Bà Êlisabét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gabrien đến một thành miền Galilê, gọi là Nadarét, gặp một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc nhà Ðavít. Trinh nữ ấy tên là Maria. Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Ðấng đầy ân sủng, Ðức Chúa ở cùng bà.” Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì. Sứ thần liền nói: “Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Ðấng Tối Cao. Ðức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Ðavít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.” Bà Maria thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!” Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Ðấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, người con sinh ra sẽ là thánh, và được gọi là Con Thiên Chúa. Kìa bà Êlisabét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.” Bấy giờ bà Maria nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.”Rồi sứ thần từ biệt ra đi.
Suy niệm:
Hôm nay,Chúa Nhật chúng ta mừng kính trọng lễ Đức Mẹ Mân Côi.Chúng ta được mời tái khám phá giá trị của lời Kinh Mân côi để thực hành và cầu nguyện hằng ngày.Trình thuật Tin Mừng của thánh sử Luca là việc truyền tin cho Đức Maria.Tuy nhiên câu chuyện được kết dệt theo một khuôn mẫu truyền thống về những lời loan báo về sự sinh nở có sự can thiệp của sứ thần. Sự kiện này xảy ra trong tháng thứ sáu khi bà chị họ Đức Maria mang thai người con của mình. Cặp vợ chồng này xuất thân từ hai gia đình đều thuộc dòng tộc tư tế.Biến cố truyền tin này, mặc dù xảy ra với hậu duệ của vua Đavít vĩ đại, nó lại chỉ xuất hiện ở một nơi xa khuất của miền Galilê.
Lời chào của sứ thân với Đức Maria là lời chào thông thường của người Hy Lạp. Phản ứng ban đầu của Đức Maria là sợ hãi, nhưng còn một lý do khác khiến Ngài lo lắng. Đức Maria, một phụ nữ được Thiên Chúa ban ơn, ở đây là được mời làm máng chuyển ơn cứu rỗi cho dân Chúa. Điều này rất có thể sẽ đòi hỏi Mẹ phải chịu những khó khăn và thử thách lớn lao.
Phản ứng của sứ thần vừa giúp Đức Mẹ an tâm vừa khiến Ngài bối rối. Đầu tiên Mẹ được bảo là đừng sợ hãi, nhưng những gì Mẹ được cho biết sau đó thực sự gây kinh sợ. Mẹ, một trinh nữ , sẽ sinh hạ một người con trai, tên của Người cho thấy vai trò Người nắm giữ trong kế hoạch của Thiên Chúa: (“Giêsu” có nghĩa là “Chúa cứu chuộc”) Người sẽ là một Đấng Cứu Tinh; Người sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao; và Người sẽ là hậu duệ cuối cùng của Đavít. Lời đáp trả của Maria là không hỏi lại tất cả những điều này có thể xảy ra theo kế hoạch của Thiên Chúa hay không, nhưng Ngài tự hỏi nó sẽ xảy ra như thế nào, vì Ngài là một trinh nữ. Sứ thần Gáprien trả lời rằng Mẹ sẽ được Thần Khí và quyền năng của Chúa bao phủ. Biến cố thụ thai Ngôi Hai trong lòng Mẹ là việc Thiên Chúa làm.
Thiên thần còn trấn an Maria về khả năng xảy ra tất cả những điều này bằng cách cho Ngài một dấu chỉ cụ thể. Người bà con Elisabét của Mẹ cũng đã mang thai một người con trai, mặc dù hoàn cảnh này không thể xảy ra. Tuyên bố rằng: “Không có gì mà Thiên Chúa không làm được” lặp lại lời Thiên Chúa nói với Abraham trong hoàn cảnh tương tự, bảo đảm với ông về sự ra đời của Isaác trong tương lai/
Quang cảnh bài Tin Mừng kết thúc với sự ưng thuận của Maria. Lời đáp trả của Ngài còn cho thấy Ngài hoàn toàn tự do trước lời mời gọi của Thiên Chúa. Mặc dù là một người tôi tá Chúa, Mẹ cũng là một hình mẫu của thái độ mở rộng tâm hồn đón nhận Lời Thiên Chúa, bất kể những điều được coi là bất khả dưới con mắt loài người và viễn cảnh của những khó khăn tiếp theo đó. Như vậy qua đó chúng ta thấy rằng, những niềm ước mong trong quá khứ đang được thực hiện; kế hoạch của Thiên Chúa sắp được hoàn tất.
Năm 1929, chỉ 17 ngày trước sinh nhật thứ 9 của mình, cậu bé Karol Wojtyla - vị Giáo hoàng Gioan Phaolô II tương lai - từ trường học về nhà vào buổi tối. Cậu đã quen với việc nhìn thấy cha mình - một người lính mạnh mẽ trong quân đội Ba Lan - quỳ gối cầu nguyện trên sàn gỗ cứng trong phòng khách nhà họ. Tuy nhiên ngày hôm đó, khi Karol nhìn thấy cha mình cầu nguyện, cậu thấy đầu gối cha mình ướt đẫm trong một vũng nước mắt. “Có chuyện gì vậy, Papa?” Giáo hoàng tương lai hỏi cha mình. “Karol à, mẹ của con vừa mới mất rồi!” là câu trả lời của cha cậu. Quá bất ngờ, và không biết phải làm gì, cậu bé tám tuổi chạy ra khỏi nhà, vội đến nhà thờ giáo xứ ở Wadowice, cách căn hộ Wojtyla chưa đầy nửa dãy nhà. Cậu bước vào nhà thờ và gần như theo bản năng, chạy lên lối giữa đến quỳ gối trước tượng Đức Mẹ, và với chính giọt nước mắt của mình, cầu nguyện với Ngài: “Lạy Mẹ Chúa Giêsu, con không biết tại sao Chúa bắt mẹ con về nhà Cha vào thời điểm này. Nhưng con biết một điều: Bây giờ Mẹ là mẹ của con!” Đức Thánh Cha, ngài đã phó dâng cho Đức Mẹ trước sinh nhật thứ chín, tiếp tục dâng mình cho Đức Mẹ luôn mãi. Khẩu hiệu của ngài, “Totus Tuus,” xuất phát từ lời cầu nguyện dâng mình cho Đức Mẹ của thánh Louis Marie Grignion de Montfort, người đã cầu nguyện mỗi ngày: “Hỡi Maria! Con là tất cả của Mẹ, và tất cả những gì con có đều là của Mẹ. Con hoàn toàn đón Mẹ vào nhà của con. Hỡi Maria! xin ban cho con trái tim của Mẹ,” để con có thể yêu mến Chúa hơn.