốt cuộc, kẻ nghèo người giàu cũng đều có nguy cơ bị đánh mất đi sự đói khát tinh thần, đói khát tâm linh, hay nói một cách có tính tôn giáo hơn, là đói khát cho phần rỗi của linh hồn.
Thật vậy, con người không những chỉ dừng lại với những gì để làm thỏa mãn thân xác tạm bợ, kể cả danh vọng, đồ ăn thức uống, nhưng họ còn có đời sống tôn giáo, luôn hướng về sự cao cả thiêng liêng, nên phần hồn cần được nuôi dưỡng để đảm bảo cho sự sống trường tồn. Đức Giêsu đã khơi dậy những khát khao tốt đẹp đó đang ngủ quên trong con người. Người không cho dân chúng thứ Manna từ trời rơi xuống, để mỗi ngày họ phải lượm mà ăn như hồi ở Sa mạc thời Cựu Ước, nhưng Người hứa ban cho họ thứ bánh trường sinh: “Chính tôi là bánh trường sinh từ trời xuống”. Người cũng không ban cho họ một mạch nước từ núi đá chảy ra, hay trào lên từ giếng Gia-cóp, nhưng Người hứa ban cho thứ nước hằng sống.
Bên bờ giếng Gia-cóp, người phụ nữ Sa-ma-ri đi lấy nước uống, nhưng thứ nước bà lấy để uống chỉ làm cho đã cơn khát tạm thời của thân xác, chứ không thể làm cho thỏa mãn cơn khát của tâm hồn. Chúa Giêsu đã chỉ cho người phụ nữ Sa-ma-ri biết rằng, có một thứ nước uống vào chẳng khát bao giờ, nhưng đem lại sự sống đời đời. Đó là nước hằng sống: “Ai uống nước này sẽ lại khát. Còn ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời” (Ga 4,14). Người phụ nữ đã khiêm tốn mở miệng xin Chúa Giêsu thứ nước đó, và chị đã được như ý: “Xin ông cho thôi thứ nước ấy, để tôi hết khát và khỏi phải đến đây lấy nước” (Ga 4,15).
Chúa Giêsu không những chỉ khơi dậy trong tâm hồn con người khao khát nước trường sinh từ trời xuống như người phụ nữ bên bờ giếng Gia-cóp, nhưng Người còn hướng con người đến bánh trường sinh mà chính Người mang xuống từ trời cao. Đúng thế, khi những người Do Thái rong ruổi theo Chúa Giêsu, lắng nghe lời Người, được Người làm phép lạ bánh và cá hóa nhiều, họ được ăn no nê và tiếp tục tìm Chúa để thỏa mãn cho cái bụng của mình. Chúa Giêsu không chấp nhận thái độ đi tìm Chúa của họ như thế, họ đi tìm Chúa chỉ vì miếng ăn, chứ không phải vì tin yêu: “Các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông được ăn bánh no nê. Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh” (Ga 6,26-27).
Lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh là thứ lương thực gì vậy? Chính Chúa Giêsu đã trả lời cho chúng ta biết, lương thực trường tồn chính là Ngài: “Chính tôi là bánh trường sinh từ trời xuống. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ” (Ga 6,35).
Như thế, đã rõ, Chúa Giêsu chính là lương thực trường tồn, vì Người đã mạc khải cho chúng ta biết, Người là bánh trường sinh, bánh hằng sống, bánh tác động nên đời sống Kitô hữu. Khi chúng ta ăn bánh thông thường, chúng ta tiêu hóa và đồng hóa bánh, còn khi ta ăn bánh trường sinh, tức là Mình Thánh Chúa Kitô thì chính bánh này đồng hóa chúng ta. Chúa Kitô biến đổi chúng ta, ban cho chúng ta sự sống của Người và kết hợp chúng ta vào sự sống Thần Linh của Người, nên chúng ta sẽ có sự sống đời đời trong Người (x. Chú giải Nhóm Phiên Dịch CGKPV, Lời Chúa Cho Mọi Người, tr. 446). Chính Chúa Giêsu cũng đã khẳng định rõ điều đó khi Người nói: “Kẻ ăn tôi cũng sẽ nhờ tôi mà được sống” (Ga 6,57).
Trong thời buổi khó khăn gian khổ bởi cơn đại dịch Covid tàn phá, nhiều người không những chỉ bị virus corona giết chết, mà còn thiếu lương thực, nước uống, nên thân thể trở nên suy yếu, nếu không nói là chết dần, chết mòn. Sống trong hoàn cảnh như thế, chắc chắn người ta khao khát có thức ăn, nước uống để nuôi sống thân xác của mình. Nhưng, còn cao cả hơn hết là họ biết khao khát bánh trường sinh để nuôi sống linh hồn nữa, đó mới thật sự có giá trị vĩnh hằng.
Vậy nên, hãy đến với Giêsu và tin vào Người! Nếu chúng ta đang khao khát Tuyệt Đối thì chỉ có Đấng Tuyệt Đối mới làm cho chúng ta no thỏa mà thôi. Và Đấng Tuyệt Đối chính là Đức Giêsu - Ngôi Hai Thiên Chúa, Ngài sẽ làm cho chúng ta thoát được cơn khát, vì Ngài là nước hằng sống; Ngài cũng sẽ làm cho chúng ta được no thỏa, thoát được cơn đói, vì Ngài chính là bánh trường sinh, bánh hằng sống từ trời xuống để ban cho nhân loại.
Ước gì chúng ta luôn để cho Ngài nuôi dưỡng bằng lời giáo huấn, và tin tưởng dấn thân theo Ngài, phục vụ Ngài trong tha nhân, để nước trường sinh và bánh hằng sống được Thiên Chúa ban phát rộng rãi cho muôn người.
Minh An