ANH EM HÃY NHẬN LẤY THÁNH THẦN
-----------
Công Đồng Vatican II đã mang lại những thay đổi căn bản rất quan trọng trong đời sống Giáo hộ Công Giáo. Có thể nói, Công đồng như một làn gió mới thổi vào làm thay đổi toàn diện bộ mặt đời sống đức tin của Giáo hội. Khi nhắc đến Công Đồng này, hẳn người ta sẽ không thể quên được hình ảnh “cánh cửa được mở ra”. Chuyện kể rằng khi có người hỏi Giáo Hoàng Gioan XXIII tại sao cần triệu tập một công đồng, Rất đơn giản, ngài đã tiến đến mở một chiếc cửa sổ và nói: “Hãy mở cửa ra để Thần Khí Chúa có thể thổi những làn gió mới vào trong Giáo hội”.
Đức tin Công Giáo tuyên xưng niềm tin vào một Thiên Chúa Ba Ngôi, trong đó Thánh Thần chính là Ngôi Ba Thiên Chúa, bởi Chúa Cha và Chúa Con mà ra. Thánh Thần Chúa là đấng hằng luôn dẫn dắt, canh tân và thánh hóa Giáo hội. Kể từ khi được Đức Giêsu thiết lập cho đến ngày nay, Giáo hội vẫn luôn bước đi trong sự dẫn dắt và hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Bài tin Mừng hôm nay diễn tả lại việc Đức Giêsu ban Thánh Thần cho các môn đệ, để các ông bắt đầu sứ vụ rao giảng Tin Mừng, mở đầu cho thời kỳ truyền giáo của Giáo hội. Buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, Đức Giêsu Phục Sinh đã hiện ra cho các tông đồ. Ngài thổi hơi trên các ông và bảo: “anh em hãy nhận lãnh Thánh Thần, anh em tha tôi cho ai thì người ấy được tha, anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ”. Nhờ Chúa Thánh Thần, Đức Giêsu đã biến đổi các môn đệ, đưa các ông từ những kẻ sợ hãi đến nỗi phải đóng kín cửa, thành những người có đủ can đảm và hiểu biết để ra đi phân phát mầu nhiệm Thiên Chúa. Các Tông đồ đã được lãnh nhận Chúa Thánh Thần, được chia sẻ quyền bính tha tội của Chúa, được biến đổi để trở thành những kẻ tiếp tục sứ mạng của Chúa: “hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ Thầy”. Ở đây có một chi tiết rất đặc biệt, đó là trước khi ban Thánh Thần cho các tông đồ, Đức Giêsu đã ban cho các ông sự bình an của người. “Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em!”. Sự bình an ấy giúp các ông thay vì sợ hãi sẽ phải chết giống như Thầy mình, lại trở nên mạnh mẽ, can đảm ra đi và sẵn sàng chịu chết để làm chứng cho Thầy chí thánh. Sự bình an ấy còn là tiền đề để giúp các ông có thể nhận ra Thánh Thần đang hoạt động trong mình, bởi con người chỉ có thể nhận ra hoạt động của Thánh Thần Chúa khi chúng ta có sự bình an và không sợ hãi. Được đón nhận bình an của Đức Giêsu, được biến đổi nhờ Chúa Thánh Thần, các Tông đồ đã mạnh dạn ra đi để biến đổi muôn dân thành môn đệ Đức Kitô. Hình ảnh Đức Giêsu thổi hơi vào các môn đệ khiến chúng ta nhớ lại hình ảnh trong công trình sáng tạo của Thiên Chúa, trong đó Người cũng đã thổi hơi vào con người đầu tiên là Adam để truyền sự sống. Như vậy, việc Đức Giêsu thổi hơi vào các Tông đồ cho chúng ta liên tưởng rằng, Ngài cũng đang ban sự sống mới cho các ông. Sự sống ấy sẽ không bao giờ bị diệt vong. Nếu như xưa kia Đức Giêsu đã trao thần khí sự sống mới cho các Tông đồ, thì ngày nay qua Giáo hội, chúng ta cũng đang được thừa hưởng sự sống thần thiêng ấy. Chúa Thánh Thần là hơi thở của Chúa Giêsu Phục sinh, hơi thở ấy được chuyển thông lại cho Giáo hội. Bởi vậy, một khi gia nhập vào Giáo hội thông qua Bí tích Rửa tội các Kitô hữu nhận lãnh Chúa Thánh Thần, được tái sinh trong đời sống mới.
Đức Giêsu đã trao lại quyền bính của người cho các tông đồ, để các ông nhân danh Người mà tha tội cho muôn dân. Nhờ đó, con người được tái sinh, được đón nhận một sự sống mới. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha. Anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ. Lẽ đương nhiên, các Tông đồ tự bản chất cũng là một thọ tạo, họ không có quyền tha tội. Tuy nhiên, nhờ ơn Thánh Thần thánh hóa, họ nhân danh Đức Giêsu để tha tội cho mọi người. Nhờ được tha tội, con người được tham dự vào nguồn sống mới, được hưởng sự bình anh phục sinh của Đức Giêsu. Chính Chúa Thánh Thần là đấng tẩy rửa mỗi tâm hồn khỏi tội lỗi và làm cho chúng ta trở nên chi thể của Chúa Kitô, là con cái của Chúa Cha. Ơn tha tội mà chúng ta có được phát xuất từ sự hiện diện của Chúa Thánh Thần nơi Bí tích Rửa tội và Hòa giải. Chính nhờ hai bí tích ấy mà mỗi người được giao hòa với Thiên Chúa được trở thành một thọ tạo mới, sống một đời sống mới.
Như vậy, Thánh Thần không chỉ giúp thánh hóa và biến đổi tâm hồn các tông đồ xưa kia, giúp các ông trở nên mạnh mẽ rao giảng và xây dựng Giáo hội Chúa Kitô, mà ngày nay, thông qua sự hiện diện của Chúa Thánh Thần nơi các Bí tích, mọi tín hữu được tham dự vào nguồn sống mới, được ơn tha tội để trở thành chi thể của Đức Kitô. Mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống hôm nay là một cơ hội để chúng ta nhìn nhận vai trò đặc biệt của Người trong hội thánh. Những gì Chúa Thánh Thần đã làm nơi các tông đồ xưa kia, bây giờ Ngài cũng thực hiện nơi chúng ta. Nhờ sự dẫn dắt và thánh hóa của Chúa Thánh Thần, Giáo hội Chúa vẫn kiên vững bước đi trước biết bao sóng gió và thử thách hơn hai ngàn năm qua. Nhờ Chúa Thánh Thần, người tín hữu được đóng nhận sự bình an phục sinh, được sống một cuộc sống mới, cuộc sống siêu nhiên của người con cái Chúa. Xin cho chúng ta ý thức được rằng, mình đã được lãnh nhận ơn Chúa Thánh Thần nhờ Bí tích Thanh tẩy và Thêm sức, thì cũng hãy trở nên mạnh mẽ và can đảm như các tông đồ xưa kia, bước ra khỏi những căn phòng đóng kín, bước ra khỏi sự ích kỷ và tự tôn của bản thân, để đến với mọi người, trao ban bình an và tình yêu của Chúa Kitô cho họ. Chúng ta cùng cầu xin Chúa Thánh Thần soi sáng và hướng dẫn từng bước đường chúng ta đi, để ta không bao giờ lạc xa ý Chúa, không khi nào xa rời đường lối mà Thiên Chúa đã chỉ dạy cho chúng ta. Hơn nữa Chúa Thánh Thần là Thần chân lý, là Thần tình yêu và hiệp nhất, chúng ta cầu xin Ngài giúp chúng ta loại bỏ những sự cố chấp, thói gian dối, sự chia rẽ mà hằng sống khiêm nhường và chân thành, để nên nhân chứng cho Chúa Kitô phục sinh và cho Giáo hội Người giữa trần gian.
GỢI Ý CHIA SẺ:
- Tôi có bao giờ cầu nguyện với Chúa Thánh Thần? Hoặc có nhìn nhận ra tác động Người nơi Giáo hội, và chính nơi bản thân tôi?
- Tôi đã được Thánh Thần biến đổi một cách đặc biệt nơi Bí tích rửa tội và bí tích thêm sức. Vậy tôi đã làm gì để biến đổi người khác trở nên thánh thiện hơn?
THẦN KHÍ CHÚA
Sau khi được giải phóng khỏi ách nô lệ Ai-cập, dân Ít-ra-en được Chúa ban Lề luật Thập giới, quen gọi là Mười điều răn, để đóng ấn cho giao ước giữa Chúa và dân Ngài. Dân Chúa đã mừng kỷ niệm biến cố này 50 ngày sau lễ Vượt qua, nên gọi là lễ Ngũ tuần. Chính trong ngày lễ Ngũ tuần này, theo sách Tông đồ Công vụ, Thánh Thần Chúa đã hiện xuống “trên các thánh Tông đồ và Hội thánh mới lập”. Sách Công vụ tường thuật biến cố Hiện xuống bằng những lời văn gần giống như trong bài tường thuật việc Chúa tỏ mình trên núi Si-nai khi ban hành luật Mến Chúa yêu người. Cũng với khí thế ao ạt gió bão, Thánh Thần Thiên Chúa tràn ngập cộng đoàn Giáo hội sơ khai, lúc đó gồm 11 tông đồ, Đức Maria Mẹ Chúa Giêsu, một số quí bà khác và 120 môn đệ (Cv 1,15). Mỗi người đều được chan hòa Thần Khí của Chúa và cùng cất tiếng cao rao rằng các Lời Chúa hứa ban ơn cứu độ thì nay đã thành hiện thực. Trong bài giảng trước dân chúng, các Tông đồ nói bằng nhiều ngôn ngữ cho hết thảy các dân tộc được hiểu sứ điệp của Chúa, là sứ điệp về Tin Mừng cứu độ. ‘Hết thảy các dân tộc” nói đây là những người Do thái di tản (Diaspora) rải rác ở khắp các nước, bấy giờ tề tựu về Giêrusalem nhân ngày lễ Ngũ tuần.
Ngày nay, tác động của Thần Khí Thiên Chúa đã lan rộng khắp mặt địa cầu, đảm nhận mọi nền văn hóa riêng biệt và đa dạng trong một Giáo hội duy nhất. Sứ điệp Tin Mừng thì chỉ có một, nhưng với người Hoa, sứ điệp được truyền đạt bằng tiếng Hoa . Thần Khí Thiên Chúa chỉ có một, nhưng đối với người Việt Nam, thần hứng được diễn tả bằng những biểu hiện văn hóa Việt Nam, hợp với khẩu vị, tâm hồn người Việt Nam. Điều đó được kêu bằng hội nhập văn hóa.
Người Kitô hữu Việt Nam hôm nay cần sống đạo hài hòa với nền văn hóa dân tộc. Nền văn hóa này có những nét đặc biệt, riêng biệt. “Đó là coi trọng tình nhân ái và các liên hệ của tình nhân ái. Cụ thể như tình xót thương đối với kẻ nghèo khó, tình hiếu thảo đối với cha mẹ, ông bà, tổ tiên; tình chia sẻ thân thương đối với chòm xóm, tình người đối với mọi người”. (Đức Giám mục Bùi Tuần – công giáo và Đân tộc số 923 tr. 11).
Kitô hữu Việt Nam cần diễn ta Tin Mừng bằng những nét văn hóa dân tộc để, thông qua cách ăn nết ở của chúng ta, anh em đồng bào thấy rằng đạo Công giáo không phải là cây kiểng mọc trong chậu, được chở tới trưng bày ở Việt Nam, mà là một cây xanh thực sự ăn rễ sâu vào thổ ngơi Việt Nam, văn hóa Việt Nam.